Mẹ phụ nữ bị ném xuống sông: ‘Con gái tôi gặp phải ác quỷ’
Nhiều lần bị chồng đánh đập, chị Huyền không dám hé răng nói với bố mẹ đẻ nửa lời. Khi bị Huyền ly thân, Lâm rêu rao với nhiều người “nếu không quay lại sẽ giết” rồi đưa vợ lên cầu, ném xuống sông Hồng giữa đêm mưa.
Thắp hương cho con gái bị chồng ném xuống sông Hồng hơn nửa tháng trước, bà Lan khóc nức nở: “Con gái tôi gặp phải ác quỷ. Nếu nó không nhẫn nhục chịu đựng mà nói với bố mẹ, có lẽ chuyện đã không như thế này”. Từ hôm nhận được hung tin, chồng bà như mất hồn, người đàn ông bị tai biến ba năm nay chẳng thiết ăn uống, râu tóc lởm chởm không buồn cạo.
Hôm 26/8, gia đình bà được công an thông báo, tại sông Trà Lý (tiếp giáp sông Hồng) đoạn chảy qua huyện Đông Hưng (Thái Bình) phát hiện thi thể nữ trôi dạt vào bờ từ ngày 12/8. Do không rõ danh tính nạn nhân nên người dân bản địa đã an táng.
Gia đình bà ai nấy thấp thỏm, cầu mong đó không phải là chị Huyền, người phụ nữ xấu số bị gã chồng tàn ác ném xuống sông Hồng. Nhưng khi xuống đến nơi, em trai chị Huyền bàng hoàng nhận ra chiếc nhẫn cưới của chị gái vẫn đeo trong số di vật của người bị nạn.
Bà Lan kể, Huyền là con cả, xinh đẹp, ngoan ngoãn nhưng không ngờ số phận lại quá bất hạnh, chỉ vì chọn sai đường tình duyên mà mất mạng. Ngày chị gặp nạn cũng là ngày chị tròn 29 tuổi.
Trước đây, khi quyết định đến với Lâm, Huyền đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cha mẹ. Nhưng cô sinh viên ĐH Kiến trúc vẫn một mực yêu và lấy người phụ xe khách tuyến Phú Thọ – Hà Nội làm chồng. Năm 2006, hai người tổ chức đám cưới khi chị Huyền đang học năm thứ 3 rồi thuê phòng trọ dưới Hà Nội. Cả hai háo hức đón chờ đứa con trai đầu lòng ra đời.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, cưới nhau được ba năm, Lâm “giở chứng” cờ bạc, rồi sa vào nghiện hút. Đi làm được bao nhiêu tiền, Lâm nướng hết vào cờ bạc, ma túy rồi về nhà vòi tiền vợ. Có lần, hắn kề dao vào cổ Huyền, bắt chị phải đưa tiền đi mua thuốc. Chị không có tiền thì bị đánh đến thâm mày tím mặt. Người vợ đáng thương nhẫn nhục chịu đựng, không dám hé răng kể với bố mẹ nửa lời. Không chịu đựng nổi, chị Huyền làm đơn ly thân và tự nuôi con trai.
Lâm thực nghiệm lại hành vi hất vợ xuống sông tại cầu Thăng Long. Ảnh : Pháp luật Xã hội.
Video đang HOT
Lâm từng có hai tiền án, trong đó vụ tổ chức trò cờ bạc bịp trên xe khách và phải ở tù 5 tháng. Mãn hạn tù, không có việc làm, hắn tiếp tục đeo bám chị Huyền, mong được hàn gắn tình nghĩa vợ chồng. Theo lời kể của gia đình nạn nhân, có thể Lâm đã lên kế hoạch sát hại vợ từ lâu bởi trước khi sự việc xảy ra, anh ta từng rêu rao với một số người xung quanh “nếu nó không quay lại tao sẽ giết chết”.
Ai cũng tưởng hắn chỉ dọa cho chị Huyền sợ mà nối lại tình duyên. Không ngờ, gã ra tay tàn ác, ném vợ từ trên cầu Thăng Long xuống giữa sông Hồng. Mặc cho vợ vật lộn dưới dòng nước cuộn xiết trong đêm mưa, Lâm thản nhiên lấy xe máy của vợ, gồm đăng ký xe đi cắm ở hiệu cầm đồ trên thị trấn Phúc Yên, lấy 20 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Từ hôm gia đình lập bàn thờ, con trai 6 tuổi không dám đi qua bàn thờ có di ảnh mẹ mà phải đi vòng sang nhà hàng xóm để về nhà. Cậu bé được mẹ đưa về Phúc Yên ở với ông bà ngoại hơn hai tháng, cuối tuần chị lại từ Hà Nội về nhà thăm con. Cậu bé thương mẹ nên rất ngoan, không vòi vĩnh. Tối nào chị Huyền cũng gọi điện để nghe con trai tíu tít kể chuyện đi học lớp 1 và dặn dò con phải nghe lời ông bà.
Bà Lan nghẹn ngào kể, sinh nhật cháu vào đầu tháng 8, vì thương con, chị Huyền đưa tiền cho Lâm mua chiếc xe đạp, rồi nói dối là quà sinh nhật bố tặng để thằng bé được vui. Từ khi mẹ mất, chiếc xe đạp mới coóng dựng ở góc nhà, cậu bé cũng chẳng buồn tập đi.
Lần đầu nhìn thấy di ảnh mẹ, thằng bé không khóc, chỉ gào lên giận dữ: “Cả nhà làm gì thế kia? Sao lại để băng đen che hết ảnh mẹ con? Người chết mới để ảnh như thế chứ”. Lời con trẻ ngây thơ khiến ai nấy rưng rưng nước mắt. Có lẽ chị Huyền không ngờ rằng, bức ảnh chị chụp làm hộ chiếu đi du lịch nước ngoài cùng cơ quan lại trở thành tấm di ảnh cuối cùng.
Có người khuyên ông bà đưa cháu về Lâm Thao (Phú Thọ) cho nhà nội chăm sóc để khỏi nhắc lại chuyện đau lòng của bố mẹ nhưng bà Lan không nghe: “Tôi phải tự tay chăm sóc để sau này lớn lên nó trở thành người tốt, không bạc ác như cha”.
Bà cho biết thêm, hôm Lâm bị công an bắt và thú nhận chính tay sát hại vợ, gia đình bà gọi điện thông báo cho bố mẹ Lâm biết, họ có vẻ lảng tránh, chỉ có mấy người họ hàng xuống thắp hương cho cháu dâu. Căm phẫn đứa con rể mất nhân tính, bà thương con gái còn nằm dưới lòng đất lạnh nơi quê người, sợ nước lũ dâng lên cuốn phần mộ của chị đi.
“Chỉ mong cơ quan chức năng nhanh chóng làm xong thủ tục pháp lý để cháu được về với gia đình”, bà vừa nói vừa khẽ lấy tay quệt dòng nước mắt lăn dài.
*Tên mẹ nạn nhân đã thay đổi
Theo VNE
Bi hài chuyện... "phường lấy chồng ngoại"
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hiện có gần 300 phụ nữ "xuất ngoại" lấy chồng - chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh với tần suất trên 40 trường hợp/năm (chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc).
Điều hết sức ngạc nhiên là từ một vài vụ kết hôn đơn lẻ mấy năm trước, nay chuyện "lấy chồng Hàn" tại đây đang trở thành "chuyện thường ngày" và thậm chí còn phát triển như một thứ "phong trào" khó cản nổi.
Qua số liệu phân tích của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Yên, 3/4 số cô dâu lấy chồng Hàn của phường Nam Hòa đều rơi vào những gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, có trường hợp chưa biết chữ, tan vỡ, éo le trong hôn nhân. Song, đáng lo ngại nhất vẫn là việc nhiều gia đình đã quyết định gả con gái lấy chồng Hàn Quốc với khát vọng đổi đời, mong con mình có cuộc sống vương giả. Chính vì thế, hầu hết các phi vụ kết hôn giữa phụ nữ với người nước ngoài ở đây không hề dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà chỉ xuất phát từ mục đích kinh tế.
Bác Lê Thị Dụt, ở khu 2, phường Nam Hòa cho biết: "Xóm tôi có khá nhiều hộ cho con lấy chồng Hàn Quốc theo hình thức mai mối từ người thân. Người đi trước giới thiệu cho người đi sau. Nhiều thanh nữ cứ học xong trung học là ở nhà chờ cơ hội lấy chồng nước ngoài. Cứ tình trạng này vài năm nữa thanh niên ở đây "ế" vợ hết...".
Cũng theo một số người dân phường Nam Hòa, mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, việc "tuyển chọn" cô dâu vẫn lén lút diễn ra một cách biến tướng tại các nhà nghỉ, khách sạn trong khu vực. Không ồn ào, vài ba người đàn ông nước ngoài với vài ba phụ nữ cũng thuê phòng "sống thử" với nhau ít ngày như những cặp tình nhân.
Quá trình đi đến kết hôn thường diễn ra nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hoàn toàn phụ thuộc vào cái gật đầu của người đàn ông nọ. Thậm chí, có nhiều cô dâu qua bên xứ Hàn mới biết vị hôn thê của mình thật sự là ai? Điều kiện ra đình của họ như thế nào?... Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận mạo hiểm, đặt cược hạnh phúc cuộc đời mình vào canh bạc rủi may.
"Ở đây, con gái đi lấy chồng nước ngoài nhiều lắm. Người ta cứ nghĩ lấy chồng Hàn có nhiều tiền" - chị Vũ Hiền, trú tại phường Nam Hòa tâm sự. Một số cô dâu buộc phải bỏ về cho biết thêm: Do sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán... không ít trường hợp đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát, sống bất hạnh, không hạnh phúc vì lấy phải những anh chồng vũ phu, già yếu, tàn tật, dị dạng...
Một số cô dâu Việt tại Hàn Quốc (ảnh minh họa)
Anh Vũ Duy Phong, cán bộ phụ trách về LĐ-TB&XH của phường Nam Hòa còn cho hay, phường hiện có 10 trường hợp lấy chồng ngoại đã phải về quê nhưng chưa hoàn thành thủ tục về pháp luật, chưa có giấy ly hôn. Xuất thân từ các hộ gia đình nghèo, nay trở về với hai bàn tay trắng cùng những đứa trẻ lai, họ còn là gánh nặng cho người thân. Đã nghèo lại càng nghèo. Cuộc sống của những gia đình trên càng lâm vào khó khăn và bi đát hơn.
Trong số những trường hợp bi kịch nhất phải kể đến gia đình anh Cao Văn Huệ, cùng ở khu 2 thuộc phường có con gái là Cao Thị Hiền. Lấy chồng Hàn chỉ mới được 10 ngày, do không chịu nổi, cô dâu này phải quay về. Anh Huệ ngậm ngùi kể: "Năm đó, để lo chuyện trăm năm cho con, gia đình tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi được 12 triệu đồng đưa cho bà mối làm thủ tục. Tiền mất đã đành nhưng giờ cháu còn trẻ, muốn đi bước nữa cũng rất khó vì giấy tờ ly hôn không có".
Gia đình bà Vũ Thị Tèo, ở khu 6 cũng có con gái lấy chồng bên Hàn. 3 năm sau, cô dâu này cũng đã phải trốn ra ngoài làm ăn bị bắt và trục xuất về nước. Tuy nhiên, người phụ nữ này còn may mắn hơn là được làm đầy đủ các thủ tục để xuất cảnh nên vẫn còn cơ hội lập gia đình mới.
Qua trực tiếp tìm hiểu, tại phường Nam Hòa các cô dâu khi trở về đều rơi vào hoàn cảnh, nợ nần chồng chất. Không chỉ mất tiền cho các bà "mối", họ còn bị mất hết giấy tờ tùy thân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý hành chính về TTXH ở địa phương. Đáng buồn hơn, từ những thông tin ít ỏi được chuyển tải về cho cha mẹ, có tới con số trăm các nàng dâu bên đó buôcå phải chấp nhận cuộc sống đau khổ, bị đánh đập, chà đạp nhân phẩm nhưng vẫn cam chịu không dám về nước vì mặc cảm với gia đình, xóm làng.
Có thể thấy, tại phường Nam Hòa, những trường hợp lấy chồng Hàn có được chút tiền gửi về cho người thân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đi dễ, về thật khó. Một phụ nữ mới về xin giấu tên còn nói thẳng, hạnh phúc từ những cuộc hôn nhân theo kiểu trên là ảo tưởng, mắc vào bẫy những "tú bà môi giới". Theo chị này, trên thực tế các chú rể Hàn đã phải sang đây tìm vợ đều là những trường hợp không bình thường về thể chất, sinh lý không thể tìm nổi được một hạnh phúc gia đình ở chính ngay nước họ.
Đáng tiếc, con xúc xắc trong cuộc chơi "lấy chồng ngoại" theo kiểu được ăn cả, ngã về không dường như vẫn chưa dừng ở phường Nam Hòa cũng như nhiều địa phương khác. Hệ lụy xấu tất yếu sẽ đến nếu từng gia đình, các bậc cha mẹ và chính ngay những người phụ nữ vẫn còn nuôi nhưng ảo tưởng, không biết lo và tự bảo vệ cho chính con em mình, cho chính mình
Theo Dantri
Gả con sang Trung Quốc với giá 12 triệu đồng Sau 3 tháng gả con sang Trung Quốc, gia đình nông dân Bạc Liêu cầu cứu công an vì cô dâu Việt bị đối xử tệ. Ông Tư với nét mặt đầy âu lo về thân phận con gái ở xứ người. Ảnh: Duy Khang Trao đổi với Ngoisao.net ngày 6/6, thượng tá Dương Tứ Phương, Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội...