“Mẹ ơi sao mẹ lại ở trên tivi?” – Câu chuyện về nữ bác sĩ vào tâm dịch, con gái òa khóc khi thấy mẹ xuất hiện trên tivi
Sau khi thấy mẹ xuất hiện trên TV, em bé 20 tháng tuổi liền oà khóc nức nở, liên tục giơ tay đòi bế sau hai tuần xa cách vì mẹ lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Bắc Giang đang diễn biến phức tạp, rất nhiều đoàn tình nguyện cùng các y bác sĩ ở nhiều tỉnh thành đã xung phong về Bắc Giang hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh. Trong số đó, không ít các y bác sĩ đã phải gửi lại con nhỏ cho ông bà, người thân để lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
Khoảnh khắc xúc động: Em bé 20 tháng tuổi oà khóc nức nở, đòi bế khi thấy mẹ là bác sĩ đi chi viện cho Bắc Giang xuất hiện trên TV
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé gái oà khóc nức nở khi bất ngờ nhìn thấy mẹ xuất hiện trên TV. Dù được người thân bên cạnh dỗ dành, nhưng bé gái vẫn liên tục nhìn về phía màn hình TV khóc, rồi giơ hai tay đòi mẹ bế.
Ngay sau khi những hình ảnh trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động. Có lẽ bởi em bé quá nhớ mẹ sau nhiều ngày không được gặp gỡ, không được mẹ ôm ấp, vỗ về nên cô bé đã oà khóc.
Hình ảnh vui vẻ, hoạt bát thường ngày của bé Kem – cô bé 20 tháng tuổi khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ trên TV
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hường (dì của cháu bé) cũng là người đăng tải đoạn clip nói trên cho biết, “Em bé ở nhà được gọi là Kem, 20 tháng tuổi. Mẹ của bé là bác sĩ của Bệnh viện 103 và đã đi chi viện cho tâm dịch Bắc Giang được 2 tuần”.
Chị Hường cho biết, trong những ngày mẹ về hỗ trợ các y bác sĩ ở Bắc Giang truy vết, dập dịch, bé Kem đều rất ngoan, không khóc và không đòi mẹ. “Nay đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng mẹ trên chương trình TV, bé Kem nhận ra nên khóc nức nở. Sợ bé nhớ mẹ rồi đòi nên mỗi hôm mẹ bé chỉ dám gọi về một lần để gặp con. Bình thường bé chơi khá ngoan, nhưng mỗi lần mẹ gọi về như vậy là lại đòi”.
Chị Hường cũng cho biết thêm, khi có người thân là y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, hàng ngày phải đương đầu với nguy cơ lây nhiễm cao thì chị và gia đình cũng vô cùng lo lắng. “Gia đình mình cũng lo lắng lắm, nhưng vì nhiệm vụ, vì những bà con nơi tâm dịch nên mọi người cũng động viên cho chị cùng các đồng nghiệp an tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mình chỉ thương Kem còn nhỏ mà phải xa mẹ. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua và mình cũng chúc các y bác sĩ có sức khoẻ, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả”.
Chị Hạnh đang phải xa chồng và cô con gái 20 tháng tuổi để lên đường chi viện tâm dịch Bắc Giang
Theo tìm hiểu được biết, vị bác sĩ xuất hiện trong một chương trình phóng sự của truyền hình Quốc phòng Việt Nam và là mẹ của bé Kem là chị Nguyễn Thị Hạnh. Chị Hạnh là một trong những “chiến sĩ áo trắng” của BV 103 đang đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang.
Trong đoạn phóng sự ngắn, chị Hạnh cũng chia sẻ nỗi nhớ con cũng như trăn trở của bản thân trước khi lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Nhắc đến con nhỏ, chị Hạnh nghẹ ngào, ” Khi tôi nhận nhiệm vụ là lúc 10h đêm. Thông báo của bệnh viện là 7h30 sáng hôm sau tập trung để lên đường. Lúc đó, cảm xúc của tôi rất là sợ vì đây đúng là lần đầu xa con mà con lại còn quá nhỏ, nên thương lắm.
Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không thể ngủ được, cứ nhìn con là tôi lại khóc. Sáng hôm sau, khi chồng tôi đưa sang bệnh viện, trên đường đi chồng cũng động viên nhiều lắm nhưng thật sự là cũng không yên tâm cho 2 bố con ở nhà
Nữ bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang nghẹn ngào khi nhắc về con gái: “Con đòi bế qua video call, tôi không kìm lòng được”
Khi lên đến đây rồi thì tôi cũng bị căng sữa và tắc sữa, còn sốt nữa. Cứ mỗi lúc như thế tôi lại nhớ đến con nhiều hơn, lúc nào rảnh rỗi là lại nhớ con, thương con. Cả ngày tôi chỉ dám gọi một cuộc video cho nó thôi, lúc đầu thì nó cười đây nhưng lúc sau là nó lại ‘Mẹ ơi, bế!’ làm tôi không thể kìm lòng nổi”.
Ngay khi những hình ảnh trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động. Nhiều người không khỏi nghẹn ngào trước những chia sẻ của bác sĩ Hạnh và hình ảnh bé Kem đang nức nở đòi mẹ bế bồng.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nên không ít người đã gửi lời chúc các y bác sĩ ở tuyến đầu hãy vững tâm, cố gắng bảo vệ sức khỏe cho bản thân để làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Đồng thời, dân mạng cũng bày tỏ mong mỏi, những lực lượng tuyến đầu sớm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về với gia đình và người thân trong niềm vui chiến thắng dịch Covid-19.
Cảm động 2 điều dưỡng vắt sữa cho con sản phụ mắc Covid-19 đang hôn mê
Theo Vietnamnet, đêm 21/5 vừa qua, tại Khoa Ngoại Sản (Bệnh viện nhiệt đới Trung ương) các y bác sĩ đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ nhiễm Covid-19.
Theo đó, vợ chồng sản phụ Lò Thị K. (33 tuổi, người Điện Biên) lấy nhau được 11 năm nhưng hiếm muộn, sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có tin vui. Tuy nhiên, không may chị K. mắc Covid-19 khi đang mang bầu ở tuần thứ 35.
Các bác sĩ phải can thiệp oxy cho sản phụ suốt quá trình phẫu thuật. (Ảnh: Vietnamnet)
Những tuần gần cuối thai kỳ, sản phụ K. diễn biến xấu, phổi bị tổn thương nặng, tình trạng suy hô hấp tăng dẫn tới suy thai. Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Bé gái ra đời giữa tâm dịch, nặng 2,6kg, còn người mẹ chuyển hôn mê, phải thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực.
Vào những giờ đầu sau khi bé chào đời không có mẹ ở bên, gia đình từ Điện Biên chưa đón xe xuống kịp để chăm cháu. Lúc này, hai điều dưỡng ở Khoa Nhi đã vắt sữa cho bé uống.
Trao đổi với Vietnamnet, chị N.T.H.A. (27 tuổi), một trong hai điều dưỡng trên cho biết, chị cùng điều dưỡng N.T.O. đều có con nhỏ khoảng 6 - 7 tháng tuổi. Khi biết hoàn cảnh của cháu bé, hai chị đã nhanh chóng vắt 3 bình sữa, gửi lên Khoa để cho em ăn dần trong 24h.
Từng ml sữa quý giá được hai nữ điều dưỡng gửi tặng em bé. (Ảnh: VietNamNet)
Theo chia sẻ từ chị N.T.H.A., các chị đã xét nghiệm đủ 3 lần âm tính SARS-CoV-2, nên nguồn sữa tặng bé vô cùng an toàn. Hiện em bé đang được cô ruột chăm sóc trong phòng cách ly riêng tại Khoa Nhi, hai cô cháu đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 và nhận kết quả âm tính. Do mẹ bé vẫn bất tỉnh nên gia đình chưa đặt tên cho con.
Được biết, kể từ khi bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thực hiện cách ly y tế vào ngày 5/5 vừa qua, nữ điều dưỡng N.T.H.A phải ở lại cơ quan hơn 20 ngày chưa về nhà. Cậu con trai mới 7 tháng tuổi của chị buộc phải uống sữa công thức, dù trước đó bé uống sữa mẹ hoàn toàn. Ở nhà, một mình chồng chị chăm sóc con, ông bà ở vùng dịch Bắc Ninh không thể qua giúp.
Bé gái chào đời khoẻ mạnh. (Ảnh: Vietnamnet)
Những ngày đầu vắng nhà, con trai chị N.T.H.A khóc ngặt đòi mẹ. Do uống sữa công thức không quen, những ngày đầu bé bị tiêu chảy, mấy ngày sau lại táo bón. Mất gần một tuần đổi liên tục các loại sữa, bé mới ăn được và bớt quấy khóc.
Xót con trai ở nhà, chị càng hiểu rõ sữa mẹ quý giá thế nào với trẻ sơ sinh. Mong ước lớn nhất của chị thời điểm này là sớm được trở về gặp con, đồng thời chị cũng gửi lời chúc sản phụ đang hôn mê sớm khoẻ lại để hai mẹ con có thể gặp nhau.
Sau khi thông tin về câu chuyện trên được chia sẻ trên mạng xã hội, đông đảo dân mạng đã bày tỏ sự cảm thông trước hoàn cảnh đáng thương của em bé. Bởi suy cho cùng, điều các em bé sơ sinh cần nhất chính là vòng tay ôm ấp và bầu sữa mẹ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đồng cảm cho hoàn cảnh của sản phụ N.T.H.A khi chưa thể về nhà thăm con, đồng thời gửi lời cảm ơn về hành động đẹp của chị.
Một số ý kiến từ dân mạng. (Ảnh chụp màn hình)
"- Thương con quá, mong mẹ con sớm tỉnh lại để hai mẹ con được gặp nhau.
- Hai chị điều dưỡng quá tốt bụng. Những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch luôn gặp nhiều thiệt thòi.
- Mong chị sớm được về cùng gia đình và con trai."
Hiện câu chuyện trên vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Còn bạn, bạn có muốn gửi lời chúc sức khoẻ cho hai mẹ con sản phụ trên và những y bác sĩ đang ngày đêm "căng mình" chống dịch? Chia sẻ cùng YAN nhé!
Hình ảnh nhân viên y tế giữa tâm dịch làm lay động hàng triệu trái tim Người thân mất không thể về chịu tang hay tấm lưng đỏ ửng, phồng rộp của bác sĩ trong tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh... là những hình ảnh, câu chuyện khiến ai nấy đều xót xa. Trong các đợt dịch, các y bác sĩ là những lực lượng tuyến đầu chống đỡ và luôn rất vất vả. Điều đó hẳn ai cũng...