Mẹ ơi! Chị Hằng có thật phải không?
Một mùa trung thu nữa lại về, đường phố trang hoàng ánh đèn rực rỡ, trẻ con, người lớn háo hức chuẩn bị cho bữa tiệc trăng rằm.
Sắm sửa cho cô con gái một bộ váy trắng, một chiếc vương miện và một cây đũa “thần”, nó tung tăng đi khoe với mấy cô cậu bạn hàng xóm và điệu đà chạy về hỏi mẹ: “Mẹ ơi ai cũng bảo con giống chị Hằng. Mẹ thấy con giống chị Hằng ở trên cung trăng không?” Tôi mỉm cười, âu yếm nhìn con trìu mến nhớ lại cách đây cũng đã hơn 20 năm, tôi cũng hỏi mẹ tôi: “Mẹ ơi! Chị Hằng là có thật phải không ạ?”
Thấm thoắt mà đã mấy chục năm, mẹ tôi giờ tóc đã pha sương, còn tôi cũng đã có một cô con gái.
Còn nhớ những năm tháng nghèo đói, nhìn miếng bánh nướng, bánh dẻo bầy bán mà thèm nhỏ dãi. Những thứ đồ chơi như đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ hình chú cuội ngộ nghĩnh cũng trở nên xa xỉ đối với một đứa con nhà nghèo như tôi. Mẹ động viên tôi: “Con cố gắng học hành chăm ngoan, đúng đến rằm tháng tám, khi con vừa thức dậy chị Hằng sẽ từ cung trăng xuống để tặng con đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo”. Tôi háo hức mong chờ từng ngày, cố gắng học hành thật chăm chỉ, giỏi giang để chị Hằng xuống tặng quà.
Video đang HOT
Bố mẹ chính là chị Hằng với bao màu nhiệm vây quanh tuổi thơ của tôi (Ảnh minh họa)
Suốt bao nhiêu ngày mong mỏi, chờ đợi, cuối cùng điều kì diệu cũng đã tới. Buổi sáng ngày rằm tháng tám, tôi thức dậy từ rất sớm để đón chờ món quà mà chị Hằng ban tặng. Thật kì lạ, ngạc nhiên khi trên đầu giường của tôi xuất hiện một chiếc đèn ông sao xinh xắn, cặp bánh nướng, bánh dẻo và một chiếc cặp tóc đáng yêu. Tôi chạy vội xuống bếp tìm mẹ sau đó chạy đi khoe khắp nhà. Từ đằng xa, bố tôi mỉm cười: “Con gái gắng học ngoan nhé, năm sau chị Hằng lại xuống tặng quà!”.
Tối hôm ấy, tôi trưng diện chiếc cặp tóc dễ thương, bầy bánh nướng, bánh dẻo trông trăng và cầm đèn ông sao đi rước một vòng với các bạn trong khu phố nhỏ.
Đi qua bao mùa Trung thu, tôi đã biết chị Hằng không có thật. Những món quà xuất hiện trên đầu giường là công sức bố đi phụ hồ cật lực ngày đêm, mẹ nhận làm thêm giờ ở xưởng làm đồ thủ công. Bố mẹ chính là chị Hằng với bao màu nhiệm vây quanh tuổi thơ của tôi. Yên bình và ấm áp!
Công việc nặng nhọc, vất vả khiến bố dần mất sức lao động. Còn mẹ, bàn tay đã lắm những đồi mồi, mái tóc đã bạc quá nửa. Tôi chỉ uớc bố mẹ có thêm nhiều và nhiều mùa trung thu hơn nữa bên con cháu để tôi có thêm thời gian bù đắp cho bố mẹ phần nào những vất vả của tuổi trẻ, hi sinh vì các con.
Theo VNE
Bi kịch cắt tiền duyên
Người ta bảo "phải duyên phải số nó vồ lấy nhau", nhưng sao tôi đi "vồ" mãi chẳng được ai.
Ngót nghét 40, cũng có mấy mối tình vắt vai rồi đấy, nhưng được vài bữa tôi lại thấy chán. Người tôi có cảm tình thì tự dưng lại bỏ đi, còn người tôi thấy ghét thì nhiều vô kể. Bạn bè, họ hàng lấy làm sốt ruột, người nào cũng xung phong làm ông mai bà mối. Cứ như tôi không lấy được chồng thì trời sẽ sập vậy.
Hi vọng rồi thất vọng tràn trề, mẹ tôi quyết định đưa tôi đi cắt tiền duyên. Mới 4h sáng, mẹ đã giục tôi dậy, khăn gói lên đường. Đi mấy chục cây số về đến Hưng Yên, cuối cùng hai mẹ con tôi cũng tìm thấy nhà ông thầy bói. Ông thầy bói già nhìn tôi, tặc lưỡi, lắc đầu:
"Tiền duyên kiếp trước chưa trả xong, kiếp này phải trả. Cô này đang có duyên âm rất nặng. Không cắt tiền duyên thì có yêu cũng không lấy được ai. Nhiều người đến lắm rồi nhưng lại thôi. Có làm thì tôi làm luôn cho, lấy công làm phúc không thì có mà cứ thế này đến già".
Mẹ tôi nghe xong, mặt tái xanh tái xám, khẩn khoản nhờ thầy giúp cho, tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn con gái lấy được chồng. Mới tính toán sơ sơ đã thấy hết hơn 10 triệu. Không mang đủ tiền, mẹ tôi đành khất thầy đến hôm sau.
Về nhà kể chuyện với mấy bà dì, các bà lại bảo có một chỗ này xem đúng hơn nhiều. Thế là tôi lại phải tiếp tục cuộc hành trình thứ hai. Lần này tôi không phải đi xa, nhà "cô" ngay trong thủ đô, nhưng phải chờ từ sáng đến chiều mới tới lượt. "Cô" phán rất lâm ly: "Kiếp trước cô và một người yêu nhau tha thiết. Nay cô đầu thai làm người, anh ta thì chưa nên kiên quyết bám theo, không cho cô vui duyên mới".
Sau hai lần đi xem, thầy nào cũng bảo có duyên âm. Dù không muốn, tôi vẫn phải nghe theo lời mẹ: Cắt tiền duyên, cắt khẩn cấp! Thế là, một đại lễ được bày biện gồm xôi, thịt, hoa quả, giấy vàng, bạc, sớ khấn, một dải lụa đào, một ít tóc của tôi và một hình nhân nữ giống hệt như tôi để thế mạng. Mẹ lo hết, tôi chỉ phải xin nghỉ làm một ngày để ngồi đấy lễ vái. Tôi thấy như đứt từng khúc ruột khi phải mất một chồng tiền để mua giấy về đốt đi.
Xong xuôi, thầy bảo thế là yên tâm rồi, sớm muộn gì sang năm cũng lấy chồng, phải nhớ trả ơn cho thầy. Mẹ tôi và các dì mừng quá, thay phiên nhau cảm ơn thầy rối rít.
Người ta bảo đi cắt tiền duyên xong thì nhẹ người, còn tôi thì lúc nào cũng háo hức chờ đợi để xem thầy nói có đúng không. Gặp ai cũng nghĩ không biết đây có phải là chú rể trong mộng hay không. Chờ mãi, chờ mãi, cuối cùng đã qua hai cái "sang năm" của thầy rồi mà tôi vẫn "trơ trơ cùng tuế nguyệt". Hình như cái tiền duyên của tôi bền quá, thầy bói cắt không nổi.
Theo VNE
8 điều về tình yêu có thể bạn chưa biết Lèo lái con thuyền tình yêu đôi khi cũng mịt mù như ở giữa đại dương mà thiếu thiết bị định vị vậy, hoang mang, mệt mỏi, thậm chí là sợ hãi. Bởi còn nhiều điều bạn chưa hiểu hết về tình yêu. 1. Có lúc xa nhau khiến tình cảm bền vững hơn Gặp nhau là một phần quan trọng của tình...