Mẹ kiện con trai trong vụ ly hôn lớn nhất Anh
Tatiana Akhmedova khởi kiện con trai cả để vớt vát một phần phán quyết 615 triệu USD mà chồng cũ đang nợ sau vụ ly hôn lớn nhất Anh.
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ ly hôn giữa Tatiana và chồng cũ Farkhad, tỷ phú người Nga sở hữu số tài sản trị giá hơn 1,4 tỷ USD. 41,5% khối tài sản này thuộc về Tatiana, theo phán quyết năm 2016 của tòa án Anh, nhưng tới nay bà chưa nhận được tiền từ chồng cũ.
Cuộc hôn nhân rạn nứt sau khi hai bên cáo buộc lẫn nhau không chung thủy. Khi phiên xử ly hôn diễn ra ở Anh vào năm 2016, Farkhad từ chối đưa luật sư tham dự vì cho rằng quan hệ hôn nhân đã bị tòa án ở Moscow (Nga) hủy bỏ từ năm 2000. Tuy nhiên, giấy tờ Farkhad cung cấp bị nhận định là “bị làm giả”.
Khi Tatiana không nhận được tiền từ chồng, thẩm phán ra lệnh đóng băng tài sản toàn thế giới và yêu cầu Farkhad giao du thuyền tên Luna trị giá khoảng 466 triệu bảng Anh. Lệnh của tòa án Anh bị Farkhad bỏ mặc ngoài tai.
Lúc này, Tatiana ký thỏa thuận với Burford Capital, công ty chuyên cung cấp vốn kiện tụng. Theo đó, Burford Capital cam kết tài trợ hàng triệu USD án phí cho luật sư của Tatiana, cũng như cho bà hàng triệu USD để lo chi phí sinh hoạt. Đổi lại, công ty này sẽ lấy 30% với mọi khoản tiền được thu hồi cùng án phí.
Tatiana Akhmedova khởi kiện đòi 100 triệu USD vì cho rằng con trai giúp bố giấu tài sản để ngăn phán quyết ly hôn. Ảnh: AP .
Video đang HOT
Nhưng nguồn tiền của Burford Capital cũng không thể giúp giành lấy du thuyền từ tay Farkhad. Trong hai năm, con tàu chôn chân tại bến cảng ở Dubai chờ kết quả xử lý của tòa án sở tại. Tới cuối năm 2018, một tòa án địa phương căn cứ luật Hồi giáo Sharia, vốn thường nghiêng về người chồng khi xử lý ly hôn, và kết luận yêu cầu của Tatiana không thể được thi hành tại Dubai.
Cuối năm 2020, Tatiana và luật sư chuyển tầm ngắm sang người con trai cả, Temur Akhmedova, 27 tuổi, người có tài sản dễ bị cưỡng chế vì là công dân Anh. Hơn nữa, Temur còn được bố “trao cho số tiền ngoài sức tưởng tượng”, theo lời luật sư của anh trong giấy tờ gửi tòa.
Số tài sản ấy bao gồm căn hộ ba phòng ngủ gần công viên Hyde được bố mua cho khi Temur còn học đại học. Anh còn là “chủ xe trên đăng ký” nhiều xe sang như chiếc Rolls-Royce trị giá 460.000 USD, Mercedes-Benzes,…
Nhưng Tatiana khởi kiện không đơn thuần vì nguồn gốc của những tặng phẩm trên. Đơn kiện của bà đặt giả thuyết rằng người con trai có vai trò mấu chốt trong việc giúp bố chuyển hàng triệu bảng Anh vào các quỹ ủy thác và thiên đường thuế khắp thế giới để ngăn mẹ thực thi phán quyết. Vì thế, Tatiana yêu cầu gần 100 triệu USD từ con trai.
Đối với Temur, chuyện này thật nực cười. “Đúng rồi, tôi chỉ đạo bố tôi đấy, tôi chính là chủ mưu”, Temur mỉa mai trong buổi phỏng vấn trực tuyến ngày 4/12/2020, trước khi ra tòa làm chứng.
Xuất hiện trước tòa qua cuộc gọi trực tuyến, Temur được mô tả như “phó tướng” của bố, nhưng anh nói mình có vai trò giống thư ký hơn. Khi di chuyển cùng bố, Temur sẽ gõ lời ông thành tin nhắn để gửi cho đội ngũ nhân viên. Nội dung các tin nhắn thường là hướng dẫn cách trốn tránh mẹ và người hậu thuẫn tài chính cho bà.
Tuy nhiên, Temur khẳng định rằng những tin nhắn này không liên quan tới việc giấu giếm tiền bạc và tài sản. Ví dụ như tin nhắn về kế hoạch chuyển bộ sưu tập nghệ thuật trị giá khoảng 100 triệu USD của Farkhad từ Liechtenstein (một quốc gia ở châu Âu) lên du thuyền. Theo Temur, mục đích của việc này là để bố mình có thể thuận tiện ngắm nhìn các tác phẩm.
“Ông ấy muốn chuyển số tranh vẽ trị giá hơn 100 triệu USD lên du thuyền chỉ để ngắm chúng thôi sao?”, luật sư của Tatiana hỏi vặn.
Temur liền đáp: “Tôi không muốn khoe khoang hay gì nhưng trên con thuyền trị giá 500 triệu USD, số tranh trị giá 100 triệu USD không phải điều gì quá điên rồ. Thật tuyệt khi được ngắm chúng”.
Temur Akhmedova cho biết sẽ làm mọi thứ vì mẹ nếu bà “phải sống ngoài đường”. Ảnh: Getty.
Trong hai ngày làm chứng, Temur lên án mẹ là người cơ hội và tham lam vì đệ đơn ly hôn ngay sau khi bố vừa bán cổ phần trong công ty dầu khí. Temur còn nói mẹ từng từ chối đề nghị hòa giải ngoài tòa 100 triệu USD của bố, số tiền anh cho là đặc biệt hào phóng nếu tính đến lịch sử không chung thủy của mẹ.
Qua người phát ngôn, Farkhad thể hiện lập trường không trả cho vợ một đồng nào, đặc biệt là khi một phần ba số tiền sẽ thuộc về công ty tài trợ vụ kiện.
Vụ kiện giữa Tatiana và con trai dự kiến có kết quả vào cuối tháng 1. Nhưng theo New York Times , dù phán quyết của tòa án ở Anh ra sao, sự việc vẫn sẽ làm nổ ra các cuộc đụng độ giữa luật sư trên khắp thế giới. Thủ tục tố tụng đã được khởi xướng tại Liechtenstein, nơi đặt bộ sưu tập nghệ thuật của Farkhad, và tại Quần đảo Marshall, nơi du thuyền đang tranh chấp được đăng ký.
Theo phán quyết tháng 12/2016 của tòa cấp cao ở Anh, Tatiana Akhmedova được nhận 41,5% tổng số tài sản gia đình, tương ứng 615 triệu USD, bao gồm các tài sản như xe sang, bộ sưu tập nghệ thuật, bất động sản ở Anh… Đây được coi là vụ ly hôn lớn nhất trong lịch sử tố tụng nước Anh.
Tòa án Anh bác đơn xin được bảo lãnh tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks
Tòa án Anh ngày 6/1 đã bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange tại Norfolk, miền Đông Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Quyết định được đưa ra một ngày sau khi tòa án Anh bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.
Thẩm phán Vanessa Baraitser khẳng định rằng dựa trên cách hành xử trước đây của ông Assange, hoàn toàn có cơ sở tin rằng nếu được tại ngoại ngày hôm nay, ông này sẽ không trình diện trước tòa để đối mặt với các cáo buộc pháp lý.
Bà nhắc lại việc ông Assange từng bỏ trốn tới đại sứ quán Ecuador tại London vào năm 2012 trong thời gian bảo lãnh tại ngoại để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển - nơi ông bị cáo buộc phạm tội cưỡng hiếp. Ông Assange đã ở trong đại sứ quán Ecuador trong suốt 7 năm sau đó cho đến khi Ecuador thu hồi quy chế tị nạn của ông.
Trước đó, cùng ngày, Mỹ cũng đã hối thúc thẩm phán của tòa sơ thẩm Westminster không cho phép ông Assange được bảo lãnh. Phía Mỹ cũng đang tìm cách kháng cáo lại phán quyết trước đó của toà án Anh về việc bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ.
Trong phiên xét xử tại tòa án hình sự Old Bailey ở thủ đô London, thẩm phán Vanessa Baraitser đã bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý của ông Assange, song nói rằng không thể dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vì ông này có nguy cơ tự sát.
Ông Assange, người Australia, 49 tuổi, đang bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London (Anh). Tại Mỹ, ông này bị cáo buộc 18 tội danh hình sự liên quan đến vụ rò rỉ khoảng 500.000 tài liệu mật của Chính phủ Mỹ trên WikiLeaks. Các luật sư lập luận rằng việc truy tố ông Assange mang động cơ chính trị và việc dẫn độ về Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc của các nhà báo.
Anh rời EU Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào đêm 31/12 sau gần nửa thập kỷ gắn bó và sau 4 năm rưỡi trưng cầu dân ý rời khối. Brexit, chủ đề chính trị được quan tâm nhất ở Anh và EU kể từ năm 2016, đã chính thức trở thành hiện thực khi đồng hồ Big Ben ở thủ đô London điểm...