Mẹ HN bán bánh đa kê vỉa hè 20 năm tấp nập người mua, bán 1000 miếng không xuể
Trung bình một ngày cô Chí bán được khoảng 1000 miếng bánh đa kê, mỗi miếng giá 10 nghìn.
Nhắc đến kê, mọi người thường nghĩ đến thức ăn dành cho chim. Thế nhưng nguyên liệu ấy kết hợp cùng với những nguyên liệu đi kèm như bánh đa, đậu xanh, đường, dừa trong món bánh đa kê đã trở thành một món quà vặt vô cùng dân dã không chỉ trẻ con mà người lớn cũng cực kỳ ưa thích bởi hương vị ngọt bùi của đậu xanh hòa quyện cùng sự giòn tan của bánh đa.
Món quà quê dân dã, bình dị này đã gắn với tuổi thơ 8X, 9X khi các món vặt sang chảnh chưa phong phú như bây giờ. Và giờ đây, nếu muốn nếm thử món ăn quê kiểng này, bạn có thể đến hàng bánh đa kê của cô Chí ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội.
Quán bánh đa kê vỉa hè của cô Chí.
Bánh đa kê vỉa hè gần 20 năm ở khu Thanh Xuân Bắc
Quán bánh đa kê của cô Chí ở khu Thanh Xuân Bắc, con ngõ nối giữa Lương Thế Vinh và Nguyễn Quý Đức. Quán ở gần trường THCS Việt Nam – Algeria. Gọi là quán vậy thôi, thực chất đây chỉ là gánh hàng đơn giản, một mẹt đựng nguyên liệu kê, đậu xanh, dừa nạo, đường còn một bàn để bánh đa và cắt bánh đa cùng với vài chiếc ghế ngồi, 2 tấm biển nhỏ dựng ở ghế với dòng chữ “bánh đa kê”.
Phải nói, với những người đến đây lần đầu tiên chắc chắn sẽ đi lòng vòng để tìm và có khi không tìm thấy bởi quán bán chỉ bán vài tháng mùa đông khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là nghỉ hàng. Chính vì vậy, những ai tìm đến đây mùa hè từ tháng 4 trở ra sẽ phải tìm mướt mồ hôi mà vẫn không thấy đâu.
Được biết, mùa hè cô Chí bán chè đá còn mùa đông cô bán chè nóng và bánh đa kê. Mỗi ngày cô chỉ bán từ 14h-19h là hết hàng.
Quán bánh đa kê vỉa hè của cô Chí khá đơn giản. Mọi người đến đây chủ yếu là khách quen, có người nhanh chóng gọi vài miếng rồi phi xe đi về, có người ngồi ăn rồi rôm rả câu chuyện về thức quà dân dã này sau bao lâu mong ngóng.
Mẹt hàng của cô khá đơn giản.
Video đang HOT
Kê vàng đặc sánh.
Dưa nạo thơm.
Đỗ xanh bùi, bở.
Vì tất cả mọi nguyên liệu đã được nấu sẵn ở nhà nên khi mang ra bán cô Chí không gặp vất vả nhiều. Cô chỉ không kịp ngơi tay chặt bánh đa, quết kê, đậu xanh mỗi khi khách nườm nợp đến.
Thường ngày, chồng cô sẽ ra phụ chặt bánh đa còn cô làm hàng cho khách. Mỗi chiếc bánh đa sẽ được cắt làm 4. Khách đến ăn gọi theo số lượng với khẩu vị nhiều hoặc ít kê, đậu xanh, đường, dừa nạo và cô sẽ làm theo như ý họ.
Bánh đa được cắt làm 4.
Quết kê lên trên.
Rắc đỗ xanh lên trên lớp kê.
Rồi được rắc thêm đường vừa ăn.
Dù chỉ là chiếc bánh đa nhưng nó khá to, nhân đầy ụ khiến mọi người đủ no bụng mỗi buồi chiều về.
Mỗi miếng bánh cô chỉ mất khoảng chưa đầy 1 phút làm nên mọi người không phải chờ đợi lâu. Miếng bánh đa phủ vừng giòn rụm sẽ được cô nhanh chóng phết một lớp kê dẻo thơm lên trên. Tiếp đến miếng bánh được rắc một lớp đỗ xanh vàng ươm bở tơi. Sau đó phủ đường (tùy vào khẩu vị của từng người mà bạn yêu cầu lượng đường cho phù hợp), thêm chút dừa nạo và được gập đôi lại rồi đưa cho khách.
Khi cắn một miếng, mọi người sẽ cảm nhận được lớp bánh đa giòn rụm, lớp kê dẻo thơm quyện thêm với lớp đỗ xanh bùi bùi, vị dừa nạo thơm thơm lại có chút ngòn ngọt của lớp đường mỏng. Tất cả đã tạo nên một thức bánh dân dã, bình dị mà thơm ngon khó cưỡng.
Mỗi ngày bán được 1000 miếng bánh đa kê
Cô Phạm Thị Chí (50 tuổi, Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, cô lên Hà Nội đi chợ được 20 năm nay. Hiện nay mỗi ngày, sáng cô dậy sớm thổi xôi bán ở làng sinh viên, trưa về nấu kê và nấu chè cùng con trai rồi chiều ra Thanh Xuân Bắc bán đến 7h tối mới được nghỉ.
“ Tôi lên đây đi chợ 20 năm rồi. Nghề chính là bán xôi. Ban đầu bán rong chứ không được ngồi một chỗ như bây giờ. Ngoài ra mùa hè tôi cùng con trai bán chè đá, mùa đông bán chè nóng. 3 năm nay tôi mới tiếp quản quán bà chị bán thêm bánh đa kê để giữ nghề, giữ khách”, cô Chí chia sẻ.
Quán của cô Chí được rất nhiều khách hàng khen ngợi là quán bánh đa kê ngon nhất Hà Nội.
Nói về món bánh đa kê, cô Chí cho hay, cô mới tiếp quản quán của chị gái được 3 năm nay. Trước đây chị gái cô bán bánh đa kê ở đây cũng được khoảng gần 15 năm. Tuy nhiên vì phải trông cháu nên đã giao lại quán này cho cô làm mấy năm nay. Mặc dù giữ nghề nhưng món bánh đa kê mùa hè mọi người ăn ít nên cô cũng nghỉ bán, để tập trung vào nghề khác và chỉ bán món ăn này vào mùa đông, khi thời tiết lạnh.
Chồng cô hàng ngày phụ cắt bánh đa.
Hàng ngày, cứ sau khi đi bán xôi về, cô lại dành 2 tiếng để ngâm và nấu kê, đỗ xanh. Cô Chí bảo, mặc dù bánh đa kê được tạo nên từ: hạt kê, đỗ xanh, bánh đa, đường trắng và dừa nạo nhưng có lẽ để tạo nên một chiếc bánh đa kê ngon thì quan trọng nhất chính là khâu nấu kê. Kê nấu đạt chuẩn phải có độ dẻo, không bị nát. Ngoài ra khâu phơi đãi kê cũng vô cùng quan trọng để kê không bị sạn khi ăn.
“Ở làng tôi trồng kê nên tôi mua kê chuẩn rồi mang đi phơi, sát mang lên đây bán dần. Phơi kê như phơi lúa vậy. Nhà tôi thường phơi cẩn thận trên bạt không phơi ở sân rồi đãi kỹ nên không có sạn. Mỗi ngày tôi dành 2 tiếng ngâm và nấu kê. Còn đỗ xanh ngâm khoảng 30 phút, đồ khoảng 20 phút rồi đem giã cho bở”, cô Chí cho hay.
Mọi người đến quây quần quanh chỗ cô làm bánh đa làm tan đi cái se lạnh.
Mỗi buổi chiều cô bán được khoảng 1000 miếng bánh đa kê với giá 10 nghìn/miếng. Mặc dù quán đông khách, phục vụ không kịp nghỉ tay nhưng vì bận nhiều công việc nên từ đầu mùa đến giờ cô bán buổi đực buổi cái, nghỉ vào mùa hè và từ chối không biết bao nhiêu lời mời tham gia hội chợ. Dẫu tiếc nhưng cô cũng không biết phải làm sao. Còn sức khỏe cô sẽ cố gắng mang đến món ăn dân dã này cho mọi người.
Theo Khampha
Bánh đa kê - món quà vặt dân dã của người Hà Nội
Món ăn đơn giản chứa đựng cả môt nét văn hóa và gắn liên với tuôi thơ của nhiêu thê hê sinh ra, lớn lên nơi phô cô Hà Nội.
Bánh đa kê được làm từ những nguyên liệu giản dị, rẻ tiền. Ảnh: Sticky Rice
Những quán ăn trên 30 năm đắt khách ở Hà NộiNgõ Phất Lộc - thiên đường ẩm thực Hà Thành10 món bún nghe thôi đã muốn thửĐiểm danh những món ngon không thể bỏ qua ở Hà Nội
Những chiếc xe đạp bán bánh đa kê đi rong qua từng con ngõ với tiếng rao vang cả một góc phố, vốn đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người bán bánh đa kê chẳng cần nhiều đồ nghề. Túi bánh đa đã nướng giòn treo lủng lẳng ở đầu ghi đông xe, nồi kê được chằng dây cho chắc ở yên sau, thêm chiếc âu nhựa đựng đỗ xanh đã đồ chín cùng chai đường kính là có thể rong ruổi khắp phố phường.
Bánh đa kê giờ không còn giá 2.000 - 3.000 đồng một cái như nhiều năm trước, nhưng hương vị thì có lẽ vẫn không lẫn đi đâu được. Hạt kê nấu chín vàng ươm, dẻo và sánh được phết lên miếng bánh đa nướng, rải thêm chút đỗ xanh cùng một lớp đường kính mỏng lên trên cùng, gập đôi miếng bánh lại là xong. Cắn một miếng bánh, vị ngậy của kê quyện với vị bùi của đậu xanh cùng chút ngọt từ đường kính tan ra trong miệng. Bánh đa kê ngon nhất là lúc vừa làm xong, bởi chỉ độ dăm mười phút, bánh đa sẽ ỉu và dai nhách.
Ngày nay, hàng quán ăn vặt mọc lên ngày một nhiều, tiện nghi hơn, sang trọng hơn và cũng có phần ngon mắt, hấp dẫn hơn hẳn thứ quà đi rong này. Các cô, các chị mưu sinh bằng món nghề này giờ cũng không còn thấy nhiều như xưa, nhưng nếu bắt gặp một hàng bánh đa kê đi rong kiểu gì người ta cũng phải mua cho bằng được. Cái ngon của miếng bánh đa kê đôi khi không chỉ đến từ hương vị của những thứ nguyên liệu giản dị, mà còn bởi khiến người ta như được trở về những năm tháng ấu thơ.
Chiếc xe đạp bán bánh đa kê rong ruổi qua khắp những con phố đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ.
Tuy người ta có thể bán bánh đa kê quanh năm nhưng thời gian thích hợp nhất có lẽ vẫn là khi tiết trời chuyển sang thu. Khó mà tìm cho được một địa chỉ cố định nào bán món bánh này, nhưng dọc theo con phố Hàng Bông hoặc lang thang quanh phố cổ Hà Nội, nếu may mắn bạn có thể sẽ gặp một, hai người đi rong. Hay quanh khu chợ bán quần áo hàng thùng Đông Tác và cổng trường cấp 3 Kim Liên, cũng là những nơi thỉnh thoảng người ta lại nghe thấy tiếng rao của người bán bánh đa kê.
Theo Vnexpres
Bánh đa làng Dĩnh Kế Từ một món ăn miền quê dân dã, bình dị ngày nay bánh đa nướng làm ở làng Dĩnh Kế, Bắc Giang đã trở thành loại hình ẩm thực được nhiều người ưa thích và lưu dấu một nét đẹp văn hóa của vùng Kinh Bắc xưa. Vào những ngày nắng khi đi ngang qua làng Dĩnh Kế, ai nấy đều thích thú...