Mẹ Hà thành trả lương cho con 200.000 đồng/tháng, các con mới tí tuổi đã làm việc nhà đâu ra đấy, ai nghe cũng xuýt xoa
Với cách dạy này của chị V.L.P, 3 bé dù ít tuổi nhưng đã thành thạo việc nhà, tự lập và biết cách quản lý chi tiêu cá nhân.
Chị V.L.P là một bà mẹ có 3 con nhỏ đang sinh sống tại Hà Nội. Cháu đầu là con trai, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học công lập. Hai bé sau là cặp sinh đôi và đang ở độ tuổi mẫu giáo. Từ khi các con còn nhỏ, chị đã chú trọng dạy các bé về việc tự lập bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất: Thu dọn đồ chơi, lấy quần áo, đánh răng, rửa mặt… Khi các con lớn dần thì số lượng và độ khó của các việc phải làm cũng tăng dần lên.
Chị P. cho biết, bản thân từng sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, thế nên chị đã quen với cuộc sống tự lập từ bé: Lớp 1 tự đi học, trưa về nhà, chiều làm bài; lớp 2 biết nhặt rau, nấu cơm; lớp 3 biết nhóm bếp than, giúp bố mẹ việc vặt; lớp 5 là thành thạo tất cả việc nhà.
Chính bản thân từng trải nên hiểu được ý nghĩa của việc lao động đối với sự phát triển của mỗi người, chị P. cũng áp dụng với chính 3 con của mình: “Các bé từ bậc mầm non đã được các cô hướng dẫn từ việc pha nước cam, nạo rau củ đến việc chia bát, phơi khăn…
Về nhà, bố mẹ cứ để cho con tự làm. Làm lần đầu chưa khéo, lần sau sẽ khá hơn rồi dần dần sẽ thạo việc. Mà mình cam đoan là các bé được tự tay làm đến khi ăn sẽ thấy rất ngon miệng. Vì sao, bởi vì đó là công sức lao động mà bé bỏ ra, cho nên bé mới biết trân trọng. Còn anh cu lớn nhà mình từ lớp 2 mẹ đã giao công việc rửa bát”.
Video đang HOT
Chính bản thân từng trải nên hiểu được ý nghĩa của việc lao động đối với sự phát triển của mỗi người, chị P cũng áp dụng với chính 3 con của mình (Ảnh minh họa).
Nhưng trẻ nhỏ có một tính cách đó là cả thèm chóng chán, khi bắt đầu thì hào hứng nhưng chỉ được dăm bữa lại muốn bỏ. Chị P. bật mí kinh nghiệm từ chính con trai cả nhà mình:
“Cậu cả bị giao công việc rửa bát từ năm lớp 2. Ban đầu thì thích thú lắm vì tò mò, sau đó 1 thời gian thì con đến giai đoạn chán, lười. Mình lúc thì động viên, lúc lại thiết kỷ luật nhắc con rằng việc đã phân chia rồi, không thể thoái thác.
Những hôm anh chàng ta lười thì mình hỗ trợ bằng cách mẹ sẽ rửa nồi to, nặng, con rửa bát đĩa. Qua giai đoạn lười sẽ tạo thành ý thức, giờ ăn xong thì nhiệm vụ của bạn ấy là rửa bát và đổ rác cho sạch sẽ”.
Cách của chị P khi “huấn luyện” con làm việc nhà đó là vừa cương vừa nhu. Mỗi khi con chán nản, muốn bỏ thì vừa nhẹ nhàng động viên, vừa siết kỷ luật để bé tiếp tục.
“Bất cứ ai cũng vậy, giao việc phải đi kèm với kiểm tra giám sát và có khen thưởng. Bạn cứ để ý mà xem, đến người lớn đi làm còn có những lúc căng thẳng, chán nản và lười. Nhưng vì kỷ luật của công ty mà bạn phải vượt qua những lúc đấy nhanh chóng” – Chị P. cho hay.
Sau khi giao phó việc nhà hợp với sức các con, chị P. rất sòng phẳng trả công cho mỗi bé 200.000 đồng/tháng. Theo chị, khoản tiền này vừa là 1 cách khuyến khích các bé chăm chỉ hơn, vừa giúp các bé học cách sử dụng và quản lý chi tiêu.
Với con, mình có trả lương mỗi tháng cho các cháu 200.000 đồng để cháu thu xếp các khoản muốn mua riêng. Con buộc phải chọn cái gì thích nhất và để dành tiền mua chứ không phải cứ xin bố mẹ là được. (Ảnh minh họa)
“Với con, mình có trả lương mỗi tháng cho các cháu 200.000 đồng để cháu thu xếp các khoản muốn mua riêng. Con buộc phải chọn cái gì thích nhất và để dành tiền mua chứ không phải cứ xin bố mẹ là được. Ngoài ra mình còn trả thêm con tiền khi con đi ship hàng cho mẹ. Bố mẹ đừng kỳ thị việc trả tiền khi con làm các công việc. Các bạn bỏ công sức lao động ra và nhận tiền là chính đáng!”.
Sau mỗi khoản tiền nhận được hay phải chi, chị dạy các con ghi chép vào sổ để dễ dàng quản lý. Đặc biệt, khi các con muốn mua 1 thứ gì, cần phải cân nhắc giá của món đồ và số tiền mình có. Những bài học đơn giản ấy chị lồng ghép vào giúp các con dễ dàng tiếp thu và thực hành.
9 năm kinh nghiệm làm mẹ, chị P. tự tin khẳng định rằng giao cho các con làm việc nhà không hề ảnh hưởng đến việc học, ngược lại còn giúp các bé tự lập hơn, biết thu xếp công việc sao cho khoa học.
Tuy nhiên, chị P. nhấn mạnh, chia sẻ của mình chỉ là đóng góp 1 cách dạy mà chính bản thân chị và các con đã trải qua để mọi người tham khảo trong việc chăm con và dạy con. Còn việc áp dụng như thế nào tùy thuộc từng gia đình, điều kiện:
“Bạn không thể nào bê hết các mớ lý thuyết trên mạng vào ốp cho con mình và mong nó thành rồng, thành phượng, thành ông nọ bà kia được. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng và sự trưởng thành của một con người là cả một quá trình, chứ không phải chỉ trong 12 năm của cuộc đời học sinh. Cho nên với việc rèn con, dậy con, bố mẹ cần bình tĩnh và nhớ dậy con biết lao động”.
Và bà mẹ 3 con này thật sự tin rằng có lao động chính đáng các con sẽ biết trân trọng từng đồng tiền bố mẹ làm ra, có lòng trắc ẩn với những mảnh đời éo le và nảy sinh ra các sáng tạo trong cuộc sống. Vì thế, dù có dạy con theo cách nào, chị L.V.P vẫn khuyến khích mọi người để con lao động và hiểu được giá trị của lao động.
Theo Helino
Những mô hình hiệu quả ở Thanh Xuân
Trong thời gian qua, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới, được TP Hà Nội chỉ đạo nhân rộng.
Cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc giám sát 24/24 giờ hình ảnh được truyền về phòng trực ban Công an phường Khương Mai. Ảnh: Thái San
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình "camera giám sát an ninh" với 12 trung tâm camera quan sát (tại Công an quận và 11 phường) với 382 mắt đặt tại các địa bàn trọng điểm, các tuyến phố, 41 trường học trên địa bàn. Mô hình trạm tuần tra lưu động với 30 trạm tuần tra Nhân dân và khai báo tạm trú không cố định tại 30 điểm trên địa bàn các phường. Mô hình lực lượng bảo vệ dân phố phối hợp với công an phường tuần tra bằng xe đạp trên địa bàn với tổng số 66 xe đạp cùng các trang thiết bị thiết yếu.
Mô hình Tổ tự quản nhằm tuần tra kiểm soát, tham gia phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh khác liên quan đến trật tự đô thị trên 3 tuyến đường chính: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến. Mô hình cắm ô chống ùn tắc giao thông tại 55 điểm chốt (mỗi chốt 1 ô và 2 công an phường làm nhiệm vụ) tại những điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Trong lĩnh vực GD&ĐT, mô hình dạy bơi bằng bể bơi thông minh cho học sinh lớp 3, 4, 5 được các trường tiểu học công lập trên địa bàn quận thực hiện từ năm học 2015 - 2016 đến nay. Quận đã hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho mỗi học sinh, miễn 100% học phí cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, ngành GD&ĐT quận đã triển khai mô hình quản trị trường học chuyên nghiệp, gồm: Bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp. Với mục tiêu xây dựng mô hình trường học hấp dẫn, các trường tiểu học, THCS đã lắp đặt hệ thống giàn hoa, cây cảnh, triển khai thành công phong trào "Một vạn giỏ hoa, nhiều vạn niềm tin".
Bên cạnh đó, 100% các trường tiểu học, THCS tiếp tục triển khai mô hình nữ giáo viên mặc áo dài lên lớp, nữ sinh lớp 9 ở các trường THCS mặc áo dài đến trường tạo được nét đẹp thanh lịch, văn minh. Sau 4 năm học thực hiện, UBND quận đã tặng 5.074 cặp sách đến trường cho 100% nữ sinh lớp 9 các trường THCS công lập trên địa bàn nhân dịp khai giảng. Ngoài ra, các trường THCS công lập đã tổ chức tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến cho hơn 10.000 học sinh. Quận cũng đã triển khai giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục truyền thống lịch sử quận Thanh Xuân" theo Đề án của Quận ủy tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập. Ngoài ra, quận triển khai mô hình dạy thí điểm môn võ cổ truyền tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, quận triển khai mô hình điểm cung cấp thực phẩm an toàn, có kiểm soát phục vụ Nhân dân; mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP tại tuyến phố Thượng Đình (Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng tuyến phố kiểm soát ATTP). Trong năm 2019, quận đã triển khai hiệu quả mô hình điểm Tổ dân phố văn hóa "5 không": Không "rác"; không tệ nạn; không hộ nghèo; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng. Với mô hình bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại, được thí điểm tại phường Khương Đình từ tháng 9/2018; hiện nay, mô hình này đã được triển khai, nhân rộng tại 5 phường...
Theo kinhtedothi
Chán nản với ông chồng chỉ thích ở nhà "ăn bám" vợ Chúng tôi cưới nhau đã được hơn 10 năm, nhưng từ bấy đến giờ, tôi gần như là người đi kiếm tiền để "nuôi chồng". Hồi chúng tôi mới cưới, anh cũng có đi làm một vài nơi, nhưng nơi nào cũng mâu thuẫn với sếp nên nghỉ việc. Từ đó anh đâm ra chán nản không muốn đi làm. Hồi ấy, tôi...