Mẹ đơn thân tìm thấy bình yên trên tầng gác mái
Trên tầng gác mái, chị sống những ngày bình an. Cái giường nhỏ để ngủ, góc bếp, góc học tập cho con, cái tủ vải tựa lưng vào tường – tất cả gia tài của chị. Ngoài ban công, chị trồng vườn rau nho nhỏ để thõa mãn thú nông nhàn. Đời mẹ con chị gắn liền với tầng gác mái, với những ngày an yên.
ảnh minh họa
Rời quê ngót nghét 5 năm, nghĩa là tôi đã sống ở con phố này trọn vẹn 5 năm thanh xuân đời mình. Bởi thế, từng con đường, từng góc phố, từng tầng gác mái cao cao vẫn đủ sức quyến rũ tôi. Đôi lúc, tôi ngỡ rằng thành phố như người thiếu nữ diễm kiều mấy trăm năm vẫn trẻ, vẫn tươi rói và dịu dàng như những tháng năm rực rỡ…
Mỗi sớm đi làm, mỗi chiều tan tầm hòa vào dòng người hối hả về nhà, tôi đều tranh thủ thả mắt nhìn lên những tầng gác mái cũ kĩ như một thói quen của người yêu thành phố, thích khám phá. Sáng sớm, sương vẫn còn giăng trên cao, ai đó khẽ đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa sổ gỗ nhỏ đón nắng mai vào tầng gác mái.
Đi bộ dưới những hàng cây, ngẩng mặt nhìn lên chợt bắt gặp cái nhìn ai đó đang tưới chậu mười giờ nhỏ xíu treo trên ban công, hai ánh nhìn chạm nhau, cười khẽ, cảm giác ấm áp len lỏi khắp tâm hồn.
Chiều chiều, người phố đứng tần ngần trên ban công tầng gác mái ngắm nhìn dòng người qua lại, nhìn con đường và hàng cây bao tháng năm tận tụy thay lá, trổ hoa.
Video đang HOT
Đêm đêm, mỗi lần chạy xe hay đi bộ về muộn trên những con đường vắng vẻ, từng đợt mưa hoa tí tách rơi trên vai, trên tóc, văng vẳng bên tai tôi giọng hát ru ngọt ngào vang ra từ tầng gác mái mờ mờ nửa tối nửa sáng. Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhớ đến nao lòng không khí ấm áp, yên bình thuở xưa trong mái nhà tranh, được nâng niu, vỗ về trong vòng tay bà, tay má.
Hóa ra, tầng gác mái thành phố lại chính là nơi ẩn chứa những điều vô cùng bình dị thân thương mà ít nhiều người phố đã bỏ quên trong nhịp đời quay cuồng, hối hả.
Tôi có chị bạn mấy năm trời sống trên tầng gác mái. Có lần, tôi hỏi chị sao không thuê nhà mà ở cho thoải mái, lại phải thuê căn gác nhỏ xíu? Chị cười bảo tiền chị để nuôi con, làm mẹ đơn thân cực nhọc trăm bề.
Mọi trách nhiệm đổ lên bờ vai mong manh của chị. Đó là chưa kể những lúc chị thấy chạnh lòng, người ta sum vầy, còn chị sáng đưa con đi học, chiều rước con về nhà, cơm nước giặt giũ rồi trò chuyện cùng con.
Nhiều lần chị muốn ôm con về quê mà sống cho thanh tịnh nhưng rồi lại thôi, ở thành phố làm công nhân lương tháng cũng được vài triệu, trả tiền căn gác thuê, chi phí sinh hoạt, tiền học cho con, xong chị cũng còn dư chút ít. Chị gắng gượng bám trụ lại thành phố với niềm tin mai này con chị sẽ sung túc, ấm êm. Lòng người đàn bà luôn nghĩ về những đứa trẻ thơ, bằng tất cả sự bao dung, nhân hậu.
Trên tầng gác mái, chị sống những ngày bình an. Cái giường nhỏ để ngủ, góc bếp, góc học tập cho con, cái tủ vải tựa lưng vào tường – tất cả gia tài của chị. Ngoài ban công, chị trồng vườn rau nho nhỏ để thõa mãn thú nông nhàn. Đời mẹ con chị gắn liền với tầng gác mái, với những ngày an yên.
Tầng gác mái, nơi lí tưởng để ngắm nhìn thành phố xinh đẹp trong những khoảnh khắc của thời gian. Mới hay, trong cái khổ cũng có cái vui, trong những nơm nớp lo toan của người nép mình trên tầng gác cũng có những khi bình an, vui vẻ. Thành phố bao dung, thành phố vẫn cưu mang cho những phận đời bé nhỏ.
Đã bao giờ chúng ta nói câu cảm ơn thành phố. Đã bao giờ chúng ta âm thầm tri ân những con đường, những hẻm sâu, những tầng gác mái cao cao che nắng che mưa, che chắn cuộc đời khỏi ướt?
Chiều nay, tôi lại bắt gặp nụ cười của ai đó trên căn gác gỗ. Nụ cười tươi rói, thanh yên…
Theo Phunuvietnam
Tủi hổ khi có chồng mà chịu cảnh như mẹ đơn thân, sống 3 năm với nhau mà chồng như khách trọ
Thời con gái chị cũng sắc nước hương trời, có nhiều vệ tinh vây quanh nên cứ lúng túng mãi không biết nên chọn ai làm bến đỗ cuộc đời.
Đến ba mươi tuổi chị mới lấy chồng. Anh là bộ đội. Chị nhìn vào lý lịch của anh rồi tự trấn an và yên tâm cho chính mình. Anh có công việc ổn định, là mẫu người chỉn chu, biết cách đối nhân, xử thế. Có lẽ, sống với người đàn ông như vậy chị cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, mọi chuyện không như những gì chị nghĩ. Lấy anh về rồi, chị cảm thấy mình chẳng khác nào cái bóng vật vờ trong nhà, đến lúc có con lại chẳng khác nào bà mẹ đơn thân.
Cả tháng, thậm chí đôi ba tháng anh mới được về phép một lần. Thế mà quỹ thời gian quý báu ấy cũng chẳng đến lượt vợ con được hưởng. Bạn bè anh nhiều lắm, bạn thời cấp hai, thời cấp ba, bạn lính, bạn ngoài xã hội... Mỗi lần anh về phép, chị cứ cuống cả lên, quên đi bản thân mình mà lăn xả vào bếp nấu nướng chu toàn. "Giàu vì bạn sang vì vợ", các cụ nói chí phải. Chị phải cố gắng làm tròn vai để anh còn mát mặt với bạn bè.
Chị bế tắc trong cuộc hôn nhân của chính mình. Ảnh minh họa
Lần này cũng vậy, sau khi nhóm bạn anh ăn uống no nê thỏa mãn thì rủ nhau đi hát. Còn lại mỗi chị ở nhà với đống bát đĩa ngổn ngang. Con trớ vì trúng gió, rồi khóc ngằn ngặt. Người ngợm mình mẩy đầy mùi dầu mỡ, đầu lại đau nhức như búa bổ... Bất giác, chị ngồi bưng mặt khóc. Chị chưa kịp nói với anh, ngày mai anh lên đơn vị, thì tối nay cả nhà sẽ đưa con đi ăn hàng, tổ chức sinh nhật cho con.
Ấy vậy mà giờ này, anh đang say sưa bên bạn bè. Cứ cái đà đi hát, rồi đi nhậu tăng hai, tăng ba thì sớm cũng phải 1 giờ đêm anh mới về. Thời gian ngắn ngủi còn lại, anh chỉ kịp tháo đôi giầy rồi lăn ra ngủ. Sáng mai anh vội lên đơn vị rồi. Chị còn mong chờ điều gì về một bữa tiệc nho nhỏ có bánh kem và nến sinh nhật bố dành tặng cho con?
Thu dọn xong "bãi chiến trường", chị bế con từ tay mẹ chồng rồi sửa soạn để hai mẹ con ra phố. Qua cửa hàng bánh ngọt, lướt mắt qua một lượt chị dừng lại trước chiếc bánh kem có hình thù con thỏ màu hồng ngộ nghĩnh. Không quên dặn cô bán hàng gói kèm hai cây nến nhỏ, chị chở con gái đến một quán cà phê. Bỏ bánh kem ra, đốt nến lên, con gái chị cười thích chí. Chỉ có hai mẹ con với nhau nhưng nhìn đôi mắt sáng ngời vì hạnh phúc của con, chị cũng thấy ấm lòng.
Nhiều khi, nghĩ lại cuộc sống của mình, chị ước giá như anh tinh ý hơn để nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt vốn xinh đẹp của vợ ngày một nhiều, để hiểu chị đã vất vả ra sao. Và con của họ nữa, nó chỉ bám bà, bám mẹ chứ có bao giờ theo bố. Anh về nhà đã ít, mỗi lần về cũng chẳng dành thời gian chơi với con, vậy nên, lúc nào nó cũng cũng coi anh như người xa lạ.
Tính ra, anh chị yêu nhau một năm rồi mới tổ chức hôn lễ. Đến nay chung sống cũng 3 năm rồi. Thế nhưng anh không biết chị thích ăn món gì, dị ứng với món gì. Trong khi bạn bè chí cốt của anh và cũng là bạn nhậu thì anh nắm rõ từng sở thích.
Người ngoài nhìn vào vẫn mừng cho chị vì có người chồng mẫu mực, có chí tiến thủ. Chị tự nhủ, ừ cứ như vậy đi, người ta nghĩ thế cũng có cái hay, chị vẫn tỏ ra bên ngoài là người phụ nữ hạnh phúc. Còn thẳm sâu bên trong tâm hồn, chị khao khát một người đàn ông biết yêu thương, trân trọng gia đình nhiều hơn nữa.
Cứ sống thế này, chị có khác nào một bà mẹ đơn thân. Mà không, chị chỉ khác họ một điều duy nhất là vẫn có chồng trên danh nghĩa mà thôi.
Theo Ngoisao
Tôi kết hôn để làm vợ chứ không phải trở thành mẹ-của-chồng và bạn cũng nên như thế Ý nghĩ sống cùng với một đứa con trai nhỏ bé trong thân xác đàn ông trưởng thành là một điều rất kỳ quặc và tôi không nghĩ mình sẽ bị chồng quyến rũ nếu tôi phải đối xử với anh như một người mẹ đối với con. Tôi kết hôn để có một người chồng, một người đồng hành trong cuộc sống...