Mẹ đảm Hà Nội khéo mang Tết vào tổ ấm đẹp duyên dáng với gốm và hoa
Tổ ấm nhỏ của chị Huyền Trang vào những ngày Tết trở nên ấm cúng và đẹp hơn nhờ cách decor khéo léo kết hợp gốm và hoa.
Vốn là một người phụ nữ có niềm đam mê gốm, không gian sống trên cao nhà chị Huyền Trang rộng 70m2 được chị làm đẹp với những đồ gốm xinh xinh. Không gian ấy lại càng duyên dáng hơn khi có sự hiện diện của cành đào chúm chím nụ hay cây quất nhỏ xíu thật đẹp.
Chị Huyền Trang chia sẻ: “Những ngày cuối năm tất bật với thật nhiều lo toan bộn bề, chỉ mong một mùa xuân mới mang thật nhiều an vui đến với mọi nhà.
Bình an đón Tết và quây quần đầm ấm bên nhau. Mùa xuân sang là lúc mình giặt lại chiếc rèm, thay vỏ áo gối, sắp xếp lại đồ đạc, hút hết đống bụi ở từng ngóc ngách là đủ để căn nhà trở nên tươm tất. Thêm cành đào, chậu quất nhỏ hay bình hoa thược dược đủ sắc màu là thấy cả mùa xuân ùa về”.
Căn hộ rộng 70m2 của chị Huyền Trang được trang trí ngập tràn sắc màu mùa xuân.
Không gian được cắm các loài hoa của mùa xuân như đào, tuyết mai, thược dược, hoa cánh bướm…
Góc dịu dàng với hoa đào.
Không gian bình yên với hương vị Tết từ trà hoa cúc và hoa mùi già.
Đối với chị Trang, tổ ấm luôn cần đến sự gọn gàng, ngăn nắp. Khi ấy, chị muốn bày biện những đồ mình thích, cắm những lọ hoa thật xinh cũng sẽ giúp tổ ấm đẹp hơn, ấn tượng hơn.
Với hoa Tết như đào, tuyết mai, thanh liễu, lan…, chị Trang thường lựa chọn cắm bình miệng nhỏ dáng cao để tạo độ bay cho hoa. Bình gốm men sẽ là lựa chọn thú vị để cắm những loại hoa trang trí nhà trong dịp Tết. Với các loại hoa thân mềm nở rộ như thược dược, hoa bướm, hoa violet…, chị Trang thường cắm bình cao vào các ngày đầu.
Góc phòng khách ấm áp sắc màu mùa xuân.
Vẻ đẹp dịu dàng từ bình thược dược nhiều màu.
Không gian đẹp nền nã với gốm.
Một góc phòng khách.
Góc ban công cũng mang hương vị Tết.
Video đang HOT
Hoa thủy tiên chuẩn bị nở. Những sắc màu giản dị của thiên nhiên giúp gian bếp đẹp hơn vào những ngày Tết.
Những chiếc bình đựng bánh kẹo, mứt, đồ khô. Góc nhỏ ngày Tết cũng trở nên đẹp hơn khi có những lọ thủy tinh với nắp đậy xinh xắn này.
Những ngày sau chị thường hạ độ cao cho hoa khi thay nước và cắt gốc thì đổi sang bình thấp. Cách này vừa giúp hoa đẹp hơn vừa tươi lâu hơn. Tùy loại cắm nhiều hay ít nước để có thể thay nước thường xuyên. Những ngày trời lạnh, chị thường cho thêm chút nước ấm vào bình hoa.
Ngoài ra, khi nhận hoa về, chị thường ngâm dưỡng trước khi cắm. Bỏ lá và cắt thân để hoa hút nước được tốt nhất. Nhờ những bí quyết nho nhỏ ấy, căn hộ của gia đình chị Trang luôn ngập tràn sắc màu tươi tắn và duyên dáng của các loài hoa.
Từng góc nhỏ đều ngập tràn sắc màu mùa xuân. Chị thường dưỡng hoa trước khi cắm và thay nước mỗi ngày giúp các loại hoa tươi lâu hơn, đẹp mắt hơn.
Mùa xuân gõ cửa chính là lúc chị luôn làm đẹp cho tổ ấm của mình bằng những bình hoa, đồ gốm hay trang trí khéo léo với những sắc màu tươi tắn của vật dụng. Căn nhà của chị có lợi thế là khung cửa sổ rộng mở đón nhiều ánh sáng tự nhiên. Đây cũng là lý do để chị luôn trang trí trọng tâm vào khu vực phòng khách và khu vực ban công.
Không gian được nhấn nhá từ cây xanh, chậu quất gần kệ tivi đến cành đào đặt gần sofa hay những bình đào dăm được bố trí sát khung cửa sổ. Những sắc màu vui mắt luôn là điểm nhấn giúp không gian mang vẻ đẹp Vintage thêm duyên dáng, ấn tượng hơn.
Không gian thêm lung linh và ấm áp nhờ ánh đèn vàng.
Góc bàn ăn ngày Tết. Đây cũng là nơi được chị Huyền Trang thường chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
Quất, đào làm duyên cho tổ ấm. Chú vịt bằng gốm xinh xắn được đặt cạnh cây quất gần khung cửa sổ nhiều nắng ấm giúp góc nhỏ thêm duyên dáng hơn trong những ngày đầu xuân.
Chị Huyền Trang khéo léo trong cách lựa chọn bình gốm, đồ gốm và dưỡng hoa, cắm hoa để không gian sống ngập tràn sắc màu mùa xuân.
Với chị Trang, chỉ cần chọn đồ trang trí phù hợp với phong cách thiết kế, khéo léo cắm những bình hoa nhỏ xinh, chọn các loại hoa của mùa xuân… Không gian sống của bạn sẽ tươi tắn hơn, tưng bừng sắc màu nồng nàn cho những ngày đầu năm.
Nguồn ảnh NVCC
Gợi ý cách cắm tuyết mai và đào đông cho Tết này cực đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng bất ngờ
Trong những năm gần đây, tuyết mai và đào đông là hai loại hoa được nhiều chị em lựa chọn trong dịp Tết.
Ngày Tết đang đến rất gần và trong việc trang trí Tết thì không thể không có những bình hoa tươi thắm. Bên cạnh các loại hoa truyền thống quen thuộc như lay ơn, thược dược, phăng... thì các chị em có thể lựa chọn tuyết mai và đào đông cho dịp Tết này.
Hãy cùng tham khảo cách cắm hoa tuyết mai và đào đông đơn giản nhưng rất đẹp nhé!
Cách cắm hoa tuyết mai
Cách chọn và sơ chế hoa tuyết mai
Bạn nên chọn những cành có cả nụ và bông nở. Những cành vậy khi cắm sẽ đẹp và chơi được lâu. Bạn cũng nên chọn những cành có nhiều nụ và hoa mọc đủ từ trên xuống dưới. Nụ và hoa phải tươi, không chọn những cành hoa có hoa héo hay cành bị dập nát.
Ngoài ra lưu ý nên chọn những cành cong và thẳng khác nhau để khi cắm bình hoa của bạn trở nên nhẹ nhàng, mềm mại và có điểm nhấn.
Cách cắm hoa tuyết mai
Chuẩn bị:
- Khoảng 6 - 8 cành tuyết mai.
- Kéo chuyên dụng, dao để sơ chế hoa.
- Bình hoa: Bạn nên chọn những chiếc bình cao vì những cành hoa tuyết mai khá dài. Bên cạnh đó vào những ngày Tết thì bạn nên chọn những chiếc bình gốm sứ để tạo cảm giác truyền thống trong không gian nhà mình. Vì hoa tuyết mai khá nhỏ và có màu trắng nên bạn hãy chọn những loại bình trơn màu để không làm át vẻ đẹp của hoa nhé!
Cách cắm hoa:
- Cắt chéo gốc hoa 45 độ và dùng kéo hoặc dao chẻ đôi gốc để giúp hoa hút nước được tốt hơn.
- Cắm từng cành hoa vào trong bình sao cho có sự xen kẽ giữa các cành cong và cành thẳng. Bạn cũng có thể để những cành cong và dài hơn và phía ngoài để tạo điểm nhấn.
- Để hoa tươi lâu bạn nên thay nước 1 đến 2 ngày một lần hoặc sử dụng thuốc dưỡng hoa hay B1, Aspirin thả vào bình nước.
Hoa tuyết mai mang màu trắng tinh khôi, tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao rất hợp với căn nhà có thiết kế nhẹ nhàng, đơn giản. Bình hoa tuyết mai sẽ phù hợp với không gian phòng khách rộng. Bạn có thể để bình hoa trên bàn khách hoặc để trong góc nhà cũng rất hợp lý.
Cách cắm hoa đào đông kết hợp hoa tuyết mai
Cách chọn và sơ chế hoa đào đông
Bạn nên chọn những cành đào đông có các nhánh mọc đều, nụ hoa mọc rải rác từ đầu đến cuối cành và phân bố đều ở các nhanh. Bên cạnh đó các bông đào đông phải có màu đỏ tươi, to và đều nhau.
Hoa đào đông có các chiều dài cành khác nhau. Tùy vào lọ hoa mà bạn nên chọn cành đào đông phù hợp, tuy nhiên thông thường đào đông có chiều dài từ 80 - 100cm là đẹp nhất.
Cách cắm bình hoa đào đông kết hợp hoa tuyết mai
Chuẩn bị:
- 6 đến 8 cành đào đông, 4 đến 5 cành tuyết mai, một ít lá bạc trang trí.
- Bình hoa: Vì đào đông và tuyết mai đều là những cành dài nên bạn hãy chọn những chiếc bình cao cho phù hợp. Bạn có thể chọn bình thủy tinh nhưng bình gốm sứ sẽ phù hợp không gian Tết hơn cả.
Cách cắm hoa:
- Đào đông và tuyết mai cắt chéo gốc rồi chẻ đôi gốc để hoa hút nước tốt hơn. Lá bạc tuốt bớt phần lá phía thân dưới.
- Cắm đào đông trước sao cho các cành đào đông tỏa đều ra các hướng. Sau đó cắm xen kẽ các cành tuyết mai. Vì cành tuyết mai mảnh hơn nên bạn hãy cắm tuyết mai cao hơn đào đông nhé!
- Cuối cùng cắm lá bạc thấp phía dưới và che phần miệng bình hở.
Cả hoa tuyết mai và đào đông đều rất bền, nếu thay nước hàng ngày chúng ta có thể chơi hoa 2 đến 3 tuần.
Hoa đào đông mọc thành từng cụm và có hình tròn đầy mang đến ý nghĩa đoàn viên. Bên cạnh đó sắc đỏ của đào đông mang đến ấm cúng, thân mật vô cùng hợp với ngày Tết.
Các chị em có thể đặt bình đào đông phối với tuyết mai ở phòng khách để làm bừng sáng không gian ngày Tết.
Cảm ơn The Flower Lab HN và Trại Cá đã hỗ trợ thực hiện bài viết này.
- Trại Cá: Số 1, ngõ 200, Trần Đại Nghĩa, Hà Nội
- The Flower Lab HN: 104/7 Đội Cấn, Hà Nội
Ảnh: Phạm Hoàng
[Infographics] Những loài hoa, cây đặc trưng cho Tết cổ truyền Hoa, cây ngày Tết không chỉ giúp trang trí cho ngày Tết thêm đẹp hơn mà còn mang ý nghĩa đem may mắn, bình an, tài lộc tới mỗi gia đình. Hoa, cây ngày Tết không chỉ giúp trang trí cho ngày Tết thêm đẹp hơn mà còn mang ý nghĩa đem may mắn, bình an, tài lộc tới mỗi gia đình./.