“‘Mẹ cũng có chồng, sao lại cướp chồng con?”
Chuyện nhà bà Hồng đang trở thành sự kiện nóng hổi của cả khu phố khi nàng dâu “tai ngược” lớn tiếng tố cáo bà cướp chồng cô.
“Mẹ đi mà yêu chồng mẹ ấy”
Mấy hôm nay, nhà bà Hồng lặng ngắt vì hai người đàn bà tránh mặt nhau, trong khi hàng xóm thì ồn lên, hào hứng “buôn dưa”. Các bà già lắc đầu bảo bọn dâu con bây giờ láo thật, những câu như vậy cũng dám nói với mẹ chồng, cho dù bà Hồng đúng là cũng tai quái. Còn cánh phụ nữ trẻ thì hả hê, coi Huệ, con dâu bà, là nữ anh hùng khi dám ném vào mặt “kẻ áp bức” những câu như nói hộ lòng họ như vậy.
Sự bất mãn đã ủ men trong lòng Huệ từ mấy năm trước khi bắt đầu về làm dâu, bởi cái luật bất thành văn trong gia đình: cái gì trái ý bà Hồng, cái đó nhất định sai. Cả ba người đàn ông, gồm chồng và hai con trai bà Hồng, đều nhất nhất nghe lời bà, vậy không cớ gì cô con dâu chân ướt chân ráo từ đâu về lại chẳng tuân lệnh.
Huệ phải tập ăn cay, thậm chí cả nước canh cũng cay xé lưỡi, tập nấu cơm bằng nồi áp suất và vô số “quy định” tỉ mỉ khác trong nếp sống nhà chồng. Từ chỗ diện đúng mốt, cô Huệ đổi sang “ăn mặc như mụ điên” để không phải nghe mẹ chồng lải nhải cho đến khi cô khuất phục. Một ví dụ điển hình là khi cô diện quần tất mỏng màu đen hoặc cát cháy, mẹ chồng cứ ca cẩm “đi tất gì mà chân đen như cẳng chó, trông vừa xấu vừa kém đứng đắn”, rồi “khuyên” con dâu dùng loại quần tất màu trắng ngà như của bà để đôi chân nó trắng trẻo. Thấy Huệ không nghe, bà cứ nói mãi, lôi cả đám đàn ông không bao giờ dám trái ý trong nhà ra làm trọng tài, khiến Huệ nổi khùng vứt hết đám quần tất rồi chuyển sang mặc quần bò cho yên thân.
Nhưng điều làm Huệ “cay” nhất là bà Hồng luôn muốn kiểm soát tình cảm của con trai với con dâu. Mặc dù được chồng chiều theo mọi ý thích nhưng bà lại rất khó chịu khi con trai tỏ ra chiều vợ. Trong bữa ăn, có món gì ngon, nếu chồng chậm gắp vào bát mình thì bà sẽ dỗi không ăn, nhưng nếu thấy con trai gắp cho vợ thì bà hầm hầm nét mặt mỉa là đồ dại gái. Trong khi chồng bà hằng ngày đấm lưng, bóp vai cho vợ thì bà vẫn bực tức ra mặt khi con trai dắt hộ vợ chiếc xe máy khi đi làm. Nhiều lần bà “dạy dỗ” Huệ rằng đàn bà cũng phải biết tự lập, đừng có việc cỏn con cũng nhờ chồng, rằng đã lập gia đình thì đừng có nhõng nhẽo bắt chồng chiều như thời con gái.
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Mỗi buổi tối, sau khi ăn uống dọn dẹp xong, hầu chuyện bố mẹ một lúc, Huệ muốn cùng chồng về phòng tâm sự, vì vợ chồng mỗi ngày cũng chỉ được một vài giờ bên nhau. Thế nhưng lần nào bà Hồng cũng xua con dâu về phòng trước rồi cầm chân con trai cho đến lúc bà quyết định đi ngủ. Huệ nói: “Mẹ chồng em quen với việc là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, vừa muốn ra lệnh vừa muốn được chiều chuộng, độc chiếm những người đàn ông trong nhà. Bà không muốn họ để mắt đến ai khác, kể cả vợ hay người yêu. Thế là tối nào cũng vậy, bà ngồi như nữ hoàng với chồng và hai con trai xung quanh dù chẳng có việc gì, và cho con dâu ra rìa”.
Một hôm, đang sẵn bực tức với sếp ở cơ quan, nghe mẹ chồng dạy là đêm ngủ đừng có “bóc lột” chồng quá kẻo khổ thân “nó”, nên bỏ cái thói ích kỷ mới hơn 9 giờ tối đã muốn lôi chồng về phòng riêng như thế, Huệ nổi điên bật lại. Mẹ con qua lại mấy câu nữa thành cãi nhau to. Hồng gào lên: “Mẹ cũng có chồng, sao cứ đòi cướp chồng con? Mẹ lúc nào cũng đòi bố phải chiều mẹ, xoắn xuýt bên mẹ, sao lại cấm chồng con yêu thương con? Mẹ đừng có lấy cớ là vì yêu con trai này nọ, mẹ đi mà yêu chồng mẹ ấy”.
“Mày không được phép sướng hơn tao”
Cũng căm ghét việc con trai thể hiện tình yêu với con dâu nhưng nguyên nhân sâu xa của bà Liên lại hoàn toàn khác. Là một phụ nữ từng gặp bất hạnh trong hôn nhân, bà không chịu nổi khi nhìn con dâu hạnh phúc.
Mặc dù không hề phản đối con trai lấy Quỳnh nhưng ngay từ hồi cô về ra mắt đến nay, bà Liên chưa bao giờ ngừng việc chê bai cô với mọi người: một đứa con gái chẳng có gì nổi bật, nhan sắc bình thường, sức khỏe kém, trình độ vừa phải, nấu nướng cũng chỉ tàm tạm, gia cảnh chẳng lấy gì làm khá. “Ấy thế mà nó thật tốt số, lấy được thằng chồng vừa giỏi vừa tốt, đúng là trời không có mắt, ở đời chẳng có gì là công bằng”, bà nói với giọng cay đắng.
Sở dĩ bà Liên thấy trời không có mắt là do xét các mặt, bà hơn đứt con dâu: xinh đẹp hơn, sắc sảohơn, nữ công gia chánh vào hàng xuất sắc, ấy thế mà đường tình duyên lại khổ một đời. Sống chung với bố chồng Quỳnh được 6 năm thì ông yêu người khác và kiên quyết ly dị, bà sống trong nỗi thù hận với đàn ông. Rồi không cam lòng chôn vùi cuộc đời trong cảnh cô đơn, bà tạm gác nỗi hận ấy để xúc tiến việc tìm hiểu những người đàn ông khác, hy vọng có thể đi bước nữa. Có ít nhất 3 người đàn ông tiến đến mức “mấp mé hôn nhân” với bà nhưng rồi đều rút lui cả. Bà đành ở vậy nuôi Cường, cậu con trai duy nhất.
Chứng kiến cuộc đời mẹ, Cường rất hiểu nỗi khổ của phụ nữ, nên khi lấy vợ, anh cố gắng đối xử vợ thật tốt, với thật nhiều cảm thông và yêu thương, nương nhẹ. Nhưng chính điều đó khiến bà Liên thấy đố kỵ, mặc dù Cường trước sau không hề lơ là việc bày tỏ tình cảm và chăm sóc mẹ. Dù con trai rất có hiếu nhưng bà nghĩ, bà đã khổ cả đời, lại là mẹ đẻ của anh nên hưởng phúc là đương nhiên, còn “con bé kia” là người dưng nước lã, lại chẳng có công lao gì sao đã sung sướng sớm như vậy? Nghĩ đến những đoạn trường đã trải suốt mấy chục năm, bà thật không cam lòng.
Vì thế, tuy trước mặt con trai, bà Liên tỏ ra phúc hậu, bao dung nhưng sau lưng anh, bà tìm cách gây khó dễ cho nàng dâu, hành hạ cô, muốn cô cũng nếm trải ít đắng cay cho công bằng. Bà cũng khéo léo răn đe, ràng buộc để Quỳnh không “mách” chồng. Vì thế, Cường không hiểu tại sao tuy được cả gia đình yêu thương, điều kiện kinh tế lẫn công việc đều thuận lợi mà vợ vẫn ngày một xanh xao, với những thoáng u uất, buồn bã, nhưng hễ hỏi đến thì cô lại cười xòa làm ra vẻ không có gì. Đôi khi, trước sự quan tâm của chồng, Quỳnh rơi nước mắt nhưng lập tức lấp liếm.
Một lần, khi bị mẹ chồng ép quá, Quỳnh hỏi thẳng rằng cô không đắc tội gì với bà, sao bà lại ghét cô như vậy. Mẹ chồng trả lời: “Tao không ghét mày, nhưng đời mày quá sướng, quá may mắn. Mày không được phép sướng hơn tao, hiểu chưa?”.
Quỳnh nghĩ mình nên thông cảm với mẹ chồng, nhưng cô cảm thấy nếu cứ thế này thì không sống nổi. Cô muốn nói thật với chồng, nhưng lại sợ anh đau khổ. Vả lại, mẹ chồng cô chắc đã tính đến chuyện ấy mà chuẩn bị phương án đối phó, nên nếu nói ra, mẹ chồng “phản chiêu” thì có khi cô lại thành kẻ dối trá, vô ơn, sướng còn không biết đường hưởng… “Đến một ngày nào đó không chịu nổi nữa, có lẽ em sẽ để lại một bức thư cho anh ấy, kể hết mọi chuyện rồi ra đi, vì em không nỡ bắt anh ấy lựa chọn giữa vợ và mẹ”, Quỳnh nói.
Những người bạn của Quỳnh cho rằng giải pháp đó cực kỳ trẻ con, sặc mùi “sến sẩm” kiểu tiểu thuyết ba xu. Họ khuyên cô nói cho chồng biết, để nếu anh không “điều chỉnh” được mẹ thì cũng biết vợ mình đang gặp chuyện gì; có một người thấu hiểu thì sẽ dễ chịu đựng sự hành hạ của mẹ chồng hơn.
Hiện Quỳnh chưa biết mình sẽ làm gì. Còn mẹ chồng cô hả hê vì hành tội được con dâu nên dường như không nhận ra bà đang “ăn bớt” hạnh phúc của con trai mình.
Theo afamily
"Ai làm đĩ?"
"Ai làm đĩ thì còn phải xem lại! Xưa nay người ta nói lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ!"
- Cô im đi!
Không kiềm chế được, Minh vung tay tát một cái nảy lửa vào mặt Thơm.
- Anh! Anh dám tát tôi à? Anh tát tôi chỉ vì một người đàn bà, một người đàn bà đã từng làm cái nghề mạt hạng là... làm đĩ hay sao?
- Tôi cấm cô không được nói về mẹ tôi như thế!
Minh chỉ thẳng tay vào mặt vợ gằn lên từng tiếng.
Vừa tức giận, vừa như sợ chồng mình nổi cơn điên, Thơm tránh xa khỏi bàn tay có thể giơ ra tát bất cứ lúc nào của Minh, miệng không quên hằn học:
- Anh được lắm! Tôi cũng chả thiết gì cái nhà này nữa. Đã thế thì li dị.
Thơm nói rồi với lấy chìa khóa xe lao ra khỏi nhà.
Minh bối rối nhìn người đàn bà tội nghiệp đang đứng cạnh đó. Lúc này bà mới lên tiếng vừa xót xa, vừa buồn bã:
- Chạy tìm nó đi con ạ! Vợ chồng có chuyện gì đóng cửa bảo nhau. Nguyên nhân cũng chỉ ở mẹ mà ra thôi.
Hơn hai mươi năm về trước, mẹ Minh do mắc bệnh ung thư mà mất sớm, để lại bố Minh gà trống nuôi con. Lúc ấy, Minh mới có 5 tuổi, trên Minh còn chị gái tên Lan. Minh nhớ lại, hồi ấy, mẹ mất được 2 năm thì bố dẫn về một người đàn bà. Đó là người phụ nữ có vẻ rụt rè, ít nói, đặc biệt có đôi mắt buồn. Người đàn bà ấy biết Minh thích tàu thủy sắt tây, nên có mua cho Minh một cái, dịu dàng đặt vào tay Minh. Khi nhìn thấy món quà mà bất kỳ đứa trẻ con nào hồi đó cũng ao ước, Minh định gật đầu thì chị Lan giằng và ném ra.
- Em bị sao thế? Nhận quà của... của con đĩ làm gì cho bẩn tay! - chị Lan hét lên.
Nghe thấy tiếng hét, bố Minh vào tát chị một cái như nảy lửa. Minh không hiểu gì cả. Rồi bố Minh cũng lấy người đàn bà tên Thùy ấy về làm vợ, làm dì ghẻ cho Minh và chị Lan. Minh vẫn nhớ như in trong trí óc, mấy cô hàng xóm hay chỉ trỏ vào dì Thùy và bảo với Minh: "Tội thân 2 đứa trẻ! Sao bố mày lại lấy đĩ về làm vợ!". Mấy đứa bạn ở lớp thì giễu Minh: "Cái đồ có dì ghẻ làm đĩ mà không biết ngượng!". Minh không biết làm đĩ là làm gì nhưng chắc là xấu lắm. Chị Lan thì ghét dì ra mặt. Đương nhiên, Minh cũng phải ghét bà ta, vì bà ta mà 2 chị em Minh bị người ta giễu cợt, vì bà ta không phải là mẹ.
Hai chị em Minh làm đủ mọi trò để hành hạ dì ghẻ, mặc cho những trận đòn của bố. Những lúc đó, dì lại ngăn. Chị Lan bảo Minh: "Đừng có tin bà ta! Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng?". Dì thì vẫn lẳng lặng chịu đựng. Dì không sinh thêm con mà chỉ lo cho 2 đứa con của chồng.
Thấy vợ trâng tráo nói những lời thậm tệ với mẹ, Minh giận sôi người (Ảnh minh họa).
Cho đến một ngày, Minh cũng đã vào học cấp 3. Hôm ấy, Minh đi học quên không mang áo mưa, trời thì mưa như trút nước. Tan học thấy dì ghẻ đứng ở cổng trường với bộ áo mưa trên tay, Minh làm ngơ không chịu mặc, đi về luôn. Chẳng ngờ băng qua đường thì một chiếc ô tô lao tới. Thời gian lúc đó như ngưng lại. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Chỉ biết lúc kịp hoàn hồn lại thì thấy mình bị ngã sang một bên, chiếc ô tô cán vào chân dì ghẻ. Lúc này dì nằm sõng soài trong vũng nước và máu. Sau vụ tai nạn ấy, dì phải dùng xe lăn. Sau vụ tai nạn ấy, 2 chị em Minh cũng đã dần dần thương và làm hòa với dì ghẻ.
Mấy năm sau đó, bố Minh mất để lại một mình dì với cái chân tàn tật lo cho 2 đứa con chồng, dựng vợ gả chồng cho 2 đứa. Cho đến bây giờ thì 2 chị em Minh đã coi dì như người mẹ đẻ thứ 2 của mình.
Thơm là một cô gái xinh xắn, hiện đại, vừa lấy bằng thạc sỹ ở nước ngoài. Minh tin tưởng khi biết chuyện, Thơm sẽ thông cảm cho người mẹ kế của Minh. Chẳng ngờ, Thơm không coi mẹ kế ra gì. Cô nhìn mẹ chồng với ánh mắt khinh khỉnh. Một người chưa tốt nghiệp cấp 3 lại từng làm đĩ sao có thể so sánh với tấm bằng thạc sỹ của cô. Đối với cô, bà chẳng khác nào một người ở, thậm chí còn không bằng, vì người ở còn làm được việc, đằng này bà còn phải dùng xe lăn với chống nạng.
Mẹ kế muốn có cháu bế nên cũng đôi lần ngỏ ý với vợ chồng Minh. Nào ngờ, Thơm phản pháo bằng cái giọng đầy khiêu khích: "Con nghĩ cũng thấy lạ! Mẹ có vẻ thích trẻ con, sao ngày xưa mẹ không đẻ lấy mấy em? Hay là do trước đó trót sa cơ lỡ bước nên không thể làm được thiên chức ấy?"
Sống ở nước ngoài, có tư tưởng khá thoáng, lại là một cô nàng được nhiều chàng theo đuổi nên mặc dù có chồng, Thơm vẫn rất thoải mái trong các mối quan hệ với nhiều người đàn ông khác. Một hôm, ở nhà, cô nói chuyện rất thân mật, thậm chí còn có phần lả lơi với một người đàn ông qua điện thoại. Cũng vô tình bà Thùy nhìn thấy. Thơm vừa sợ sệt, vừa lườm nguýt bà.
Đến tối hôm vừa rồi, không biết Thơm đi công việc gì mà được một người đàn ông đưa về tận nhà. Trước khi vào nhà, cô đứng ngay trước cổng ôm hôn tạm biệt người đàn ông kia. Mẹ kế đứng trong nhà tận mắt chứng kiến cảnh đó nên khi Thơm vào có lựa lời nhắc nhở: "Con ơi, mình là gái có chồng, ở đây không như nước ngoài, con nên kín đáo chút, lỡ người ngoài nhìn vào lại dị nghị không hay". Thế là Thơm sừng sổ:
- Bà sợ tôi làm chuyện gì mờ ám à? Tôi đường đường chính chính chứ không dơ dáy như ai!
Minh nghe thấy thế liền ra. Hơn ai hết, anh hiểu rõ tính vợ anh phóng khoáng, ham chơi, đi đâu cũng phải có đàn ông đưa đón. Thấy vợ trâng tráo nói những lời thậm tệ với mẹ, Minh giận sôi người.
- Ai làm đĩ thì còn phải xem lại! Xưa nay người ta nói lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ!
Hai bên lời qua tiếng lại. Cãi đuối lý, lại ức chế vì suốt ngày bị chồng lại mẹ kế nhắc nhở chuyện sinh con, Thơm đòi li dị, bỏ nhà đi mấy hôm rồi. Minh suy nghĩ rất nhiều. Lấy vợ, lấy chồng ai chẳng muốn lâu dài, đâu ai muốn giữa đường đứt gánh. Nhưng cứ nghĩ đến thái độ của Thơm, Minh quá thất vọng. Cô là phận dâu con mà dám khinh miệt người mẹ của Minh. Những đứa con sau này sẽ lớn lên như thế nào với một người mẹ méo mó như thế? Minh không dám đặt cược.
Theo afamily
Xui con dâu bỏ chồng Bà Phượng liên tục giục con dâu ly hôn chỉ nhằm giữ thể diện và ngăn sự thật về con trai mình không bị phanh phui. "Con bỏ nó đi con ạ, không chịu đựng được thì ly hôn cho nó nhanh, đỡ tốn thời gian. Mẹ ủng hộ" - bà Phượng thẽ thọt bảo Tuyết. "Mẹ à, sao mẹ coi con như...