Mê Công – Dòng sông tương lai
Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam – 6 quốc gia có dòng sông Mê Công-Lan Thương (theo tiếng Trung Quốc) chảy qua không chỉ đang nuôi dưỡng nền văn hóa đặc sắc, tương đồng, mà còn hình thành mối quan hệ kinh tế-văn hóa có lịch sử lâu đời, vững chắc. Hiện, cả 6 nước đang tích cực tham gia hợp tác khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài, dốc sức phát triển cơ sở hạ tầng để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước ven sông Mê Công-Lan Thương đi vào chiều sâu đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi nước.
Các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công-Lan Thương (MLC) lần thứ hai tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia, ngày 10-1-2018. Ảnh: TTXVN
Hợp tác Mê Công-Lan Thương là cơ chế hợp tác do 6 nước thượng nguồn, hạ nguồn của sông cùng triển khai, đã đạt được rất nhiều thành quả kể từ khi thành lập. Ngày 23-3-2016, để thực hiện sáng kiến hợp tác Mê Công-Lan Thương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc – Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 17, Trung Quốc và 5 nước khu vực sông Mê Công đã tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo đầu tiên tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và đưa ra Tuyên bố Tam Á, cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương. Ngày 10-1-2018, nhân dịp 2 năm ngày thành lập cơ chế, các nhà lãnh đạo của 6 nước đã tổ chức hội nghị lần thứ hai, để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong cơ chế hợp tác này.
Nhân tố thúc đẩy hợp tác
Hợp tác Mê Công-Lan Thương là bộ phận cấu thành tích cực nhất của quan hệ Trung Quốc-ASEAN, là tiêu chí quan trọng để đưa hợp tác giữa Trung Quốc và các nước trong tiểu vùng Mê Công lên một tầm cao mới. Hợp tác Mê Công-Lan Thương có được tiến triển nhanh như vậy là nhờ động lực bên trong mạnh mẽ, ngay từ đầu đã được các nước ASEAN công nhận và ủng hộ, là kết quả tất yếu của nhất thể hóa kinh tế khu vực. Thái Lan là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng hợp tác tiểu vùng Mê Công-Lan Thương vào năm 2012 và Trung Quốc đã có phản ứng tích cực. Sau đó, Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc nhiều lần xác nhận sẽ ủng hộ cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương.
Hợp tác Mê Công-Lan Thương là khu kinh tế xuyên quốc gia, theo đó, các bên phát huy ưu thế tương đối của mình, bổ sung những khiếm khuyết của nhau, thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh tổng hợp của các ngành nghề. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nước nhập khẩu lớn thứ 3 của Lào. Xét về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Myanma, thứ 2 của Lào và Thái Lan, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và thứ 6 của Cam-pu-chia. Từ tổng lượng đầu tư cho thấy, Trung Quốc là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Campuchia, Lào và Myanma, là nguồn đầu tư bên ngoài lớn thứ 8 của Việt Nam. Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ 3 của Thái Lan.
So với các quốc gia Đông Nam Á khác, vấn đề an ninh phi truyền thống mà Trung Quốc và các nước ven sông Mê Công phải đối mặt có tính đặc thù. Ví dụ như tính chất tác động dây chuyền và tính nhạy cảm của vấn đề nguồn nước, tình hình tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng, tính lưu động mạnh của người nhập cư bất hợp pháp… rất cần có sự hợp tác mang tính thể chế để cùng nhau đối phó.
Có hai cơ chế đa phương nhỏ quan trọng ở lưu vực sông Mê Công: Ủy hội sông Mê Công (MRC) và Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Từ khi thành lập đến nay, hai cơ chế này đã đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Nhưng qua thời gian, yêu cầu tạo ra các cơ chế mới để bổ sung và thúc đẩy hợp tác nổi lên, và cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương đã ra đời.
Dòng sông tương lai
Giống như các cơ chế khác, hợp tác Mê Công-Lan Thương cũng tồn tại những khó khăn cần tiếp tục vượt qua. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và đà phát triển mạnh, hợp tác Mê Công-Lan Thương trong thời gian tới cần tập trung vào một số phương diện sau.
Video đang HOT
Thứ nhất, các nước thuộc lưu vực sông Mê Công-Lan Thương cần củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, tăng cường kết nối, xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng hiệp thương thông cảm cho nhau.
Hai là, trao quyền cho cơ chế. Kinh nghiệm từ MRC, Cơ chế GMS cho thấy sức sống của cơ chế khu vực được quyết định bởi mức độ trao quyền ở các nước. Trong thời gian tới, muốn hợp tác Mê Công-Lan Thương đi vào chiều sâu và mở rộng lĩnh vực hợp tác thì các nước cần cùng nhau tìm kiếm ước số chung lợi ích, trao tư cách chính trị rõ ràng cho các cơ chế mới. Hợp tác Mê Công-Lan Thương với tư cách là một tổ chức của tiểu vùng, cần không ngừng tự hoàn thiện, củng cố mục tiêu, trình tự, thành quả hợp tác thông qua các hình thức như ban hành các nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao uy tín, mở rộng tầm ảnh hưởng trong hợp tác khu vực.
Ba là, xây dựng năng lực. Các nước trong lưu vực sông Mê Công có thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, vận hành chính trị cũng như năng lực phát triển khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc giàu kinh nghiệm, có khả năng tương đối mạnh về các mặt khai thác nguồn nước, khoa học trong nông nghiệp, quản lý tổng hợp đất đai…, Thái Lan cũng có ưu thế nhất định về các mặt xây dựng kinh tế, quản lý thành phố, quản lý môi trường…, còn Lào, Campuchia, Myanma lại tồn tại điểm yếu riêng. Do đó, các bên cần phải thích ứng và tiếp xúc với nhau.
Bốn là, phối hợp bên trong và bên ngoài, cùng phát triển bền vững. Hiện khu vực này đã có các loại hình cơ chế hợp tác, ngoài MRC, GMS, còn có cơ chế hợp tác phát triển ASEAN-Mê Công (AMBDC), chương trình hành động hạ lưu sông Mê Công do Mỹ khởi động, Đối thoại cấp cao Mê Công-Nhật Bản, Hợp tác sông Hằng-lưu vực Mê Công do Ấn Độ khởi xướng, Hội nghị Ngoại trưởng Mê Công-Hàn Quốc… Những cơ chế này lần lượt do các nước hoặc tổ chức quốc tế khác nhau giữ vai trò chủ đạo, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhau. Hợp tác Mê Công-Lan Thương cần phải được phối hợp hài hòa với các cơ chế của tiểu vùng, giảm bớt sự hoài nghi lẫn nhau giữa các nước trong và ngoài khu vực và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ chế.
Năm là, hoàn thiện cơ chế thể chế. Trong giai đoạn đầu các cơ chế được thiết lập, các nước trong khu vực đều cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với nhau trên tất cả các mặt, hợp tác thông qua các cuộc tiếp xúc.
Sáu là, tăng cường sự kết nối theo chiều ngang, như hợp tác Trung Quốc-ASEAN, hợp tác Mê Công-Lan Thương và các tổ chức tiểu vùng khác. Thông qua xây dựng quan hệ đối tác với MRC, GMS…, hợp tác Mê Công-Lan Thương phải điều phối có hiệu quả mối quan hệ giữa các bên, có thể tiếp nhận các nước và các tổ chức khu vực khác làm quan sát viên, điều phối mối quan hệ giữa các nước trong ngoài khu vực và các tổ chức khu vực.
Cuối cùng là xây dựng hệ sinh thái tôn trọng tự nhiên, phát triển xanh. Đây chính là động lực để phát triển bền vững.
Hồng Ngọc (Tổng hợp)
Theo bienphong
Sự "dũng cảm" của các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Triều Tiên
Mặc dù Triều Tiên hiện nay đã có nhận thức tốt hơn về các nền kinh tế thị trường tự do, song nhiều người hoài nghi về việc liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng rót vốn và triển khai các dự án tại quốc gia được cho là bí ẩn nhất thế giới này hay không.
Tổng thống Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Theo Korea Times, tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc là đối tác thương mại tư nhân duy nhất được cấp phép của Triều Tiên. Sau khi nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Bình Nhưỡng, tập đoàn này được trao đặc quyền phát triển các dự án kinh doanh với trọng tâm là du lịch tại Triều Tiên.
Sau khi Triều Tiên quyết định dừng chương trình phát triển vũ khí để tập trung phát triển kinh tế, đồng thời cam kết phi hạt nhân hóa, một số nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đang hy vọng về viễn cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào thị trường Triều Tiên và cộng đồng quốc tế có thể cung cấp các gói hỗ trợ về tài chính cho Bình Nhưỡng.
"Mỹ đang lên kế hoạch cho phép một số doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân mở các cơ sở tại Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân đúng như kế hoạch", báo cáo của tổ chức E-Best Securities được công bố hôm 16/8 cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra nhiều ý tưởng về những lợi ích mà Triều Tiên có thể đạt được nếu nước này "từ bỏ hoàn toàn" chương trình hạt nhân để xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như tại khu vực Đông Bắc Á. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6, Tổng thống Trump từng lấy ví dụ về những bãi biển "tuyệt đẹp" của Triều Tiên và cho rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn có tiềm năng để phát triển du lịch nhờ những bãi biển như vậy.
Triều Tiên hiện là thị trường cuối cùng trong khu vực chưa được khai phá tiềm năng. Theo các luật sư tại Seoul, một số công ty tư nhân đang thành lập các nhóm nội bộ để phát triển các kế hoạch đầu tư tại Triều Tiên. Các luật sư Hàn Quốc nói rằng các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài đang tiếp cận họ để tìm hiểu thêm về cơ hội kinh doanh tiềm năng với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Chung-in gần đây nói rằng Triều Tiên cũng mong muốn các dự án đầu tư từ Mỹ.
"Triều Tiên nổi tiếng với lực lượng lao động lành nghề trong các ngành nông nghiệp và hàng không vũ trụ. Nước này cũng có nguồn nguyên liệu thô phong phú như các quặng than hay sắt. Triều Tiên cần hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện và phát triển công nghệ trong ngành nông nghiệp", một quan chức chính phủ Hàn Quốc nhận định.
Rủi ro đầu tư
Các xe tải trở về từ khu công nghiệp Gaeseong đi qua khu vực kiểm tra hải quan và xuất nhập cảnh gần Panmunjom, Hàn Quốc (Ảnh: Ahn Young-Joon)
Nhà kinh tế học Gareth Leather từng nhận định Triều Tiên có một số lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, sẽ chỉ có những nhà đầu tư "dũng cảm" mới đầu tư vào đất nước này.
Dẫn một nghiên cứu độc lập của đài Radio Free Asia, báo cáo của E-best cho biết các tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Google, Dell, Starbucks, Ford và Boeings đều chưa trả lời các câu hỏi liên quan tới kế hoạch đầu tư của họ tại Triều Tiên. Trong khi đó, các đại diện của Samsung và LG, các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc, cho biết họ chưa có kế hoạch khai thác các cơ hội kinh doanh tại Triều Tiên.
Triều Tiên hiện vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những dự án hợp tác chung với Triều Tiên bị Hội đồng Bảo an ngăn cấm, trong khi Liên minh châu Âu chặn các giao dịch tài chính vượt quá 5.000 euro với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, các quy định do Mỹ đặt ra cũng khiến các ngân hàng quốc tế tránh thực hiện các giao dịch với Triều Tiên. Những rào cản này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài chưa sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên.
Hiện vẫn còn những quan ngại rằng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư tại Triều Tiên có thể bị tịch thu sung công quỹ vì các mục đích chính trị. Trong khi hệ thống điện nước là điều kiện bắt buộc đối với hoạt động của các doanh nghiệp, việc Triều Tiên có thể đảm bảo các điều kiện này hay không cho đến nay vẫn là câu hỏi để ngỏ. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng thiếu các cơ chế cơ bản để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh.
Được xây dựng tại Triều Tiên từ cách đây hơn 10 năm, Khu Công nghiệp Gaeseong đã phải đóng cửa hai lần trước khi Triều Tiên tịch thu các tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào năm 2016. Tổng thiệt hại đối với 123 công ty tại khu công nghiệp này lên tới 1,3 tỷ USD và Triều Tiên cũng không bồi thường cho họ sau khi khu công nghiệp đóng cửa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 vào tháng tới. Dự kiến hai nhà lãnh đạo có thể sẽ bàn về việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Triều Tiên để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trong cuộc gặp thứ ba tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Kim Jong-un những lợi ích kinh tế mà Triều Tiên có thể nhận được sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Ông Moon vừa đề xuất thành lập một cộng đồng kinh tế bao gồm cả Mỹ và Triều Tiên. Tôi tin rằng đây là một bước đi hướng đến việc phát triển nền kinh tế Triều Tiên", Lim Eul-chul, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Kyungnam, nhận định.
Tổng thống Moon Jae-in gần đây cho biết ông muốn xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ nối với Triều Tiên để mở đường cho việc thiết lập một cộng đồng kinh tế chung theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU). Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói rằng cộng đồng này ngoài Hàn Quốc, Triều Tiên còn có Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga và Mỹ. Theo ông Moon, mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có thể mang lại 150 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố số liệu thống kê tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của từng bậc học hiện nay. Trong đó đáng chú ý là chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn. Năm học mới, nhà trường tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu - B.THANH Ngày 17.8, Sở GD-ĐT...