Mẹ! Con xin lỗi
Lời mẹ nói con còn nhớ mãi, ngày con về không con xa nữa đâu mẹ à. Mẹ ơi! Con muốn được mẹ ôm như những ngày bé thơ, nhưng giờ đây con ở xa quê hương nhớ hình ảnh mẹ già tiễn bước con đi và luôn theo dõi đến khi khuất xa lũy tre làng. Con còn nhớ năm con học lớp 3 mẹ dẫn con về ngoại một đầu mẹ để thúng khoai lang, một đầu là con trai của mẹ, đôi vai gầy của mẹ cõng con suốt chặng đường 4 km. Con còn nhớ rất rõ mẹ à, con không bao giờ quên và cũng không được phép quên cảnh cơ hàn của gia đình mình. Năm lớp 3 con đi học về thấy con heo nái nhà mình đẻ thấy nó bú con cũng nói: “ Mẹ, heo bú con cũng bú” thế là con xà vào lòng mẹ, con hư lắm phải không mẹ? Con đã nói sau này lớn lên con học thật giỏi để làm bác sỹ y khoa con sẽ khám bệnh cho mẹ nhưng con mãi không làm được, con xin lỗi mẹ! Nhà mình nghèo trời mưa nhà giột chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo mẹ dành cho con.
Năm lớp 4, con học lực loại yếu mẹ luôn che chở và bảo vệ cho con những trận đòn roi, những lời mắng chửi của ba. Con cố gắng thật nhiều kết quả cũng được loại trung bình vào cuối năm. Đến năm lớp 5, con được loại khá nhưng không có quà thưởng ba đã bỏ tiền ra mua quà rồi thầy cô trao cho con, con rất hạnh phúc mẹ à.
Con có lỗi với mẹ, đã làm cho mẹ bao lần rơi nước mắt vì con (Ảnh minh họa)
Khi bước vào tuổi 18, cổng trường đại học đang đón chào nhưng con lại thi không đậu, con thực sự chán nản mẹ lại an ủi con. Con học yếu quá nên mới chọn đại học tại chức, năm đầu tiên con lo học nên mới đạt kết quả đứng thứ 2 của lớp, sang năm thứ 2 con học đòi lao vào số đề, cá độ bóng đá… rồi từ đó con không đi học nữa. Thân mẹ gầy yếu phải đi xe buýt từ Quảng Nam ra Đà Nẵng nộp tiền học phí cho con mà những đồng tiền đó là kết quả của sự chắt chiu từ những bó rau muống, rau diếp cá, rau thơm… 900 ngàn một học kỳ mà lúc đó chỉ có 2.500 đồng/ 12 bó rau muống. Mẹ ơi! Con có lỗi với mẹ, đã làm cho mẹ bao lần rơi nước mắt vì con. Mẹ dẫn con vào nhà cậu Sáu để gởi cho con ở nhà cậu, con không dám đối diện với mọi người. Con có viết trên cuốn vở của mình cậu Sáu đọc được:
“Thức đêm mới biết đêm dài,
Có con mới biết công lao mẹ già.”
Giờ lớn khôn con đã hiểu ý nghĩa của nó, nhưng con ở xa quá làm sao chăm sóc mẹ già lúc ốm đau trái gió trở trời. Mẹ mang trên mình căn bệnh gai cột sống lại còn đau khớp, sức của mẹ không đủ để mổ. Con buồn lắm mẹ à, khi mẹ đã 66 tuổi rồi ngày con rời xa nhà mẹ con rất khỏe nhưng không biết ngày về con còn được thấy mẹ nữa không? Mỗi lần con điện về mẹ nói mẹ rất khỏe con đừng có lo, mẹ nói cái răng của con hết đau chưa nếu có gì phải đi bác sỹ nha, nhưng mẹ ơi con đi làm bảo hiểm không có tốt con đâu có mua bảo hiểm đâu mẹ? Con tiết kiệm từng đồng như ngày xưa mẹ tiết kiệm vậy đó mẹ, mẹ giữ gìn sức khỏe mẹ nhé con hứa 5 năm sau con sẽ về phụng dưỡng mẹ già. Mẹ hãy đợi con về mẹ nhé!
Các bạn còn mẹ xin đừng để mẹ buồn mẹ khổ, những ai gần mẹ hãy chăm lo cho mẹ thật tốt. Tôi viết lên đây băng tất cả tấm lòng của một người con xa quê hương xa mẹ già và cả những dòng ứa lệ nữa các bạn à. Xin chân thành cảm ơn và chúc các mẹ luôn khỏe mạnh để vui vầy với các con các cháu của mẹ!
Video đang HOT
“Mẹ già hai đứa nuôi chung
Đứa lo cơm nước đứa đùm thuốc thang”
Lời mẹ nói con còn nhớ mãi, ngày con về không con xa nữa đâu mẹ à.
Theo 24h
"Có về không thì bảo?"
Không biết má có nhớ tôi không? Có tha thứ cho tôi không?
"Thằng Tí" nói như tạt nước vào mặt tôi: " Còn mấy bữa nữa là tết rồi, về đi. Không nghe tui, mai mốt đừng có khóc hận. Đồ lì lợm, cứng đầu, cứng cổ, khó dạy, khó bảo. Tóm lại là đồ không ra gì!". Tôi nhìn tên bạn thân, nhìn cái kiểu hắn đi tới, đi lui, miệng láp váp không ngừng mà vừa giận, vừa tức cười: " Bớt nói chút được không? Tui mà về, bà già thấy mặt chắc lên máu chết luôn. Ê, Tí...".
Tôi chưa nói dứt câu, thằng bạn đã nạt: " Tí, Tí cái gì. Làm ơn gọi đúng tên tui đi". Ừ thì Tuấn. Ai biểu hồi nhỏ hắn đẹt ngắt làm chi. Cái tên Tí là cả xóm gọi chớ có phải riêng mình tôi đâu?
"Ê, Tuấn, ông nói thử coi, nếu tui để cho má tui... lấy chồng thì liệu người ta có nói ra, nói vô không? Thật tình tui không hiểu, má tui đã sống thờ chồng, nuôi con bao nhiêu năm rồi, vậy mà bây giờ lại muốn đi bước nữa là sao? Chẳng lẽ thằng cha kia quan trọng hơn chị em tui?". Tuấn ngồi xuống, nhìn tôi lom lom: " Bây giờ bà muốn cũng không được vì má bà đã cấm cửa chú Hưng rồi. Bà hài lòng chưa? Đồ ích kỷ!".
Hồi đó ba của Tuấn cũng để ý má tôi nhưng cuối cùng bà ngoại lại gả má cho con trai bà chủ hãng xe đò Vạn Phát. Năm đó má tôi mới 16 tuổi. Nhà ngoại nghèo lắm, lại đông con nên chẳng có ai được ăn học. Ngoại đi buôn trái cây từ Bến Tre, Vĩnh Long lên Sài Gòn. Những hôm hàng nhiều thì má tôi theo phụ. Bà chủ xe nhìn thấy có vẻ ưng bụng nên hỏi ngoại để cưới cho con trai của bà. Thật lòng mà nói, lời đề nghị làm sui đối với ngoại là quá sức tưởng tượng, bởi đâu phải ai cũng được bà chủ hãng xe đò lớn nhất nhì miền Tây ấy để mắt tới?
Vậy là má tôi lấy chồng. Nhà nội tôi giàu nên khi dễ bên ngoại. Nội không bao giờ gọi ngoại là "chị sui" mà chỉ kêu bằng "cô Ba". Còn má tôi về làm dâu nhà giàu dù được ăn sung, mặc sướng nhưng cực khổ trăm bề. Ba tôi lớn hơn má gần chục tuổi, tính tình lại bay bướm nên hết cô này tới cô kia. Má tôi biết hết mà không dám nói một lời.
Năm má tôi 24 tuổi thì đã có tới 4 mặt con. Tôi là út. Trong tâm trí tôi, hình ảnh ba rất mờ nhạt. Đó là một người đàn ông to béo, bụng phệ, lúc nào cũng đội cái mũ phớt trên đầu, miệng mấp máy điếu thuốc. Cử chỉ âu yếm duy nhất mà tôi hay nhận từ ba là một cái bẹo má đau điếng mỗi khi ba về nhà sau những chuyến đi xe dài ngày.
Rồi ba tôi bị bệnh tiểu đường và đủ thứ bệnh nên không thể chạy xe cho nội nữa. Ba chỉ loanh quanh ở nhà, còn má phải thay ba theo xe để góp tiền. Ngày nào má cũng đi từ 1-2 giờ sáng tới chiều tối mới về.
Năm tôi 10 tuổi thì bệnh ba trở nặng, phải ra vô bệnh viện thường xuyên. Má tôi phải bán xe và chuyển qua làm chả lụa, patê, lạp xưởng bỏ mối cho người ta. Cứ 2 tuần một lần, má lại đưa ba lên bệnh viện Bình Dân để chạy thận nhân tạo...
Bệnh của ba chữa trị rất tốn kém, may nhờ có mấy chú giúp thêm chứ một mình má tôi thì cũng lo không nổi. Tôi nhớ lúc bệnh, ba tôi rất khó tính. Ba "ngồi một đống" ở ghế giữa và hay chửi mắng má mà chẳng cần lý do gì. Những lúc như vậy, má trốn vô buồng ngồi khóc. Tôi bực mình định "nói chuyện phải trái" với ba thì má không cho: " Tại ba bệnh ngồi một chỗ nên khó chịu trong người. Tụi con đừng làm ba buồn".
Thật lòng, nhiều khi tôi nghĩ, chẳng biết cuộc đời má tôi có ngày nào sung sướng hay không? Cuộc đời làm dâu, làm vợ nhà giàu của má tôi sao chỉ toàn thấy bị đè nén, hiếp đáp.
Rồi ba tôi mất. Năm đó má tôi mới 38 tuổi. Tuy không nói ra nhưng chị em tôi đứa nào cũng nghĩ, điều đó là tốt cho má. Từ nay má sẽ không phải là nô lệ cho một người đàn ông vốn chỉ xem má như con ở và một cái máy đẻ không hơn, không kém... Từ nay má sẽ thanh thản mà sống những ngày còn lại của cuộc đời. Tôi quên rằng, 38 tuổi là hãy còn quá trẻ...
Giờ mà về, tôi không biết sẽ ăn nói thế nào với má... (Ảnh minh họa)
Và người phụ nữ ấy đã yêu. Một người đàn ông đi nuôi vợ ở bệnh viện đã gặp má tôi. Ban đầu họ chỉ là những người đồng cảnh ngộ nên cảm thông và giúp đỡ nhau tận tình. Thế rồi cả chồng và vợ của hai bên đều mất khiến họ càng xích lại gần nhau... Và chuyện gì phải đến đã đến. Má tôi yêu người đàn ông ấy.
Ban đầu họ còn giấu giếm, nhưng mấy năm sau thì công khai. Rồi má tôi xin phép bà nội đi bước nữa. Và thế là giông tố nổi lên. Nhà nội cắt mọi nguồn viện trợ, đòi lại nhà, các cô chú thì xem chúng tôi như người dưng nước lã...
Điều đó khiến tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi đi tìm ông ta "nói chuyện phải trái", thật ra là để chửi cho một trận và cấm không được bén mảng lại gần má tôi. Thế nhưng điều đó lại có tác dụng ngược. Má đánh tôi một trận, vừa đánh vừa khóc vì cái tội tôi hỗn với người lớn. Bị đánh đau, tôi hét vào mặt má tôi: " Bà không phải là má của tui!". Sau đó, tôi cuốn gói đi luôn và "trả thù" má bằng cách bỏ thi đại học.
Tôi về ở với nội trong sự ghẻ lạnh của ông bà và các cô chú. Trong mắt họ, tôi không phải là một đứa cháu bình thường bởi má tôi đã không thủ tiết với con họ. Không chịu nổi điều đó, tôi lại trốn đi. Lần này tôi về ngoại. Ôi, nhà ngoại tuy nghèo nhưng ấm áp làm sao. Bà ngoại, các cậu, dì thương tôi hết mực. Nhất là ở đó còn có thằng Tí, người bạn "vong niên" của tôi từ hồi tôi còn nhỏ xíu, hay theo má về ngoại những dịp giỗ, tết...
Thế nhưng tôi cũng không ở lâu được với ngoại vì mọi người ở đó cứ nghĩ tôi là con cháu nhà giàu, quen sống sung sướng nên có cái gì ngon ngọt cũng dành hết cho tôi. Thậm chí, nhiều khi mợ dâu nướng cho tôi miếng thịt còn to hơn miếng của ngoại. Vậy là một bữa nọ, đọc báo thấy một công ty ở Cần Thơ tuyển người, tôi nói dối ngoại là qua đó ôn thi rồi xách quần áo đi luôn!
Tôi đi làm đã được gần 2 năm. Tôi không cho má và các anh chị biết chỗ ở của mình. Chỉ có thằng Tuấn là hay lui tới vì nó chính là người đã dắt tôi qua Cần Thơ rồi xin việc cho tôi nhưng tôi cấm nó không được nói gì với ngoại và má tôi. Nhiều khi tôi nghĩ và thấy thương má thật nhiều...
"Sao, có về không thì bảo?"- Tuấn véo tai tôi. Tôi lắc đầu: "Không".
Thằng bạn không nói gì nhưng nhìn mặt nó, tôi biết nó giận lắm. Rất lâu sau nó mới lên tiếng: " Bà có phúc mà không biết hưởng. Nhiều người thèm có má như bà mà đâu có được. Như tui nè...".Khi nói điều này, mắt thằng Tuấn rơm rớm.
Điều đó khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi bảo Tuấn về đi rồi từ từ tôi nghĩ lại.
Sáng nay giở tờ lịch, thấy Tết đã cận kề. Trước hiên nhà trọ, cây mai đã lún phún nụ. Bà chủ nhà bắt đầu dọn dẹp, lau chùi, quét mạng nhện. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay. Đã mấy cái Tết rồi tôi không được ở nhà với má để lặt lá mai, chưng bông, gói bánh tét, gói bì, làm lạp xưởng... Không biết má có nhớ tôi không? Có tha thứ cho tôi không?
Thật lòng tôi cũng muốn về nhưng vì hồi trước tôi đã lỡ hỗn với má, lỡ nói không phải là con của má, không muốn nhìn thấy mặt má nữa... nên giờ mà về, tôi không biết sẽ ăn nói thế nào với má...
Theo 24h
Anh sẽ về... - Khoảng cách xa xôi chỉ càng làm cho tình yêu của hai đứa mình thêm gắn kết. Nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được, anh bật dậy, mở máy tính và lang thang trên mạng. Xa nhà đã hơn hai năm rồi, mỗi lần nhớ em, nhớ về bạn bè ở đất nước Việt nam xinh đẹp thì anh chỉ còn...