Mẹ chồng nói những câu vô cảm lạnh sống lưng, “tiễn con dâu” ra đường
Những câu nói lạnh sống lưng của mẹ chồng đã cắt đứt cô khỏi nơi mà cô định “gửi gắm cả cuộc đời”.
“Chuyện của 2 vợ chồng mày thì tự giải quyết với nhau, còn tao, không có dâu này thì có dâu khác, không có cháu này thì có cháu khác, tao không quan tâm chúng mày có ở được với nhau hay không?” – Đó là câu trả lời của mẹ chồng khi cô cầu cứu bà bởi mâu thuẫn vợ chồng đã đứng bên bờ vực thẳm. Câu nói vô cảm, lạnh sống lưng của mẹ chồng… như sợi dây cuối cùng cắt đứt cô khỏi nơi mà cô định “gửi gắm cả cuộc đời” vào đó. Cô quyết định ly hôn ngay khi vừa sinh con chưa tròn tháng tuổi.
Buông ánh mắt xa xăm, giọng trầm buồn, Trần Thanh Tuyền, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kể:
“Em làm mẹ đơn thân hơn 3 năm nay, lúc đó em 28 tuổi. Em và chồng cũ đến với nhau rất nhanh, yêu nhau 6 tháng thì phải cưới vì em lỡ có bầu hơn 1 tháng. Cưới nhanh, nên đứt gãy hôn nhân cũng nhanh và nhẹ như cơn gió vậy.
Cưới nhanh, nên đứt gãy hôn nhân cũng nhanh và nhẹ như cơn gió vậy (Ảnh minh hoạ)
Lần đầu khi em về ra mắt gia đình anh, nghe mẹ anh kể về cô gái từng yêu và gắn bó với anh 6 năm nhưng đã chia tay nhau, em biết gia đình anh quý cô ấy lắm. Nhưng em nghĩ đó là quá khứ, nên không cần lo lắng. Hơn nữa trong thời gian đến với em, anh cũng rất tốt, nên em khá yên tâm.
Ngày cưới, khi rước dâu đến cổng nhà chồng, em phải đi cửa sau vì “tội” mang bầu trước nhưng cả anh và mẹ chồng không hề nói trước với em để em chuẩn bị tâm lý. Khi cả họ nhà gái đang vào nhà để làm lễ, thì mẹ chồng kéo mạnh tay em về phía cửa sau và không nói 1 lời nào, khiến cả họ nhà gái đều bất ngờ. Mẹ em đã bật khóc ngay lúc đó, khi người nhà trai ghé tai thì thầm vì chuyện em ăn cơm trước kẻng.
Sau ngày cưới, cuộc sống vợ chồng em cũng khá bình yên, chỉ thi thoảng xảy ra những mâu thuẫn lặt vặt giữa mẹ chồng- nàng dâu, bởi cứ hễ không vừa ý bà, là em bị đem ra so sánh với cô người yêu cũ của chồng ngày xưa. Em cũng rất khó chịu, nhưng chồng bảo, em cứ kệ đi, để ý làm gì, mẹ nói cho sướng mồm, chứ ảnh hưởng gì đâu?
Có điều lạ, là thi thoảng cô gái đó vẫn ghé qua nhà thăm mẹ chồng em, lúc thì dúi cho bà cái khăn, lúc lại mấy quả chuối, quả xoài rồi đi ngay. Nhìn mẹ chồng thân tình với cô gái đó, em rất khó chịu, nhưng không dám nói gì. Lúc em có bầu hơn 6 tháng, thì em phát hiện chồng vẫn nhắn tin liên lạc với cô người yêu cũ với lời lẽ yêu thương. Em hỏi, thì anh chối và bảo chỉ là bạn bè cũ, lại cùng làng thì đôi lúc hỏi thăm nhau cũng là chuyện bình thường.
Video đang HOT
Tới lúc em có bầu gần 8 tháng thì lại bắt gặp tin nhắn của cô gái ấy và chồng: “Cuộc sống của anh bây giờ giống như địa ngục vì anh lấy nhầm vợ”, trong khi tụi em vẫn bình thường, vợ chồng tình cảm, không hề cãi vã hay bất đồng. Em ức chế quá, đã cãi nhau với chồng, bởi lần trước anh hứa đã chấm dứt, đến giờ anh vẫn chưa làm được. Trong lúc khóc lóc, em ngã quỵ xuống sàn nhà, bị động thai và phải cấp cứu ra viện rồi sinh non. Con em phải nằm lồng kính gần 10 ngày, may sao con em lúc sinh cũng đã được 2,7 kg. Lúc em sinh chỉ bố mẹ và chị gái em ở bệnh viện thay nhau chăm sóc 2 mẹ con. Sinh con từ sáng, đến tối mới thấy chồng tới thăm, còn mẹ chồng tuyệt nhiên không thấy xuất hiện, cũng không điện thoại hỏi thăm con dâu sinh đẻ thế nào.
Hai mẹ con em phải ở viện gần 20 ngày, sau đó ra viện thì mẹ em đưa luôn 2 mẹ con về nhà ngoại ở cữ, lúc đó mẹ chồng mới ghé qua thăm cháu. Lúc này, chồng em không phản đối gì chuyện vợ con về ngoại, anh lấy cớ công việc bận, nên 1 tuần chỉ ở lại với mẹ con em từ 1 đến 2 ngày.
Vì con sinh non nên sức khoẻ yếu, có hôm con sốt, em điện thoại từ sáng nhưng đêm anh mới tới và nồng nặc mùi bia rượu. Anh sờ trán con rồi lăn ra ngủ li bì vì say khướt. Đã nửa đêm, điện thoại anh bỗng có tin nhắn, lại là của cô gái kia. Cô ta nhắn cô ta sẽ đi lấy chồng, nhưng người cô ta yêu chỉ có chồng em, cô ta mong chồng em luôn hạnh phúc. Em rất nóng mặt, nhưng vẫn từ tốn nhắn lại: “Cảm ơn em, vợ chồng chị sẽ luôn hạnh phúc và mong em sau này cũng đừng làm phiền chồng chị nữa”.
Sáng hôm sau, khi anh tỉnh dậy và tái mặt khi đọc được đoạn tin nhắn của vợ và cô ta, chỉ sau vài phút, mặt anh đã vênh váo, không thèm giải thích mà quát em sao lại dám sử dụng điện thoại của chồng, sao dám nhắn tin với cô ấy mà không được sự đồng ý của chồng? Em cãi lại: “Em không chửi rủa gì cô ta? Chỉ bảo đừng làm phiền nhà mình thì có gì sai?”. Vậy mà anh lao vào tát em ngay tại nhà của bố mẹ em. Em ứa nước mắt nói: “Cái tát của anh cũng là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân này”. Anh ta không nói gì mà bỏ đi ngay.
Khi em còn chưa biết cuộc hôn nhân này sẽ đi đến đâu thì trên facebook của cô gái kia công khai đăng ảnh má ấp môi kề với chồng em và thách thức: Dù có đi đâu thì hai chúng ta vẫn sẽ quay về cùng nhau.
Cô càng cố giữ một người chồng không phải của mình thì cô càng khổ. (Ảnh minh hoạ)
Lúc đó, em thật sự choáng váng và nghĩ sẽ không ly hôn, để hai người kia không thể đến với nhau dễ dàng. Em gọi điện cho mẹ chồng thì bà bảo: “Mày cứ già néo thì đứt dây, cứ mềm mỏng, cố gắng chịu đựng thì có ngày nó sẽ trở về”. Bà còn khẽ thở dài và nói thẳng thừng: “Chuyện của 2 vợ chồng mày thì tự giải quyết với nhau, còn tao, không có dâu này thì có dâu khác, không có cháu này thì có cháu khác, tao không quan tâm chúng mày có ở được với nhau hay không?”.
Tuyền bảo, câu trả lời của mẹ chồng như một gáo nước lạnh đổ lên đầu cô giữa mùa đông. Ngay khi nghe mẹ chồng cô nói với con dâu như vậy, lại chứng kiến con rể đánh con gái mình ngay tại nhà, bố mẹ cô khuyên cô hãy ly hôn, bởi cô càng cố giữ một người chồng không phải của mình thì cô càng khổ.
Cuộc ly hôn của cô kết thúc chóng vánh, từ ngày nộp đơn đến lúc 2 vợ chồng ra toà để kết thúc chỉ diễn ra đúng 10 ngày, khi vợ chồng cô còn chưa kịp có giây phút cảm nhận hơi ấm gia đình do mình vừa tạo dựng. “Cuộc đời có những sai lầm không thể bù đắp, nhất là đứa con vừa sinh ra thì bố đã bỏ đi. Đó là điều mà em thấy buồn nhất, thương con nhất” – Tuyền tâm sự.
Cô cho biết, cuộc sống sau ly hôn hơn 3 năm của 2 mẹ con cô khá ổn định. Cô đang làm tại 1 cửa hàng bán chăn ga, lương tháng khoảng 4 triệu đồng, tiết kiệm cũng đủ nuôi con. Ngoài ra 2 mẹ con cô vẫn được nhà ngoại trợ giúp, nên cuộc sống cũng tạm ổn.
Sau khi ly hôn được nửa năm thì chồng Tuyền và cô kia làm đám hỏi rồi về sống chung mà không cưới. Cho đến nay họ cũng chưa có con.
Tuyền thở dài kể tiếp: “3 năm nay em nuôi con 1 mình, chồng em không cấp dưỡng đồng nào, cứ mỗi năm gần Tết anh ta ghé về thăm con chốc lát, mừng tuổi cho con 500 nghìn đồng. Sau hơn 3 năm trôi qua, mới đây mẹ chồng cũ bất ngờ cùng con trai đến thăm cháu nội và bảo em: “Con nên tính đi bước nữa khi tuổi vẫn còn trẻ, con có thể đưa thằng Bi về bên này để mẹ chăm giúp”. Em nghe mà muốn nổi cáu, đã hơn 3 năm không còn làm dâu của bà, em không còn bận tâm tới việc chồng cũ có hạnh phúc không, họ có thể sinh con không? Còn em làm mẹ đơn thân hơn 3 năm rồi, em vẫn cố đi làm ổn định để nuôi con khôn lớn, chưa bao giờ nghĩ cần đến nhà chồng cũ phải giúp em nuôi con, khi họ đã bỏ quên con cháu họ quá lâu rồi”.
Theo Phụ Nữ Việt Nam
Khi chồng vợ cạn lời
Khuyến nghị về việc vợ chồng cần (và học cách) đối thoại để giữ gìn mái ấm gia đình, nhất là khi có mâu thuẫn, ngập tràn trên sách báo. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc đối thoại cũng diễn ra suôn sẻ.
Tắt lửa lòng...
Anh L. và chị H. làm cùng cơ quan, yêu rồi cưới nhau cách đây gần mười năm. Ban đầu, họ được xem là một cặp đẹp đôi, nhưng rồi giữa họ ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn về quan điểm sống, giá trị mà mỗi người muốn có cũng như cách dạy dỗ con. Theo chị H., những vấn đề đó, ngày trước vợ chồng đều có thể bàn bạc, chỉ khi có mẹ chồng can thiệp thì mọi việc giải quyết theo ý... mẹ chồng.
Ngặt nỗi, mẹ chồng chị H. ngày càng can thiệp sâu vào cuộc sống của con trai - từ chuyện thờ cúng, tiền biếu xén hai bên nội ngoại, bữa ăn gia đình cho đến việc tắm giặt cho cháu nội... Vì vậy, những lần "ngồi xuống nói chuyện" của vợ chồng chị H. ngày càng nhiều. "Chồng tôi thường đem mẹ ra để giải thích cho quyết định hay thái độ của anh. Cuối cùng, tôi nhận ra, giữa chúng tôi ngày càng mất sự tương đồng. Đối thoại thất bại và hôn nhân cũng thất bại theo" - chị H. giải thích.
Ảnh minh họa
Sau 5 năm cưới nhau, vợ chồng chị K. giờ rất khó ngồi lại nói chuyện với nhau, mỗi khi có mâu thuẫn. Vài năm đầu, vợ chồng chị thuận hòa, dễ tìm được tiếng nói chung. Nhưng từ khi chị sinh con, cuộc sống căng thẳng hơn, khiến vợ chồng dễ cáu gắt. Những mâu thuẫn dễ thành cãi nhau chứ không còn có thể bình tĩnh nói chuyện. Bây giờ, hễ sắp cãi nhau là anh chồng vội "chặn họng": "Tui không nói chuyện với mấy người nữa", rồi bỏ sang phòng khác. Cách "giải quyết" ấy có lúc cũng êm xuôi, nhưng lắm lúc khiến vợ "ôm cục tức, nổi điên". Theo chị K.: "Mâu thuẫn vợ chồng tôi chỉ là mấy chuyện lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, chăm con bệnh... Tuy nhiên, khi tôi muốn nói chuyện để thống nhất tôi làm gì và anh cần làm gì thì chồng lại gạt phăng, bảo ba chuyện cỏn con mà tôi làm quá. Dần dà, tôi không còn nhu cầu bàn bạc với chồng nữa".
Tương tự chồng chị K., nhưng ở "cấp độ cao hơn", chồng chị P. luôn từ chối "nói chuyện tay đôi" mỗi khi có xung đột. Vợ chồng chị P. có một cửa hàng bán đồ điện lạnh, trong khi chị đầu tắt mặt tối với chuyện kinh doanh thì anh chọn sống an nhàn, hiếm khi phụ vợ. Nhiều lúc cần đi lắp đặt thiết bị cho khách, thợ đang bận mà kêu anh chồng về giúp chẳng được, bởi anh đang bận... ngồi cà phê với bạn. Thời "cao điểm", vợ chồng chị cãi nhau hằng ngày, chỉ vì anh chồng ham chơi như trẻ con mà không "dễ bảo" như trẻ con và chị P. thì sẵn tính càm ràm. Mỗi khi vợ bắt đầu lớn tiếng, anh chồng hoặc im lặng ngồi nghe vợ... độc thoại hoặc im lặng bỏ đi. Đó là những lúc chị P. rơi vào căng thẳng cực độ, vì không thể giải quyết việc nhà, bởi người chồng từ chối đối thoại.
Chẳng có gì to tát
Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, có mười vấn đề dễ dẫn đến xung đột vợ chồng: không chung thủy, tiền bạc không hòa hợp, thiếu giao tiếp, tranh cãi kinh niên, mong đợi/kỳ vọng vô lý, thiếu sự thân mật, thiếu công bằng, không có sự chuẩn bị cho hôn nhân, tăng cân, bạo lực. Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý, đàn ông khó bày tỏ cảm xúc hơn phụ nữ; khả năng đối thoại bình tĩnh khi mâu thuẫn cũng kém hơn; chưa kể trong cùng một vấn đề, đa phần đàn ông và phụ nữ đứng ở các góc nhìn khác nhau. Vì thế, vợ chồng thường phải đối mặt với những bất đồng.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia thường khuyên vợ chồng bình tĩnh ngồi lại nói chuyện - người này lắng nghe cho đến khi hiểu người kia và cùng tìm ra giải pháp tốt nhất. Thực tế, lúc nóng giận, hai người sẽ khó bình tĩnh. Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Châu chọn cách gác những bất đồng sang hôm sau mới nói, khi cả hai đã bình tĩnh hơn. Theo chị, cách này khá hiệu quả, vì: "Có nhiều chuyện, hôm sau nhắc lại, chúng tôi bật cười "trời ơi, có gì to tát đâu", nhưng có khi nói ngay lúc giận sẽ thành lớn chuyện".
Nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng đủ sáng suốt để đồng lòng giải quyết vấn đề theo cách ấy. Sau nhiều lần đối thoại bất thành, chị H. chuyển sang viết email, nhắn tin hoặc viết giấy để lại. Chị xem đó là cách để chồng có thời gian suy nghĩ trước khi cùng chị đi đến quyết định chung, nhưng vẫn không đâu đến đâu. Kết quả, chị tự quyết định mọi thứ theo ý mình. Rồi việc gì đến phải đến, vợ chồng chị chia tay.
Trong khi đó, chị P. thường lôi đồ đạc trong nhà ra đập cho "đã cơn" và "dằn mặt" chồng mỗi khi anh bỏ đi. Về sau, thấy không hiệu quả, chị chấp nhận và lao vào làm việc, ra tiệm làm tóc, đi spa... cho thoải mái. Vợ chồng không nhắc nguyên nhân gây tranh cãi và cố giải quyết mà để yên mong mọi chuyện trôi qua, dù thực sự chúng chẳng "trôi qua".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một cuộc hôn nhân trục trặc, nhưng sẽ đáng tiếc nếu lý do là "ông nói gà, bà hiểu vịt" hoặc "chiến tranh lạnh". Chỉ vì "tiết kiệm" những lần nói chuyện cùng nhau mà dẫn đến suy diễn, bực dọc, căng thẳng; cuộc hôn nhân sẽ mất vui, ngột ngạt và biết đâu chẳng sớm tan rã.
An Hiên
Theo phunuonline.com.vn
Dọa ly hôn nếu vợ không từ bỏ nhà ngoại "Nếu cô muốn chúng ta cùng chung sống như ngày xưa, thì cô từ bỏ gia đình ngoại đi. Từ ngày nhà cô đòi cái xe máy, tôi coi như đã cạn tình rồi". "Gửi" vợ ốm nghén về nhà ngoại rồi "bỏ rơi" vợ con luôn Người mẹ trẻ tên Lý Thị Kiên, 22 tuổi (tỉnh Bắc Kạn) ôm chặt con trong...