“Me Before You” để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai?
Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Me Before You” tạo ra tranh cãi nảy lửa quanh cái kết của nó.
(Bài viết có tiết lộ tình tiết trong phim)
Ra mắt trong tuần rồi, tác phẩm lãng mạn Me Before You đã khiến vô số khán giả xúc động và rơi nước mắt với câu chuyện tình lãng mạn của Louisa và William. Tuy nhiên, kết thúc của tác phẩm cũng làm dấy lên không ít tranh cãi trong dư luận. Cụ thể, anh chàng Will cuối cùng vẫn chọn cái chết dưới sự hỗ trợ của y khoa khi tuổi đời còn rất trẻ.
Kết thúc của phim mang thông điệp tiêu cực cho người khuyết tật?
Hãy cùng nhìn lại cuộc đời của William Traynor. Trước vụ tai nạn, anh là một chàng trai phóng khoáng và đam mê phiêu lưu. Sau khi bị liệt toàn thân, nhân vật này mất tinh thần đến mức xua đuổi mọi người và chối bỏ cả bản thân mình. Will từng tự tử nhưng được cứu thoát, và rồi anh hứa với bố mẹ khoảng thời gian “sáu tháng”, sau thời hạn này anh sẽ chấm dứt cuộc đời ở Dignitas, một cơ sở y khoa ở Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ cái chết êm ái.
Chúng ta đều biết những gì diễn ra sau đó, Lou đến và khiến Will lạc quan hơn cùng một tình yêu đẹp, nhưng vẫn không làm anh thay đổi quyết định. Tại sao khuyến khích người khác “sống can trường” mà người đó lại chọn cách đầu hàng trước số mệnh?
Cho nên, một bộ phận công chúng đã thể hiện sự bất bình với cái kết trên Twitter bằng hashtag #MeBeforeEuthanasia (Euthanasia: cái chết êm ái do bác sĩ thực hiện). Hai tổ chức dành cho người khuyết tật là Not Dead Yet UK và Reeve Foundation cũng phản đối kết thúc phim. Sức lan tỏa của quan điểm này càng lúc càng mạnh mẽ hơn trong vài ngày gần đây.
Lou đã không thể thay đổi Will
Theo Emily Ladau trên Salon, Jojo Moyes (tác giả của tiểu thuyết kiêm biên kịch phim) tưởng tượng ra một thế giới mà khuyết tật đồng nghĩa với khổ đau, và cái chết êm ái là cách giải quyết duy nhất. Trong truyện, mọi thứ có phần phiến diện hơn khi chưa từng có suy nghĩ nào của Will ở ngôi thứ nhất, mà tất cả câu chuyện chỉ xoay quanh những gì người xung quanh nghĩ về anh.
Đạo diễn Jenni Gold, người phải ngồi xe lăn vì chứng loạn cơ, trả lời THR: “Tại sao phải mô tả tàn tật như điều tệ hại nhất?”. Diễn viên bị liệt vì chấn thương tủy sống Zack Weinstein thì chỉ trích rằng đây là một kịch bản phim dẫn dụ cảm xúc của khán giả. “Thông điệp của phim là, sẽ tốt hơn nếu anh ta chết để giúp ích cho cô ta hơn là tiếp tục sống… Đó cũng là một quan điểm, nhưng thật khó mà chứng kiến những sự kiện trong đời tôi bị dùng làm phương tiện truyền bá cho điều đó”, anh chia sẻ và cũng nhấn mạnh thêm vào sự một chiều khi mô tả người khuyết tật trên phim: “Trên phương diện một diễn viên và một người khuyết tật, tôi khó chịu không phải vì họ kể câu chuyện đó. Mà vì đó thường xuyên là câu chuyện duy nhất được kể”.
Những người chỉ trích “Me Before You” cho rằng phim ẩn chứa thông điệp “tự sát là cách giải quyết tối thượng cho người tàn tật”. Họ thậm chí đã tụ tập để phản đối tác phẩm tại lễ ra mắt ở London.
“Khán giả ai cũng muốn những câu chuyện của người tàn tật xuất hiện nhiều hơn trong văn hóa đại chúng, song Me Before You lại sai lạc và không chính xác. Nó truyền bá những thông điệp chưa chính xác về cuộc sống của những người khuyết tật. Với kết thúc chết chóc của mình, Hollywood một lần nữa lại bảo những người như tôi rằng thà chết đi còn hơn sống tàn tật. Nó nói rằng cuộc sống của tôi không đáng giá” – Michaela Hollywood trên tờ Independent.
Lý lẽ phản bác
Trước búa rìu dư luận, đạo diễn Thea Sharrock đã đứng ra bảo vệ đứa con tinh thần. Bà thừa nhận rằng Me Before You đề cập đến một chủ đề nhạy cảm và dễ bị chỉ trích, nhưng khẳng định cái kết của phim là dũng cảm. Theo nhà làm phim 40 tuổi, quá dễ dàng nếu cho tác phẩm đi theo hướng ngược lại (người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống), nhưng kết thúc thế này lại thú vị hơn.
Tất nhiên, tác giả tiểu thuyết Jojo Moyes cũng không đứng ngoài cuộc tranh cãi. Bà tiết lộ Me Before You là sự kết hợp từ trải nghiệm cá nhân của Moyes và cuộc đời của vận động viên rugby Daniel James, một người khuyết tật đã hành xử như William sau khi bị chấn thương cột sống. Như vậy, đây chỉ là hành trình của một người đơn lẻ trong số vô vàn người của cộng đồng khuyết tật.
Jojo Moyes, Emilia Clarke và đạo diễn Thea Sharrock
“Tôi không hiểu điều đó (sự chỉ trích). Càng nghiên cứu về chủ đề này, tôi càng nhận ra rằng đây là một tình huống đặc biệt, nhưng cũng thật khó phán xét, vì trừ phi ta đặt mình vào hoàn cảnh của họ, tôi nghĩ ta không nên phê phán họ”. Moyes cũng nhấn mạnh thêm là, trong phim cũng như truyện, không ai đồng ý với quyết định của Will cả. Chính vì vậy, câu chuyện không nhằm mục đích truyền đi thông điệp tiêu cực, mà chỉ nói về một nhân vật cụ thể mà thôi.
Một khía cạnh nữa cũng phải bàn đến là “quyền được chọn” của con người. Xã hội chúng ta luôn đề cao việc tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân, và trong tình huống này, rõ ràng Will có toàn quyền quyết định số phận của mình. Bất kể Will có định đoạt như thế nào thì đó vẫn là chuyện riêng của anh. Cũng theo Sharrock, những người phản đối đã hiểu sai cơ bản về thông điệp của phim. Nó là một câu chuyện giả tưởng về tầm quan trọng của quyền được chọn.
Video đang HOT
Các nhân vật trong “Me Before You” là hư cấu nhưng tổ chức Dignitas là có thật ngoài đời
Theo thống kê, đến năm 2010, tổ chức Dignitas đã hỗ trợ đến hơn 1.000 người tự sát, trong số đó có 21% là những người không mắc bệnh hiểm nghèo hay tiến triển, mà chỉ do mệt mỏi trong cuộc sống. Hầu hết những người liên hệ với Dignitas không định chết, mà chỉ cần bảo hiểm trong trường hợp căn bệnh trở nên không thể chịu đựng nổi. Trong số những người được “bật đèn xanh”, có 70% không bao giờ trở lại Dignitas. Những con số này khẳng định, nhu cầu về cái chết êm ái là có thật trong cộng đồng người khuyết tật.
Kịch bản cũng đưa ra một tình tiết để làm giảm nhẹ cáo buộc tiêu cực đối với cộng đồng người khuyết tật. Will thật sự có nói: “Tôi hiểu đó có thể là một cuộc sống tốt. Nhưng đó không phải cuộc sống của tôi. Tôi không phải kiểu người chấp nhận nó”. Will được mô tả là một người mạnh mẽ, quyết đoán và không thỏa hiệp, thế nên anh cảm thấy cuộc sống trong một thân thể bị liệt không xứng đáng với mình. Trên thực tế, Will đã dành thời gian dài ra sức tập phục hồi chức năng nhưng không có kết quả, chứ không phải anh không cố để có thể sống với bệnh tật. Nếu Will muốn “sống can trường, thúc đẩy bản thân, đừng dừng lại”, nhưng anh cảm thấy tình trạng của mình không thể cho phép điều đó, thì ra đi là lựa chọn hợp lý.
Will không muốn “sống mòn” khi bị liệt tứ chi
Thật ra mà nói, vấn đề của Will có thể được giảm nhẹ, hoặc giải quyết, nếu có sự xuất hiện của dù chỉ một người khuyết tật khác trong phim. Nhân vật này có thể tạo ra sự tương phản và chỉ cho Will thấy cái chết không phải là lựa chọn duy nhất. Nhưng rồi chẳng có ai cả, Jojo Moyes đã đặt Will vào một thế giới chỉ toàn những người khỏe mạnh. Thiếu vắng đi quan điểm của những người không may khác, câu chuyện cô lập Will và đẩy anh nhanh tới với quyết định của mình.
Kết
Trong cuộc tranh cãi bất tận này, bên nào cũng có cái lý của mình, không có ai đúng hẳn hoặc sai hẳn. Người viết bài này tôn trọng và không hề chỉ trích quyết định của Will cũng như hình mẫu của anh ngoài đời, nhưng không xem đó là một hành động đáng khuyến khích cho những người khuyết tật.
Ở đâu đó ngoài đời thật, chúng ta có những tấm gương cao đẹp hơn, đáng kính phục hơn. Helen Keller, nhà hoạt động xã hội quá cố khiếm thị và khiếm thính, cả đời dành tình yêu cho người tàn tật, người phụ nữ nhỏ bé với nghị lực phi thường mà mỗi lần nhắc đến tên cả thế giới phải ngả mũ kính phục. Nick Vujicic, sinh ra đã không có tứ chi nhưng đi khắp thế giới để gieo mầm lạc quan, tình yêu với cuộc sống. Stephen Hawking, nhà vật lý bị liệt toàn thân vẫn đêm ngày khám phá bí mật của vũ trụ, truyền cảm hứng cho hàng triệu người đang nghiên cứu và học tập. Danh sách này còn dài, rất dài…
Lou và Will trong buổi khiêu vũ
Để kết lại bài viết này, xin dẫn lại bốn câu thơ được Goethe đề ở trang đầu trong lần tái bản cuốn “Nỗi Đau Của Chàng Werther”. Vốn dĩ tiểu thuyết này kể về bi kịch của một chàng thanh niên trẻ ở thế kỉ 18 đã tự tử vì bế tắc trong cuộc sống. Ngay khi ra mắt, cuốn sách đã gây rúng động trên toàn châu Âu, song cũng mang lại ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của nhân vật chính. Chính vì vậy, trong lần tái bản, Goethe đã đề thêm bốn câu thơ để khuyên nhủ giới trẻ rằng hãy yêu quý Werther, nhưng phải sống mạnh mẽ hơn anh ta.
Hỡi các độc giả thân ái, hãy khóc vì chàng, hãy yêu chàng,
Hãy cứu lấy thanh danh của chàng trước khi chàng lụi tàn,
Xem kìa, linh hồn của chàng từ huyệt mộ bay lên đang dùng ánh mắt nói với bạn:
“Hãy làm một đấng nam nhi, xin đừng đi theo vết chân của tôi.”
Cũng tương tự, hãy yêu Will, hãy khóc vì chuyện tình của anh và Lou, nhưng hãy mạnh mẽ hơn, hãy sống can trường hơn anh!
Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Sam Claflin Chàng hoàng tử mới của những bộ phim tình cảm lãng mạn
Với nụ cười tỏa nắng trên môi, chàng trai Anh quốc Sam Claflin đã và đang khiến bao khán giả nữ thổn thức vì mình, đặc biệt là sau khi họ đã rơi hết nước mắt vì anh sau "Me Before You".
Từ giấc mơ sân cỏ cho đến nghiệp diễn viên
Chàng diễn viên Samuel George Claflin (27/6/1986) sinh ra và lớn lên ở vùng Ipswich, Suffolk, Anh quốc trong một gia đình có mẹ là quản lý lớp học, còn cha là một nhân viên phân tích tài chính. Giấc mơ lớn đầu tiên trong cuộc đời của Sam không phải là bộ môn nghệ thuật thứ bảy mà là bóng đá. Khi còn bé, Sam rất thích chơi bóng và thường bỏ thời gian để đi xem và ủng hộ đội tuyển yêu thích của mình là Norwich City.
Bản thân Sam cũng chứng tỏ anh là một tài năng sân cỏ khi từng có thời gian, anh đã chơi bóng cho đội bóng Norwich ở cấp độ trường học và cho đội bóng cấp quận Norfolk. Tuy nhiên, hai chấn thương mắt cá chân khiến cho giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của Sam Claflin tan vỡ ở tuổi 16.
Sam Claflin suýt trở thành cầu thủ bóng đá... thay vì làm diễn viên
Giấc mơ sân cỏ kết thúc, để mở ra một giấc mơ khác làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Sam. Sau một vai diễn trong vở kịch ở trường, Sam Claflin đã gây ấn tượng mạnh với một giáo viên của trường Costessy High School và chính người này đã thuyết phục anh theo đuổi nghiệp diễn xuất.
Với sự động viên của cha mẹ và thầy, Sam quyết định tham gia đội kịch trẻ của Nhà hát Hoàng gia Norwich. Năm 2003, anh đăng ký học chuyên ngành Performing Arts tại Norwich City College. Sau ba năm học tại đây, Sam tiếp tục đăng ký học thêm một khóa học nữa tại Học viện Nghệ thuật và Âm nhạc London và tốt nghiệp vào năm 2009 để chính thức bước vào con đường trở thành diễn viên chuyên nghiệp.
Vai diễn ra mắt của Sam là vào năm 2010, khi anh lần đầu tiên xuất hiện trong miniseries The Pillars of the Earth (phim có sự tham gia của Eddie Redmayne và Hayley Atwell) cũng như vào vai Logan Mountstuart trẻ tuổi trong series Any Human Heart. Giấc mơ bóng đá và nỗi ám ảnh chấn thương của Sam lại một lần nữa sống dậy trong anh khi Sam tham gia vào loạt phim truyền hình của đài BBC với tựa đề United, tập trung nói về thảm họa hàng không Munich 1958 liên quan tới đội bóng Manchester United. Trong phim, Sam vào vai cầu thủ bóng đá Duncan Edwards, người cũng từng dính phải một chấn thương chết người.
Vai phụ "hạng sang" trong những phim bom tấn đình đám
Con đường theo đuổi nghệ thuật của Sam Claflin rõ ràng có nhiều may mắn khi ra mắt chưa được bao lâu, anh đã nhận được vai diễn trong một bom tấn lớn. Năm 2011, bộ phim Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides ra mắt đã mang tên tuổi chàng trai Sam Claflin tới với công chúng trên toàn thế giới. Trong phim, anh vào vai một thầy truyền giáo trẻ và có mối tình lãng mạn với một nàng tiên cá. Nhờ bộ phim này, Sam đã nhận được đề cử giải thưởng đầu tiên ở hạng mục "Best Male Newcomer" tại Empire Award lần thứ 17.
Vai diễn lớn đầu tiên của Sam là trong "Pirates of the Caribbean: On Stranger Tide"
Tiếp sau thành công của Pirates of the Caribbean, Sam Claflin tiếp tục xuất hiện trong một bom tấn lớn khác, Snow White and the Huntsman (2012) với vai William - bạn thuở nhỏ của Snow White. Bộ phim đã mang về cho Sam đề cử "Best Movie Breakout" tại lễ trao giải Teen Choice Awards năm 2012.
Đặc biệt, sau bộ phim này, Sam Claflin đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với anh bạn diễn đẹp trai Chris Hemsworth khi nhiều lần khen ngợi người đồng nghiệp gốc Australia này: "Chris Hemsworth giống như anh trai của tôi vậy... Tôi tin rằng Chris là phiên bản cao1m9, nhưng nhiều cơ bắp và đẹp trai hơn của tôi". Năm 2016, Sam tiếp tục trở lại với vai William trong The Huntsman sequel và cũng chỉ có một cảnh diễn chung với Chris.
Sam Claflin từng đi thử vai Hoàng tử cho cả hai phiên bản Bạch Tuyết (Snow White and the Huntsman và Mirror Mirror). Cuối cùng, anh trở thành hoàng tử của Kristen Stewart, còn Armie Hammer trở thành hoàng tử của Lily Colins
Vai phụ thứ ba trong các phim lớn, và đồng thời cũng là vai diễn lớn nhất của Sam Claflin xuất hiện vào 22/8/2012 khi Lionsgate thông báo chọn anh vào vai Finnick Odair trong The Hunger Game: Catching Fire.
Finnick là một nhân vật có ngoại hình lẫn nội tâm vô cùng thú vị. Ban đầu, anh xuất hiện như một kẻ cợt nhả, đểu giả và khó ưa nhưng càng về sau, khi khám phá sâu hơn vào thế giới nội tâm và tình cảm của nhà Vô địch Đấu trường sinh tử lần thứ 65 này, ta mới thấy anh là một con người tình cảm và đáng mến. Và Sam Claflin đã thực sự lột tả được thành công của nhân vật khá phức tạp này. Diễn xuất của anh đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ phía khán giả và đạo diễn Francis Lawrence cũng đã có lời ngợi khen Sam: "Một trong những lý do tôi chọn anh ấy [Sam Claflin] trong phần đầu là vì những tiềm năng tôi đã nhìn thấy ở nhân vật của anh ấy trong hai phần tiếp theo. Và tôi nghĩ anh ấy đã hoàn thành công việc của mình một cách tuyệt vời".
Sam Claflin vẫn tiếp tục trở lại với vai diễn Finnick Odair trong hai phần cuối The Hunger Games: Mockingjay Part 1&2. Bộ phim đã giúp Sam nhận được các đề cử "Best Supporting Actor", "Best Shirtless Performance" tại Empire Awards, MTV Movie Awards cũng như Teen Choice Awards. Cho tới nay, đây vẫn là vai diễn lớn và thành công nhất trong sự nghiệp của Sam.
Ai có thể quên được Finnick Odair?
Tuy chỉ tham gia ba bom tấn lớn Snow White and The Huntsman, Pirates of the Carribbean và The Hunger Games trong các vai phụ, nhưng tất cả chúng đều là những vai diễn thú vị và để lại những ấn tượng nhất định trong lòng công chúng.
Bên cạnh các dự án lớn, Sam cũng rất chịu khó làm mới mình qua các vai diễn ở thể loại khác. Như phim kinh dị The Quiet Ones ra mắt năm tháng 4 năm 2014, phim tâm lý hồi hộp The Riot Club của Anh với vai chàng sinh viên Alistair Ryle. Diễn xuất của Sam trong vai nhân vật phản diện đầu tiên của anh đã được tờ Digital Spy khen ngợi: "Claflin đã mang lại cảm xúc tổn thương len lỏi vào trong những âm mưu cay nghiệt và khiến cho Alistar trở thành nhân vật hấp dẫn nhất của cả phim".
Sam là bạn tốt với Douglas Booth sau khi đóng chung trong "The Riot Club"
Ngôi sao mới của dòng phim tình cảm
Năm 2014, Sam cùng với Lily Collins trở thành một đôi tình nhân trải qua nhiều cách trở mới nhận ra tình yêu của đời mình trong Love, Rosie - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách Nơi cuối cầu vồng của Cecelia Arhern. Vẻ ngoài đẹp trai, dịu dàng, lịch lãm và lối diễn xuất tự nhiên của Sam trong vai anh chàng thủy chung Alex Stewart đã khiến bao trái tim khán giả nữ xao xuyến. Tương tác đầy tình cảm giữa Sam và bạn diễn Lily đã khiến bộ phim tình cảm ngọt ngào này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt khán giả.
Sam Claflin và Lily Collins quá đẹp đôi trong "Love, Rosie"
Năm 2016, Sam Claflin tiếp tục hóa thân thành một "anh bạn trai hoàn hảo" khác trên màn ảnh với bộ phim tình cảm lấy nước mắt Me Before You. Nhân vật của anh trong phim là Will Traynor - một thanh niên thành đạt, giàu có và thông minh nhưng bất ngờ gặp tai nạn, và sống trong cảnh liệt toàn thân.
Vì toàn thân bất toại và chỉ ngồi bất động trên xe lăn, nên toàn bộ biểu cảm và tâm lý nhân vật đều được tập trung vào những biểu cảm trên gương mặt. Đây vừa là cơ hội bộc lộ khả năng diễn xuất vừa là thách thức đối với bản thân Sam Claflin. Anh thổ lộ: "Không nghi ngờ khi nói rằng đóng vai Will Traynor là thử thách khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện trong đời. Tôi thật sự đã nhiều lần xúc động trong suốt quá trình thực hiện bộ phim".
Sam Claflin trong "Me before You"
Để tái hiện hình ảnh người liệt tứ chi một cách chân thật, Sam đã giữ cơ thể mình trong tư thế đặc biệt, có lúc anh buộc tay mình sau lưng để hạn chế cử động cơ thể. Anh từng sống hàng tháng trời trong cảnh như thế với những cơn đau ở cổ, vai, lưng và các ngón tay. Sam cũng áp dụng chế độ tăng giảm cân - nặng trong suốt quá trình thực hiện bộ phim để khắc họa rõ tình trạng của Will trước và sau tai nạn. Anh đã tăng cân để vào vai một Will khỏe mạnh, cơ bắp và thực hiện biện pháp giảm cân bằng cách tập nặng, ăn uống kiêng khem và ngủ ít để giảm hơn 18 kg nhằm tái hiện cảnh Will bị teo cơ.
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất cần làm là phải thể hiện sự khác biệt hoàn toàn giữa anh ấy trước và sau tai nạn, không chỉ về mặt cảm xúc mà còn ở mặt thể chất, vật lý nữa. Quá trình huấn luyện trong ba tháng vô cùng vất vả và thành thực mà nói, tôi cũng đã đẩy mình tới giới hạn của cá nhân".
Công sức của Sam Claflin đã được đền đáp khi hầu hết khán giả khi ra rạp thưởng thức phim, đều cảm nhận được từng khoảnh khắc tinh tế và xúc cảm mà anh đã mang tới cho Will Traynor. Chỉ cần những cái nhướn mày, bĩu môi, ánh nhìn và nụ cười lúc rạng rỡ lúc u buồn cũng đủ khiến cho khán giả phải chơi vơi trong thế giới nội tâm giằng xé của nhân vật. Diễn xuất lắng đọng và đầy chiều sâu của Sam đối lập với diễn xuất "phô trương đậm chất kịch" của Emilia Clarke đã mang lại sự cân bằng và khoảng lặng cần thiết cho cả bộ phim.
Một trong những ngôi sao điển trai của nước Anh
Gốc tích Anh quốc, vẻ ngoài bảnh bao, cuốn hút cùng với việc luôn xuất hiện trong hình tượng những chàng trai ngọt ngào, tình cảm trên màn ảnh, không nghi ngờ gì khi nói rằng Sam Claflin đã và đang trên đường trở thành "Chàng bạch mã hoàng tử" mới của Hollywood.
Dù vậy, các khán giả nữ say mê Sam có lẽ sẽ hơi chút buồn lòng khi người đàn ông từng được vinh danh là Man of The Year của tạp chí Glamour năm 2014 đã kết hôn và đã là cha của một cậu nhóc. Như khá nhiều ngôi sao Anh khác, Sam Claflin vẫn luôn giữ kín đời sống cá nhân của mình trước truyền thông.
Anh chỉ từng một lần thổ lộ trước truyền thông về Laura Haddock (diễn viên của Da Vinci's Demons, Guardian of the Galaxy) là người mà anh muốn lấy làm vợ ngay từ lần đầu tiên anh gặp được cô vào năm 2011. Cả hai kết hôn trong một lễ cưới riêng tư vào năm 2013 sau hai năm hẹn hò. Tháng 12/2015 vừa qua, Laura đã hạ sinh cậu con trai đầu lòng của hai người.
Sam và vợ, nữ diễn viên Laura Haddock
Sam Claflin, sắp sửa bước sang tuổi 29 vào ngày 27/6 tới, đang xây dựng những bước đi chậm mà chắc trên con đường sự nghiệp điện ảnh của mình. Luôn tâm niệm "tham gia mọi vòng thử vai mà mình có. Thậm chí cả những vai nhỏ, và bạn sẽ chẳng bao giờ biết khi nào sẽ có ai đó đến và đề nghị bạn một vai diễn lớn hơn", Sam Claflin đã và đang nỗ lực khẳng định mình trong từng khoảnh khắc xuất hiện trên màn ảnh.
Và biết đâu sau những vai diễn "hoàng tử" như Me Before You, rồi sẽ có lúc ta lại gặp Sam Claflin với những thành công như chàng hoàng tử một thời Matthew McConaughey đã từng làm được.
Theo Ngọc Minh / Trí Thức Trẻ
Khiến triệu trái tim tan chảy, "Me Before You" vẫn bị phản đối vì thông điệp xấu Bên cạnh đó, đạo diễn lẫn nữ chính Emilia Clarke cũng đã lên tiếng về những ý kiến trái chiều xoay quanh "Me Before You". Với kinh phí 20 triệu đô, Me Before You - dựa trên tác phẩm của nhà văn Jojo Moyes, là tác phẩm gây nức lòng khán giả gần đây vì chuyện tình đẹp giữa chàng trai giàu tàn...