Mẹ bầu có thể cảm nhận được thai chết lưu?
Nếu mẹ bầu ít kinh nghiệm, không cảm nhận được sự chuyển động của đứa trẻ trong bụng, rất khó có thể nhận biết được thai lưu.
Thai lưu là biến cố đáng buồn mà không mẹ bầu nào mong muốn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, 20-50% thai chết lưu hiện nay không tìm ra được nguyên nhân cụ thể.
Thai lưu là gì?
TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết thai lưu hay thai chết lưu là từ dùng để chỉ những trường hợp em bé chết trong bụng người mẹ.
Để nghiên cứu những trường hợp thai chết lưu, người ta chia thành hai nhóm. Đầu tiên là nhóm thai lưu ở tuổi thai dưới 20 tuần với nguyên nhân phổ biến là bất thường về cấu trúc di truyền, nhiễm trùng bào thai. Nhóm thai chết lưu từ sau 20 tuần thường được chia thành thai chết lưu sớm – xảy ra từ 20-27 tuần. Thai chết lưu muộn xảy ra từ 28-36 tuần và thai lưu đủ tháng – xảy ra từ sau 37 tuần.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thai chết lưu được định nghĩa là thai chết trước khi bị tống xuất hoàn toàn ra khỏi người mẹ có trọng lượng trên 500 gram hoặc tuổi thai từ 22 tuần trở lên. Tuy nhiên, bác sĩ này biết trường hợp thai nhi đang được theo dõi và phát triển nghĩ là bình thường nhưng có thể đột tử bất cứ lúc nào vẫn xảy ra.
Nghiên cứu tại Mỹ trên những trường hợp thai chết lưu đủ tháng cho thấy hơn 50% trường hợp không rõ lý do dù đã tiến hành các xét nghiệm hiện đại nhất.
Theo các bác sĩ, rất khó để xác định được cụ thể nguyên nhân dẫn đến thai lưu trong bụng mẹ. Ảnh: Shutterstock.
Nguyên nhân dẫn đến thai lưu?
Theo ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thai lưu nên khó để xác định được lý do cụ thể.
Từ phía người mẹ, nếu sản phụ mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, viêm gan, suy thận, thiếu máu, huyết áp cao, basedow, giang mai, nhiễm ký sinh trùng hay các bệnh lý như tiền sản giật, thiểu năng tuyến giáp nguy cơ thai lưu rất lớn.
Ngoài ra, những sản phụ lớn tuổi, chế độ dinh dưỡng kém, lao động vất vả khả năng thai lưu lớn hơn so với mẹ bầu bình thường.
Video đang HOT
Về phía thai nhi, nếu đứa trẻ mắc các chứng rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền từ bố mẹ, thai dị dạng nhiễm sắc thể, vô sọ, tim bẩm sinh nặng, phù nhau thai,… cũng là nguyên nhân khiến thai chết lưu trước khi chào đời. Một số nguyên nhân từ phần phụ như nước ối, bánh nhau hoặc dây rốn, tử cung bất thường cũng dẫn đến tình trạng thai lưu.
Dấu hiệu nhận biết thai lưu
Theo TS Nguyễn Hữu Trung, dấu hiệu đặc trưng nhất xác định thai chết lưu là không nhìn thấy tim thai khi siêu âm.
“Nếu thai nhỏ, người mẹ thường rất khó nhận biết thai lưu và trong giai đoạn đầu, thai phụ có thể không thấy triệu chứng bất thường. Một số thai phụ vẫn thấy triệu chứng nghén như bình thường. Khi thai lưu một thời gian, thông thường người mẹ sẽ có triệu chứng như ra huyết, đau bụng vùng dưới rốn. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ thấy tử cung nhỏ dần không tương xứng với tuổi thai. Khi đó, nếu sản phụ được siêu âm sẽ thấy không có hoạt động tim thai”, TS Trung nói.
Theo vị chuyên gia này, trong trường hợp thai lớn trên 20 tuần tuổi, mẹ bầu đã có thể nhận biết bằng cách cảm nhận sự chuyển động của đứa trẻ khi đạp lên bụng mẹ.
Thông thường, sau khi ăn trong vòng một tiếng, nếu mẹ bầu cảm nhận thai đạp bụng trên 4 lần, nghĩa là bé vẫn phát triển bình thường. Ngược lại, nếu không cảm nhận được, sản phụ nên đi khám để được phát hiện sớm những bất thường.
Dựa vào các cử động của thai nhi, mẹ bầu có thể cảm nhận được thai khỏe mạnh hay gặp vấn đề. Ảnh: Jody Moore.
“Tuy nhiên, nhiều trường hợp mẹ bầu đã mang thai từ 2-3 lần hoặc hơn, thường rất chủ quan. Tôi từng tiếp nhận một sản phụ mang thai lần 3, do chủ quan nên không khám thai cho đến ngày sinh, có dấu chuyển dạ mới vào bệnh viện. Lúc này, khi sinh ra, bác sĩ phát hiện thai nhi trong tình trạng vô sọ khiến tất cả ê-kíp đều bị ám ảnh”, bác sĩ chia sẻ nói.
Bác sĩ làm gì khi phát hiện thai lưu?
Trong trường hợp tuổi thai nhỏ, nếu siêu âm không thấy hoạt động của tim thai, bác sĩ sẽ hẹn sản phụ tái khám khoảng 3-7 ngày để xác định chắc chắn trước khi có biện pháp can thiệp.
Khi thai đã lớn, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình để ổn định tâm lý và tiến hành các xét nghiệm cần thiết như nhóm máu, chức năng đông máu,… trước khi đưa thai nhi ra ngoài.
“Bác sĩ có thể can thiệp bằng thuốc hoặc dùng các thủ thuật khác để đưa thai nhi ra ngoài. Về nguyên tắc, khi thai nhi đã chết lưu, bác sĩ vẫn cố gắng để người mẹ sinh thường, tránh mổ lấy thai, trừ trường hợp rất đặc biệt có thể nguy kịch đến tính mạng sản phụ như thai nhi chết lưu quá to, mẹ bệnh suy tim nặng, có sẹo mổ trên tử cung nhiều lần”, bác sĩ Trung thông tin.
Các bác sĩ khuyến cáo siêu âm là biện pháp chẩn đoán thai lưu chính xác, nhanh chóng nhất. Ảnh: WebMD.
Làm gì để hạn chế thai chết lưu?
Bác sĩ Nguyễn Đức Toản cho biết một số thai chết lưu ở tuổi nhỏ (dưới 20 tuần) thường khô, teo lại. Đối với thai lớn hơn, hiện tượng ủng mục bong lột da sẽ xảy ra từ chân lên đầu, các khớp xương mềm ra, chồng lên nhau. Các nội tạng rữa nát dần.
“Quan sát bên ngoài, thai lưu từ ngày thứ 3, trẻ bị lột da bàn chân và lột dần dần đến hết tứ chi. Từ ngày thứ 8 trở đi, thai bị lột da hầu như toàn thân. Một số trường hợp có thể bị lột sớm hơn do thai mắc bệnh lý phù thai tích dịch từ trong bụng mẹ”, bác sĩ Toản nói.
Chuyên gia này khuyến cáo sản phụ cần theo dõi thai ở cơ sở y tế chuyên khoa. “Siêu âm là phương tiện hiệu quả cao, dễ làm, nhanh chóng trong việc chẩn đoán tim thai để xác định thai lưu. Khi có dấu hiệu bất thường như ra huyết, giảm hay mất cử động thai, bị nhiễm trùng hay nhiễm độc, tiếp xúc môi trường độc hại phóng xạ hóa chất, thuốc độc mẹ bầu cần đi khám để kiểm tra ngay tình trạng thai để có hướng xử lý kịp thời”, bác sĩ Toản thông tin.
Theo Zing
Bệnh "đau linh tinh, nhớ nhớ quên quên" của dân văn phòng
Ngày càng có nhiều người làm việc văn phòng đến khám bác sĩ với các triệu chứng mơ hồ đau chỗ này, đau chỗ kia nhưng không chẩn đoán ra bệnh gì.
Đau linh tinh, nhớ nhớ quên quên
Chị Trần Thị Hiền 28 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, khoảng 3 năm nay chị luôn trong tình trạng nhớ nhớ, quên quên. Bạn bè chị luôn cho rằng do phụ nữ sinh đẻ xong thường bị như thế. Chị Hiền thì cho rằng đó là do bệnh lý nào đó.
"Có lúc tôi nhớ nhớ, quên quên có lúc lại đau lung tung. Tuần trước, tôi đau ngực trái, nhất là lúc đi lại cảm giác tim mình đau nên tôi đến bác sĩ để điện tim, siêu âm tất cả không thấy bất thường gì nên bác sĩ kê các loại vitamin, kẽm, sắt, canxi. Rất lạ, đi khám về xong lại không thấy triệu chứng đó nữa." - chị Hiền kể.
Không riêng chị Hiền, anh Bùi Hoàng Hải - 37 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội cũng tìm đến bệnh viện khám vì cảm giác đau tức ngực, khó thở thi thoảng còn triệu chứng trào ngược dạ dày. Anh Hải cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, làm việc không thể tập trung nổi.
Anh Hải được bác sĩ kiểm tra tổng quát hết tất cả nhưng không thấy bệnh gì. Về nhà, nghỉ ngơi 1, 2 hôm thì anh không còn dấu hiệu bệnh ốm đau không rõ ràng như trước nữa.
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân trong tình trạng "đơ đơ" không xác định rõ bệnh gì.
Theo PGS Nam, tỷ lệ những người mắc bệnh như trên ngày càng nhiều, tăng theo sự phát triển của các cao ốc, văn phòng và họ cũng chính là những nhân viên, người làm việc trong các tòa cao ốc, văn phòng hiện đại.
"Những bệnh nhân như trên đến khám với các triệu chứng rất mơ hồ, gọi là bệnh cũng được mà không gọi là bệnh cũng được. Có người chia sẻ đau chỗ này một tý, đau chỗ kia một tý. Tuy nhiên, đa số họ đều đến khám bệnh với tâm lý mệt mỏi, khó ngủ, dễ cáu gắt, làm việc không tập trung. Chính những triệu chứng này rất khó để chẩn đoán chính xác bệnh gì" - bác sĩ Nam cho biết.
Dân văn phòng hay mắc các bệnh "đơ đơ".
Áp lực, stress, trầm cảm
Hiện nay, áp lực công việc nhất là những người luôn được sếp đặt kỳ vọng càng dễ stress và mắc các chứng bệnh văn phòng khó tả kể trên. PGS Nam cho rằng, áp lực trong công việc, lúc nào cũng muốn làm nhiều việc, làm việc với cường độ cao đến khi bộ máy của cơ thể quá tải không trơn tru như trước nữa sẽ dẫn tới những mệt mỏi, khó ngủ, làm việc không tập trung, dễ cáu gắt.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng làm việc quá mức, bị áp lực và cố gắng làm vừa lòng những đòi hỏi quá, đáng phi thực tế của các vị thủ trưởng chỉ coi con người là một cái máy biết làm việc thì những bệnh do trầm cảm sẽ xảy ra.
Ngoài trầm cảm, nhân viên văn phòng còn mắc các bệnh viêm mũi xoang do ngồi trong nhà kính, điều hòa suốt ngày và không khí lưu cữu không được lưu thông dẫn đến tình trạng viêm hô hấp của dân văn phòng rất phổ biến.
Nhân viên văn phòng còn có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp như chuột rút, đau vai ngáy, hội chứng ống cổ tay do thói quen ngồi nhiều, ít vận động.
Để phòng bệnh cho dân văn phòng, PGS Nam cho rằng, nếu có điều kiện nên sử dụng hệ thống lạnh có đối lưu tốt, độ lạnh vừa phải và có khả năng sát khuẩn tốt.
Những bài tập thể dục giữa giờ cần được thực hiện thường xuyên hơn. Ngồi khoảng 1 tiếng nhân viên văn phòng nên đứng dậy vận động đi lại để giảm các bệnh xương khớp và rối loạn chuyển hóa. Tại Nhật Bản, thường có những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc. Lúc đầu có một số người cho rằng đó là "trò phù phiếm", không có tác dụng nhưng thật ra những bài tập thể dục như vậy rất có tác dụng đối với những người làm việc trong văn phòng, tiếp xúc nhiều với máy vi tính.
Nguồn: Infonet
Lo ngại tình trạng tăng nhanh tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp Ngày 17/6, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với các tổ chức liên quan Hội thảo Can thiệp sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho...