Mẹ bầu cần xét nghiệm sàng lọc trước sinh phát hiện hội chứng Down
Mẹ bầu cần xét nghiệm sàng lọc trước sinh hội chứng Down để có thể phát hiện sớm bệnh lý ngay trong những tháng đầu thai kỳ.
Thông qua phương pháp xét nghiệm sàng lọc trước sinh, bố mẹ sẽ có hướng điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ chậm phát triển tâm thần kinh đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại sao cần phải thực hiện sàng lọc trước sinh cho hội chứng down?
Nhiều bậc cha mẹ phải lo lắng rằng con họ có thể bị hội chứng Down hoặc một số bất thường về nhiễm sắc thể khác. Các xét nghiệm sàng lọc giúp bạn đánh giá khả năng mắc bệnh này. Kết quả có thể giúp bạn quyết định có xét nghiệm sinh thiết gai để tìm hiểu chắc chắn về tình trạng này của bé.
Các xét nghiệm sàng lọc cho bạn biết khả năng bé của bạn có thể mắc bệnh như thế nào, nhưng chỉ xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối có thể cho bạn biết liệu em bé của bạn có thực sự có tình trạng này hay không. Trong khi các xét nghiệm sàng lọc lại không có nhiều nguy cơ đối với mẹ hoặc thai nhi, còn xét nghiệm chẩn đoán có nguy cơ sẩy thai nhỏ.
Bất thường nhiễm sắc thể là gì?
Nhiễm sắc thể là cấu trúc sợi chứa toàn bộ thông tin di truyền trong mỗi tế bào mang gen. Hầu hết chúng ta có 46 nhiễm sắc thể trong mỗi tế bào với 23 nhiễm sắc thể từ trứng mẹ và một nửa còn lại từ tinh trùng của người cha.
Các sai sót sinh học có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của sự phân chia tế bào gây ra các bất thường trong nhiễm sắc thể. Ví dụ, một số em bé phát triển với 47 nhiễm sắc thể. Thay vì 23 cặp kết hợp thì chúng có 22 cặp cộng với một bộ ba. Dạng bất thường nhiễm sắc thể này được gọi là trisomy (3 NST).
Một phụ nữ mang thai nếu có một số lượng nhiễm sắc thể bất thường sẽ sẩy thai, thường là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tuy nhiên, bào thai cũng có thể sống sót nhưng lại sinh ra với các vấn đề về phát triển và dị tật bẩm sinh từ nhẹ đến nặng.
Hội chứng Down còn gọi là trisomy 21 xảy ra khi bào thai có thêm một nhiễm sắc thể số 21 trong một vài hoặc tất cả các tế bào của chúng. Đây là dạng nhiễm sắc thể bất thường phổ biến nhất trong số các trẻ được sinh ra. Các rối loạn nhiễm sắc thể khác mà thai nhi có thể gặp phải bao gồm trisomy 18 và trisomy 13.
Những bất thường này làm chậm sự phát triển tinh thần và các dị tật bẩm sinh khác. Khi sinh ra, trẻ hiếm khi sống được hơn một vài tháng hoặc lâu hơn là một vài năm. Bất cứ mẹ bầu nào cũng có thể có nguy cơ mang thai con bị bất thường về nhiễm sắc thể. Nguy cơ càng tăng lên theo độ tuổi của mẹ. Ví dụ, khả năng thai nhi có hội chứng Down tăng từ khoảng 1/1.200 ở tuổi 25 đến khoảng 1/100 ở tuổi 40.
Video đang HOT
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh có thể cho mẹ biết điều gì?
Xét nghiệm sàng lọc lấy mẫu máu của mẹ và siêu âm sẽ đánh giá khả năng bé có vấn đề về một vài nhiễm sắc thể nhất định, bao gồm hội chứng Down. Xét nghiệm không gây nguy hiểm cho mẹ hoặc thai nhi bởi vì chúng không xâm lấn.
Các xét nghiệm sàng lọc không thể xác định chính xác thai nhi có mắc hội chứng Down hay không. Thay vào đó, chúng chỉ cung cấp một tỷ lệ thể hiện khả năng của bé mắc phải bất thường về nhiễm sắc thể dựa trên kết quả xét nghiệm và độ tuổi. Kết quả này có thể giúp bạn quyết định có cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm nào khác hay không.
Các xét nghiệm chẩn đoán như sinh thiết gai nhau (CVS) và chọc dò ối có thể cho bạn biết chắc chắn liệu thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Những xét nghiệm này có thể xác định hàng trăm rối loạn di truyền bằng cách phân tích cấu tạo di truyền của tế bào từ em bé hoặc nhau thai. Tuy nhiên, cả hai thủ thuật đều có một nguy cơ nhỏ là sẩy thai.
Các vấn đề về nhiễm sắc thể không thể được điều trị. Nếu chẩn đoán có một bất thường về nhiễm sắc thể trong thời kỳ mang thai, bạn nên chuẩn bị tâm lý để để sinh con với các vấn đề phát triển nhất định hoặc lựa chọn bỏ thai.
Những ưu và nhược điểm của các xét nghiệm sàng lọc là gì?
Ưu điểm của việc sàng lọc là bạn có thể biết thông tin về nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể của bé mà không ảnh hưởng đến khả năng sẩy thai liên quan đến CVS (sinh thiết gai nhau) hoặc chọc ối.
Thế nhưng, xét nghiệm sàng lọc cũng có những bất lợi là không xác nhận được tất cả các trường hợp hội chứng Down. Do đó, nó có thể đưa ra tỷ lệ bé có nguy cơ mắc hội chứng Down thấp, nhưng sự thật thì ngược lại. Đây được gọi là âm tính giả và bạn có thể sẽ không sử dụng thêm các xét nghiệm cần thiết khác để biết được bất thường của bé.
Đồng thời, xét nghiệm sàng lọc lại có thể đưa ra thông tin là con bạn có nguy cơ cao, trong khi bé thật sự không có vấn đề gì cả (dương tính giả). Điều này khiến bạn phải làm thêm những xét nghiệm xâm lấn khác và lo lắng về tình trạng bệnh tật của bé.
Làm thế nào để biết xét nghiệm nào phù hợp?
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi phải làm tất cả xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Bác sĩ sẽ trao đổi về những ưu và nhược điểm của từng phương pháp với bạn. Nếu cần thêm thông tin, bạn có thể cân nhắc trao đổi thêm với một chuyên gia về di truyền học. Tuy nhiên, quyết định có thực hiện hay không vẫn nằm ở phía bạn.
Nhiều phụ nữ chọn sàng lọc và sử dụng kết quả này để quyết định thực hiện xét nghiệm chẩn đoán. Một số khác tự nguyện lựa chọn xét nghiệm chẩn đoán, do họ lo lắng bản thân sẽ gặp nguy cơ cao về vấn đề nhiễm sắc thể hoặc có bất thường không thể phát hiện bằng xét nghiệm sàng lọc. Số còn lại quyết định không thực hiện xét nghiệm sàng lọc hoặc chẩn đoán.
Làm thế nào để hiểu rõ về kết quả của bài xét nghiệm?
Bạn sẽ nhận được một tỷ lệ thể hiện khả năng mắc hội chứng Down của bé. Nguy cơ 1/30 có nghĩa là cứ 30 phụ nữ có kết quả này thì một em bé sẽ bị hội chứng Down và 29 bé không bị. Nguy cơ 1/4.000 người có nghĩa là cứ mỗi 4.000 phụ nữ có kết quả này, một em bé sẽ bị hội chứng Down và 3.999 bé không bị.
Mẫu số càng cao thì nguy cơ càng thấp. Bạn cũng có thể biết kết quả là bình thường hoặc bất thường, tùy thuộc vào việc kết quả có nằm ở dưới hoặc trên ngưỡng cut-off (mức tỷ lệ chuẩn để đánh giá khả năng mắc bệnh của thai nhi) với một xét nghiệm cụ thể. Ví dụ, một số xét nghiệm sử dụng ngưỡng cut-off là 1/250. Vì vậy, kết quả của 1/4.000 sẽ được coi là bình thường, vì nguy cơ bất thường thấp hơn 1/250. Kết quả 1/30 sẽ được coi là bất thường vì lúc này nguy cơ cao hơn 1/250.
Hãy nhớ rằng một kết quả tầm soát bình thường (kết quả âm tính) không đảm bảo rằng con của bạn có nhiễm sắc thể bình thường, nhưng nó cho thấy tỷ lệ mắc bệnh thấp. Bên cạnh đó, kết quả sàng lọc bất thường (dương tính) không có nghĩa là thai nhi chắc chắn có vấn đề về nhiễm sắc thể mà chỉ là có nhiều khả năng. Trên thực tế, hầu hết thai nhi có kết quả dương tính thật ra lại không có vấn đề gì cả.
Một em bé có kết quả tầm soát âm tính có thể vẫn có một số vấn đề về di truyền hoặc dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, kết quả bình thường không đảm bảo rằng trẻ sẽ có chỉ số IQ hoặc chức năng não bình thường và loại trừ được các tình trạng rối loạn như tự kỷ.
Xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh là điều cần thiết cho các mẹ bầu. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp các bà mẹ có những tháng thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!
Theo Hellobacsi
Những lưu ý khi mẹ bầu thực hiện thủ thuật sinh thiết gai nhau
Bác sĩ thường không khuyên thực hiện thủ thuật sinh thiết gai nhau (CVS) định kì khi mang thai. Thủ thuật chỉ được sử dụng khi những kết quả xét nghiệm khác cho thấy bào thai có nguy cơ cao mắc các bệnh về di truyền.
Trước khi tiến hành thủ thuật sinh thiết gai nhau (CVS), bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Nên tư vấn bác sĩ trước khi quyết định thực hiện
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều được lựa chọn kiểm tra và xét nghiệm chẩn đoán trong tam cá nguyệt đầu tiên và thứ hai. Trên thực tế, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước về những rủi ro và lợi ích của các phương pháp sàng lọc và kiểm tra trước sinh rồi mới thực hiện thủ thuật xâm lấn như thủ thuật sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối. Bác sĩ sẽ ghi chú lại bệnh sử gia đình và đặt những câu hỏi về việc mang thai.
Câu trả lời của bạn sẽ giúp bác sĩ có một cái nhìn sơ về nguy cơ mắc bệnh nhiễm sắc thể hoặc bệnh di truyền đặc biệt mà thai nhi có thể mắc phải. Sau đó, bạn mới quyết định xem có nên làm tầm soát, thực hiện thẳng thủ thuật sinh thiết gai nhau hay chọc ối hoặc hoàn toàn bỏ qua các xét nghiệm này.
Nhiều phụ nữ lựa chọn sàng lọc và sau đó mới thực hiện xét nghiệm chẩn đoán dựa trên kết quả ban đầu. Một số khác tự nguyện thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ngay. Số còn lại quyết định không thực hiện sàng lọc hoặc xét nghiệm chẩn đoán.
Khi lựa chọn xét nghiệm xâm lấn, có người sẽ chuẩn bị tâm lý bỏ thai nếu tìm thấy vấn đề nào đó nghiêm trọng. Một số khác quyết định thực hiện thủ thuật sinh thiết gai nhau mặc dù họ chưa chắc chắn mình sẽ làm gì nếu kết quả ra không như kì vọng. Cũng có người quyết định thực hiện thủ thuật CVS nhưng không bỏ thai. Những phát hiện với kết quả xấu về thai nhi ngược lại khiến họ chuẩn bị tinh thần cho những thách thức phía trước.
Không ai có thể nói với bạn rằng lựa chọn nào là chính xác. Mỗi bậc cha mẹ sẽ có những cảm giác khác nhau về rủi ro và đưa ra các quyết định khác nhau khi đối mặt với cùng một hoàn cảnh.
Nên lựa chọn sinh thiết gai nhau hay chọc ối?
Cả hai loại xét nghiệm trên đều có thể cho bạn biết liệu thai nhi có vấn đề về nhiễm sắc thể hay các rối loạn di truyền nhất định hay không.
CVS được thực hiện sớm hơn trong thời kỳ mang thai (thường là từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 13) nên bạn có thể sớm tìm hiểu về tình trạng của bé. Nếu không có vấn đề gì, mẹ bầu sẽ sớm trút nhẹ gánh lo. Nếu không may có vấn đề nghiêm trọng xảy ra thì bạn có thể lựa chọn bỏ thai được sớm ngay trong tam cá nguyệt thứ nhất.
Đối với người muốn đợi kết quả từ lần kiểm tra trong tam cá nguyệt thứ 2 trước khi quyết định thực hiện xét nghiệm xâm lấn thì tại thời điểm đó, chọc ối là lựa chọn duy nhất còn lại. Những kết quả khác cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Ví dụ, nếu thai nhi có nguy cơ cao mắc phải chứng khuyết tật ống thần kinh, bạn sẽ phải chọc ối vì CVS không thể chẩn đoán được các khuyết tật này.
Thủ thuật sinh thiết gai nhau nhìn chung được cho là có tỷ lệ sẩy thai cao hơn so với chọc ối nhưng điều này có thể không đúng ở mọi cơ sở y tế. Trước khi đưa ra quyết định, bạn cần thảo luận tất cả những vấn đề này với bạn đời, bác sĩ và có thể là chuyên gia về di truyền.
Theo Hellobacsi
Những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán bệnh yếu sinh lý nam giới Bệnh yếu sinh lý có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là do vật lý hoặc do tinh thần và cảm xúc. Vậy làm thế nào để chẩn đoán bệnh yếu sinh lý ở nam giới một cách chính xác nhất? Não, các tuyến kiểm soát hormone đến các mạch máu cần phải phối hợp hoạt động để dương...