Mê bánh khúc thì đã có công thức làm bánh khúc dẻo thơm ngon tuyệt hảo
Mùa rau khúc đến rồi, mẹ tranh thủ làm bánh khúc cực ngon cho cả nhà nhé.
Nguyên liệu
500 gr rau khúc
100gr đậu xanh
100gr gạo nếp
300gr bột (tỉ lệ 8 bột nếp,2 bột tẻ)
200gr thịt ba chỉ
Hành khô, hạt tiêu sọ, đường, muối
Cách làm:
Gạo nếp ngâm 6 tiếng, vo sạch, để ráo rồi xóc với chút muối.
Thịt thái con chì ướp hành khô băm nhỏ, nước mắm, hạt tiêu, chút đường để khoảng 15 phút sau đó xào lửa to cho săn thịt cho nước xăm xắp đun tầm 20-30p cho thịt mềm, sau đó múc thịt để riêng, nước thịt để bát riêng.
Đỗ ngâm 2 tiếng xóc ráo nước, cho lên chõ hấp 15-20 phút cho đỗ chín mềm. Đổ đỗ ra, nhanh tay giã nhuyễn trộn thêm chút nước thịt vào cho đậm đà và có độ mềm dẻo dễ viên. Cho thịt, hành phi vàng,chia đỗ ra làm 10 phần, viên tròn đều để riêng.
Rau khúc nhặt bỏ lá và hoa già chỉ lấy lá và búp non rửa sạch để ráo. Đun 1 nồi nước sôi thả rau khúc vào tâm 30 giây nhanh tay đổ ra xả nước lạnh cho nguội và vắt ráo, cắt nhỏ rau khúc và cho vào cối giã cho nhuyễn rau. Cách này làm hơi lâu nhưng đảm bảo thành phẩm cực dẻo và thơm vị đặc trưng của rau khúc.
Cho từ từ từng thìa bột vào trộn cùng rau, từng ít một để bột được đều và ngấm vào rau. Cho thêm 2-3 thìa nước thịt om vào để phần vỏ khúc đậm đà, trộn cho đến khi bột thành khối dẻo dễ tạo hình, không bị quá khô hay nhão.
Tiếp đến là dàn mỏng lớp bột vỏ, đặt viên nhân và gói lại
Lần lượt,lăn nhẹ những viên bột bánh qua 1 lớp mỏng gạo nếp rồi xếp nhẹ nhàng những nắm xôi vào chõ như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp đã ngâm kỹ làm áo (lượng gạo nếp nhiều hay ít tùy vào sở thích của các bạn). Sau đó, đậy vung thật chặt, đun lửa thật đều cho nước sôi, kể từ khi nước sôi cho đến lúc xôi chín khoảng 20-25p hạt nếp căng mọng. Mình hấp bằng xửng Tupper ware rất nhanh mà lại ngon bánh không bị nhão.
Chúc cả nhà thành công!
Bích Lệ Nguyễn
Theo emdep.vn
Bánh khúc nổi tiếng HN chỉ 13 nghìn/chiếc, ăn từ sáng no tới trưa, mỗi ngày bán hàng nghìn chiếc
Ngày nào 3 cơ sở bán bánh khúc của cô Lan ở Nguyễn Công Trứ, Thụy Khuê và Lê Duẩn cũng tấp nập người qua lại. Hiện nay, mỗi ngày quán của cô bán hết hàng nghìn chiếc.
Video Cô Nguyễn Thị Lan - chủ quán bánh khúc nổi tiếng nhất nhì Hà Nội chia sẻ.
"Ai bánh khúc đây...ai bánh khúc nào..." - tiếng rao quen thuộc ấy gắn liền với tuổi thơ của biết bao người Hà Nội. Đây là món quà vặt rất riêng của người Hà Thành, gợi về một kỷ niệm đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến trong lòng nhiều người.
Ở Hà Nội không khó để mua một chiếc bánh khúc, tuy nhiên nếu để thưởng thức một chiếc bánh khúc ngon, bạn phải đến hàng xôi khúc cô Lan - nơi nổi tiếng có bánh khúc ngon nhất nhì Hà Thành ở 3 địa điểm Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn, Thụy Khuê.
Mới đây, cái tên bánh khúc cô Lan cũng được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn khi được cùng hàng chục chuyên gia ẩm thực phục vụ sản phẩm tại trung tâm báo chí của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 2019.
Quán bánh khúc của cô Lan nổi tiếng nhất nhì Hà Nội.
30 năm gìn giữ chiếc bánh khúc ngon nhất nhì Hà Thành
Đi trên đường Hà Nội, hẳn bạn đã có lần ngạc nhiên khi thấy rất nhiều biển hiệu "bánh khúc cô Lan chính hiệu", "bánh khúc cô Lan xịn"...để khẳng định cho hàng mình bán là đúng chuẩn "cô Lan" nhất. Thế nhưng hàng bánh khúc khởi điểm của thương hiệu này lại chỉ là một quầy hàng nhỏ trên con phố Nguyễn Công Trứ, rồi sau đó là thêm 2 quầy hàng nhỏ ở Lê Duẩn và Thụy Khuê.
Cô Lan hàng ngày vẫn tự tay làm và bán bánh khúc.
3 quầy hàng bán bánh khúc này có diện tích khá nhỏ, đặc biệt địa điểm ở Lê Duẩn có diện tích chưa đầy 2m2 chỉ đặt vừa niêu gốm ủ xôi khúc, chiếc bàn nhỏ để hàng bày bán, vậy mà, ngày nào từ 5h sáng đến 11h đêm, quán cũng tấp nập người qua lại. Sáng nào nhân viên ở đây cũng không kịp ngơi tay để gói bánh cho khách mua, thậm chí, khách đi xe máy còn xếp hàng dài đứng chờ mua bánh.
Bánh khúc rắc thêm muối vùng ăn rất đậm vị, thơm mùi bánh khúc và cả mùi vừng rang bùi bùi.
Bánh khúc có thể ăn thêm cả chả.
Bánh khúc ở đây được đựng trong chiếc niêu gốm to và được ủ bằng lớp vải trắng dày để giữ hơi ấm. Cả nồi được bọc xôi trắng mẩy béo núng lính bốc khói nghi ngút cùng mùi thơm đặc trưng tỏa ra khiến ai cũng phải xuýt xoa và dừng lại.
Được biết, một niêu gốm này có thể đựng được 200 chiếc bánh khúc và chỉ khoảng 1 tiếng từ 8h- 9h sáng, chiếc niêu đầy ụ xôi khúc đã được bán hết bay.
Bánh khúc cô Lan sử dụng gạo nếp được tuyển chọn, nhân bánh đậm màu của đỗ xanh lẫn với lá khúc ăn mềm thơm thơm mùi hạt tiêu. Hơn nữa, đỗ xanh quyện cùng mỡ heo rất ngậy, đậm vị mà không bị ngán.
Nhân thịt trong bánh khúc quyện với đỗ xanh và xôi dẻo.
Có lẽ cái ngon làm nên thương hiệu món bánh khúc ở đây là việc giữ nóng và phần nhân. Xôi lúc nào cũng được giữ nóng hổi, mềm tơi, rõ từng hạt, còn nhân đỗ ở trong mặn ngọt có xen vị tiêu vừa ăn bùi bùi.
Ở trong có nhân, miếng thịt nửa nạc nửa mỡ siêu ngon không bị hôi. Chắc hẳn, nhiều thực khách thích vị ngậy béo sẽ thích bánh ở đây vì phần nhân là miếng thịt ba chỉ có phần nhiều mỡ hơn, khi được đồ chín giữa gạo nếp, đỗ xanh, lá khúc... không hề quá ngấy.
Và đặc biệt, khi kết hợp 3 phần vỏ bánh, đậu xanh và thịt gói gọn trong chiếc lá chuối xanh đã tạo nên món bánh khúc nổi danh nhất nhì Hà Nội này.
Vừng được làm khá cẩn thận.
Bánh khúc cô Lan được làm từ lá khúc tươi, thịt lợn, đỗ xanh nhuyễn. Bên ngoài bọc một lớp xôi dẻo.
Mỗi ngày bán hàng nghìn chiếc bánh khúc
Theo cô Nguyễn Thị Lan (59 tuổi, Hà Nội) để làm nên món bánh khúc nổi tiếng này cô đã tâm huyết giữ gìn và phát triển suốt 30 năm nay từ mẹ đẻ. Mẹ đã là người đã truyền cho cô kinh nghiệm làm bánh khúc từ những năm 60.
"Tôi bán bánh khúc vì mọi người thích thú, đây là món ăn mang đậm chất cổ truyền. Tuy làm vất vả nhưng món ăn này rất lành. Chỉ 13 nghìn tất cả mọi người đều có thể ăn được từ những người lao động đến những người công chức.
Tôi nhớ, có 5 cụ chiều nào cũng đi ăn quà vặt cùng nhau, một cụ nói với tôi rằng: "Cô ơi, cô làm sống lại Hà Nội trong chúng tôi" khiến tôi thích và dồn tâm huyết vào món ăn này để mỗi người ăn bánh khúc đều nhớ về kỉ niệm rất đẹp, món quà vặt của Hà Nội", cô Lan chia sẻ.
Nơi cô khởi nghiệp đầu tiên là ở Nguyễn Công Trứ.
Cô còn nhớ, nơi khởi nghiệp đầu tiên của mình ở Nguyễn Công Trứ chỉ bán được 50-70 chiếc mỗi ngày và phải mất hàng đêm thao thức nghĩ làm sao để món bánh khúc ngon hơn. Đến bây giờ, từ 1 cơ sở cô đã nhân số lượng lên thành 3 cơ sở, mỗi ngày làm hàng nghìn chiếc bánh để phục vụ mọi người.
Toàn bộ nguyên liệu, các khâu chế biến bánh khúc, cô Lan tập trung tại cơ sở Nguyễn Công Trứ. Tại đây, cả chục nhân viên của cửa hàng đảm nhiệm công đoạn khác nhau từ rửa, phơi, lau khô lá chuối đến phân loại, làm sạch thịt lợn trước khi thái và ướp hạt tiêu để làm bánh. Hiện nay, dù đã gần 60 tuổi nhưng cô Lan vẫn tham gia vào công đoạn sản xuất, bán hàng. Ngày nào cô cũng dậy từ 3h để làm bánh bán.
Theo cô Lan, nguyên liệu gạo, thịt rau khúc đều được tuyển chọn loại 1 cùng với kỹ thuật nấu cao để gạo và bánh khúc kết hợp với nhau sao cho thật khớp, hòa quyện.
" Làm bánh khúc khó vì sử dụng thực phẩm tương đối sạch sẽ, không sử dụng chất bảo quản thực phẩm. Đặc biệt làm đỗ xanh khó nhất, dễ chua khi thời tiết nóng nên phải luôn qua nhiều khâu xử lý, bảo quản tủ lạnh.
Gạo cũng nấu khéo, nhiều khi không cẩn thận có thể hỏng cả nồi xôi bởi tùy vào loại gạo già nắng hay không mà thời gian nấu xôi sẽ khác nhau.
Thịt mỡ không phải loại nào cũng làm được mà phải chọn thịt mỡ bên trên đầu rọi. Trong siêu thị cắt loại thịt này riêng bán nên mình mua được", cô Lan chia sẻ.
Bánh khúc sẽ được đặt trên lá chuối xanh và trên chiếc mẹt nhỏ xinh.
Hiện tại một suất bánh khúc có giá 13 nghìn. Mọi người có thể ăn thêm chả cùng cũng khá ngon. Một suất bánh khúc chả có giá 20 nghìn. Mỗi ngày quán cô mở từ 5h-23h.
Theo emdep
Bánh khúc cô Lan phục vụ hàng nghìn suất ăn cho các nhà báo quốc tế Một trong những đặc sản Hà Nội phục vụ các nhà báo đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là món bánh khúc. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "bánh khúc cô Lan" chia sẻ về niềm vui, sự tự hào khi phục vụ sự kiện lớn này. Tranh thủ đầu giờ chiều ngày 26/2,...