Mẹ 9x chia sẻ “tất tần tật” bí quyết rèn cho con ăn dặm cực ngoan, không cần thí nịnh bằng điện thoại, ipad
Chị Thanh Trúc, 26 tuổi ở TP.HCM cũng bắt đầu hành trình ăn dặm cùng cô con gái của mình khá vất vả. Tuy nhiên hiện tại, bé Bắp nhà chị đã được mẹ rèn cho việc ăn, ngủ rất đúng giờ, đặc biệt khi ăn uống, bé luôn vui vẻ và hào hứng.
Khi con gái được 6,5 tháng và biết ngồi là khi chị Trúc và con gái bắt đầu hành trình ăn dặm. Vì bé Bắp là con đầu của vợ chồng chị, lại không có ông bà hai bên nội, ngoại hỗ trợ nên chị Trúc hoàn toàn không có chút kinh nghiệm gì từ việc chăm sóc cho đến nuôi dạy con. Tuy nhiên, ngay từ khi mang thai, chị đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tham khảo sách vở về các phương pháp ăn dặm, cách rèn cho con tự ngủ, nuôi dạy con…
Ngoài ra, chị cũng tham gia các group về ăn dặm trên mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ đi trước. Vì muốn con ăn chủ động, không muốn con phải ăn trong nước mắt nên chị Trúc quyết định hướng con theo phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW).
Chị Thanh Trúc và con gái.
“ Mình tâm sự về định hướng cho con theo phương pháp ăn dặm BLW với ông xã, cho anh ấy xem video các bé ăn, ba của Bắp cũng rất thích nhưng lại sợ con không ăn được. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định cho con ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW.
Hai tuần đầu Bắp ăn dặm kiểu Nhật khá hợp tác nhưng sau đó đến bữa ăn là loay hoay không chịu há miệng, mẹ đút thì giật thìa, mỗi bữa ăn của hai mẹ con như một ‘cuộc chiến’. Vì thấy không ổn nên mình lại cho con ăn theo hoàn toàn theo phương pháp BLW” – chị Trúc kể.
Giống như bao bà mẹ khác, khi cho con ăn theo phương pháp BLW, bản thân chị cũng cảm thấy sốt ruột, sợ con ăn không đủ chất rồi sợ con hóc, nghẹn… Ngày đầu tiên, bé Bắp đã biết tự đưa thức ăn vào miệng nhưng lại nôn ọe nhiều. Chị cũng chia sẻ, trộm vía là từ lúc bắt đầu cho đến thời điểm hiện tại, khi bé Bắp đã được 15 tháng tuổi, con vẫn chưa bị hóc lần nào. Theo chị Trúc, hầu như các bé bị hóc đều là do bố mẹ không tuân thủ nguyên tắc an toàn của BLW.
Bé Bắp ngồi ăn rất ngoan, không khóc lóc, không cần xem ipad, điện thoại, tivi.
“ Những tháng đầu Bắp ăn rất ít, nhưng giờ ăn của con lúc nào vui vẻ. Bắp luôn hào hứng khi thấy đồ ăn trên tay mẹ, gào thét đòi khi mẹ chưa kịp để đồ ăn xuống ghế. Đó chính là động lực lớn nhất để hai mẹ con mình cùng nhau cố gắng!
Cho Bắp theo ăn theo phương pháp BLW, mình nhàn hơn rất nhiều, khi đi tiệc hay đi chơi chỉ cần vài thanh rau củ vài lát bánh mì là xong! Mình cũng sắp xếp lịch sinh hoạt của con trùng với gia đình nên không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn. Buổi tối mình sẽ lên thực đơn cho hôm sau để sáng khi đi chợ không mất thời gian suy nghĩ. Đồng thời, mình luôn thay đổi thực đơn đa dạng để con không chán.
Điều thuận lợi là nhà mình gần chợ, siêu thị nên thức ăn của Bắp luôn tươi sống. Gia đình mình ăn gì thì con ăn nấy, nhưng trước khi nêm gia vị, mình thường lấy ra trước cho con và điều chỉnh kích cỡ để phù hợp kĩ năng của con” – chị Trúc nói về những lợi ích của việc cho con ăn dặm theo phương pháp BLW.
Tuy không tốn nhiều công sức nấu riêng đồ ăn cho con nhưng chị Trúc cũng dành thêm chút thời gian để trang trí, kích thích sự ngon miệng của bé. Mỗi bữa ăn của bé Bắp được mẹ kết hợp 50% trái cây, rau củ, 50% tinh bột, protein. Trái cây có hôm ăn trước bữa chính, có hôm chị Trúc sẽ cho con ăn vào bữa phụ còn tinh bột không nhất thiết phải là cơm, nếu chán cơm thì bà mẹ trẻ thường đổi sang nui, mì, bún… cho đa dạng hơn.
Video đang HOT
Bà mẹ 9x luôn cố gắng thay đổi thực đơn thật phong phú, bắt mắt kích thích sự hào hứng của bé.
Tuy giai đoạn này ăn là chính nhưng chị Trúc vẫn kết hợp sữa cho con. Lịch sinh hoạt, ăn uống mỗi ngày của bé Bắp được chị Trúc sắp xếp như sau:
- 7h30: ăn sáng 100ml sữa
- 11h: BLW
- 12h – 15h: ngủ – thức dậy uống 150ml sữa
- 17h30: BLW sau đó ăn sữa chua
- 20h: 200ml sữa ngủ qua đêm
Chị Trúc thường hay chia sẻ các video khi ăn của con lên trang cá nhân. Thấy bé ngồi ăn ngoan nên có nhiều người nói rằng Bắp dễ nuôi, cho gì cũng ăn. Thế nhưng theo chị Trúc, có những giai đoạn con gái chị cũng biếng ăn sinh lý, có hôm mẹ nấu đồ ăn nhưng bé chẳng động đến. “ Người lớn mình cũng có lúc không muốn ăn, nên khi con như thế mình cũng không ép mà cho con cơ hội được đói và đợi con lên tiếng là ‘con đói’. Dù bé nhà mình chưa biết nói nhưng khi đói là con sẽ tự động leo lên ghế, ra hiệu để mẹ biết là con muốn ăn” – chị Trúc kể thêm.
Chị Trúc cũng cầu kỳ chuẩn bị thêm các món bánh cho con.
Từ những kinh nghiệm của bản thân mình, chị Trúc muốn chia sẻ với các mẹ một vài điều để mọi người cùng tham khảo, rèn cho con nết ăn ngoan:
- Tạo cho con lịch sinh hoạt ổn định, ăn uống đúng giờ.
- Bữa ăn chính kéo dài tầm 30 – 40 phút, bữa phụ tầm 15 phút.
- Khi ăn trên khay chỉ có thức ăn, không đồ chơi, điện thoại, ipad, Tivi!
- Nhất quán trong kỉ luật bàn ăn, ăn bất cứ cái gì cũng phải ngồi trong ghế ăn, kể cả bánh ăn dặm. Khi con tỏ ý không muốn ngồi nữa thì mình cho con ra nhưng đồng thời phải trả lại đồ ăn đang cầm trên tay. Nếu con muốn ăn tiếp mình sẽ gợi ý phải ngồi vào ghế.
- Không ép con ăn, mẹ là người nấu ăn nhưng ăn bao nhiêu và ăn thế nào hãy để con quyết định.
“ Hiện tại các kĩ năng của Bắp đã gần hoàn thiện. Bắp cắn, nhai thức ăn thô khá tốt, biết nhằn vỏ, hạt, biết dùng thìa! Con ăn uống rất chủ động, mình không hề nuông chiều trong giờ ăn, đến giờ ăn là con biết tự ngồi vào ghế, không ăn nữa con lắc đầu và đẩy khay ra để mẹ biết con ăn đủ rồi! Giờ ăn của con lúc nào cũng vui vẻ không hề có nước mắt.
Mình để ý thì các bé ăn theo phương pháp BLW cứ bị bảo “còi còi”, nhưng mình không quan trọng cân nặng con bao nhiêu, cũng không đặt nặng con phải ăn bao nhiêu vì mỗi trẻ có nhu cầu ăn uống khác nhau. Con tự ăn, tự ngủ ngoan, con khỏe là mình quá hài lòng rồi!
Chị Trúc không đặt nặng chuyện cân nặng của con gái, với chị, quan trọng nhất là con tự ăn ngoan, ngủ ngoan và khỏe mạnh là hạnh phúc lớn nhất.
Mình chưa dám tự hào gì nhưng mình tin nếu cứ tiếp tục duy trì thì khi lớn hơn Bắp cũng sẽ như vậy!
Để đánh giá một đứa trẻ có khoẻ không ngoài cân nặng ra thì còn rất nhiều yếu tố khác nên các mẹ đừng quá căng thẳng. Mình muốn nói với các mẹ là hãy điều chỉnh lại tâm lý, con ăn theo nhu cầu của con không phải ăn theo nhu cầu của mẹ, hãy tôn trọng nhu cầu của con. Và con ăn kiểu Nhật, kiểu truyền thống kiểu gì cũng được miễn con ăn trong vui vẻ là được!” – chị Trúc dành lời khuyên cho những bà mẹ vẫn còn đang phân vân lựa chọn phương pháp ăn dặm cho con.
Bên cạnh đó, chị Trúc cũng tự hào nói, bản thân là người vợ, người mẹ may mắn vì có sự đồng hành, chia sẻ của ông xã. “ Nhờ ba Bắp luôn ủng hộ nên việc rèn nếp ngủ cho con thuận lợi hơn rất nhiều, hai mẹ con không phải chiến đấu một mình. Cũng nhờ có ba Bắp mà mình mới có chỗ dựa vững chắc để dành tâm huyết chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho con” – bà mẹ 9x nói.
Theo Helino
"Con nhìn thấy đồ ăn là mắt sáng lên" và loạt bí quyết cực chất rèn kỹ năng ăn uống chủ động, vui vẻ cho con từ nhỏ của mẹ 9X
Từ việc trau dồi rất kĩ lưỡng kiến thức về BLW, chị Ngọc tự tin tuyên bố với mọi người rằng con trai mình sẽ ăn uống chủ động vui vẻ không thua kém gì người lớn vào mốc 12 tháng tuổi. Và chị đã làm được.
Bắt tay vào quá trình cho con ăn dặm, bất kỳ bà mẹ nào cũng háo hức, nhưng để đi được đến cái đích "con ăn uống chủ động, vui vẻ" lại chẳng còn được mấy mẹ. Bởi trên hành trình ấy chứa đựng rất nhiều gian nan và khủng hoảng mà mẹ phải đối mặt như sự chống đối từ phía con, những lần con ốm sốt hay kể cả là lời nói của người ngoài. Vậy nên trường hợp của hai mẹ con chị Hoàng Ngọc và bé Tin (12,5 tháng tuổi) được chia sẻ ngày hôm nay sẽ giúp các mẹ củng cố thêm niềm tin, học hỏi được nhiều bí quyết để đồng hành cùng con thành công.
Bé Tin hiện có nếp ăn uống rất vui vẻ và hạnh phúc, "có thể ăn cả thế giới" mà không kén các loại rau củ. Mỗi ngày 3 bữa chính, 1 bữa phụ (chủ yếu là hoa quả). Đặc biệt là dù ở nhà hay đi ra ngoài, bé đều thấy đồ ăn là mắt sáng lên, đầy háo hức và thích thú. Tin cũng rất thích uống sữa, mỗi ngày 4 bình 180-200ml. Để có được thành quả này, chị Ngọc đã phải định hướng, rèn kỹ năng cho con ngay từ đầu.
"Bài thi sát hạch" của bé Tin, đã xuất sắc hoàn thành kỹ năng bốc nhón.
Lựa chọn phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning (BLW) kết hợp đút thìa
Chị Ngọc chia sẻ: "Việc mình lựa chọn cho Tin ăn BLW kết hợp đút thìa, bỏ qua bột và cháo để ăn cơm ngay từ đầu cũng nhận được không ít lời xì xào hồ nghi. Nhưng vì đã trau dồi rất kĩ lưỡng kiến thức về BLW, mình tự tin tuyên bố với mọi người rằng con trai mình sẽ ăn uống chủ động vui vẻ không thua kém gì người lớn vào mốc 12 tháng tuổi. Và đúng là cuối cùng, 2 mẹ con mình đã làm được".
Tin bắt đầu ăn dặm BLW từ 6 tháng rưỡi khi biết ngồi kiểu ếch trên một phút. Những ngày tháng đầu cho con làm quen với thức ăn cũng rất áp lực với chị Ngọc. Con tập kĩ năng là chủ yếu và ăn được rất ít, phản xạ oẹ cũng nhạy, ngày nào cũng có rất nhiều rau củ quả bị bỏ đi. Thậm chí, chị cũng phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong gia đình khi bà nội em bé ghé qua thăm, thúc giục chị cho con ăn cháo, bột thay vì BLW. Thế nhưng chị Ngọc vẫn kiên trì, nhất quán với lựa chọn của mình. Chị tin thành quả sau này sẽ là lời giải thích rõ ràng nhất cho bà nội bé và những người xung quanh.
Bắt đầu từ 6 tháng, bé Tin được mẹ cho bước vào giai đoạn ăn dặm đầy niềm vui.
Bé lúc nào cũng vui vẻ, là nguồn động viên tinh thần to lớn của cả gia đình.
Chị vẫn kiên nhẫn cho con mỗi ngày đều có 1 bữa đút thìa và 1 bữa BLW. Thế nhưng, bữa đút thìa cũng tuyệt đối nói không với cháo, bột mà chỉ có thức ăn thô: "Thức ăn thô là đồ ăn giống như của bữa BLW, chỉ khác là mẹ đút cho và hình thái thức ăn được thái nhỏ hơn. Tháng đầu tiên, con chỉ ăn rau củ quả. Sang tháng thứ 7, mình tập cho con ăn thêm cơm nắm vo viên (trong bữa BLW) hoặc cơm mẹ đút chan nước canh rau thịt. Gần 8 tháng tuổi, mình bổ sung đạm thịt cá trứng. Ngoài 9 tháng tuổi, mình bổ sung thêm đạm từ cua ghẹ tôm".
Mỗi món ăn đều được chị Ngọc áp dụng phương pháp "3 ngày chờ" để kiểm tra mức độ dị ứng của con với đồ ăn nếu có. Quy tắc này cũng giúp giảm chứng biếng ăn, bởi vì con được ăn đồ ăn riêng biệt từng món, cảm nhận mùi vị của từng món, khác với món cháo truyền thống khi băm xay trộn lẫn tất cả vào nhau sẽ khiến con chỉ được nếm một thứ vị chung chung không rõ ràng. Nhờ có mẹ kiên nhẫn vậy, mỗi bữa ăn với Tin vẫn là một niềm vui. Chị Ngọc cũng xác định, dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa nên chị không chú trọng việc con phải ăn dặm thật nhiều. Hẳn việc để con "có chút thèm thuồng" trong mỗi bữa ăn cũng giúp cảm hứng ăn uống của con được duy trì lâu dài hơn.
Tin nhìn thấy đồ ăn là mắt sáng long lanh và khi được ăn thì vô cùng tận hưởng, thích thú.
Khủng hoảng khi con từ chối BLW, mẹ kiên nhẫn tập lại
Hành trình cho con ăn BLW vẫn đang suôn sẻ trôi qua thì bé Tin đột ngột rơi vào một đợt ốm kéo dài suốt nhiều ngày. Mẹ buộc phải cắt ăn dặm BLW trong suốt một tháng, chỉ cho con ăn đút thìa và chủ yếu bù sữa để con có thêm sức khi bị bệnh. Nhưng cũng sau đợt ốm đó, bé từ chối ăn bốc, thay vào đó là cứ há mồm thun thút như chim non đòi ăn, kỹ năng BLW tụt lùi. Quá trình ăn đút hoàn toàn kéo dài đến hết tháng tuổi thứ 11. "Sau một thời gian cho Tin chơi với đồ chơi ghép hình có núm mình quan sát thấy kĩ năng cầm nắm của bạn tốt hơn rất nhiều, thế là mình quyết định thêm lại một bữa BLW vào lịch sinh hoạt của bạn", chị Ngọc kể lại.
Hai mẹ con chị Ngọc và bé Tin.
Bé Tin rất thích được bố bế.
Về lý do quyết tập BLW dù con ăn đút thìa rất tốt, chị Ngọc chia sẻ: "Phải nói là nếu chỉ thoả mãn với việc cho con ăn đút thìa, thì ngay từ ban đầu mình đã không xin nghỉ làm ở Marketing Agency để ở nhà toàn tâm toàn ý cho con. Khi ấy, Tin ăn đút thìa rất tốt, nhưng tốt đến mấy thì cũng vẫn là phải có người hỗ trợ. Mình muốn con tự lập tự biết chăm sóc bản thân. Bà nội Tin rất khéo, và chăm em bé rất tốt nhưng cách chăm bé truyền thống của bà lại đặt nặng việc phải ăn no ăn đủ, và không hỗ trợ nhiều cho các bé trong việc tự lập, nhất là việc thêm gia vị mắm muối đường vào đồ ăn của bé sẽ rất hại thận. Nên mình tự nghiên cứu các phương pháp ăn dặm để có thể hỗ trợ con tìm được niềm vui với việc ăn uống cũng như có chế độ ăn uống lành mạnh healthy".
Mỗi bữa ăn của em bé là một niềm vui thực sự.
Vì những lý do đó, chị Ngọc quyết tâm tập lại BLW cho con. Mỗi ngày, ít nhất bé Tin sẽ được dọn ra bàn một bữa BLW dù bé có muốn hay không. Chị không ép con ăn nhiều, nhưng con cần làm quen với nếp ăn tự lập như trước: "Thường là những bữa tối, con sẽ ăn BLW cùng bố mẹ để con phát triển kĩ năng ăn uống. Ban đầu con vẫn ném đồ ăn, mẹ không đút cho thì gục hẳn mặt xuống bàn lè lưỡi liếm thức ăn. Nhưng mình và cả nhà ngồi làm mẫu cho con, con quan sát chăm chú, dần dần cũng chịu tự ăn theo. Và chỉ mất khoảng hơn 20 ngày kể từ khi tập lại, con đã có thể làm chủ kỹ năng bốc nhón rất tốt".
Hiện tại, nếp ăn uống tự lập và hạnh phúc của bé Tin khiến chị Ngọc cảm thấy rất vui. Những mâu thuẫn trong gia đình cũng dần được cởi bỏ khi chứng kiến thành quả mà hai mẹ con bé Tin đã đạt được. Vì vậy, chị Ngọc muốn nhắn gửi đến các mẹ khác đang trên con đường cho con ăn dặm, đặc biệt theo BLW: "Mặc dù ban đầu nhà mình khá căng thẳng xoay quanh chuyện ăn uống của con, nhưng giờ thành quả đã chứng minh mọi mâu thuẫn đó đều xứng đáng. Mình biết nhiều mẹ rất áp lực khi sống chung với ông bà, nhưng hãy cố gắng thuyết phục để bé được ăn ít nhất một bữa BLW cùng gia đình. Mình nhận thấy 20 ngày ăn cơm cùng bố mẹ kĩ năng ăn uống của Tin phát triển vượt bậc so với mấy tháng đầu mình cho ăn riêng. Bởi vậy, được ăn cùng gia đình rất quan trọng, nó giúp các bé nhanh chóng bắt chước được cách ăn uống của người lớn và cảm nhận được niềm vui khi ăn".
Theo Helino
Đây là phương pháp sơ cứu vết bỏng chuẩn nhất cho trẻ nhỏ mà bố mẹ rất nên nhớ Trẻ con hiếu động nghịch ngợm nên đôi khi có thể bị bỏng ngoài ý muốn và nếu trường hợp không may đó xảy ra thì cha mẹ nên lưu ý đến một số phương pháp sơ cứu dưới đây. Nhà là nơi rất an toàn, nhưng thực tế, nhà cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy hiểm rình rập trẻ nhỏ. Khi...