Mẹ 53 tuổi liều mình sinh đôi sau 2 năm đau đớn vì mất con trai
Sản phụ được chẩn đoán vô sinh thứ phát do tuổi cao lại bước vào giai đoạn mãn kinh và dự trữ buồng trứng rất thấp.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) vừa mổ bắt con thành công cho sản phụ Trương Thị Hằng (53 tuổi, ở thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương) – một trong những sản phụ lớn tuổi nhất hiện nay ở nước ta. Cặp song sinh một trai (nặng 2,6 kg) và một gái (nặng 2,3 kg) chào đời nhờ phương thụ tinh ống nghiệm IVF được thực hiện tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản.
Cặp song sinh chào đời từ sản phụ 53 tuổi. Ảnh: BSCC.
Chia sẻ về lý do sinh con ở độ tuổi hiếm thấy, bà Hằng cho hay hai vợ chồng từng có một người con trai. Tuy nhiên, năm 2016, con trai bà gặp tai nạn giao thông và ra đi khi vừa tốt nghiệp đại học. Trước nỗi đau mất mát quá lớn, bà trở nên trầm uất. Để vượt qua nỗi tuyệt vọng, hai vợ chồng ấp ủ hoài vọng sinh thêm con.
“Nhiều người bảo rằng vợ chồng lớn tuổi rồi, sống vui bên nhau là được. Nhưng tổ ấm thiếu vắng tiếng con thì nhà rộng rãi dư thừa vật chất đến đâu cũng cảm thấy thiếu thốn. Nhà có 2 vợ chồng, cô đơn quá nên chúng tôi đành phải liều”, bà Hằng chia sẻ về thời điểm bắt đầu.
Lúc này, bà Hằng được chẩn đoán vô sinh thứ phát do tuổi cao lại bước vào giai đoạn mãn kinh và dự trữ buồng trứng rất thấp.
PGS.TS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho cặp vợ chồng này cho hay trong 20 năm, đây là một trong những ca bệnh khó mà cá nhân ông gặp phải bởi ở độ tuổi này, tỷ lệ thành công thấp. Trong khi đó, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu mang thai.
Tuy nhiên, sự thiết tha và mong muốn có con của hai vợ chồng quá lớn nên PGS Hoàng đã quyết định điều trị cho bệnh nhân. Quy định của Bộ Y tế cũng cho phép phụ nữ trên 45 tuổi hiếm muộn được quyền “kiếm con” với điều kiện cơ sở điều trị phải theo dõi, cân nhắc kỹ sức khỏe, khả năng mang thai của sản phụ.
“Sau khi kiểm tra hàng loạt xét nghiệm, xác nhận bệnh nhân Hằng hoàn toàn khỏe mạnh, thai nhi không phải đối diện với nguy cơ bị các bệnh từ di truyền của mẹ do lớn tuổi như down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18… Hơn hết, gia đình quá tha thiết có con, nên tôi quyết định điều trị cho sản phụ Hằng sau nhiều đêm trăn trở”, bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.
Video đang HOT
Theo chuyên gia, khó khăn lớn nhất của ca bệnh là phụ nữ qua tuổi 50 khó cho phôi làm tổ. Vì thế, sau khoảng thời gian theo dõi chu kỳ, các bác sĩ đã đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, xác định chính xác ngày chuyển phôi, sàng lọc phôi, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng.
May mắn đến lần chuyển phôi thứ 4, bệnh nhân đã thành công khi mang thai đôi. Sản phụ sau đó được theo dõi định kỳ tại bệnh viện.
PGS Lê Hoàng thăm sản phụ sau ca mổ. Ảnh: BSCC.
Tuy nhiên, ngày 22/8, trong kỳ siêu âm định kỳ, bà Hằng được chỉ định mổ gấp do thai có dấu hiệu suy tim.
Trực tiếp mổ cho người mẹ ở tuổi 53, thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ: “Hơn 30 năm trong ngành sản phụ khoa, tôi chưa từng gặp một ca khó như thế này. Mẹ 53 tuổi, mang song thai, một thai đang rất yếu. Là một bác sĩ, tôi thở phào khi ê-kíp đỡ đẻ đã tập trung toàn lực để chị ấy vượt cạn suôn sẻ. Là một người mẹ, tôi quá nể khi chị ấy ở tuổi này vẫn liều mình để có con”.
Theo PGS Hoàng, tại Việt Nam, các bác sĩ đã thành công trong việc điều trị nhiều ca bệnh hiếm muộn khó, phức tạp, bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý kèm theo.
“Nhiều ca gần 50 thậm chí trên 50 tuổi, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện dựa trên các hướng dẫn, quy định khắt khe của Bộ Y tế, vì các trường hợp đó đều là những hoàn cảnh quá đặc biệt và vô cùng đáng thương. Với lứa tuổi trẻ, tỷ lệ thành công là 60-70%. Những bệnh nhân dưới 30 tuổi, tỷ lệ này lên đến 80%. Tỷ lệ thành công chung là 50,3%”, PGS Hoàng cho hay.
Theo Zing
Người bác sĩ 20 năm sống cùng vui, buồn của bệnh nhân hiếm muộn
PGS.TS Lê Hoàng chia sẻ, mỗi ngày ông đón nhận hàng trăm bệnh nhân với những nỗi niềm khác nhau, có những bệnh nhân còn rất trẻ đến với ông trong tình trạng sức khỏe sa sút, niềm tin và cả tài chính cạn kiệt sau hàng chục lần chuyển phôi ở nhiều nơi không thành công, hạnh phúc vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ; lại có người mất con sau tai nạn giao thông ước mơ cháy bỏng có một đứa con ở tuổi 53...
Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) chia sẻ, càng gắn bó với bệnh nhân, ông càng nhiều tâm tư, chia sẻ với những người phụ nữ, những gia đình thiệt thòi đã dành cả thanh xuân, thậm chí gần cả cuộc đời để tìm kiếm tiếng cười con trẻ trong gia đình.
"Nói về hiếm muộn, trong quan niệm của đa số người Việt Nam thì nó là một tình trạng khá nhạy cảm, không phải vì bệnh lý mà vì những quan niệm lạc hậu của xã hội, đặc biệt là những áp lực lên người phụ nữ, khiến họ tự ti, khổ sở rất nhiều, trong khi bản thân vô sinh nữ chỉ chiếm 50% nguyên nhân của tình trạng này. Vì thế, tôi cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm của những người phụ nữ hiếm muộn và cũng hạnh phúc rơi nước mắt khi họ đậu trái ngọt", PGS Hoàng nói.
"Người phụ nữ đó đến IVFTA trong tình trạng gần như tuyệt vọng, không còn gì để bấu víu cuộc sống. Người mẹ ấy đã 53 tuổi, mất con sau tai nạn giao thông khiến chị gần như sụp đổ hoàn toàn, khi đến với chúng tôi chỉ mong sao có một đứa con để làm nguồn sống".
Chúng tôi biết rằng đây là ca quá khó khi người mẹ đã lớn tuổi và không còn đầy đủ các điều kiện mang thai và sinh nở, tuy nhiên đứng trước mong ước quá lớn của người mẹ, chúng tôi đã bằng mọi cách áp dụng những kỹ thuật hiện đại nhất để có thể để điều trị cho chị, và cuối cùng chị đã có thai và sinh hạ hai bé 1 trai 1 gái khỏe mạnh", PGS Hoàng chia sẻ.
PGS.TS.BS Lê Hoàng thăm hỏi sản phụ Trương Thị Hải Hằng (53 tuổi) sau cuộc vượt cạn đón cặp song sinh một trai một gái nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA).
Có bệnh nhân còn rất trẻ, đã phải trải qua nhiều lần làm IVF đến với IVFTA trong tình thế hết sức bi đát: sức khỏe sa sút, niềm tin cạn kiệt sau hơn 10 lần chuyển phôi ở nhiều nơi không thành công, hạnh phúc vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Chúng tôi phải tiến hành nhiều biện pháp để tìm nguyên nhân gây vô sinh như các xét nghiệm chuyên sâu trên cả vợ và chồng, phẫu thuật nội soi... Sau 7 lần tiểu phẫu và phẫu thuật các vấn đề khác nhau thì cô ấy có thai tự nhiên. Hôm nghe tin, tôi rớt nước mắt vì mừng. Đấy chỉ là 2 trong vô vàn những kỷ niệm chữa vô sinh mà tôi muốn nhắc lại".
Mỗi bệnh nhân hiếm muộn đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Những hoàn cảnh ấy đều rất xúc động và đáng được quan tâm. Có thể họ đã từng thất vọng nhưng chưa bao giờ nguôi hy vọng. Và họ đã đến và đặt trọn niềm tin vào Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.
IVF thành công 80% ở phụ nữ dưới 30
PGS Hoàng cho biết, hiện tại, tỷ lệ IVF thành công của BVĐKTA là 80% ở nhóm bệnh nhân dưới 30 tuổi, tỷ lệ trung bình đạt 53% bao gồm các ca khó, bệnh nhân lớn tuổi...
Tuy nhiên, PGS Hoàng khẳng định sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa, làm tốt hơn nữa, tiếp tục học hỏi để nâng cao trình độ cập nhật kỹ thuật mới cho các y bác sĩ cũng như đội ngũ nhân viên, nâng cao chất lượng IVF theo tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến, tăng tối đa tỷ lệ thành công, mang lại cơ hội làm mẹ cho những người phụ nữ mỏi mòn chờ tiếng cười con trẻ.
Sản phụ Trương Thị Hải Hằng (53 tuổi) và hai con song sinh một trai một gái đang được chăm sóc chu đáo tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội
Theo PGS Lê Hoàng, mỗi môi trường làm việc sẽ mang lại cho bác sĩ những thuận lợi và thử thách riêng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không chỉ có những thiết bị tốt nhất, mới nhất, hiện đại nhất, chúng tôi còn có đội ngũ nhân lực đủ mạnh, thường xuyên được đào tạo cập nhật liên tục các kiến thức, kỹ thuật mới, kỹ năng mới từ chuyên gia ở trong và ngoài nước.
PGS Hoàng cho rằng, điều khiến ông tự hào nhất không chỉ về chuyên môn, kỹ thuật, mà tuyệt vời nhất chính là những đánh giá tốt của bệnh nhân khi đến với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Một dịch vụ tốt, với sự chăm sóc tận tâm, yêu thương giúp bệnh nhân có một tinh thần thoải mái, lạc quan và tin tưởng, tỷ lệ thành công cũng sẽ cao hơn.
Một ngày của bác sĩ Hoàng bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Nhưng ông có một liều "thuốc tăng lực" đặc biệt, đó là những tin vui 2 vạch, những ca sinh mẹ tròn con vuông được báo về rất nhiều mỗi ngày. Đó là một "liều thuốc tăng lực" đặc biệt để ông luôn sung sức đeo đuổi trên con đường tìm tiếng cười trẻ thơ cho các gia đình hiếm muộn suốt 20 năm qua và trong những năm tiếp theo trong cuộc đời người thầy thuốc của mình.
Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) - đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân vô sinh hiếm muộn, mang đến cơ hội làm cha làm mẹ cho rất nhiều cặp vợ chồng.
Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS.BS Lê Hoàng sẽ tham gia chương trình tư vấn "Vô sinh hiếm muộn - Gieo mầm hạnh phúc", diễn ra từ ngày 5-10/9/2018. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
Gia Bảo
Theo Dân trí
Bị vỡ gan trong lúc chuyển dạ, sản phụ cùng con nguy kịch Đang chuyển dạ, sản phụ 27 tuổi đột ngột vỡ gan và hôn mê sau khi mổ bắt con, bé tổn thương não do thiếu ôxy. Sản phụ mang thai 35,5 tuần, chuyển dạ vào nằm tại phòng chờ Khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ thì bất ngờ vật vã, đổ mồ hôi, da xanh nhợt nhạt. Các bác sĩ đã báo động...