Máy thở nào cần cho điều trị bệnh nhân COVID-19?
Hơn 5.000 máy thở mà Việt Nam đang có là máy thở xâm nhập. Nhưng để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn cao hơn, Việt Nam đã lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, trong đó có máy thở xâm nhập và không xâm nhập…
Dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 15% số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống. Nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu máy thở. Các công ty chạy đua với nhau để sản xuất, thậm chí ngay cả hãng sản xuất ô tô của Mỹ đã bắt đầu chuyển sang sản xuất mặt hàng y tế này.
Tại Việt Nam, thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, hiện cả nước có 5.245 máy thở (riêng Hà Nội hiện có khoảng 260 chiếc). Chính vì thế, trong trường hợp xảy ra ở cấp độ từ 3.000 người mắc bệnh COVID-19, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được với số lượng máy thở và các trang thiết bị để theo dõi điều trị cho người bệnh. Ban Chỉ đạo cũng cho biết, trong tình hình huống dịch COVID-19 xảy ra ở cấp độ 3-4, dự kiến có thể huy động được 1.315 máy thở.
Bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện số 2, tỉnh Quảng Ninh
Theo các nghiên cứu trong mùa dịch này ở Trung Quốc, thông thường khoảng 19% trong số bệnh nhân COVID-19 là bệnh nặng và rất nặng, trong đó 14% là bệnh nặng, 5% rất nặng. Số người bệnh rất nặng đều phải sử dụng máy thở.
Thời gian qua, tại Ý và nhiều quốc gia có tỷ lệ tử vong cao đều do thiếu thiết bị hỗ trợ thở bởi số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh, người dùng máy thở tăng đột biến so với thông thường. Việc dự trữ thiết bị y tế để phục vụ các tình huống gia tăng bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ tử vong là rất cần thiết.
Video đang HOT
Hiện Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ mua sắm thêm những trang thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân…
Theo một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, máy thở gồm 2 loại xâm nhập (đặt ống nội khí quản) và không xâm nhập (thở qua mask, ống thở oxy 2 mũi…). GS.TS Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội Hồi sức Tích cực, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu người bệnh gặp vấn đề về hô hấp nhưng chưa đến mức phải dùng máy thở xâm nhập thì có thể dùng máy thở không xâm nhập (còn gọi là máy trợ thở). Khi dùng máy này không mang lại hiệu quả cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân thì phải dùng đến máy thở xâm nhập. Thậm chí có thể dùng kết hợp cả máy thở và ECMO đối với những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp nặng và dùng máy thở không có hiệu quả cải thiện hô hấp.
“Trên thực tế đã có bệnh nhân nặng mắc COVID-19 vừa qua, chúng tôi cùng các y bác sĩ đã quyết định kết hợp sử dụng cả máy thở và ECMO để nỗ lực điều trị cho bệnh nhân và hiện tại bệnh nhân này đã có nhiều tiến triển về sức khoẻ”- GS.ST Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) do Bộ Y tế ban hành ngày 25/3/2020, đối với bệnh nhân giảm giảm ô xy máu không được cải thiện bằng các biện pháp thở ô xy, có thể cân nhắc chỉ định thở ô xy dòng cao qua gọng mũi (High Flow Nasal Oxygen), CPAP, hoặc thở máy không xâm nhập BiPAP.
Bộ Y tế cũng lưu ý, cần theo dõi chặt chẽ người bệnh để phát hiện các dấu hiệu thất bại để có can thiệp kịp thời. Nếu tình trạng thiếu ô xy không cải thiện với các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, cần đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập
“Như vậy, máy thở không xâm nhập hay máy thở hoặc kết hợp cả máy thở và ECMO đều có những tác dụng hỗ trợ, cải thiện hô hấp cho người bệnh tuỳ theo từng giai đoạn bệnh phù hợp”- GS.ST Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
MINH HÀ
Lý giải tầm quan trọng của máy thở đối với bệnh nhân COVID-19
Máy thở là một trong những thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong việc cứu sống các bệnh nhân mắc COVID-19.
Máy thở có vai trò quan trọng trong việc điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 có diễn tiến nặng. Ảnh: The Guardian/Axel Heimken/AFP qua Getty Images.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước nên tối ưu hóa việc dùng máy thở để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng với COVID-19 do đây là liệu pháp chính chữa trị các trường hợp này một cách hiệu quả. Vậy máy thở là gì và nó có tầm quan trọng thế nào đối với việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19?
Máy thở là gì?
Theo The Guardian, máy thở là 1 thiết bị y tế được dùng khi bệnh nhân không thể tự hô hấp. Quá trình lấy khí oxy và thải khí carbon dioxide được thực hiện thông qua một ống thở luồn vào khí quản của bệnh nhân.
Sau đó ống thở được gắn vào máy thở và nhân viên y tế có thể điều chỉnh tốc độ đẩy không khí và oxy vào phổi. Quá trình này còn được gọi là đặt nội khí quản.
Khi nào bác sĩ quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân
Giáo sư David Story, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc tích hợp của Đại học Melbourne (Australia), đồng thời là một bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Austin (Australia) cho biết: "Trước khi quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ xác định các dấu hiệu suy hô hấp với biểu hiện nhịp thở và nồng độ CO2 trong máu tăng, bệnh nhân trở nên mơ hồ và đau đớn. Nhịp thở của người bình thường là khoảng 15 nhịp một phút, nếu nhịp thở đạt khoảng 28 lần một phút, thì đây là tín hiệu cho thấy có thể cần thông khí".
Theo Giáo sư John Wilson, bác sĩ hô hấp và là hiệu trưởng trường Đại học Bác sĩ Hoàng gia Australasian (Australia), quyết định cắm máy thở vào bệnh nhân được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng rằng phổi của họ đã bị viêm quá nặng, hoặc bị chấn thương nghiêm trọng, không thể tự thực hiện chức năng và khi những thao tác ít can thiệp hơn như đeo mặt nạ oxy trên mũi và miệng không thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Tầm quan trọng đối với bệnh nhân mắc COVID-19
COVID-19 là bệnh về đường hô hấp xảy ra khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công phổi, trong một số trường hợp, gây ra các vấn đề về hô hấp. Máy thở được xem là giải pháp cuối cùng để cứu lấy sinh mạng những bệnh nhân nguy kịch.
Giáo sư Sarath Ranganathan, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Phổi Australia và là bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne (Australia) cho hay: "Với các hình thức thông khí thủ công như bóp bóng qua mặt nạ, sự sống của bệnh nhân COVID-19 chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn. Họ cần được đặt máy thở trong vòng 30 phút kể từ khi xảy ra cơn nguy kịch".
Theo cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, khoảng 14% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 diễn tiến thành các ca nặng, cần nhập viện và hỗ trợ thở oxy và 5% người mắc COVID-19 cần điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực.
Khoảng thời gian mà một bệnh nhân sử dụng máy thở có thể từ vài ngày đến vài tuần tùy tình hình. Tại Trung tâm Y tế Tulane ở New Orleans (Mỹ), các bệnh nhân mắc COVID-19 thường được gắn máy thở trong 1 - 2 tuần.
Khi bệnh nhân không còn cần đến máy thở nữa, ống nối sẽ được tháo ra và máy thở sẽ được chuyển sang cho bệnh nhân tiếp theo sau khi được khử trùng kỹ càng.
LÊ THANH HÀ
Bảo hộ kín người 12 tiếng/ngày: Nỗi vất vả ít biết của lực lượng tuyến đầu Trong ca trực kéo dài 12 tiếng chăm sóc bệnh nhân Covid-19, y bác sĩ mặc trang phục phòng hộ "trùm kín người". Quá trình điều trị dài, liên tục nhiều ngày, trang phục này gây ra không ít "rắc rối"... Kín mít trong suốt một ca trực 12 tiếng Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh,...