Máy nhắn tin là gì và bị kích nổ hàng loạt ở Lebanon như thế nào?
Hàng trăm máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah đã đồng loạt phát nổ trên khắp Lebanon, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.750 người bị thương, theo các cơ quan an ninh và Bộ trưởng Y tế Lebanon cho biết.
Máy nhắn tin là gì? Tại sao Hezbollah sử dụng chúng?
Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc nhỏ được sử dụng rộng rãi trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến. Các thiết bị này sẽ hiển thị tin nhắn văn bản ngắn cho người dùng, được chuyển tiếp qua điện thoại thông qua một tổng đài viên.
Không giống như điện thoại di động, máy nhắn tin hoạt động bằng sóng vô tuyến, người vận hành sẽ gửi tin nhắn bằng tần số vô tuyến, thay vì internet, tùy thuộc vào thiết bị của người nhận.
Công nghệ cơ bản của máy nhắn tin cũng như sự phụ thuộc của chúng vào phần cứng vật lý được cho là giúp tăng cường bảo mật, khiến chúng trở nên phổ biến với các nhóm chiến binh như Hezbollah, nơi tính di động và an ninh được quan tâm tối đa.
Các chiến binh Hezbollah đã sử dụng máy nhắn tin như một phương tiện liên lạc công nghệ thấp nhằm tránh bị Israel theo dõi vị trí.
Máy nhắn tin. Ảnh: GI
Vụ máy nhắn tin phát nổ xảy ra như thế nào?
Chuỗi hàng nghìn vụ nổ trên khắp Lebanon bắt đầu vào khoảng 4:45 chiều 17/9 và kéo dài trong khoảng một giờ. Số thương vong vẫn đang được xác nhận. Một bé gái 8 tuổi nằm trong số những người tử vong.
Mohammad Mahdi Ammar, con trai của nghị sĩ Hezbollah Ali Ammar, cũng được cho là đã thiệt mạng. Hezbollah xác nhận hai chiến binh của họ đã thiệt mạng.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad cho biết: “Khoảng 2.750 người bị thương… hơn 200 người trong tình trạng nguy kịch” với hầu hết các vết thương được báo cáo ở mặt, tay và bụng.
Video đang HOT
Theo đoạn video từ bệnh viện, các vụ nổ đã làm nhiều thành viên Hezbollah bị thương ở nhiều mức độ khác nhau trên mặt, mất ngón tay và vết thương hở ở hông, nơi có thể đã đeo máy nhắn tin. Đại sứ Iran tại Lebanon, Mojtaba Amani, cũng bị thương trong vụ nổ.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự Lebanon khiêng một người đàn ông bị thương vì máy nhắn tin cầm trên tay bất ngờ phát nổ, tại thành phố cảng Sidon, ngày 17/9. Ảnh: AP
Ai đứng sau vụ tấn công?
Nhiều bên và nhiều nguồn tin báo chí trên thế giới, bao gồm cả Hezbollah, đang chỉ trích và đổ lỗi cho Israel. Một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon và một nguồn tin khác cho biết cơ quan tình báo Mossad của Israel đã cài thuốc nổ vào 5.000 máy nhắn tin do nhóm Hezbollah của Lebanon nhập khẩu vài tháng trước vụ nổ.
Vụ nổ máy nhắn tin xảy ra vào thời điểm gia tăng lo ngại về căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, hai bên đã tham gia vào cuộc chiến tranh xuyên biên giới kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
“Chúng tôi cho rằng Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội ác này”, Hezbollah cho biết, nói thêm rằng Israel “chắc chắn sẽ phải nhận hình phạt thích đáng cho hành động tội lỗi này”.
Israel vẫn giữ im lặng trước vụ việc.
Tại sao những vụ nổ tương tự lại không xảy ra ở Gaza?
Theo Hamza Attar từ Khoa Quốc phòng tại Đại học King’s College ở London, phương pháp tương tự không thể được sử dụng ở Gaza vì Hamas có trình độ hiểu biết về mạng sâu sắc hơn so với Hezbollah.
“Họ rất có năng lực trong lĩnh vực viễn thông”, ông nói về Hamas, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực mà nhóm này đang thực hiện để mã hóa thông tin liên lạc.
“Họ không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại di động. Họ có mạng lưới, internet và phương tiện liên lạc riêng và không cần bất cứ thứ gì trên mặt đất”, ông nói.
Máy nhắn tin phát nổ như thế nào?
Hiện nguyên nhân máy nhắn tin phát nổ hàng loạt vẫn chưa rõ. Một số người suy đoán rằng nguyên nhân nằm ở mạng lưới vô tuyến mà máy nhắn tin dựa vào, cho rằng mạng lưới có thể đã bị tấn công, khiến hệ thống phát ra tín hiệu kích hoạt phản hồi trong các máy nhắn tin đã bị can thiệp (được cho rằng bị gắn vật liệu nổ).
Nhà phân tích dữ liệu Ralph Baydoun cho biết: “Tôi nghĩ điều đã xảy ra là mọi [thành viên] Hezbollah ở một cấp độ cụ thể đều bị tấn công”.
Các nhà phân tích khác, chẳng hạn như cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia vũ khí hóa học Hamish de Bretton-Gordon, cho rằng máy nhắn tin của Hezbollah có thể đã bị can thiệp và “được kết nối để phát nổ theo lệnh”.
Túi của một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut, Lebanon, ngày 17/9. Ảnh: Social Media
Nguồn tin cấp cao của Lebanon cho biết các máy nhắn tin đã được cơ quan tình báo Israel sửa đổi “ở cấp độ sản xuất”.
“Mossad đã đưa một bảng mạch chứa vật liệu nổ có thể nhận mã vào bên trong thiết bị. Rất khó để phát hiện ra nó bằng bất kỳ phương tiện nào, ngay cả với bất kỳ thiết bị hoặc máy quét nào”, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết 3.000 máy nhắn tin đã phát nổ khi một tin nhắn mã hóa được gửi đến chúng, đồng thời kích hoạt chất nổ.
Một nguồn tin an ninh khác cho biết có tới ba gram thuốc nổ được giấu trong các máy nhắn tin mới và “không bị Hezbollah phát hiện” trong nhiều tháng.
Nếu pin lithium của máy nhắn tin bị kích hoạt quá nhiệt, quá trình mất kiểm soát nhiệt sẽ được kích hoạt. Về cơ bản, một phản ứng dây chuyền hóa học sẽ xảy ra, dẫn đến nhiệt độ tăng cao và cuối cùng là pin phát nổ dữ dội.
Truy nguồn gốc các máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Lebanon
Ngày 18/9, công ty có trụ sở tại đảo Đài Loan là Gold Apollo cho biết đã ủy quyền tên thương hiệu của mình trên các máy nhắn tin AR-924 bị phát nổ hàng loạt tại Lebanon và khẳng định một công ty khác có trụ sở tại Hungary mới là bên sản xuất mẫu máy này.
Lực lượng chức năng khiêng một người đàn ông bị thương sau khi máy nhắn tin cầm tay của người này phát nổ tại thành phố cảng phía nam Sidon, Lebanon ngày 17/9/2024. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của Chủ tịch Gold Apollo Hsu Ching-kuang với các phóng viên ngày 18/9 tại văn phòng công ty ở thành phố New Taipei, phía bắc đảo Đài Loan, các máy nhắn tin AR-924 được sản xuất bởi BAC Consulting KFT, có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.
Ông khẳng định: "Theo thỏa thuận hợp tác, chúng tôi ủy quyền cho BAC sử dụng tên thương hiệu của chúng tôi để bán sản phẩm tại các khu vực được chỉ định, nhưng việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm hoàn toàn do BAC chịu trách nhiệm". Ông cũng cho biết Gold Apollo có thỏa thuận cấp phép với BAC trong 3 năm qua, tuy nhiên không cung cấp bằng chứng về hợp đồng.
Theo các thông tin do AP thu thập được, tổng giám đốc điều hành của BAC Consulting hiện là bà Cristiana Barsony-Arcidiacono. Trên hồ sơ LinkedIn, bà cho biết đã làm cố vấn cho nhiều tổ chức khác nhau, trong đó bao gồm cả UNESCO, trong khi website của công ty không đề cập bất cứ thông tin nào tới việc sản xuất máy nhắn tin AR-924. Cả BAC và bà Cristiana Barsony-Arcidiacono đều không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận.
Ngày 17/9, hàng loạt máy nhắn tin của các thành viên lực lượng Hezbollah phát nổ tại Lebanon, chủ yếu là ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut là Dahiyeh và Thung lũng Bekaa ở phía đông - nơi được coi là thành trì của lực lượng này. Các vụ nổ khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 2.800 người bị thương, trong đó có 200 người trong tình trạng nguy kịch.
Lực lượng Hezbollah cáo buộc các vụ nổ là do Israel gây ra. Nhóm này khẳng định đây là "sự vi phạm an ninh lớn nhất" kể từ khi leo thang căng thẳng với Israel. "Chúng tôi buộc Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội ác này," Hezbollah cho biết trong một tuyên bố, nhấn mạnh rằng Israel "chắc chắn sẽ phải nhận hình phạt thích đáng cho các hành động này".
Tính tới hiện tại, Israel chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc. Truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và các quan chức an ninh khác đã họp tại trụ sở Bộ Quốc phòng tại căn cứ Kirya ở Tel Aviv sau các vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon.
Theo nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon được Reuters trích dẫn, Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin từ Gold Apollo và các máy này được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay. Các chiến binh Hezbollah đã sử dụng máy nhắn tin như một phương tiện liên lạc công nghệ thấp để cố gắng trốn tránh việc theo dõi vị trí của Israel.
Tuy nhiên, theo nguồn tin trên thì các thiết bị này đã được cơ quan tình báo Israel sửa đổi "ở cấp độ sản xuất". Nguồn tin khẳng định: "Cơ quan tình báo Israel Mossad đã lắp đặt một bảng mạch bên trong máy nhắn tin có chứa vật liệu nổ để tiếp nhận mã. Rất khó để phát hiện ra nó bằng bất kỳ phương tiện nào.
Ngay cả với các thiết bị hoặc máy quét". Khi một tin nhắn được mã hóa được gửi tới, 3.000 máy nhắn tin đã phát nổ, đồng thời kích hoạt chất nổ.
Một nguồn tin an ninh khác tiết lộ với Reuters rằng có một lượng khoảng 3 gram chất nổ được giấu trong các máy nhắn tin mới và đã "không bị Hezbollah phát hiện" trong nhiều tháng.
Chiến sự Trung Đông: Israel không kích sâu chưa từng có vào Lebanon Tiếp tục đợt giao tranh xuyên biên giới kéo dài hơn 11 tháng với Phong trào Hezbollah ở Lebanon, ngày 14/9, quân đội Israel mở thêm nhiều cuộc không kích ác liệt vào quốc gia láng giềng. Đáng chú ý, một số địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ Lebanon lần đầu tiên trở thành mục tiêu tấn công của không quân Israel....