Máy chạy thận liên tục trục trặc, bệnh nhân vừa chạy thận vừa… run
Đó là thực tế diễn ra thường xuyên tại Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng, khiến các bệnh nhân vô cùng lo lắng khi chạy thận.
Máy chạy thận nhân tạo đang chạy thì gặp sự cố hay vừa chạy xong một ca lại không thể hoạt động tiếp… Đó là thực tế diễn ra thường xuyên tại Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng, khiến các bệnh nhân vừa chạy thận nhân tạo….vừa run. Lo lắng của bệnh nhân càng lên đến đỉnh điểm khi Bệnh viện đột ngột thông báo tạm dừng hệ thống máy thận nhân tạo mà không có phương án điều trị thay thế cho bệnh nhân.
Các bệnh nhân tại BV Giao thông – Vận tải Hải Phòng lo lắng khi máy chạy thận tại đây thường xuyên trục trặc, không đảm bảo an toàn khi chạy.
7h sáng ngày 22/6, hơn chục bệnh nhân có lịch chạy thận nhân tạo ca 1 tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng) đến bệnh viện thì bất ngờ nhận được thông báo Khoa tạm dừng chạy thận cho bệnh nhân. Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần không được lọc máu, đa phần bệnh nhân đã rất mệt mỏi, tình trạng sức khỏe yếu.
Bà Hoàng Thị Xuyến ở xã Đại Bản, An Dương, Hải Phòng lo lắng, bệnh này của bà đến ngày là phải chạy, cùng lắm chỉ dừng được 2 ngày. “Hôm nay mà không chạy được là chết, tôi cảm thấy mệt lắm! Có bà cụ phải chờ tí mà giờ phải thở ôxy”- bà Xuyến nói.
Lý do mà lãnh đạo khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng) tạm dừng việc chạy thận cho bệnh nhân là do hệ thống máy móc y tế không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân. Dù vậy, do sự cấp thiết phải điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phụ trách Khoa Thận nhân tạo đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện cam kết chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra thì mới tiến hành chạy thận trở lại cho bệnh nhân. Đến 10h30, bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Giao thông – Vận tải mới được lọc máu, chậm hơn 3 tiếng so với lịch.
Một bệnh nhân nhỏ tuổi tại Khoa Thận nhân tạo (BV GTVT) quá mệt mỏi sau 2 ngày cuối tuần không được lọc máu và phải chờ đợi vì sự cố máy móc.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng phải tạm dừng điều trị theo lịch hay phải mệt mỏi chờ đợi vì máy hỏng. Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, trang thiết bị y tế tại Khoa Thận của bệnh viện thường xuyên gặp trục trặc, khiến bệnh nhân vừa nằm trên giường chạy thận vừa… run.
Video đang HOT
“Máy móc đang chạy mà bị trục trặc là vô cùng nguy hiểm. Ở đây, máy móc chạy thận thường xuyên bị trục trặc, không an toàn”- bệnh nhân Phạm Văn Huyền chia sẻ.
Hiện tại, khoảng 50 bệnh nhân, chủ yếu là người dân các quận, huyện của thành phố Hải Phòng, đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông-Vận tải Hải Phòng. Được biết, đây là một bệnh viện hạng 3 trực thuộc Cục Y tế (Bộ Giao thông-Vận tải) nên việc đầu tư các thiết bị khám, chữa bệnh còn hạn chế. Đa phần máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện nói chung và khoa Thận nhân tạo nói riêng được đầu tư từ nhiều năm trước.
Ông Bùi Hữu Hoàng, Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa 2, Giám đốc Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng cho biết: trước mắt, bộ phận trang thiết bị của bệnh viện và các kỹ thuật viên trong khoa đã tiến hành kiểm tra và đưa các máy chạy thận nhân tạo hoạt động trở lại. Bệnh viện cũng đang khẩn trương thực hiện các phương án duy tu, bảo dưỡng máy móc, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị tại đây.
BV Giao thông – Vận tải Hải Phòng trực thuộc Cục Y tế (Bộ Giao thông – Vận tải); nhiều máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện đã cũ do được đầu tư từ nhiều năm trước.
“Hiện tại, các bệnh nhân đều lọc máu trên máy bình thường. Chúng tôi cũng chuẩn bị phương án, khi xảy ra các lỗi không mong muốn này tái diễn, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên để lọc máu. Trong quá trình kiểm tra lại máy móc, bệnh nhân sẽ được lọc máu an toàn. Vấn đề này thì cũng đã có sự chỉ đạo của Cục Y tế (Bộ GTVT) và Sở y tế địa phương. Chúng tôi cũng liên lạc với một số đối tác và kỹ sư ở Hà Nội, tuần này sẽ xuống kiểm tra và hiệu chỉnh các máy này”- ông Bùi Hữu Hoàng cho biết.
Chiều 22/6, Sở Y tế Hải Phòng có công văn yêu cầu Bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng trong thời gian kiểm tra lại máy chạy thận nhân tạo, tạm dừng việc chạy thận nhân tạo và chuyển ngay bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp. Các đơn vị này có kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện Giao thông – Vận tải để tiếp tục chữa trị, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho bệnh nhân./.
Nguy cơ nhiễm nCoV ở bệnh nhân chạy thận
Bệnh nhân chạy thận thường nhiều bệnh nền, phải ra vào viện thường xuyên, phòng lọc máu sử dụng máy điều hòa... nguy cơ cao nhiễm nCoV.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết nhiều yếu tố nội tại cũng như những bất lợi từ bên ngoài hiện có thể ảnh hưởng bệnh nhân suy thận mạn.
Các yếu tố nội tại do chính bản thân người bệnh đã có sẵn, không thể thay đổi được. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lớn tuổi, khoảng trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan, ung thư... Người bệnh có sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu do suy thận gây ra nên dễ nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh rất dễ xảy biến chứng nặng.
Yếu tố bất lợi từ bên ngoài, gồm:
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải thường xuyên ra vào viện để lọc máu 2-3 lần mỗi tuần. Môi trường bệnh viện dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Bệnh nhân phải tiếp xúc với nhân viên y tế, các người bệnh khác nên dễ lây chéo.
- Môi trường phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, phòng kín và lưu thông không khí kém. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, các trung tâm lọc máu luôn đông, quá tải, giường lọc máu gần sát nhau nên dễ xảy ra lây nhiễm.
- Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người chăm sóc. Những bệnh nhân già yếu không tự sinh hoạt phải nhờ người chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, đưa đi lại bệnh viện, cho ăn uống... Người chăm sóc có thể nhiễm bệnh không triệu chứng và trở thành nguồn lây cho bệnh nhân lọc máu.
Tại Việt Nam, ước tính khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8.000 bệnh nhân mới mỗi năm. Khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu, chiếm 0,1% dân số.
Số liệu của các tác giả F. He và G. Xu tại Vũ Hán, Trung Quốc, trong thời kỳ dịch bùng phát có đến 10% bệnh nhân lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo nhiễm nCoV.
Bác sĩ Bách khuyến cáo 10 điều bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú cần lưu ý trong đại dịch:
1. Chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, ngay cả người thân trong gia đình như con, cháu vì những người này thường ra ngoài, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phòng ở thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa.
2. Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Tuyệt đối không giấu thông tin này. Các bệnh viện đã có phương án giải quyết cho bệnh nhân nhiễm nCoV lọc máu đúng chu kỳ.
3. Báo ngay cho nhân viên khoa thận nhân tạo những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, ngửi không nghe được mùi. Bệnh nhân yên tâm sẽ được lọc máu đúng lịch vì các bệnh viện đã có khu lọc máu riêng cho người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh.
4. Di chuyển đến bệnh viện lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ôtô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng. Luôn đeo khẩu trang khi vào viện lọc máu.
5. Trong phòng lọc máu luôn đeo khẩu trang, hạn chế tối đa nói chuyện. Không ăn uống, không mang bất kể đồ dùng cá nhân vào phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đàm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào rác y tế. Các phòng lọc máu cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, lưu thông không khí bằng quạt hút, điều hòa và mở cửa sổ.
6. Lọc máu xong nên đi thẳng về nhà, giặt ngay áo quần đã mặc ở bệnh viện, tắm bằng nước ấm và mặc áo quần mới.
7. Tắm nắng 30 phút mỗi buổi sáng hàng ngày, đồ dùng cá nhân như áo quần, chăn màn cần phơi nắng.
8. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lọc máu, tránh uống nước quá nhiều trong mùa nắng nóng, tăng kali máu do ăn trái cây nhiều.
9. Hạn chế tối đa phải nhập viện nội trú trong giai đoạn dịch bệnh.
10. Liên lạc với nhân viên y tế qua điện thoại với các trung tâm đang lọc máu, thường xuyên báo cáo về tình trạng sức khỏe, tư vấn sử dụng sử dụng thuốc, chế độ ăn. Hạn chế đi vào bệnh viện để khám bệnh, chỉ đi khám khi thật sự cần thiết.
Lê Phương
Sau ghép thận, cô gái 'cảm ơn mẹ đã sinh con lần hai' Cách ly sau ca ghép quả thận được mẹ hiến tặng, Phương Thanh, 27 tuổi, mong ôm mẹ để cảm ơn đã sinh ra mình lần nữa. Cách đây hai năm, Thanh thường xuyên ói mửa, đi tiểu nhiều, thỉnh thoảng chân bị sưng phù, không đi được. Khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bác sĩ phát hiện chị...