Máy bay Mỹ cuối cùng rời Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử
Những máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ chở theo binh sĩ và nhân viên ngoại giao rời Afghanistan trước hạn chót 31/8, khép lại cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm qua.
Một chuyến bay sơ tán ở sân bay Kabul hôm 21/8 (Ảnh: Getty).
Chiến dịch không vận lớn nhất lịch sử hoàn tất
Tướng Kenneth Frank McKenzie, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, ngày 30/8 thông báo, chiến dịch di tản của Mỹ tại Afghanistan chính thức hoàn tất.
“Tôi xin thông báo, chiến dịch di tản của chúng tôi khỏi Afghanistan đã hoàn tất. Máy bay vận tải C-17 cuối cùng rời sân bay Hamid Karzai lúc 3h29 chiều 30/8 (giờ Mỹ)”, ông McKenzie nói. Ông nhấn mạnh: “Tất cả quân nhân Mỹ đều đã di tản khỏi Afghanistan, tôi có thể khẳng định chắc chắn 100%”, ông McKenzie nói. Như vậy, chiến dịch di tản của Mỹ kết thúc lúc 11h59 đêm theo giờ địa phương, nghĩa là chỉ một phút trước khi bước sang ngày chót 31/8.
Tướng McKenzie nói: “Việc rút quân tối nay vừa cho thấy sự kết thúc của chiến dịch di tản lực lượng quân sự, nhưng cũng vừa là kết thúc sứ mệnh kéo dài gần 20 năm qua ở Afghanistan, sứ mệnh bắt đầu ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001. Đây là sứ mệnh kết liễu trùm khủng bố Osama bin Laden cùng với nhiều thuộc cấp của hắn trong al-Qaeda. Đó là sứ mệnh vô cùng tốn kém. 2.461 binh sĩ Mỹ và dân thường đã thiệt mạng, hơn 20.000 người bị thương. Đau buồn nữa là, 13 quân nhân của chúng ta đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết của ISIS-K hồi tuần trước”.
Họp báo ở Lầu Năm Góc thông báo hoàn tất chiến dịch di tản khỏi Afghanistan ngày 30/8 (Ảnh: Getty).
Ông McKenzie cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch không vận lớn nhất trong lịch sử để sơ tán khỏi Afghanistan. Trong chiến dịch kéo dài 18 ngày bắt đầu từ ngày 14/8 này, Mỹ đã sơ tán khoảng 79.000 dân thường từ c, trong đó có 6.000 công dân Mỹ, hơn 73.000 công dân Afghanistan và công dân nước thứ ba.
“Tính tổng cộng, các máy bay của Mỹ và liên quân đã sơ tán hơn 123.000 dân thường với sự hỗ trợ của quân nhân Mỹ, những người vận hành và đảm bảo an ninh tại sân bay”, ông Mckenzie nói.
Ông McKenzie cho biết thêm, mặc dù chiến dịch di tản lực lượng quân sự đã hoàn tất, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục sứ mệnh di tản các nhân viên ngoại giao, công dân Mỹ và công dân Afghanistan có nguyện vọng sơ tán.
Theo ông McKenzie, 5 chuyến bay sơ tán cuối cùng không có dân thường của Mỹ mà chỉ có binh sĩ và nhân viên ngoại giao. Lý giải điều này, ông nói: “Chúng tôi nỗ lực đến phút cuối cùng nhưng không có công dân Mỹ nào đến sân bay khi đó”. Ông khẳng định, thời điểm những máy bay cuối cùng của Mỹ cất cánh, không còn người di tản nào bị bỏ lại ở sân bay.
Ông tin rằng, vẫn còn những người Mỹ và Afghanistan có nguyện vọng sơ tán nhưng chưa tiếp cận được sân bay. “Tôi nghĩ nếu chúng tôi có thể kéo dài chiến dịch này thêm 10 ngày, chúng tôi sẽ không bỏ sót lại bất cứ ai mà chúng tôi muốn sơ tán… Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, chúng tôi đã rút đi không có nghĩa là cơ hội di tản với người Mỹ và cả người dân Afghanistan đã hết”, ông McKenzie nói.
Chấm dứt 20 năm hiện diện quân sự
Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự ở Afghanistan sau gần 20 năm (Ảnh: AFP).
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã gửi lời cảm ơn đến lực lượng quân sự Mỹ Afghanistan đã thực hiện và hoàn tất sứ mệnh nguy hiểm ở Afghanistan đúng kế hoạch đề ra.
“17 ngày qua, các binh sĩ của chúng ta đã thực hiện một chiến dịch không vận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, sơ tán hơn 120.000 công dân của Mỹ, của các đồng minh và người dân Afghanistan. Họ hoàn thành sứ mệnh đó với sự quả cảm, chuyên nghiệp và lòng quyết tâm cao”, ông Biden cho biết trong thông cáo phát đi cuối ngày 30/8.
Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh: “Giờ đây, sự hiện diện quân sự kéo dài suốt 20 năm của chúng ta ở Afghanistan đã chấm dứt”. Ông cho biết, ông sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào ngày 31/8 để nói về quyết định không kéo dài hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan sau ngày 31/8.
Ông nói, các tham mưu trưởng, các tư lệnh quân đội đều có chung quan điểm rằng, điều này là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng của binh sĩ Mỹ, đảm bảo có thể sơ tán những công dân có nguyện vọng rời Afghanistan trong những tuần tới, tháng tới. “Taliban đã cam kết duy trì chiến dịch di tản an toàn và thế giới sẽ buộc họ phải giữ cam kết đó bằng cả nỗ lực ngoại giao đang diễn ra ở Afghanistan và phối hợp với các đối tác trong khu vực để mở lại sân bay cho phép tiếp tục sơ tán những người muốn rời Afghanistan cũng như hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan”, ông Biden cho biết.
Mỹ đưa quân vào Afghanistan không lâu sau sự kiện khủng bố al-Qaeda tấn công khủng bố đẫm máu ở tòa tháp đôi New York (Mỹ) ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, quyết định này khiến Mỹ “sa lầy” trong cuộc chiến ở Afghanistan suốt gần hai thập niên, một cuộc chiến khiến gần 2.000 binh sĩ thiệt mạng, tiêu tốn khoảng hơn 2.000 tỷ USD.
Hiện tại, không còn binh sĩ nào của Mỹ ở Afghanistan. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong gần 20 năm, không có binh sĩ nào của Mỹ hay các đồng minh hiện diện trên lãnh thổ Afghanistan. Taliban đã đề nghị Mỹ duy trì hiện diện ngoại giao tại Kabul, giới chức Mỹ được cho là đang thảo luận về đề nghị này. Hôm 25/8, khi được hỏi về tương lai của đại sứ quán Mỹ tại Kabul, và liệu các nhà ngoại giao Mỹ sẽ còn ở lại Afghanistan sau khi quân đội rời khỏi hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời: “Chúng tôi đang xem xét các lựa chọn”.
Thêm chi tiết vụ thi thể kẹt trong càng máy bay Mỹ sơ tán khỏi Afghanistan
Phi hành đoàn của máy bay vận tải Mỹ C-17 đã phát hiện vấn đề nghiêm trọng ở phần càng đáp chỉ vài phút sau khi máy bay sơ tán khỏi Afghanistan. Những gì nhìn thấy sau đó khiến họ sang chấn tâm lý.
Video nghi người di tản Afghanistan rơi khỏi máy bay Mỹ
Nhiều người Afghanistan đu bám lên máy bay vận tải Mỹ với hy vọng được sơ tán (Ảnh: Sun).
Giới chức Không quân Mỹ xác nhận thông tin tìm thấy những mảnh thi thể người kẹt trong bộ phận càng đáp của một máy bay vận tải C-17 vài giờ sau khi máy bay này cất cánh trong sự hỗn loạn ở sân bay Kabul sáng 16/8. Tuy nhiên, họ không nói liệu có bao nhiêu người thiệt mạng trong bi kịch này.
Xác nhận được đưa ra sau khi báo Washington Post đưa tin, phi hành đoàn của một máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ đã phát hiện sự cố nghiêm trọng ở càng hạ cánh khiến nó không thể thu lại hoàn toàn sau khi cất cánh từ sân bay Kabul.
Đó là máy bay C-17 mang số hiệu REACH885. Máy bay này đáp xuống sân bay Kabul vào rạng sáng 16/8, mang tới trang thiết bị cho binh sĩ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở sân bay và hỗ trợ sơ tán hàng nghìn người. Vài phút sau khi máy bay hạ cánh, đỗ lại và hạ thang chất tải phía sau để bốc dỡ thiết bị thì bất ngờ hàng trăm người ào tới khiến nhóm nhỏ phi hành đoàn không kịp trở tay mặc dù đã nắm được tình hình hỗn loạn ở sân bay vào đêm trước đó.
Số người đổ về sân bay Kabul sáng 16/8 đông hơn rất nhiều so với ngày trước đó. Do lo ngại cho sự an toàn của họ, phi hành đoàn đã quay lên máy bay, nâng thang trước khi kịp bốc dỡ hết hàng, New York Times dẫn lời giới chức Mỹ cho biết.
Nhiều người Afghanistan sau đó đã leo lên cánh máy bay, chui vào buồng càng hạ cánh mà phi hành đoàn không hay biết. Phi hành đoàn đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu và được phép cất cánh chỉ sau vài phút đáp xuống đường băng. Lo ngại có người đu bám máy bay, phi công ban đầu đã cho máy bay di chuyển rất chậm trên đường băng trong khi xe Humvees được điều động để xua người dân tràn vào đường băng để dọn đường cho máy bay cất cánh. Hai trực thăng Apache cũng bay là là mặt đất để dọn đường.
Chiếc C-17 tăng tốc dần và cất cánh, nhưng chỉ vài phút sau, cơ trưởng và cơ phó nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng: Càng đáp máy bay không thể thu lại hoàn toàn. Họ đã cử một thành viên phi hành đoàn nhìn qua một ô cửa nhỏ để kiểm tra thử khu vực càng đáp của chiếc C-17 khi nó đang ở trên không trung. Họ đã thấy những mảnh thi thể kẹt trong buồng càng của máy bay. Điều này được xác nhận vài giờ sau đó khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar.
Sự việc đã khiến phi hành đoàn sang chấn tâm lý và cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý sau khi xuống máy bay.
Cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul (Ảnh: Reuters).
Sân bay Kabul những ngày qua vô cùng hỗn loạn khi hàng nghìn người Afghanistan tuyệt vọng đổ về đây với hy vọng được lên máy bay sơ tán do lo ngại bất ổn sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô và phần lớn lãnh thổ đất nước. Mỹ đã điều hàng nghìn binh sĩ đến Kabul để hỗ trợ sơ tán, một tướng quân đội của Mỹ cũng đã liên hệ với Taliban để đề nghị lực lượng này không làm gián đoạn hoạt động sơ tán.
Mỹ diệt chiến lược gia IS, đáp trả vụ đánh bom sân bay Kabul Máy bay không người lái Mỹ không kích diệt một chiến lược gia nhóm IS-K ở Afghanistan, nhằm đáp trả vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul. "Cuộc không kích bằng máy bay không người lái được thực hiện ở tỉnh Nangahar, Afghanistan. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng tôi đã tiêu diệt mục tiêu mà không gây thương...