Máy bay Malaysia rơi: Không loại trừ khủng bố
Nhà chức trách không loại trừ khả năng đã xảy ra tấn công khủng bố trên chiếc máy bay gặp nạn.
Ngày 8/3, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các nước trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực xác định vị trí chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi trên Biển Đông đã không loại trừ khả năng đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố trên máy bay khiến nó bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar.
Sau một ngày tích cực tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện được vị trí chiếc máy bay rơi, cơ quan chức năng các nước lại càng nghi ngờ về khả năng xảy ra khủng bố khi có thông tin 2 hành khách trên chiếc máy bay xấu số này đã sử dụng hộ chiếu giả.
Hình ảnh chiếc máy bay xấu số được chụp tại Pháp năm 2011
Chiếc máy bay này biến mất một cách bí ẩn trên đường bay tới Bắc Kinh mà không hề phát đi một tín hiệu cấp cứu nào, khiến các điều tra viên nghi ngờ rằng một sự cố rất nhanh chóng và khủng khiếp đã xảy ra ngay giữa không trung.
Chiếc Boeing 777 biến mất trên màn hình radar khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, quãng thời gian an toàn nhất của chuyến bay, trong điều kiện trời quang mây tạnh, và máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000 mét.
Mặc dù đông đảo máy bay, tàu hải quân, tàu cứu nạn của Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Philippines và Singapore đã tập trung tới vùng biển nghi máy bay rơi, nhưng họ vẫn chưa phát hiện được xác chiếc máy bay 11 năm tuổi này đang ở đâu.
Vị trí chiếc máy bay biến mất trên màn hình radar
Những dấu hiệu đầu tiên về số phận bi thảm của nó là 2 vệt dầu loang lớn trên vùng biển ngoài khơi đảo Thổ Chu mà máy bay của không quân Việt Nam phát hiện được.
Khi được hỏi liệu có nguy cơ khủng bố xảy ra hay không, Thủ tướng Malaysia Jajib Razak đã không loại trừ khả năng này và cho biết họ “đang xem xét mọi khả năng”.
Trong khi đó, các quan chức ngoại giao Ý và Áo đều đã xác nhận rằng trong danh sách hành khách của chuyến bay này có tên 2 công dân của họ, song 2 người này đều không có mặt trên chuyến bay, và hộ chiếu của họ đã bị mất cắp ở Thái Lan. Hiện công dân người Ý vẫn đang ở Thái Lan, còn công dân người Áo thì được xác định là đang ở quê nhà.
Video đang HOT
Gạt nước mắt chờ đợi tin tức người thân
Bố của công dân người Ý cho biết hộ chiếu của con trai ông đã bị mất cách đây khoảng một năm rưỡi khi anh này tới Thái Lan du lịch. Ông Walter Maraldi cho biết: “Nó đã đặt cọc hộ chiếu để thuê một chiếc xe ở Thái Lan, thế nhưng khi nó đem trả xe, cuốn hộ chiếu đã biến mất.”
Người thanh niên này đã được cấp một hộ chiếu mới ở Thái Lan để tiếp tục hành trình. Bộ Nội vụ Ý cũng xác nhận anh này đã trình báo việc mất hộ chiếu vào ngày 1/8/2013 sau khi trở về Ý, và cuốn hộ chiếu mất cắp đó đã bị cho vào danh sách đen của Interpol.
Ông Walter Maraldi cho biết nhà chức trách không nói với ông rằng hành khách giả mạo con trai ông trên chuyến bay này đã sử dụng cuốn hộ chiếu ăn cắp hay làm giả một hộ chiếu khác y hệt.
Ông cũng xác nhận là con trai Luigi Maraldi của ông đã gọi về nhà từ Thái Lan để khẳng định mình vẫn ổn sau khi nghe trên tivi rằng mình có tên trong danh sách hàng khách mất tích.
Một phụ nữ lặng người sau khi nghe tin máy bay rơi
Ngoại trưởng Áo Martin Weiss cũng xác nhận rằng một cái tên trong danh sách hành khách trùng với thông tin trên một hộ chiếu Áo bị mất ở Thái Lan cách đây 2 năm, tuy nhiên ông không có thông tin gì về kẻ đã ăn cắp cuốn hộ chiếu đó.
Nghị sĩ Pete King, thành viên vủa Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ nhận định: “Thông tin này khiến chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Những cuốn hộ chiếu bị ăn cắp và việc máy bay đột ngột biến mất trên màn hình radar rất có thể có liên quan với nhau.”
Ông King khẳng định rằng các cơ quan tình báo trên khắp thế giới chắc chắn sẽ kiểm tra lại “toàn bộ các cuộc liên lạc và trò chuyện của bọn khủng bố” để xem có thông tin nào về chuyến bay này được nhắc tới hay không.
Vệt dầu loang trên Biển Đông báo hiệu số phận bi thảm của chiếc máy bay
Tuy nhiên vị nghị sĩ kỳ cựu này cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định chắc chắn bất cứ điều gì, và mọi việc chỉ sáng tỏ khi tìm thấy hộp đen của máy bay.
Về khả năng xảy ra sự cố kỹ thuật, CEO của hãng hàng không Malaysia Airlines Ignatius Ong cho biết chiếc máy bay vừa được kiểm tra kỹ thuật toàn diện 10 ngày trước và được khẳng định là “trong điều kiện tốt”.
Chuyên gia hàng không Richard Quest cũng khẳng định: “Chiếc máy bay này mới hoạt động được 11 năm, không phải là quá cũ kỹ. Malaysia Airlines có 15 chiếc máy bay 777-200 trong đội bay của mình, và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành loại máy bay này. Họ là một hãng hàng không danh tiếng với độ an toàn rất cao.”
Hải quân Malaysia bàn phương án tìm kiếm cứu nạn
Hôm qua, hải quân Mỹ cũng đã cử một chiếc tàu chiến và một máy bay trinh sát cùng hàng chục tàu cứu hộ, máy bay của các quốc gia trong khu vực tham gia vào nỗ lực tìm kiếm cứu nạn tiếp cận khu vực được phát hiện vết dầu loang trước khi trời tối, song vẫn chưa có kết quả.
Trí Dũng (Theo NYDailyNews) (Khampha.vn)
Máy bay Malaysia quay đầu trước khi biến mất
Radar quân sự cho thấy chiếc máy bay đã quay đầu trước khi biến mất bí ẩn.
Ngày 9/3, lực lượng không quân Malaysia cho biết một đài radar quân sự của họ đã phát hiện thấy chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã quay đầu trở lại trước khi nó biến mất một cách bí ẩn, mặc dù phi công không hề phát đi bất cứ tín hiệu cấp cứu nào.
Sau khi nhận được thông tin này, cơ quan chức năng đã mở rộng phạm vi tìm kiếm của mình tại vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia trong buổi chiều hôm Chủ nhật.
Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu về khả năng chiếc máy bay Boeing 777-200 này có thể đã quay đầu nhằm trở về sân bay trong lúc đang thực hiện hành trình bay tới Bắc Kinh.
Tướng Tan Sri Rodzali Daud, Tư lệnh Không quân Malaysia cho biết dựa trên các dữ liệu mà radar quân sự của họ thu được, có khả năng chiếc máy bay này đã thực hiện quy trình quay về (ATB).
Tướng Tan Sri Rodzali Daud, Tư lệnh Không quân Malaysia
Tại một buổi họp báo tổ chức tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trưa nay, tướng Rodzali phát biểu: "Chúng tôi đang tìm cách làm rõ điều này vì nó cũng được xác nhận bởi radar dân sự."
Trong lĩnh vực hàng không, quy trình ATB có nghĩa là máy bay quay trở về sân bay nơi xuất phát vì gặp phải trục trặc kỹ thuật hoặc phi công nghi ngờ có trục trặc đối với bất cứ bộ phận nào trên máy bay.
Tướng Rodzali giải thích: "Khi có sự việc phát sinh khiến phi công không thể thực hiện nhiệm vụ như kế hoạch, anh ta sẽ thực hiện quy trình ATB. Tuy nhiên, phi công trên chiếc máy bay này đã không hề phát tín hiệu hoặc thông báo về sân bay rằng ông ấy sẽ thực hiện ATB. Điều này khiến chúng tôi vô cùng khó hiểu."
Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho biết cơ quan này cũng đã xác nhận thông tin rằng có 2 hành khách đã sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay. Trước đó đã có thông tin rằng có tới 4 hành khách sử dụng hộ chiếu giả, song thông tin này đã bị Bộ Quốc phòng Malaysia bác bỏ.
Ông Azharuddin nói: "Chúng tôi hiện đang nghiên cứu băng video của camera giám sát từ điểm làm thủ tục cho tới khu vực chuẩn bị lên máy bay. Các điều tra viên đang tìm cách xác định nhân thân của 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả đó."
Ông cũng tiết lộ rằng các cơ quan chống khủng bố của Malaysia đã vào cuộc điều tra động cơ của hai người này.
Chiếc máy bay đã tự quay đầu trước khi đột ngột biến mất (Ảnh minh họa)
Khi được hỏi có khi nào chiếc Boeing 777-200 này đã bị tắt toàn bộ hệ thống chẩn đoán lỗi hay không, ông Azharuddin nói rằng đó cũng là điều họ đang muốn biết, và "chúng tôi đang trao đổi với các chuyên gia hàng không và hãng Boeing."
Ông cũng đề nghị mọi người không nên đưa ra các phỏng đoán quá sớm khi chưa có nhiều bằng chứng về sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay.
Hiện nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia trên khu vực vùng biển ngoài khơi đảo Thổ Chu của Việt Nam vẫn chưa đem lại kết quả, mặc dù lực lượng tìm kiếm đã phát hiện 2 vệt dầu loang lớn ở trên biển. Cơ quan chức năng Malaysia đã lấy mẫu dầu này về xét nghiệm để kiểm tra xem đó có phải là dầu của chiếc máy bay gặp nạn hay không.
Theo Khampha