Máy bay chở phân dơi ra Hà Nội bón rau siêu sạch
Hiện 1kg phân dơi đang có giá lên tới 60.000 đồng, đắt gấp 4 lần so với gạo, song, người dân vẫn tranh nhau đặt mua về bón rau. Nhiều khi phân dơi còn đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội theo đặt hàng của khách.
Tranh thủ buổi chiều đi làm về, chị Lê Thị Hạnh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) vội vào nhà cất túi xách, sau đó cầm rổ nhựa đi thẳng lên sân thượng tầng 4 tranh thủ hái ít rau muống để xào tỏi cho cả nhà. Chỉ vào chiếc bao tải đựng những viên đất dẹt, dài màu đen, chị khoe: “Phân dơi đó, tôi phải đặt mãi tận trong Sài Gòn chuyển ra với giá 60.000 đồng/kg, chưa tính tiền ship”.
Chị Hạnh chia sẻ, nhà chị có gần 20m2 sân thượng để trồng các loại rau củ quả sạch cho gia đình. Tuy nhiên, để rau được sạch tuyệt đối, chị áp dụng phương pháp trồng rau “4 không”: không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không phân vô cơ, không giống biến đổi gen.
Để có những ngọn rau sạch non mỡ màng mà không bị sâu thủ tiêu, chị phải bón phân hữu cơ, bắt sâu bằng tay.
Phân dơi có giá lên đến 60.000 đồng/kg vẫn được mọi người đặt mua
“Mọi người có cách ủ phân từ rác, rau xanh bỏ đi giống như cách ủ phân truyền thống của ông bà ta ngày xưa. Thế nhưng, ở nhà phố ủ phân kiểu đó rất bất tiện, mùi hôi thối khó chịu, khi tưới rau thì hàng xóm cũng phàn nàn, ngại quá nên tôi chuyển qua đặt mua phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà,… “, chị nói.
Theo chị Hạnh, những loại phân trên bón rau rất tốt. Rau xanh, non mỡ màng. Song, so với phân dơi thì kém xa. Phân dơi tơi xốp, hạt phân dơi tròn giống như hạt phân NPK, cực kỳ dễ bón mà không tốn kém, rau lên xanh tốt chẳng khác gì phun thuốc kích thích.
Cứ dùng hết 5kg phân dơi này chị Hạnh lại đặt mua 5kg phân dơi khác để bón cho rau, củ, quả trồng trên sân thượng mà không cần dùng thêm bất cứ loại phân nào nữa.
Cũng là người chuyên đặt mua phân dơi về bón cho vườn rau trên sân thượng nhà mình, chị Cao Thị Liên Hương (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tuy giá đắt đỏ nhưng phân dơi khô, tơi xốp nên 1kg dùng được 2 lần, mỗi lần bón chỉ hết 0,5kg phân dơi cho toàn bộ khu vườn.
“Mẹ chồng tôi hay nói đùa rằng phân dơi đắt gấp 4 lần giá gạo tẻ thường, nhưng tôi vẫn đặt mua, tích đầy phân dơi trong nhà”, chị chia sẻ.
Theo chị Hương, phân dơi đắt nhưng xắt ra miếng. Tiền bỏ ra mua phân dơi bón rau tính ra cũng chỉ ngang ngửa với tiền mua các loại phân vô cơ, song, đổi lại, dùng phân dơi thì an toàn tuyệt đối, không sợ độc hại.
Video đang HOT
“Mướp với cà chua bón phân dơi thì quả lúc nào cũng sai trĩu, rau muống, mồng tơi non mỡ màng. Đặc biệt, lá rau mồng tơi còn to đúng bằng bàn tay người”, chị Hương khoe.
Nhiều người trồng rau trên sân thượng sử dụng phân dơi để bón cho rau, giúp rau xanh tốt
Thừa nhận điều này, anh Nguyễn Văn Tiến Lâm, một đầu mối chuyên phân phối phân dơi ở TP.HCM cho biết, trước khách mua phân dơi chủ yếu là những chủ vườn hoa, vườn lan nhưng khoảng gần 2 năm nay, ngoài những chủ vườn trên còn thêm cả các chủ vườn rau, nhất là những người trồng rau ở sân thượng.
“Cứ mỗi khách đặt mua từ 5-10kg một lần để về làm phân bón dần cho rau củ quả các loại trồng trên sân thượng”, anh nói.
Anh Lâm nói thêm, phân dơi được thu gom từ những hang dơi tự nhiên trên núi, có thể dùng thay thế các loại phân vô cơ khác để bón cho cây cối, hoa màu, đặc biệt là cây ăn quả. “Người dân giờ tự trồng rau sạch ăn nên họ cũng muốn dùng các loại phân hữu cơ tự nhiên bón cho rau khiến phân dơi hút khách, đắt hàng hơn bao giờ hết”, anh Lâm nói, mặc dù giá phân dơi đắt đỏ hơn nhiều do khá hiếm.
Hiện giá phân dơi bán lẻ là 60.000-70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Khách mua hàng phải chịu thêm chi phí vận chuyển.
Anh Lâm cho hay, ngoài khách hàng trong Nam, gần đây, rất nhiều người ngoài Hà Nội gọi điện cho anh để đặt mua phân dơi. Nhiều khi, phân dơi còn đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội theo yêu cầu đặt hàng của khách, dù phí vận chuyển cực kỳ đắt đỏ.
Theo_VietNamNet
"Kình ngư" kể chuyện tay không bắt cá "khủng" như đối mặt tử thần
"Phát hiện con cá mú to ẩn nấp trong hang, chúng tôi tiến lại gần, trực tiếp dùng tay thò vào hang để bắt. Và không ít lần tôi bị hàm răng sắc nhọn của những chú cá mú khổng lồ cắn đứt tay".
Dùng tay không bắt cá mú vài chục kg
Câu chuyện của thợ lặn Hoàn Văn Đoán (49 tuổi), xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khiến chúng tôi nhiều phen phải "nổi da gà".
Anh Đoán vốn quê ở xã Kỳ Lợi, một mảnh đất mà theo anh nói, tất cả trai tráng cứ đến độ tuổi 18 là ra biển lặn cá, tôm, mực... về bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Và đến nay, dù chuyển lên khu dân cư mới, anh cùng người dân ở Kỳ Lợi, vẫn "đeo bám" nghề lặn biển này.
Bên hiên nhà gió thổi vào mát lộng, anh Đoán tâm sự: "Người dân chúng tôi, dù đi đâu cũng bám biển mà sống. Bởi nếu xa biển, chắc chúng tôi sẽ...chết đói".
Nói về nghề lặn của làng mình, giọng anh Đoán tỏ vẻ tự hào: "Từ thế hệ cha ông cho đến nay, chỉ có người dân từ các nơi đến đây học lặn, chứ chúng tôi không phải đi đâu học cả. Tính từ độ tuổi 18 đến 45, làng tôi có khoảng 800 thợ lặn",
Mỗi lần phát hiện thấy mực, cá... thợ lặn Đoán sẽ nhanh tay dùng chĩa đâm trúng
Anh Đoán cùng các "kình ngư" ở đây lặn biển và bắt tất cả các loại hải sản từ cá, tôm, mực, nghêu, sò... bằng tay.
"Các loại tôm nằm chủ yếu nằm trong hang, mình chỉ cần dùng tay thò vào hang là bắt được. Các loại nghêu, sò... phải đào sâu xuống cát mới bắt được. Các loại mực, cá mú, cá hanh... thì ngay khi nhìn thấy, mình phải nhanh tay dùng chĩa để đâm", "kình ngư" Đoán kể lại.
"Đối với các loại cá to hơn (khoảng vài chục kg), thường sống trong hang. Muốn bắt được, mình phải trực tiếp thò tay vào hang. Đã không ít lần tôi bị những con cá hung dữ cắn bị thương ở tay vì "cả gan" đột nhập vào "nhà" của chúng", ông Đoán chia sẻ thêm.
Theo tin tức tìm hiểu, mỗi chuyến ra biển, thợ lặn có thể đánh bắt được hàng chục kg hải sản các loại. Trung bình thu về mỗi người khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Thậm chí có ngày "trúng mánh", các thợ lặn có thể mang về thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo anh Đoán chia sẻ, việc lặn biển diễn ra quanh năm, trừ những ngày biển động, mưa bão.
Tử thần luôn "rình rập"
Nghe anh Đoán chia sẻ thông tin, chúng tôi đã hình dung ra rất nhiều rủi ro mà thợ lặn phải đối mặt. Mỗi lúc như vậy, tôi liền hỏi anh: "Có sợ không"?. Anh trả lời dứt khoát: "Sợ thì lấy gì mà ăn".
Thông thường, các thợ lặn không thể làm việc "đơn thương, độc mã" mà phải có từ 2 đến 3 người cùng phối hợp.
Theo đó, các thợ lặn cho thuyền đến địa điểm có hải sản. Sau khi công tác chuẩn bị được thực hiện xong, một thợ lặn sẽ quăng mình xuống nước cùng với hệ thống hỗ trợ oxi và một sợi dây dài làm cầu nối cho thợ lặn và người ở trên thuyền.
Lúc này, trên thuyền luôn có ít nhất 1 người theo dõi, xử lý tất cả các sự cố có thể diễn ra bất cứ lúc nào, đồng thời chờ để kéo hải sản mà thợ lặn bắt được dưới đáy biển lên thuyền.
Tùy theo địa hình từng vùng biển, nhưng trung bình họ lặn ở độ sâu khoảng 15 đến 20 sải nước (1 sải bằng 1,6m).
Nghề thợ lặn luôn đối diện với rất nhiều rủi ro.
Chính vì lặn sâu, nên các thợ lặn rất dễ gặp phải tai nạn "giảm áp", tức là bị sức ép của nước, khi ngoi lên mặt nước sẽ đứt mạch máu và chết.
Với hơn 30 năm làm nghề lặn ở rất nhiều vùng biển khác nhau như đảo Phú Quốc, đảo Cát Bà... và vùng biển quê hương, anh Đoán đã đau xót chứng kiến hàng chục thợ lặn bị tai nạn nghề nghiệp tử vong.
"Hiện ở địa phương vẫn có một số người bị bại liệt hoặc tàn tật suốt phần đời còn lại vì nghề lặn biển, nhìn thấy những những bạn nghề như vậy, chúng tôi vô cùng đau đớn", anh Đoán buồn bã chia sẻ.
Không chỉ có chứng giảm áp, nghề thợ lặn còn phải đối diện với rất nhiều tai nạn nghề nghiệp khác đe dọa trực tiếp đến tính mạng như máy khí bị hư hỏng, nổ bình chứa khí, chuột rút... Nhưng tất cả, vì miếng cơm, manh áo nên hàng ngày, họ vẫn phải đánh cược mạng sống của mình...
Bích Ngọc
Theo_Người Đưa Tin
Áp lực bội chi ngân sách nhà nước Ngày 3-6, tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao Nhóm đối tác tài chính công (PFPG) - một hoạt động đối thoại thường niên, từ năm 2014 đến nay, giữa Bộ Tài chính và các đối tác phát triển, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế về tài chính công Việt Nam - đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng...