Màu núi biên cương
Có lẽ cuộc sống dựa vào thiên nhiên nhiều quá nên đất Tri Tôn gần như nghiêng hẳn phía tâm linh và những niềm tin tối thượng.
Tri Tôn đi qua chiến tranh cũng mang một niềm tin như vậy…
Về Tri Tôn, tôi như thấy mình đang du ngoạn cùng những chòm rễ thốt nốt nhỏ nhoi len qua từng lớp cát sỏi khô cằn, chen mải miết vào lòng đất, sâu nữa và sâu hơn nữa. Hình như nếu lớp cát sỏi kia có sâu hàng trăm mét thì những sợi rễ nhỏ vẫn len lỏi cho kỳ được để đến với dòng nước mát lành trong lòng đất. Từ cuộc hội ngộ kỳ thú đó, tôi như thấy mình đang du ngoạn cùng những phân tử nước từ lòng đất thẳm sâu, qua lớp lớp cõi cằn, lần theo rễ bò từ tế bào này qua tế bào khác, lên mặt đất, bò lên tận trời cao hàng mấy chục mét, rồi tràn ra khỏi đầu hoa, bật giữa bao la những dòng mật ngọt dịu dàng.
Mảnh đất mà những bộ rễ len qua đá để sống, len qua cát để sống. Mảnh đất của những mùa lúa ruộng trên, vườn sườn đồi, cỏ cây đeo vách đá. Cây cỏ ở đây như những thiền sư tu chợ, nửa đời hạn thì dọn dẹp hết mọi cuộc sinh sản, gác lại hết những phận sự quang hợp lớn lao, trút dần từng lớp lá rồi ngủ vùi vào giấc đứng khẳng khiu. Nửa đời mưa thì nẩy chồi đâm lộc quyết liệt cho mùa hoa trái rộn ràng, ong bướm lại lượn lờ, rễ luồn sâu, cành vươn xa, để cát cứ vùng lãnh địa.
Cứ thế, vòng thức vòng ngủ nối tiếp năm này qua tháng nọ. Nhìn đời sống cỏ cây ở đây hiểu được sự kỳ diệu của tạo hóa. Khi người tạo ra những vùng khô cằn thì người cho cây cỏ nơi đó có bộ rễ phi thường. Sự sống vì lẽ đó không dựa vào những cái máy mà dựa vào những cơn mưa trời. Con người cũng nhìn vào những mưa nắng trên trời mà vui buồn chờ đợi.
Có lẽ cuộc sống dựa vào thiên nhiên nhiều quá nên đất Tri Tôn gần như nghiêng hẳn phía tâm linh và những niềm tin tối thượng. Tri Tôn đi qua chiến tranh cũng mang một niềm tin như vậy. Niềm tin đã dưỡng nuôi được những phận người nơi vùng đất oằn oại trong bom cày đạn xới. Đã rừng núi vùng cao rồi mà còn vùng chiến, đã vùng chiến rồi lại còn vùng biên giới mùa loạn lạc.
Những đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc với bao nhiêu là trận chiến hỗn độn đạn bom. Những cánh đồng Lạc Quới, Lương Phi, Ba Chúc, từng tấc đất chồng chất lớp lớp tầng tầng hồn cốt sinh linh. Nhờ niềm tin con người trụ lại được với khắc nghiệt, cũng nhờ niềm tin con người sớm lành lặn những vết thương chiến tranh. Cánh đồng Lạc Qưới, Lương Phi mạng người chất núi thì giờ đây mùa vụ vẫn mải miết những mùa xanh của lá mùa vàng của hoa dẫn dụ đàn thiên địch.
Video đang HOT
Hồ Ô Tà Sóc đẹp như tranh dựa lưng vào núi. Ảnh: Xuân Khánh
Tri Tôn trên cát nóng cứ xanh. Cây trên đá khô cũng cứ xanh. Khi con người vì sự sống, sự phát triển của đô thị, của đường xá, phải đào khoét núi thì những vết thương núi cũng cứ mang sắc xanh của nước, của sự sống dào dạt. Những cái hồ Tà Pạ, Soài So, Ô Tà Sóc đẹp như tranh dựa lưng vào núi. Trên kia là trời, dưới này là nước trong lòng đá, là núi là cây và tất cả ngồi trên những cánh đồng. Những cánh đồng lúa, khoai mì trải tràn dưới chân rừng thốt nốt bạt ngàn ngoài trăm tuổi. Núi ngồi trên lúa và thốt nốt cũng tung tăng chòm lá nhọn trên những mảng xanh của lúa ruộng trên.
Cả ngôi mộ tuyệt đẹp của người nữ anh hùng Neang Nghés cũng nằm bình yên giữa mênh mông lúa, hướng mắt về dải Cô Tô đang trườn màu xanh sẫm trên màu xanh biêng biếc trải miết của chân trời.
Du khách đến viếng mộ sau khi thắp những nén nhang thành kính vội nép mình bên bụi hoàng yến rực bông vàng, rạng rỡ nụ cười hồng tươi chụp ảnh. Sau lưng khách là sắc xanh của lúa, của những dải núi. Bên mộ nữ anh hùng, khách như trẻ con cười tươi bên vòng tay ngọt lành của một miền thiên nhiên trong vắt.
Người ta không còn nhìn thấy đây những gào thét đớn đau. Người ta chỉ thấy những cống hiến kia là xứng đáng. Không còn thù hận, chỉ còn đọng lại những hy sinh được ghi nhận. Phe nào cũng nhận ra người con gái anh hùng đó xứng đáng trị vì một góc trời xanh mướt của quê hương. Đất và tinh anh người con gái anh hùng như hòa quyện cùng nhau. Nhìn trong sắc đất, sắc cây lẫn sắc mây trời như nghe được hồn cốt của một xuân thì ngát hương của người con gái dẫu đi xa vẫn sống cùng năm tháng.
Sức sống con người vẫn còn y đó giữa quê hương. Như những cội cây bất chấp nắng mưa, như dòng rễ thốt nốt len mải miết trong cát nóng vào sâu trong lòng đất để tìm nguồn nước, tung giữa bầu trời những chòm lá xanh mạnh mẽ, tung giữa lá xanh những chùm trái hồng tím căng tròn và những dòng mật ngọt thơm tho.
Mồ hôi Bộ đội Biên phòng nơi biên giới Việt Lào
Mồ hôi, công sức, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế đối với các bản làng, đơn vị ở vùng biên giới của nước bạn Lào đã góp phần vun đắp, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, dựng xây bình yên biên cương...
Đổi thay trên các bản Lào
Trên chặng đường chúng tôi đến bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào), cơn mưa bất ngờ đổ xuống, rồi cứ thế rỉ rả khiến gió núi ướt sũng, lành lạnh. Nhưng khi nghe thấy những tiếng cười đùa rộn ràng của trẻ nhỏ vẳng ra từ những ngôi nhà sàn, cảm giác thật ấm áp. Che ô ra tận đầu bản, ông Kê Oi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Ka Lô phấn khởi nói bằng giọng chân chất: "Chỉ cần thấy bóng dáng chiếc ô tô từ xa, người dân trong bản đã biết BĐBP Việt Nam sang thăm".
Trưởng bản Ka Lô và Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế) nắm tay nhau thật chặt. Từ những ngôi nhà sàn, lũ trẻ xuống chân cầu thang để đón khách bằng những đôi mắt tròn xoe, nụ cười trong trẻo. Những người phụ nữ mang đến nhà trưởng bản rất nhiều dứa, trái nào trái nấy ươm vàng. Vợ ông Kê Oi gọt dứa, từng lát tứa mật ngọt, thơm. Giống dứa này do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt tặng dân bản Ka Lô, bà con vừa thu hoạch trên rẫy đem về để mời khách quý. "Đối với dân bản Ka Lô, BĐBP Việt Nam là người thân, người quý, đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực, tâm huyết, giúp dân Ka Lô dựng bản", ông Kê Oi xúc động ôn lại chuyện xưa.
Người dân bản Ka Lô không bao giờ quên những năm tháng gian khó trước đây. Ở giữa núi rừng, địa hình hiểm trở, đường sá khó khăn, bản cũ cách xa trung tâm huyện Kà Lừm cả chục ngày đi bộ. Cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy khiến dân bản tha phương, cứ được vài mùa rẫy lại phải kéo nhau dời chỗ ở. Nhà dựng tạm bợ. Cuộc sống cũng tạm bợ, thiếu thốn, khổ cực trăm bề. Thiếu ăn, thiếu mặc. Chịu nóng. Chịu rét. Không có trường học. Đói cái chữ. Ốm đau, bệnh tật không có thuốc. Lá thuốc hái ở rừng không thể cứu mạng những người bệnh nặng...
BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế vận chuyển lương thực hỗ trợ nhân dân bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào).
Còn nhớ vào năm 2008, dân bản Ka Lô dời chỗ ở đến gần biên giới đối diện với địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Để giúp dân bản Ka Lô ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ kinh phí; BĐBP tỉnh trực tiếp thi công xây dựng 42 ngôi nhà và trường học...
Thời tiết khắc nghiệt, đường sá lầy lội, những trận mưa rừng khiến con suối trên đường đến bản Ka Lô lũ dữ bất thường và vô cùng nguy hiểm, việc vận chuyển vật liệu thi công hết sức khó khăn. Trước nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế giao phó cho BĐBP tỉnh, lúc đó, Đại tá Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đích thân chỉ huy công tác thi công, cùng cán bộ, chiến sĩ lội suối, băng rừng, dãi nắng, dầm sương, ngủ lán... Ông Kê Oi hồi tưởng lại: "Ngay từ những ngày đó, BĐBP Việt Nam đã "xây" vào lòng dân bản Ka Lô niềm tin yêu".
Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (13 năm trước là Đại úy, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, kiêm Đội trưởng Đội xây dựng bản Ka Lô) bộc bạch: "Tình cảm và sự tin cậy của dân bản Ka Lô đã truyền thêm ý chí, sức mạnh, là động lực để 8 tháng trời ròng rã, cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn, gian khổ giúp bà con dựng bản làng chắc chắn, khang trang, để người dân Ka Lô an cư, dựng xây cuộc sống mới".
Đặc biệt, cầu Xê Rông vững chãi do tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, BĐBP tỉnh hỗ trợ thi công đã mang niềm hân hoan lớn cho dân bản Ka Lô. Bây giờ, dù trong mùa mưa lũ, dòng Xê Rông có dâng cao ầm ào đến mấy cũng không ngăn được bước chân của dân bản lên rẫy, vào rừng, hay chở nông sản đến chợ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) trao đổi, mua bán.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng: "Mang theo "vật liệu đặc biệt" là tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Lào nói chung, tình yêu thương, sự sát cánh với người dân các bản Lào giáp địa bàn nói riêng, những năm qua, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân và Đồn Biên phòng Nhâm đã đổ nhiều mồ hôi xuống mảnh đất các bản: Ka Lô, Sê Sáp (thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) và Cô Tài (huyện Sá Muội, tỉnh Salavan) của nước bạn Lào. BĐBP giúp người dân nước bạn xây dựng nhà, giúp trồng các loại cây ăn trái, giúp làm nhiều công trình công cộng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, đã có tổng cộng gần 100 ngôi nhà, 2 trường học và một số công trình cấp nước sinh hoạt... được BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế giúp xây dựng, mang đến sự đổi thay trên các bản Lào dọc biên giới. Hiện, hệ thống cấp nước sinh hoạt của Đại đội Bảo vệ biên giới 531 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, BĐBP tỉnh tham gia giúp đỡ thi công cũng sắp hoàn thành"...
200 nhân khẩu ngày đầu dựng bản mới, bây giờ Ka Lô đã có 500 nhân khẩu và 81 ngôi nhà. Những mái tôn màu xanh là điểm nhấn để dễ dàng nhận ra 42 ngôi nhà ban đầu do tỉnh Thừa Thiên Huế và BĐBP giúp đỡ xây dựng. "Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP Việt Nam về cây, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, bây giờ dân bản Ka Lô đã biết chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá, biết trồng chuối, dứa, gừng... 10 hộ trong bản có trang trại, cuộc sống ngày càng ổn định", Trưởng bản Kê Oi phấn khởi khoe.
Lan tỏa niềm tin
Đêm biên giới sâu hun hút khi những cơn gió đã lặng yên nơi núi rừng. Bản làng cũng chìm vào giấc ngủ. Bỗng tại Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái (tiếp giáp với đất Lào), tiếng chuông điện thoại vang lên giục giã. Trưởng bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) gấp gáp báo tin, có 2 người dân bản đang bệnh nặng, cần cấp cứu. Thông tin được "nối" về Đồn Biên phòng Nhâm. Ngay lập tức, chỉ huy Đồn Biên phòng Nhâm liên hệ với Trung tâm Y tế huyện A Lưới; đồng thời, nhân viên quân y đơn vị cũng nhận lệnh đến Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái chờ đón bệnh nhân.
Đường từ đồn đến trạm kiểm soát trèo qua núi đồi khúc khuỷu, nhiều chặng đá sỏi lổn nhổn, trong đêm tối càng khó đi hơn. Nhưng đã không ít lần hành quân vội vã trong đêm để kịp thời cấp cứu ban đầu cho người bệnh ở bản Sê Sáp nên Thiếu tá, y sĩ Phạm Khắc Kế đã quen với những khó khăn, vất vả. Ngay trong đêm, bệnh nhân Nang Un (sinh năm 2007) và Nang Pi Ơn (sinh năm 2002) với các triệu chứng đau nhiều ở vùng ngực, bụng, khó thở, không cử động được, không nói được, đã được lực lượng của Đồn Biên phòng Nhâm cùng y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện A Lưới đón lên xe cứu thương, gấp rút chuyển đến bệnh viện.
Hôm chúng tôi đến Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái đúng vào lúc Thiếu tá, y sĩ phòng khám quân dân y Phạm Khắc Kế đang khám bệnh cho Nàng Mít (nữ bệnh nhân ở bản Sê Sáp). Cách anh dặn dò cẩn thận, tỉ mỉ về việc uống thuốc, giữ gìn sức khỏe, khiến nữ bệnh nhân xúc động không nói nên lời. Người thân của Nàng Mít đi làm rẫy xa, nên ông Bua Thong, Phó bí thư Chi bộ bản Sê Sáp, trực tiếp đưa nữ bệnh nhân sang. Ông Bua Thong cũng xúc động: "Bao năm qua, bất cứ bệnh nhân nào, trong tình huống khẩn cấp, dù khuya khoắt hay mưa gió, đều được Đồn Biên phòng Nhâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, cùng với lực lượng y tế giành giật lại sức khỏe, sự sống. BĐBP Việt Nam là người thân, là điểm tựa mà dân bản Sê Sáp yêu mến, tin cậy".
Sự yêu mến, tin cậy đó đã lan tỏa khắp các bản Sê Sáp, Ka Lô, Cô Tài, bởi không chỉ luôn được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí, người dân các bản Lào còn được BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế giúp đỡ về mọi mặt. Rất nhiều học sinh được BĐBP "nâng bước đến trường", tạo điều kiện vươn lên làm chủ kiến thức. Nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, những người lính quân hàm xanh bất kể thời gian, không gian, sẵn sàng giúp nhân dân nước bạn. Anh A Táp, Bí thư Chi đoàn bản Sê Sáp, xúc động kể: "Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bản Lào sát biên giới bị cô lập, vô cùng khó khăn. May mà có sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh Thừa Thiên Huế và của BĐBP". Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị và BĐBP tỉnh, các đồn biên phòng không chỉ hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế cho các bản Lào dọc biên giới, mà còn hỗ trợ Đồn Công an Cô Tài, Đồn Công an Tà Vàng, Đại đội Bảo vệ biên giới 511, Đại đội Bảo vệ biên giới 531 của nước bạn, với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Đến các bản Lào dọc biên giới, chứng kiến cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng thà để mình chịu ướt, nhưng gạo phải được bao bọc mấy lớp ni lon, ràng rịt thật kỹ sau yên xe máy, đi như "bò" trên những con đường mòn dốc đứng, khúc khuỷu, gồ ghề; rồi cả những đoạn đường trơn trượt, lầy lội, phải lội bùn đẩy xe, vác gạo để kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho người dân nước bạn..., càng thấu hiểu tình cảm, trách nhiệm của BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi những đám mây bắt đầu sà xuống đầu núi, chiều dần buông, khói bếp từ những ngôi nhà sàn tỏa lên, chúng tôi thấy bản Sê Sáp yên bình quá đỗi. Để có sự yên bình ấy là bao mồ hôi, công sức... Những việc làm đầy tình nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần vun đắp, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào. Đại tá Lê Văn Nguyên đã từng cùng các đồng đội sang giúp đỡ những bản Lào vượt qua gian khó, bày tỏ: Tham gia xây dựng những bản làng dọc hai bên biên giới phát triển, giúp cuộc sống người dân ấm no là việc làm thiết thực, góp phần xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết vững bền. Đó chính là cách xây dựng biên giới hòa bình, vững chắc.
Thác Bản Giốc bừng sáng trong nắng Thu Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) được ví như 'viên ngọc' của du lịch Cao Bằng. Sau cơn mưa tầm tã, thác Bản Giốc vào thu như bừng lên trong ánh nắng rực rỡ; dòng thác nước như dải lụa mềm, trắng xóa vắt qua sườn núi, ầm ào tuôn trào bọt nước trắng xóa tạo nên bức tranh nên...