Mất tương lai vì bất hiếu
Bị cáo Hà Văn Tuấn
Ngày 23/12/2010, chúng tôi đã có mặt tại TAND tỉnh Lạng Sơn từ sớm để dự phiên tòa xét xử vụ án “Giết người”. Trước giờ mờ phiên tòa, trong khán phòng, một người phụ nữ đã hơn 60 tuổi thi thoảng lại lau nước mắt khi trông lên hàng ghế đầu.
Bà là Lưu Ngọc Phương (SN 1945, ở số nhà 93, khu Phiêng Quăn, thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và bị cáo đang ngồi ở hàng ghế đầu chính là con trai của bà. Đắng cay hơn, nạn nhân trong vụ án không phải ai khác mà chính là bố đẻ của bị cáo. Bên cạnh bà lão là hai cô con gái và một người con dâu đang gắng vỗ về an ủi…
Đầu lòng nghịch tử
Hồ sơ vụ án thể hiện: Năm 23 tuổi, bà Lưu Ngọc Phương khi đó là giáo viên một trường tiểu học đã nhận lời thành thân cùng ông Hà Trái Thường (SN 1944, ở cùng địa phương). Năm 1971, cặp vợ chồng này sinh hạ đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Hà Văn Tuấn.
Sau đó, ông bà sinh thêm bốn người con nữa, hai trai, hai gái. Khi lớn lên, các con ra ở riêng và hai vợ chồng già ở với nhau ngẫm sẽ vui thú cuối đời bên con cháu nhưng lúc xế chiều, bi kịch xảy ra.
Hà Văn Tuấn lớn lên được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng nên khi ra đời, anh ta làm được nhiều nghề và có của ăn của để. Sau này, Tuấn dọn ra ở riêng tại số nhà 90, khu Minh Khai, thị trấn Lộc Bình vì thường xuyên mâu thuẫn với bố. Về phần mình, ông Hà Trái Thường vốn hay uống rượu nay bất hòa với con cả nên càng tìm đến với rượu nhiều hơn.
Thấy bố nát rượu, Tuấn không lựa cách khuyên can mà lại mắng xơi xơi vào mặt ông Thường làm cho tình cảm giữa hai cha con ngày càng sứt mẻ. Thậm chí, có lần hai cha con dọa đánh nhau khiến cả nhà một phen hoảng loạn.
Chị Hà Thị Tú (là con gái thứ ba của ông Thường) thấy vậy đã có ý kiến đến chính quyền khu phố. Nhưng sau nhiều lần hòa giải bất thành, chính quyền khu phố cũng đành chào thua.
Án mạng trong gia đình
Theo cáo trạng, Tuấn là chủ một xưởng chưng cất dầu cây dã hương và thường thuê thợ trạm trổ nhiều gốc cây thành các vật trang trí để bán cho khách hàng. Giữa tháng 7/2010, Tuấn hoàn thành hai con hổ bằng gỗ giã hương nhưng không có chỗ để vì xưởng quá chật. Thấy nhà bố mẹ mình rộng rãi, Tuấn bèn đến xin để nhờ.
Video đang HOT
Bà Lưu Ngọc Phương co ro ngồi nghe Tòa phân xử.
Được ông Thường đồng ý, 9h ngày 9/8/2010, Tuấn nhờ thợ của xưởng đưa hai con hổ đến nhà. Tuy nhiên, do hai bố con không thống nhất được vị trí đặt hổ trong nhà hay ngoài sân nên mâu thuẫn xảy ra. Tuấn cho rằng bố không tôn trọng mình, còn ông Thường nghĩ rằng, nhà của ông, ông đặt đâu là do ý của ông chứ Tuấn không được phép có ý kiến.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Tuấn đến gặp bà Phương có việc. Thấy mẹ không có ở nhà, Tuấn sẵng giọng hỏi bố: “Mẹ đâu?”. Ông Thường đáp: “Không biết”, đồng thời nói thêm: “Ai bảo mày cho con hổ vào nhà?”. Lúc này, người con cả rất bực tức vì bố nói lại chuyện ban sáng. Khi đi vào trong buồng, thấy ông Thường cầm cốc rượu trên tay đã uống được một nửa, Tuấn bèn cầm đổ đi và nói: “Lúc nào cũng uống rượu, rượu vào rồi chửi hết người này đến người khác”.
Sẵn cơn giận dữ trong người, Tuấn cầm chiếc radio mà bố mình hay nghe đem đập vỡ giữa nhà trước mặt bố. Chưa hả, Tuấn cầm chiếc ghế nhựa gần đó lia mạnh khiến chiếc ghế vỡ tan tành.
Thấy con hùng hổ, ông Thường từ trong buồng đi ra với cây gậy chống chân, ông đưa gậy chỉ về đứa con bất hiếu thách thức: “Mày định làm gì? Tao đố mày đánh tao đấy”. Tuấn liền giằng lấy gậy, tát bố mình một cái như trời giáng khiến ông Thường lảo đảo lao vào góc cầu thang, đập đầu vào tường nhà ngã xuống không nói được thêm câu nào.
Khi cơn giận hạ nhiệt, Tuấn lay bố nhưng không thấy bố động tĩnh gì bèn gọi mọi người đến đưa bố đi cấp cứu. Do vết thương nặng, chấn thương ở vùng sọ não nên 1h ngày 10/8/2010, ông Thường tử vong. Bố mất, Tuấn nói với vợ: “Bây giờ cô gọi Công an đến lập biên bản để anh em khỏi nghi ngờ, tôi làm tôi chịu”. Sáng hôm sau, Tuấn đến cơ quan Công an thị trấn Lộc Bình đầu thú.
Đau lòng người ở lại
Tham dự phiên tòa ngày 23/12, đi cùng bà Phương là cả bốn người em của Tuấn, các con dâu, con rể của bà cũng có mặt tại phiên tòa. Bà Phương, người đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời lau vội những dòng nước mắt mà tâm sự: “Câu chuyện chẳng có gì mà cuối cùng đau lòng thế này chú ạ. Bố con nó không hợp nhau là một chuyện nhưng thằng Tuấn chẳng bao giờ biết nhịn lời. Phận làm con, bố nó đã nóng tính và buồn bực thì nó lại thường xuyên cãi lại. Tôi đau lòng lắm, đã nhiều lần hai bố con nó hục hặc rồi. Tôi và các em nó không biết hôm xảy ra chuyện để mà can ngăn nên mới có nông nỗi này…”. Nói đến đây, bà nấc lên vì xúc động mạnh.
Chị Hà Thị Cường (SN 1983, con gái út của bà Phương) nói thêm: “Anh ấy nhất thời hồ đồ làm chuyện dại dột. Từ hôm xảy ra chuyện đến nay, anh ấy ân hận lắm. Hôm cấp cứu bố em ở bệnh viện, anh ấy cứ dặn đi dặn lại bác sĩ trước khi vào mổ là cố gắng cứu bằng được bố em, có mệnh hệ nào thì anh ấy sẽ ân hận suốt đời”.
Ngồi ở hàng ghế sau là chị Dương Thị Hồng (vợ bị cáo Tuấn) mắt đỏ hoe trình bày với HĐXX trong khi nước mắt đã lăn dài: “Anh ấy là trụ cột của gia đình. Chúng tôi còn hai con nhỏ, đứa bé mới được 3 tuổi, tôi mong quý tòa hãy xem xét để giảm nhẹ án phạt cho chồng tôi, mình tôi gắng gượng… không thể nào có thể khỏa lấp được chỗ trống cho các con vì chúng thiếu bố”.
Lần lượt, từng người con của bà Phương đứng lên xin Tòa giảm án cho anh mình. Đến lượt mình, người mẹ của bị cáo đứng lên thưa: “Bàn tay có năm ngón, mất ngón nào cũng đau, cũng xót. Tôi đã mất chồng rồi nên mong Tòa giảm án cho cháu nó được sớm trở về với con dâu tôi và các cháu… Tôi tha thiết mong Tòa xem xét!”.
Trước vành móng ngựa, nhớ lại những gì mình đã làm, bị cáo đã khóc rất to. Khóc vì ân hận, vì đau khổ và vì bi kịch mà chính mình đã gây ra sẽ đi theo bị cáo đến hết cuộc đời. Được nói lời sau cùng trước Tòa, Tuấn khó nhọc cất tiếng: “Tội lỗi tôi gây ra không có gì bù đắp được, chỉ xin Tòa khi lượng hình xem xét cho tôi được sớm trở về với các con”.
Tại Tòa, Tuấn phản bác nội dung trong cáo trạng (dùng gậy đập vào đầu nạn nhân) và khai nhận anh ta chỉ dùng tay trái tát bố mình một cái khiến ông ngã va vào tường tử vong. Tuy nhiên, biên bản giám định pháp y cho thấy ông Thường bị chấn thương thái dương dẫn đến tử vong do một vật tày rắn. Do chưa đưa ra được kết luận thống nhất về tình tiết này nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ.
Theo Pháp Luật VN
Nước mắt những đứa con vì mẹ giết cha
Trước vành móng ngựa, các bị cáo trẻ tuổi tỏ ra ân hận, giãi bày vì quá thương mẹ, quá uất ức trước hành vi bạo ngược của người cha nên đã gây ra cái chết của cha mình. Con đường dẫn dắt các bị cáo ra trước vành móng ngựa bắt nguồn từ tấn bi kịch gia đình đẫm nước mắt và bi thương...
1. Ngày 6/12/2010, TAND TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt Võ Trung Phương (28 tuổi) mức án 4 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Nạn nhân là ông Võ Văn Tuấn - cha đẻ của bị cáo Phương.
Bị cáo Võ Trung Phương
Nguyên nhân đẩy người thanh niên trẻ lún vào vũng bùn tội lỗi bắt nguồn từ những mâu thuẫn gia đình. Theo bị cáo khai nhận, cha mẹ bị cáo lấy nhau đã gần 30 năm, có 5 người con. Nhưng trong quá trình chung sống, ông Tuấn luôn nghi ngờ vợ mình ngoại tình nên thường gây gổ đánh bà Phước, nhiều khi rất vô cớ.
Những cảnh chửi bới, những trận đòn roi của người cha vũ phu đã trở thành nối ám ảnh đối với tuổi thơ của anh em bị cáo, nay tích tụ thành nỗi uất ức, căm hận hằn sâu vào tâm khảm họ.
Sáng 9/6/2010, khi bà Phước ra quán mua ốc thì ông Tuấn chặn lại hỏi "Hẹn với thằng nào?". Thấy thế, bà Phước trả lời ông chồng bị "bệnh" ghen: "Tôi có làm gì mà ông cứ nói xấu tôi vậy?". Chuyện chỉ có thế, vậy mà ông Tuấn xông vào đánh vợ không thương tiếc.
Lúc này, một người con trai bà Phước ngồi uống cà phê gần đó nhìn thấy chạy lại can ngăn, đẩy bố ra và đưa mẹ về. Khi đi gần đến nhà, ông Tuấn vẫn tiếp tục xông vào đánh bà Phước. Lúc này, Phương từ trong nhà chạy tới can ngăn, xô bố ra nhưng ông Tuấn vẫn tiếp tục xông vào.
Phương đã dùng tay đẩy vào mặt làm ông Tuấn ngã ngửa ra sau, đập đầu xuống đường nhựa. Thấy cha nằm dưới đất, máu chảy đầy tai nên mấy anh em Phương chở đi cấp cứu nhưng cú ngã đã khiến người cha bị chấn thương sọ não, không qua khỏi.
Trong nỗi ân hận day dứt khôn nguôi, bị cáo Phương cho rằng chỉ vì cha hay đánh mẹ, nên bị cáo thương mẹ mà can ngăn cha; đâu ngờ cái gạt tay quá mạnh của bị cáo đã vô tình gây ra cái chết cho người đàn ông có công sinh thành mình. Với hành vi trên, Phương phải nhận mức án 4 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
2. Tấn bi kịch của bị cáo Võ Trung Phương khiến người ta nhớ tới phiên tòa xét xử bị cáo Lữ Văn Hoàn (24 tuổi, ở huyện Quế Phong, Nghệ An) phạm tội giết cha dượng hồi tháng 7/2010. Uất ức trước sự việc người cha dượng thường xuyên say rượu, đánh đập mẹ mình, lại có hành vi lỗi đạo vu oan cho mẹ con bị cáo có hành vi loạn luân nên Hoàn cùng em trai là Lữ Văn Hợi (13 tuổi) đã cùng nhau sát hại cha dượng để giải thoát cho mẹ.
Bị cáo Lữ Văn Hoàn
Những lời khai đẫm nước mắt của bị cáo Hoàn khiến bất cứ ai có mặt tại tòa đều phải xót thương: "Thưa Tòa, bố con là một người thường xuyên uống rượu. Nhiều lần, mấy anh em chúng con phải cắn răng chứng kiến bố đánh đập mẹ đến gãy răng, gãy tay, dùng dao chém sắp gãy chân. Khi chúng con vào can ngăn cũng bị bố cho ăn đòn", bị cáo Hoàn vừa kể vừa khóc nấc lên.
Khi được Tòa cho phát biểu, chị Hạnh cũng nghẹn ngào nói: "Ông Long cấm không cho con cái được học hành. Có lần ông ấy còn đốt nhà khiến mấy mẹ con không có chỗ tá túc...". 25 năm làm vợ, bà Hạnh không nhớ nổi bản thân đã phải chịu bao nhiêu trận đòn mỗi khi chồng say xỉn.
Góp thêm tiếng nói đồng tình với mẹ để bênh vực anh trai, Lữ Văn Hợi cũng không cầm được nước mắt: "Sau nhiều lần bố con mắng chửi và vu oan cho mẹ con loạn luân, mấy anh em chúng con vô cùng thương mẹ và đau lòng".
Hoàn kể, hôm đó, cả gia đình tổ chức ăn tiệc, sau khi say xỉn, ông Long tay xách dao, chân loạng choạng chạy ra đường. Hợi chạy theo nói với bố về nhà ngủ thì bị bố tát và dùng dao dọa chém rồi chửi rủa: "Mày không phải là con của tao mà là con của thằng Hoàn với mẹ mày".
Không giữ được bình tĩnh trước hành vi lỗi đạo của bố, Hoàn và Hợi đã bàn nhau mang thuổng và gậy chạy đi tìm bố để "xử lý".
Sau trận đòn của hai đứa con, nạn nhân gục xuống. Hợi là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, nhưng lúc phạm tội, hung thủ mới gần 14 tuổi nên chưa bị truy tố hình sự. Còn Hoàn thì phải lãnh án 13 năm tù vì đã gây ra cái chết cho cha dượng của mình.
Các bị cáo đã phải nhận sự trừng phạt tương ứng với tội ác đã gây ra, nhưng cảnh ngộ của những con người góp mặt vào hai vụ án trên vẫn để lại những dư âm đau lòng. Xét cho cùng, các bị cáo cũng đã từng là nạn nhân của hành vi bạo hành mà chính người cha xấu số của họ gây ra. Giá như những người cha kia sống có trách nhiệm hơn, biết suy xét kỹ để dừng bước trước những hành vi lỗi đạo thì đã không xảy ra những thảm kịch gia đình....
Theo Pháp Luật VN
Nữ sinh lạc lối "bán thân hành xác" Cô không nhớ đã bao nhiêu lần bị khách hàng hành hạ. (Ảnh minh họa). 23 tuổi, khuôn mặt trắng trẻo của T. hằn in những vết sẹo dài ngoằng gần tai phải. Cô không nhớ chính xác đã bao nhiêu lần bị khách hành hạ mà đến ngay cả trong giấc ngủ vẫn còn hiện về như cơn ác mộng. Cô xem...