Mặt trái của vay ngoại tệ khi tỷ giá tăng
Quý I/2020, HVN, BSR, POW… phải ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lỗ tỷ giá do có các khoản vay lớn bằng ngoại tệ. Các khoản ghi nhận này chưa phải lỗ thật, nhưng nếu dịch bệnh không dứt hẳn và đồng USD tiếp tục mạnh lên, sẽ chất thêm gánh nặng nợ gốc, nợ vay cho các doanh nghiệp đang vay bằng ngoại tệ mạnh.
Nợ ngoại tệ lớn, doanh nghiệp phải ghi nhận lỗ tỷ giá
Quý I/2020, tỷ giá USD có xu hướng tăng từ 23.170 đồng lên 23.630 đồng, tăng gần 2% và hiện đã điều chỉnh nhẹ về vùng 23.446 đồng. Xu hướng USD lên giá trùng khớp với xu hướng chỉ số Dollar Index tăng 3,1% trong quý I/2020.
Biểu đồ tỷ giá USD/VND (thể hiện sự lên giá của USD trong thời gian qua).
Quan sát kết quả kinh doanh quý I cho thấy, các doanh nghiệp có dư nợ liên quan gốc ngoại tệ lớn đều có điểm chung là lỗ tỷ giá tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ngành sản xuất, trước đây để mở rộng nhà máy đã vay ngoại tệ để xây dựng, sau đó vận hành và trả dần nợ vay, trong đó có cả doanh nghiệp điện, phân bón, lọc dầu…
Tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tính tới 31/3/2020, BSR có dư nợ vay 8.406,9 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng nguồn vốn.
Trong đó, 3.616,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 4.790 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Mặc dù Công ty không thuyết minh cụ thể từng loại tiền tệ đã vay trong báo cáo quý I/2020, nhưng xem trở lại thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019 thì thấy, trong tổng 5.898,5 tỷ đồng vay dài hạn, có 5.830,2 tỷ đồng là vay bằng USD, chiếm 98,5% tổng dư nợ vay dài hạn.
Như vậy, nhiều khả năng đa số dư nợ dài hạn 4.790 tỷ đồng là dư nợ vay ngoại tệ, điều này sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với BSR trong thời gian tới.
Quý I/2020, BSR chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hai yếu tố, thứ nhất là giá dầu giảm mạnh, buộc Công ty phải trích lập 565.8 tỷ đồng giảm giá tồn kho, trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập 248,6 tỷ đồng.
Thứ hai, ghi nhận lỗ tỷ giá 138,1 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ ghi nhận 21.710 đồng. Bên cạnh các yếu tố khách quan đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi với các chi phí lãi vay, vận hành nhà máy cố định cũng là một gánh nặng lớn với Công ty.
Đặc biệt, với hiện tương dư cung dầu, áp lực giá dầu giao dịch vùng giá thấp so với cùng kỳ tiếp tục thách thức hiệu quả kinh doanh của BSR.
Cuối quý, Công ty ghi nhận lỗ 2.347,5 tỷ đồng, khác hoàn toàn con số lãi 597,8 tỷ đồng trong quý I/2019. Mức lỗ quý I/2020 bằng gần 92% lợi nhuận cả năm 2019.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HVN) cũng gặp khó khăn kép từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tới dư nợ vay ngoại tệ lớn.
Tính tới 31/3/2020, HVN có tổng dư nợ vay 35.571 tỷ đồng, chiếm 50,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, 10.781 tỷ đồng là dư nợ vay ngắn hạn và 24.790 tỷ đồng dư nợ vay dài hạn.
HVN không thuyết minh cụ thể về từng loại ngoại tệ đang vay, nhưng theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019, Tổng công ty có dư nợ vay ngắn hạn là 6.508 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn là 25.427 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong số này, có các khoản thuê nợ tài chính từ các tổ chức nước ngoài lên tới 21.529 tỷ đồng, bao gồm Ngân hàng Citibank 7.402 tỷ đồng, Tập đoàn ING 8.702,6 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG 1.824,6 tỷ đồng, Ngân hàng JP Morgan Chase 1.605,4 tỷ đồng, Ngân hàng HSBC 1.408 tỷ đồng và Ngân hàng Credit Agricole 587 tỷ đồng.
Tỷ giá tăng đã tác động tiêu cực tới HVN khi lỗ tỷ giá lên tới 781,8 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) có tổng dự nợ là 16.824 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng nguồn vốn.
Trong đó, 8.555 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 8.269 tỷ đồng nợ vay dài hạn. POW thuyết minh có 8.538,2 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, 763,3 tỷ đồng dư nợ vay bằng Euro.
Trong kỳ, POW đã phải ghi nhận mức lỗ 136,1 tỷ đồng từ tỷ giá. Đây là một nguyên nhân khiến cho lợi nhuận quý I/2020 của POW giảm gần 45%, về mức 505 tỷ đồng.
Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ tỷ giá, nhưng POW lại được hưởng lợi từ việc giá khí đầu vào giảm, việc ghi nhận lỗ tạm tính tỷ giá chưa ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền, báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ vẫn dương 1.305 tỷ đồng, lượng tiền mặt trong kỳ tăng từ 5.083,3 tỷ đồng, lên 5.407,1 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) có tổng dư nợ tính tới 31/3/2020 là 5.055,8 tỷ đồng, chiếm 38,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 1.904 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn là 3.151,5 tỷ đồng.
Công ty này cũng không thuyết minh cụ thể loại tiền tệ vay trong báo cáo quý I/2020 là ngoại tệ nào, nhưng trong báo cáo năm 2019, doanh nghiệp có ghi nhận nợ vay ngắn hạn là 1.870 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 3.527,2 tỷ đồng, trong đó vay tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 4.539 tỷ đồng, vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản 538,7 tỷ đồng.
Các khoản vay này có thời gian đáo hạn từ 2021 – 2024, chính vì vậy có thể xem như đây chính là nguồn ngoại tệ đã ảnh hưởng tiêu cực tới báo cáo quý I vừa qua.
HND ghi nhận lỗ tỷ giá là 88,3 tỷ đồng trong quý I/2020. Bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tỷ giá, nhưng lợi nhuận sau thuế của HND vẫn đạt 200 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng do doanh thu tăng trưởng gần 24% và biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 9,9% lên 13% trong kỳ.
Được biết, HND là doanh nghiệp sản xuất điện từ than, các nhà máy mới vận hành có hiệu quả ngày một cải thiện và đặc biệt giá than đầu vào giảm hơn 46% so với cùng kỳ, là lý do HND ghi nhận lãi tốt.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) có tổng dư nợ vay là 1.826,6 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng nguồn vốn.
Trong đó, 1.150,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 675,8 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Báo cáo năm 2019 cho biết, DCM có dư nợ vay ngắn hạn 1.156,4 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn 628,5 tỷ đồng, trong đó có 1.369,7 tỷ đồng vay bằng USD, nên nhiều khả năng dư nợ vay hiện tại vẫn chiếm trọng số là USD.
Quý I/2020, DCM ghi nhận lỗ tỷ giá là 19,7 tỷ đồng, tăng 17,2 lần so với cùng kỳ. Được biết, DCM giai đoạn đầu xây dựng nhà máy bằng nợ vay được Tập đoàn Dầu khí đảm bảo giá khí ưu đãi, doanh nghiệp liên tục trả bớt nợ vay dài hạn.
Nếu như năm 2016, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 5.897,5 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng nguồn vốn thì nay đã giảm 69% giá trị nợ vay. Nhờ vào việc liên tục hạ tỷ trọng nợ vay, ảnh hưởng tỷ giá đã giảm dần theo thời gian với DCM.
NT2, PPC may mắn… bớt nợ
Hai công ty từng có dư nợ vay ngoại tệ lớn là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), nay đã trả hết hoặc gần hết nợ vay. Theo đó, tác động của biến động tỷ giá đến các doanh nghiệp này không còn lớn.
Cụ thể, nếu như năm 2016, NT2 có dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 4.742 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng nguồn vốn, thì nay chỉ còn 1.849,5 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng nguồn vốn.
Báo cáo quý I/2020 của NT2 cho biết, tính tới 31/3/2020, với dư nợ vay 33.455.416 USD và 29.774.985 Euro. Công ty đang tạm ghi nhận mức lỗ tỷ giá 8,5 tỷ đồng. Mức lỗ này chiếm 0,5% doanh thu thuần tại NT2.
PPC hiện tại không có dư nợ ngoại tệ, trong khi PPC từng vay lớn bằng đồng Yên Nhật (năm 2016, dư nợ bằng đồng Yên là 4.207,4 tỷ đồng, chiếm 39,7% tổng nguồn vốn). Theo đó, biến động tỷ giá đã không còn ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của PPC.
Nợ vay nước ngoài có tính hai mặt, có thể giúp doanh nghiệp nguồn tài chính để nhanh chóng xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, nhưng nó cũng kèm theo rủi ro biến động tỷ giá, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào tích trữ đồng tiền mạnh, chỉ số Dollar tăng so với nhiều đồng tiền khác…
Nếu tới đây không có chuyển biến nào làm thay đổi hướng chảy của dòng tiền trên thị trường tài chính toàn cầu thì áp lực lên các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn, đặc biệt là vay nợ bằng USD sẽ còn rất lớn.
Áp lực này chất thêm gánh nặng lên cả việc trả lãi, trả nợ gốc và sẽ càng khó khăn hơn nếu các doanh nghiệp đang vay nợ bị suy giảm nguồn doanh thu bằng ngoại tệ.
Đó là một phần bức tranh doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ tỷ giá. Nợ của Chính phủ cũng phải chịu thêm áp lực khi tỷ giá tăng lên.
Tuy nhiên, điều may mắn là trong gần 10 năm qua, Chính phủ đã phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước, nên tỷ lệ vay nợ nước ngoài đã giảm khá mạnh.
Nếu năm 2011, dư nợ vay nước ngoài chiếm 61% dư nợ Chính phủ thì đến hết năm 2019 tỷ trọng vay vốn nước ngoài chỉ còn 37,7% tổng dư nợ của Chính phủ.
Kênh phát hành trái phiếu đã hỗ trợ Chính phủ tích cực trong việc cơ cấu các loại nợ, giảm lãi vay, nhưng với các doanh nghiệp, thị trường trái phiếu chưa được tổ chức và vận hành ổn định, để giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm vốn từ nhà đầu tư nội, giảm bớt đi hoạt động vay nợ nước ngoài.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chờ tin hỗ trợ
VN-Index có phiên hồi phục nhẹ; Doanh nghiệp dầu khí và những thích ứng mang tính chiến lược; Thiếu bồi đắp niềm tin, "cầu nội" khó bền; Tháng 4, dòng tiền chảy vào sàn UPCoM suy giảm; Chứng khoán lớn châu Á đa số nghỉ giao dịch; Chứng khoán đã làm hết sức, tương lai chờ đợi kinh tế chuyển mình...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 5/5 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã chững lại và chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 47,85 - 48,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,4 USD lên 1.702,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bất ngờ giảm khá mạnh xuống gần 1.690 USD/ounce trước khi bật trở lại quanh 1.700 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng hơn 6 USD lên 1.707,1 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,27% lên 99,75 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.262 đồng, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.330 - 23.510 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,03 USD ( 8,91%), lên 24,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,1 USD ( 7,72%), lên 29,30 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index tăng nhẹ
Sau phiên sáng giảm nhẹ, VN-Index trồi dần lên trên tham chiếu và leo lên 765 điểm trong phiên chiều. Mặc dù vậy, nhìn chung sự thận trọng vẫn chiếm lĩnh thị trường khi thanh khoản suy yếu và diễn biến chủ đạo vẫn là phân hóa cao.
Đóng góp lớn đến từ VNM 3% và GAS 2,7% sau thông tin tăng cổ tức cho năm 2019 từ 30% lên 45%.
Trái lại, gây áp lực đáng kể chó VHM -2%; SAB -2,1%; VJC -2,5%; MSN -1,6% g; POW -1,6%.
Nhóm cổ phiếu thị trường có thanh khoản tốt đa số tăng như ITA, HSG, ROS, DLG, PVD, HAI, HCD, HHS, KBC, FLC.
Giao dịch đáng chú ý nhất thuộc về GTN, khi tăng kịch trần. Hôm nay 5 là ngày kết thúc đợt đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ của GTN.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11,4 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 132,54 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/5: VN-Index tăng 1,69 điểm ( 0,22%), lên 764,16 điểm; HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,29%), xuống 105,41 điểm; UpCoM-Index tăng 0,07 điểm ( 0,14%), lên 51,98 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall mở cửa phiên đầu tuần mới tiếp tục duy trì đà giảm khi giới đầu tư lo lắng về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sau khi ông Trump dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD nông sản Mỹ.
Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng dọa sẽ đánh thuế với hàng hóa của Trung Quốc khi ông đổ lỗi cho Bắc Kinh trong việc để đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, về cuối phiên, với thông tin một số bang lớn của Mỹ mở cửa kinh doanh trở lại, cùng với giá dầu thô tăng, sự hỗ trợ của nhóm công nghệ (Microsoft, Apple, Amazon), internet giúp phố Wall đảo chiều tăng điểm thành công.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Dow Jones tăng 26,07 điểm ( 0,11%), lên 23.749,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,03 điểm ( 0,42%), lên 2.842,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 105,77 điểm ( 1,23%), lên 8.710,72 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch Ngày Trẻ em.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch tuần lễ Lao động.
Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Thiếu nhi.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, sau khi chính quyền Thành phố thu hẹp các biện pháp cách ly xã hội.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,08% lên 23.868.66 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,03% lên 9.698,22 điểm.
Chính quyền Hồng Kông cho biết, sẽ nới lỏng các hạn chế đối với việc tụ tập đông người nơi công cộng và và cho phép các phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và thẩm mỹ mở cửa trở lại vào cuối tuần này, sau khi không có trường hợp nhiễm mới Covid-19 nhiều ngày qua.
Kết thúc phiên 5/5: Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 254,86 điểm ( 1,08%), lên 23.868,66 điểm.
Thị trường tài chính 24h: Huyền thoại đầu tư chứng khoán thừa nhận sai lầm VN-Index mất gần 7 điểm phiên đầu tuần; Những lưu ý khi "kẹt" tiền đóng phí bảo hiểm; Cổ phiếu 3.000 đồng làm cơ sở cho chứng quyền, vì sao?; Cần giữ được dòng tiền ở lại thị trường; Diễn biến trái ngược giữa giá dầu và nhóm cổ phiếu bán lẻ xăng dầu Việt Nam; Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo...