Mất tiền tỉ vì chơi game trúng thưởng online
Hiện tượng lừa đảo dưới hình thức “ chơi game trúng thưởng” đang ngày càng trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.
Các đối tượng lừa đảo gạ gẫm nạn nhân chỉ cần chơi game là nhận được phần thưởng hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Khi người chơi liên tục thắng với số tiền lớn dần và muốn rút tiền thì các đối tượng lừa đảo yêu cầu nộp các khoản phí khác nhau. Không ít nạn nhân đã mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng chỉ vì tin lời mời chào chơi game trúng thưởng.
Tiền trúng thưởng chỉ có ở trên… máy
Vào khoảng cuối tháng 7, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Hoa (tên các nạn nhân đã được thay đổi), 40 tuổi về việc mình bị một đối tượng quen biết qua mạng xã hội Facebook lừa đảo, chiếm đoạt 5,6 tỉ đồng từ chiêu trò chơi game online.
Nhiều nạn nhân đã mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng vì tham gia chơi game đổi thưởng.
Cụ thể, vào cuối tháng 5/2024, tài khoản Facebook tên “Quốc Bảo” kết bạn nói chuyện, hỏi han, tâm sự về công việc với chị Hoa. Đối tượng giới thiệu là nhân viên công nghệ thông tin (IT) của một công ty ở Hà Nội. Đến ngày 1/6, Quốc Bảo gửi cho chị Hoa đường link của trang web game nhờ người này đăng nhập tài khoản game của Quốc Bảo để chơi hộ. Người này nói mình là nhân viên IT nên biết được hệ thống game bị lỗi vào lúc 15h đến 15h30 phút và từ 20h đến 20h30 phút hàng ngày, thời điểm này cứ vào “chơi game là sẽ thắng”.
Đến ngày 5/6, đối tượng trên gợi ý chị Hoa cùng tham gia để kiếm tiền. Thấy dễ kiếm tiền nên chị Hoa đã lập tài khoản để tự chơi. Khi nạp 50 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp, chị Hoa thu được gần 53 triệu đồng, thực hiện lệnh rút hết số tiền thì tài khoản lại nhận được số tiền gần 53 triệu đồng.
Thấy việc kiếm tiền đơn giản và vẫn rút ra được nên người phụ nữ này đã tiếp tục nạp thêm tiền để chơi. Khi đã nạp vào nhiều lần với tổng là 5,6 tỉ đồng nhưng không rút được tiền về, chị Hoa mới biết mình bị lừa.
Trước đó, vào tháng 4/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cũng tiếp nhận trình báo của chị Lê Thị Thu, 32 tuổi (trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt 500 triệu đồng.
Được biết, chị Thu sang Đài Loan làm công nhân sau khi ly hôn chồng. Sau 5 năm làm việc cật lực, người phụ nữ này tích lũy được 500 triệu đồng. Tháng 2 vừa qua, thông qua ứng dụng mạng xã hội, chị Thu quen một người đàn ông tên là Quyền Long. Theo giới thiệu, anh ta năm nay 42 tuổi, đã ly hôn, hiện làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Đông, Hà Nội. Quá trình trò chuyện, Long tỏ ý nghiêm túc tìm một người bạn đời. Nghĩ tới hoàn cảnh của mình, chị Thu cũng muốn cho bản thân một cơ hội sau khi trở về từ nước ngoài.
Quen biết khoảng 3 tuần, người đàn ông tên Long cho biết sẽ sang Ma Cao công tác do công ty anh ta và một casino bên này có hợp tác trong kinh doanh trò chơi trực tuyến. Vài ngày sau, Long nói với chị Thu, do công ty kinh doanh trong lĩnh vực game online, anh ta là người trực tiếp cài phần mềm này nên biết một số ngày tỉ lệ thắng cược trong trò chơi lên tới 100%. Long là người của công ty không chơi được nên nhờ chị Thu sử dụng điện thoại đăng nhập vào tài khoản chơi hộ.
Video đang HOT
Lúc đầu chị Thu từ chối nhưng khi được Long thuyết phục, hướng dẫn nên nhận lời. Sau khi hướng dẫn chị Thu thao tác trên trò chơi, người này nhờ chị chuyển số tiền trong tài khoản game vào tài khoản ngân hàng của mình. Mỗi lần giao dịch thành công, Long đều chụp màn hình tin nhắn nhận tiền gửi chị Thu.
Mấy ngày sau, Long nói chị Thu lập tài khoản game, khẳng định chơi thật, tiền nhận được thật, giá trị tiền nhận được rất cao. Những thông tin này chị Thu cũng chứng kiến khi chơi hộ Long nên tin tưởng làm theo.
Chị Thu kể lại: “Theo hướng dẫn của Long, lần đầu tiên tôi nạp 50 triệu đồng vào tài khoản game, tiền lãi và thưởng thu về 60 triệu đồng. Lần thứ 2, nộp 100 triệu đồng, nhận về 120 triệu đồng. Mỗi lần nạp tiền hay rút tiền, tài khoản trong game đều thay đổi tương ứng với số tiền rút đi hoặc nhận về trong tài khoản ngân hàng của tôi”.
Người đàn ông tên Long bảo chị tiếp tục chơi nhưng không rút tiền ra để nhận thưởng và hưởng mức lãi suất 2%/ngày, yêu cầu số tiền nộp lần sau phải cao hơn số tiền nộp lần trước. Vì lãi cao nên giới hạn mỗi ngày chị Thu chỉ được chơi 2 lần.
Chị Thu liên tục nạp tiền vào tài khoản game và vui sướng khi thấy số tiền báo lãi tăng cao. Sau khi chị này nộp 500 triệu đồng, Long thông báo, số tiền quy đổi từ game và tiền thưởng, tiền lãi của chị gần 3 tỷ đồng.
Vì có kế hoạch về nước nên chị Thu quyết định rút tiền từ tài khoản game. Tuy nhiên, sau 23 tiếng kể từ khi đặt lệnh chuyển tiền, chị vẫn không thấy tiền về tài khoản của mình.
Thúc giục nhân viên chăm sóc khách hàng theo số điện thoại trên website của game, chị Thu nhận được thông tin vì tiền lãi và thưởng cao hơn tiền gốc nên phải chịu 25% thuế. Casino sẽ chịu 10% thuế, số tiền thuế chị Thu phải thanh toán cho hệ thống là 330 triệu đồng.
Vì toàn bộ tiền đã nạp vào game, không còn khả năng nạp tiền thuế, chị Thu nói với Long. Người này nói tài khoản game của anh ta quy đổi là hơn 4 tỷ đồng, nếu rút phải mất khoảng 600 triệu đồng tiền thuế. Do vậy, Long sẽ cùng “gánh” để chị Thu rút tiền ra trước, sau đó rút tiền của anh ta.
“Long nói thế nhưng không giúp tôi tiền để nộp mà cứ thúc giục tôi vay tiền để đóng thuế. Hệ thống yêu cầu trong vòng 72 tiếng phải nộp đủ thuế, nếu không nộp đủ mỗi ngày sẽ bị trừ 20% trong tổng số tiền hiện có trong tài khoản. Tôi sợ chậm nộp thuế 5 ngày thì bị trừ sạch tiền trong tài khoản nhưng không biết vay ở đâu ra số tiền lớn như thế để đóng thuế”, chị Thu kể.
Lúc này, chị Thu lờ mờ đoán mình sập bẫy một hệ thống lừa đảo tinh vi nên gọi điện cho Long để hỏi. Người đàn ông này khẳng định không có lừa đảo ở đây và tiếp tục thúc giục chị vay mượn để giải quyết vấn đề thuế, bởi anh ta sắp về nước, lúc đó không có ai ở Ma cao để hỗ trợ chị Thu. Cay đắng vì mất trắng số tiền sau 5 năm làm việc cật lực ở nước ngoài, cũng không biết cầu cứu ai, chị Thu vay bạn bè tiền mua vé máy bay về Việt Nam và đến công an trình báo.
Từ chơi game hộ, chị Ánh đã mất hơn 500 triệu đồng tiền thật.
Cách đây không lâu, chị Võ Ngọc Ánh (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đã tham gia chơi game HDG88. Lúc đầu chị Ánh được một người bạn nhờ chơi hộ game. Sau đó bạn của chị Ánh đã tạo cho chị một tài khoản riêng. Người này hướng dẫn chị Ánh chỉ cần chơi vào khung giờ nhất định thì chắc chắn sẽ thắng nhiều tiền. Sau một thời gian, chị được người bạn này hướng dẫn và tạo 1 tài khoản riêng. Thấy game dễ chơi, dễ trúng thưởng, chị Ánh đã nạp vào game tất cả hơn 500 triệu đồng.
Ban đầu, nhóm lừa đảo hướng dẫn người chơi đăng ký tài khoản và nạp tiền để đặt lệnh. Tiếp đó, các đối tượng này sẽ “đi đòn tâm lý”, bằng cách cho người chơi liên tục thắng với số tiền thưởng lớn dần.
Khi người chơi gửi yêu cầu rút tiền, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu nộp các khoản phí khác nhau để được xử lý yêu cầu rút tiền.
Chưa dừng lại, để tạo lòng tin, các đối tượng cò mồi còn tạo các giao dịch chuyển tiền giả, rồi gửi cho người chơi để chứng minh rút được tiền sau chơi game là có thật.
Thông thường, đến những lần nộp tiền thứ 5 – 6, nhóm lừa đảo bắt đầu viện ra nhiều lý do khác như muốn rút tiền phải nộp thuế và yêu cầu nâng hạn mức. Nếu không nộp tiền, số tiền tiền trong tài khoản game sẽ bị trừ dần. Cứ thế, chúng làm cho nạn nhân kiệt quệ, vay tiền nộp vào với hy vọng vớt lại khoản gốc. Nhưng càng chuyển thì càng không thể dứt ra.
Tránh làm theo yêu cầu của người lạ
Lâu nay, những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng với nhiều kịch bản khác nhau luôn được các cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn trở thành nạn nhân do kẻ gian đánh vào yếu tố tâm lý như sự nhẹ dạ cả tin, lòng tham, tình yêu… Vì thế, phần lớn nạn nhân là phụ nữ.
Một trong số nhiều phần mềm chơi game trúng thưởng lừa đảo.
Anh Lê Duy Thái, một người làm việc trong lĩnh vực phần mềm công nghệ, chia sẻ rằng: “Các đối tượng xấu nhiều khi còn đóng giả làm người nước ngoài để tiếp cận những người độc thân để làm quen, xong khi thấy con mồi cắn câu là sẽ mời con mồi chơi bitcoin, chứng khoán, tiền ảo… Vậy nên, ai mà thấy tự nhiên có người trên Zalo hoặc Facebook kết bạn làm quen thì cẩn thận trước khi nhận lời đồng ý”.
Thông thường kịch bản lừa đảo này thường nhắm vào phụ nữ, bởi họ đa số là những người nhẹ dạ cả tin. Sau khi tạo được niềm tin, những kẻ lừa đảo này sẽ dụ dỗ nạn nhân tham gia chơi game. Nạn nhân cứ thế bị thao túng tâm lý sau khi thắng một vài ván game, rồi liên tục nộp tiền mong sinh lời nhưng càng chuyển thì càng không thể dứt ra.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân không được tin tưởng các đối tượng chưa từng gặp mặt, chỉ làm quen qua mạng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuyệt đối không chuyền tiền cho người khác khi không biết rõ thực tế chủ tài khoản đó là ai, ở đâu. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền truy cập riêng tư trên các trang, tài khoản mạng dùng. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các đối tượng người lạ khi chưa biết rõ về nhân thân, lai lịch, đại diện pháp nhân của đơn vị nào; không truy cập vào các trang, đường link, tệp dữ liệu từ các địa chỉ không xác định có nguồn chính thống.
Đặc biệt, nếu nhận được tin nhắn vay mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền hộ từ tài khoản của người thân thì cần cân nhắc tìm hiểu kỹ việc xác nhận lại các thông tin cho chính xác; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân để mở, chuyển tiền tài khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản ngân hàng hộ đối với những người không quen biết; kiểm tra các thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, đồng thời chỉ sử dụng, truy cập các website của các doanh nghiệp, tổ chức có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tên miền, giao thức chính thống.
Theo Thượng tá, tiến sĩ Phan Thị Thanh Hải, Phó trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân thì: “Việc người dân bị lừa khi tham gia vào các game online, được các đối tượng hứa hẹn trả thưởng mức cao nhưng thực tế số tiền thưởng này chỉ có ở trên mạng thôi và không bao giờ rút ra được. Đến một lúc nào đó các đối tượng sẽ tự đánh sập các trang web này”.
Còn theo cán bộ điều tra tiếp nhận trình báo của chị Thu thì hình thức lừa đảo này không mới. Đối tượng lừa đảo thường gửi cho nạn nhân một link có gắn mã độc. Nếu nạn nhân đăng ký hoặc đăng nhập tài khoản qua đường link này sẽ bị phát tán virus, từ đó bị chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng… Khi đã chiếm quyền kiểm soát, chúng sẽ sử dụng các lệnh để trùng khớp biến động số dư trên tài khoản ảo với tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Do vậy, người dân không đăng ký, đăng nhập vào bất kỳ đường link đầu tư, trò chơi hay bình chọn… do người lạ mặt gửi.
Nếu muốn tham gia trò chơi đổi thưởng, người chơi hãy lựa chọn những nền tảng có giấy phép hoạt động rõ ràng, được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền và có hệ thống bảo mật an toàn. Luôn kiểm tra thông tin về trò chơi và đánh giá từ cộng đồng người chơi để tránh rơi vào bẫy lừa đảo
Thủ đoạn mạo danh cổng thông tin điện tử Bộ Công an hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo
Nhiều đối tượng tiếp cận nạn nhân của các vụ lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với họ.
Những ngày vừa qua xuất hiện nhiều trang thông tin mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để cung cấp thông tin, trong đó đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những trang thông tin mạo danh này lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như: "Tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Xuất hiện trang thông tin mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trên Facebook. Ảnh: Bộ Công an
Bộ Công an cho rằng, đây là một trong những hành vi giả mạo, nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo. Các đối tượng lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với họ.
Bộ Công an khẳng định, hiện chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua 2 kênh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (https://mps.gov.vn/ và https://bocongan.gov.vn/); Trang Thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook (https://www.facebook.com/mps.gov?mibextid=LQQJ4d).
Bộ Công an đề nghị người dân:
Thận trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, mạo danh Bộ Công an Việt Nam.
Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng.
Không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ. Hiện nay, Bộ và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội.
Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.
'Chém gió' quen biết lãnh đạo tỉnh, làm được bìa đỏ, gã thanh niên lừa và chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng Sau khi biết chị N. đang cần chuyển 2.000m2 đất ao thành đất ở, Trịnh Đắc Nhân 'khoe' bản thân có thể làm được việc này rồi chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng của nạn nhân. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trịnh Đắc Nhân (SN...