Mất thêm lãnh thổ, IS đang tiến đến ‘ngày tàn’
IS đang tiến đến ngày tàn khi mất đến 22% lãnh thổ chiếm được trong hơn một năm và đang trên đà mất quá nhanh.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tiến đến “ngày tàn” là nhận xét trong báo cáo của Công ty Tư vấn và Phân tích công nghiệp quốc phòng Anh Columb Strack công bố ngày 16-3.
Báo cáo do nhà phân tích cấp cao Columb Strack về Trung Đông và Bắc Phi soạn thảo dựa vào các nguồn tin tình báo, cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay IS đã mất 22% lãnh thổ chiếm được ở Iraq và Syria.
Cụ thể IS mất 14% lãnh thổ tại Iraq và Syria trong năm 2015 và mất thêm 8% nữa từ đầu năm 2016 đến giờ. Thời điểm cuối năm 2014, IS kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và 1/3 lãnh thổ Syria, cai trị dân số 9 triệu người. Tính đến ngày 14-3, tổng diện tích mà IS kiểm soát ở cả Iraq và Syria là 73.440 km2.
Mất kiểm soát nhiều cứ điểm quan trọng
Tại Syria, IS hiện chỉ còn kiểm soát được một phần nhỏ lãnh thổ. Lực lượng IS ở Bắc Syria (từ TP Raqqa kéo dài đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ) đang hứng chịu sự tấn công dồn dập từ nhiều hướng: Không kích từ Nga, liên quân do Mỹ dẫn đầu, các tay súng người Kurd và người Sunni. Các lực lượng chống IS chỉ còn cách TP Raqqa khoảng 35 km.
Trong số lãnh thổ IS mất kiểm soát có thị trấn Tal Abyad giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng chiến lược, được xem là cửa ngõ vận chuyển vũ khí và tay súng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang cho IS.
Quân đội chính phủ đã chiếm lại một phần diện tích ở đông TP Aleppo và hiện chỉ cách TP cổ Palmyra do IS kiểm soát 5 km.
Lãnh thổ ở Syria bị thu hẹp cũng làm cho công tác vận chuyển vũ khí và các tay súng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó tại Iraq, IS đã mất TP Ramadi về tay quân đội chính phủ. Hiện chính phủ Iraq đang tính toán tấn công lớn vào căn cứ chính Mosul của IS để chiếm lại TP này.
Quân đội Iraq chiếm Trường ĐH Anbar tại TP Anbar (Iraq) từ IS vào ngày 26-7-2015. Ảnh: REUTERS
Video đang HOT
Khó khăn tài chính bủa vây
Bên cạnh đó, IS cũng đang vật lộn với khó khăn tài chính do chi phí ngày càng gia tăng, trong khi đó IS lại thường xuyên hứng tổn thất từ các vụ không kích của liên quân do Mỹ lãnh đạo và của Nga nhằm vào các kho tiền, giếng dầu IS chiếm được.
Gần đây IS phải cắt nửa lương các tay súng. Hàng ngàn tay súng đã đào ngũ khỏi IS và làn sóng này đang trên đà tăng.
Nhà phân tích Columb Strack nhận định IS đang ngày càng bị cô lập và đang tiến tới ngày tàn. Theo ông, tình hình thất thế này sẽ khiến IS càng khó thu hút tuyển mộ, đặc biệt ở Syria. Hiện IS đang tăng cường tuyển mộ trẻ em để bù vào lượng tay súng đã thất thoát, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby.
IS tuyển mộ tay súng trẻ em. Ảnh: AP
Sự suy tàn của IS là một cột mốc quan trọng trong cuộc thánh chiến chống phương Tây của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, dù rằng sự suy tàn này có thể có lợi cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác như tổ chức Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia LHQ, các nước cần thận trọng vì chưa xác định được việc Nga rút quân khỏi Syria sẽ có tác động thế nào đến cục diện chiến trường chống IS.
Bên cạnh đó, IS đang chuyển hướng hoạt động sang Libya và đã chiếm được một số khu vực ở đây. Ngoài ra, IS cũng đang nhắm đến Yemen.
Theo_PLO
Chi tiết thỏa thuận rút quân khỏi Syria giữa Putin và Assad
Theo Ria Novosti ngày 15/3, lực lượng Không quân Nga tại Syria bắt đầu giảm các hoạt động quân sự theo thoả thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Nga Putin (giữa) và ngoại trưởng Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu (bên phải)
Ngày 14/3, Tổng thống Putin ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt đầu rút dần các binh sĩ thuộc lực lượng không quân Nga ra khỏi lãnh thổ Syria từ ngày 15/3, vì nhiệm vụ của họ tại đây đã hoàn thành.
Tuy vậy, Nga vẫn giữ nguyên các cam kết chuyển giao vũ khí, thiết bị cũng như đào tạo chuyên gia quân sự cho quân đội chính phủ Syria.
Cũng theo ông Putin, căn cứ hải quân của Nga tại cảng Tartus và căn cứ không quân tại sân bay Hmeymim vẫn hoạt động như bình thường.
Nhiệm vụ của Nga nói chung đã hoàn thành
Ria Novosti dẫn thông cáo từ văn phòng Tổng thống Syria cho hay, trong một cuộc điện đàm ông Putin và Assad đã thỏa thuận giảm sự hiện diện của Không quân Nga trên lãnh thổ Syria liên quan tới việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn trong nước và những thành tích mà quân đội Syria đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố dưới sự trợ giúp của Nga.
Tổng thống Nga tuyên bố, nhiệm vụ của quân đội Nga tại Syria cơ bản đã hoàn thành và đồng ý rút lui lực lượng chính của Nhóm không quân vũ trụ Nga ra khỏi lãnh thổ quốc gia này.
Bước chuyển biến mới sẽ đạt được trong vòng 1,5 năm nữa
Hôm thứ Hai (ngày 14/3) Bộ trưởng quốc phòng Nga báo cáo với Tổng thống Putin rằng kết quả các hoạt động không kích chống khủng bố quốc tế của Không quân Nga trên lãnh thổ Syria (bắt đầu từ ngày 30/9/2015) đã mang lại chuyển biến quan trọng - đó là ngăn chặn thành công các nguồn cung vũ khí, lương thực, y tế và quân nhu cho các tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động ở Nga và một số quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Shogui tính tới thời điểm hiện tại Không quân Nga đã thực hiện hơn 9.000 vụ xuất kích, ngăn chặn các tuyến đường chính chạy vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tuyến đường cung cấp vũ khí, đạn dược cho phiến quân khủng bố tại Syria.
Không quân Nga cũng phá hủy tổng cộng 209 cơ sở sản xuất, lọc dầu, bơm nhiên liệu và tiêu diệt 2.912 phương tiện chở dầu của quân khủng bố. Dưới sự trợ giúp của Không quân Nga quân đội Syria đã giải phóng được 400 khu dân cư và giành quyền kiểm soát hơn 10.000 km2 lãnh thổ đất nước.
Theo báo cáo của ông Shoigu, các phiến quân khủng bố đã bị đuổi ra khỏi Latakia, thông tin liên lạc với Aleppo được phục hồi, thành cổ Palmyra do quân IS chiếm đóng đang bị quân đội chính phủ phong tỏa, phần lớn lãnh thổ các tỉnh Hama và Homs đã được giải phóng, căn cứ không quân Kvayres thoát khỏi tay IS, quyền kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt gần Palmyra thuộc về quân chính phủ.
Bộ trưởng quốc phòng Nga cũng đề cập tới việc giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria với sự tham gia của lực lượng máy bay không người lái, các thiết bị do thám cùng hệ thống định vị vệ tinh (toàn cầu) của Không quân Nga.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad (Bên trái).
Giai đoạn thực hiện tiến trình chính trị 3 mục tiêu tại Syria
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp với Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết: "Hoạt động của lực lượng không quân chúng ta ngoài những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố còn góp phần tạo điều kiện tiến tới một tiến trình chính trị mới cho Syria" và bổ sung thêm, Nga luôn ủng hộ thiết lập đối thoại giữa những bên tham gia xung đột Syria mà phù hợp với các nghị quyết đã được thông qua năm 2012.
Theo ông Lavrov đề xuất giải quyết vấn đề Syria của Nga bằng tiến trình chính trị gặp phải sự phản đối của một số quốc gia, nhưng từ khi không quân Nga bắt đầu can thiệp quân sự tại Syria thì "tình hình bắt đầu thay đổi".
Ngoại trưởng Nga xác nhận, các thỏa thuận về nội dung, đường hướng của tiến trình chính trị cho Syria đã được thông qua bởi Nhóm Quốc tế hỗ trợ Syria và được phê duyệt trong 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tiến trình chính trị nhằm thực hiện 3 mục tiêu: chấm dứt chiến sự, mở rộng viện trợ nhân đạo cho các khu vực mới được giải phóng và bắt đầu đàm phán về hòa bình cho Syria.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp song phương
Hôm thứ ba Văn phòng báo chí điện Kremlin đưa ra thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Barack Obama để thông báo về sự rút lui của lực lượng không quân Nga khỏi lãnh thổ Syria.
Theo đó, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp song phương giữa hai nước đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng nhằm đảm bảo thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.
Về phần mình, Nhà Trắng tuyên bố, trong quá trình điện đàm Tổng thống Nga và Mỹ đã "đề cập tới tuyên bố hôm 14/3 của Tổng thống Putin về việc rút một phần lực lượng quân đội Nga khỏi Syria và bàn về các bước cần thiết tiếp theo nhằm hiện thực hóa hoàn toàn tình trạng chấm dứt chiến sự với mục tiêu thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết xung đột cho Syria".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet
Gạc Ma 1988: Trung Quốc 10 năm nuôi dã tâm chiếm đảo Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979, Trung Quốc đã tiếp tục âm mưu xâm lược trên biển đối với Việt Nam, trên quần đảo Trường Sa. Dã tâm thể hiện ngay từ sau cuộc xâm lược năm 1979 Khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố họ...