Mất nước ảnh hưởng thế nào tới các bộ phận trên cơ thể và những lưu ý khi bổ sung nước từ các chuyên gia
Giữ nước là một trong những việc làm cơ bản nhất để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Zach Bush, bác sĩ chuyên về nội khoa, nội tiết tại Bệnh viện John Hopkins giải thích, nước được coi là chất tẩy rửa và làm sạch cơ thể con người. Chất lỏng này không chỉ đảm bảo hoạt động của tế bào diễn ra bình thường mà còn rất quan trọng trong việc loại bỏ độc tố chúng ta ăn phải, hít phải hàng ngày.
Dưới đây là những ảnh hưởng của mất nước đối với các bộ phận trên cơ thể và một số lưu ý khi bổ sung nước từ các chuyên gia:
Bộ não
Mất nước có thể tác động tới toàn bộ cơ thể, từ não bộ tới làn da.
Khi cơ thể mất nước, các tế bào sẽ gửi tín hiệu đến não và tạo cảm giác khát. Mặc dù chưa được nghiên cứu sâu, mất nước hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới tâm trạng và khả năng nhận thức. Một bài viết đăng trên Tạp chí của Đại học Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho thấy, chỉ mất khoảng 2% lượng nước trong cơ thể cũng đủ để làm giảm sự tập trung và ghi nhớ.
Không uống đủ nước sẽ gây ra vấn đề về não do thiếu các chất điện giải. Chất điện giải là những khoáng chất như kali và natri, làm nhiệm vụ vận chuyển tín hiệu giữa các tế bào não. Vì vậy, theo Viện Mayo, nếu thiếu chất này, các tín hiệu truyền đi có thể bị gián đoạn, dẫn tới hiện tượng co cơ và thậm chí co giật.
Thận và hệ tiết niệu
Khi mất nước, các tế bào cũng sẽ gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi, nơi giải phóng hormone vasopressin, còn gọi là hormone chống bài niệu (ADH). Loại hormone này khiến thận loại bỏ ít nước trong máu, làm bạn đi tiểu ít hơn và nước tiểu có màu đậm hơn.
Video đang HOT
Thận được coi là bộ lọc của máu và nếu không có đủ nước, chúng sẽ không thể loại bỏ tất cả độc tố ra khỏi cơ thể.
Nếu bạn bị mất nước trong thời gian dài, thận sẽ phải làm việc quá sức. Theo Tổ chức về Bệnh thận Hoa Kỳ, điều này có thể gây tổn thương thận cấp tính (AKI), một dạng tổn thương làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận, hình thành sỏi thận.
Julie Stefanski, chuyên gia dinh dưỡng kiêm phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ cho biết, những người sống ở vùng khí hậu khô, nóng và đổ nhiều mồ hôi có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn người khác.
Máu
Cơ thể cần chất lỏng để tạo máu nên thiếu nước cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng máu trong cơ thể. Hơn nữa, theo chuyên gia Stefanski, máu cần nước để duy trì huyết áp bình thường. Mất nước có thể gây hạ huyết áp và thậm chí ngất xỉu.
Trong trường hợp nghiêm trọng, không bổ sung đủ nước sẽ dẫn đến một tình trạng nguy hiểm làm giảm huyết áp và lượng oxy trong máu. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, tim không thể bơm đủ máu đến các cơ quan nên có thể dẫn đến hiện tượng suy nội tạng.
Ngoài ra, khi máu trở nên đặc hơn, cơ thể sẽ tăng nhịp tim và nhịp hô hấp để bù lại, từ đó vô tình gây căng thẳng không đáng có.
Hệ tiêu hóa
Giống như các bộ phận khác trên cơ thể, đường ruột cần nước để hoạt động bình thường. Nếu không uống nước thường xuyên, nhu động ruột sẽ gặp vấn để và khó thể vận chuyển chất thải ra ngoài.
Hơn nữa, mất nước cũng tác động không nhỏ tới niêm mạc của ruột và hệ vi sinh vật tại đây, từ đó dẫn tới các bệnh về tiêu hóa và ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.
Làn da
Giữ nước là việc làm cần thiết để sở hữu một làn da khỏe mạnh.
Da thực sự là cơ quan lớn nhất trong hệ thống miễn dịch của con người. Chúng hoạt động như một hàng rào tự nhiên chống lại vi khuẩn từ môi trường. Trên thực tế, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy da khô, nứt nẻ khi thiếu nước, từ đó tạo điều kiện cho mầm bệnh bên ngoài tấn công.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Mỹ phẩm và Da liễu đã chỉ ra, bổ sung đủ nước có liên quan mật thiết tới mức độ sáng mịn của làn da.
Lưu ý khi bổ sung nước
Một người trưởng thành bình thường cần uống 2 lít nước mỗi ngày. Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ, 20% lượng chất lỏng trong cơ thể đến từ thực phẩm nên mọi người chỉ cần uống khoảng 9 cốc nước mỗi ngày. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi bổ sung nước:
- Không đợi đến khi khát thì mới uống: Thay vì dựa vào cơn khát để bổ sung chất lỏng, bạn hãy sắp xếp thời gian trong ngày để uống nước thường xuyên. Mọi người nên nhớ khát chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã mất nước.
- Kiểm tra nước tiểu: Nếu uống đủ nước, bạn sẽ đi tiểu sau khoảng 3-4 giờ. Nước tiểu nên có màu vàng nhạt. Tiểu ít hoặc nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu nước.
- Tránh caffein và đồ uống có cồn: Cafein và rượu được coi là thuốc lợi tiểu nên chúng có thể khiến bạn mất nước một cách dễ dàng.
- Tăng cường nước qua thực phẩm: Tiêu thụ trái cây và rau quả nhiều nước là việc làm sáng suốt vừa giúp giữ nước vừa tăng cường lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết.
Gia tăng người mắc bệnh do nắng nóng gay gắt
Trước tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở Bắc bộ và Trung bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã có cảnh báo chỉ rõ, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Thời tiết nắng nóng cũng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Cùng với đó, khi chống nóng bằng biện pháp mở quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi...
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết.
Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng - đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
PGS-TS Nguyễn Văn Chi (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày nắng nóng kéo dài gần đây, bệnh nhân mắc bệnh lý về tim mạch và đột quỵ, say nắng, sốc nhiệt... tăng đột biến. Đặc biệt, mới đây, khoa có tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam 40 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng.
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41oC, mất nước nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, người dân cần cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ, vì đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn khi làm việc ngoài trời và đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Bệnh tiêu chảy nên ăn uống gì để nhanh lại sức? Tiêu chảy nếu không chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vậy khi bị tiêu chảy, người bệnh cần ăn uống như thế nào để cơ thể nhanh lại sức? Bệnh tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước Tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp là biểu hiện của viêm dạ dày, ruột do các...