Marvel nên ngưng giả vờ rằng các nhân vật hy sinh ở cuối ‘Infinity War’ sẽ không quay trở lại trong ‘Avengers 4′
Đã đến lúc Marvel cần thẳng thắn thừa nhận rằng những mất mát cuối “ Infinity War” chỉ mang tính chất tạm thời. Sau cái búng tay thần sầu của Thanos,một vài tên tuổi nổi bật của MCU như Doctor Strange, Black Panther, gần hết nhóm Guardians Of The Galaxy và Spider-Man đã phải về với cát bụi.
Vấn đề là Marvel Studios trước giờ vốn nổi tiếng với những vụ “chết giả” nên người hâm mộ lại có thêm cơ sở để tin vào “sự hồi sinh”của các siêu anh hùng. Vậy thì tại sao hai anh em Russo lại khuyên người hâm mộ không nên tin vào việc này?
Các Avenger đã chết sẽ trở lại
Có một chi tiết quan trọng trong đoạn kết của Avengers: Infinity War, đó là Marvel chỉ toàn “thủ tiêu” những nhân vật mà chúng ta biết chắc là sẽ trở lại trong tương lai. Ví dụ như việc phần hai của Spider-Man: Homecoming sẽ ra mắt chỉ hai tháng sau Avengers 4. Trong một buổi phỏng vấn hồi năm 2017, Kevin Feige( Marvel) và Amy Pascal (Sony) đã tiết lộ rằng phần hai của Spider-Man sẽ tiếp nối mạch phim của Avengers 4, tương tự như lúc phần một tiếp nối những sự kiện trong Captain America: Civil War vậy. Bên cạnh đó, Black Panther và Doctor Strange đương nhiên đều sẽ có phần hai nên chắc chắn hai nhân vật này sẽ vẫn sống tiếp với thần dân MCU. Ngoài tuyến nhân vật chính, Marvel cũng sẽ khó lòng mà xuống tay với những nhân vật như Falcon và Bucky.
Nhiều người dự đoán Avengers 4 sẽ là lời vĩnh biệt dành cho Steve Rogers, nên một người bạn thân như Bucky mà không xuất hiện trong tập phim này thì cũng thật là khó chấp nhận. Theo nguyên tác truyện tranh, Bucky sẽ là người thay thế Steve Rogers cầm khiên Captain America nên sự trở lại của Bucky là hoàn toàn cần thiết.
Về những diễn viên gắn liền với dòng phimGuardians of the Galaxy, họ đã khẳng định sẽ trở lại trong Avengers 4. Sau khi thấy người hâm mộ “tỏ lòng thành kính” trên mạng xã hội, Dave Bautista (Drax) cho biết anh sẽ vẫn quay lại trong Avengers 4 và Guardians of the Galaxy Vol.3. Nữ diễn viên Zoe Saldana cũng thừa nhận rằng cái chết của Gamora mang bầu không khí “còn tiếp…” đối với cô. Zoe còn cho biết thêm cả nhóm sẽ phải quay lại Atlanta để quay Avengers 4 vào mùa thu năm nay. Từ những gì nguyên tác truyện tranh từng thể hiện, có vẻ như Gamora vẫn chưa chết mà chỉ bị giam cầm trong Viên đá Linh hồn, và việc thoát khỏi nó là hoàn toàn khả thi.
Như đã nói, những nhân vật hi sinh cuối Avengers: Infinity War đều sẽ trở lại trong Avengers 4. Chuyện đã rõ rành rành như vậy, cớ sao Marvel cứ phải cố gắng đánh lạc hướng khán giả để làm gì?
Marvel đã cố tình chơi khăm người hâm mộ như thế nào?
Truyện tranh Marvel vốn nổi tiếng với mô típ “chết tạm thời sau đó quay trở lại”, ví dụ điển hình nhất gần đây chính là sự hồi sinh của Jean Grey và Wolverine sau cái chết rất thuyết phục trong loạt truyện X-Men. Một loạt những nhân vật phụ khác cũng có cơ hội trải nghiệm “cái chết giả” như Bucky, Nick Fury, Happy Hogan, Pepper Potts.
Ngoài chủ tịch Kevin Feige thì biên kịch Christopher Markus cũng rất nỗ lực trong chiến dịch thuyết phục người hâm mộ tin vào cái chết vĩnh viễn của các nhân vật. Nhưng sau đó, khi được hỏi về sự xuất hiện của Spider-Man trong phần hai của Spider-Man: Homecoming sau Avengers 4, hai biên kịch Christopher Markus và Stephen McFeely đều đã thừa nhận “lỗi lầm” của mình.
Đương nhiên, không thể không kể đến hai anh em đạo diễn Russo – những nhân vật khơi mào trò chơi khăm người hâm mộ này. Anthony Russo mạnh miệng phát biểu rằng: “Chúng tôi yêu mến những nhân vật này nhiều không kém gì mọi người, nhưng bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn”. Thậm chí, Anthony từng tranh luận về giả thuyết phần bốn sẽ lấy bối cảnh những việc xảy ra trước cái búng tay của Thanos.
Anthony cũng khẳng định: “Những sự kiện trong MCU chưa chắc sẽ được xảy ra theo thứ tự thời gian thông thường”. Thỉnh thoảng, MCU đúng là có dòng thời gian không được hợp lý cho lắm: Guardians Of The Galaxy Vol. 2 ra mắt năm ngoái thực ra lại lấy bối cảnh năm 2014, Ant-Man And The Wasp ra mắt năm nay thực ra lại xảy ra trước Avengers: Infinity War, Captain Marvel của năm sau lại lấy bối cảnh những năm 90, và đặc biệt là dòng thời gian hơi “sai sai” củaSpider-Man: Homecoming.
Video đang HOT
Cho đến thời điểm này, đông đảo người hâm mộ đều chắc chắn rằng cái búng tay của Thanos sẽ được hóa giải bằng cách nào đó, nên Marvel có thể ngưng đánh lạc hướng dân tình được rồi.
Thay vào đó, Marvel nên làm gì?
Có lẽ, Marvel muốn lừa khán giả để khoảnh khắc các siêu anh hùng hồi sinh trong Avengers 4 sẽ trở nên xúc động hơn. Nhưng việc này sẽ khó lòng kéo dài vì đằng nào Marvel cũng sẽ phải quảng bá cho phần hai của Spider-Man: Homecoming. Tốt nhất là Marvel nên thẳng thắn thừa nhận với người hâm mộ về sự trở lại của các nhân vật trong Avengers 4. Bên cạnh đó, những buổi phỏng vấn cũng nên tập trung tranh luận vấn đề “bằng cách nào?” mà các siêu anh hùng được hồi sinh. Tóm lại, giải pháp nói thật có vẻ sẽ là lựa chọn đúng đắn và thể hiện sự tôn trọng hơn đối với khán giả.
Theo Saostar
Các vũ trụ điện ảnh thế giới học được gì từ mô hình thành công đáng gờm của Marvel?
Có ba yếu tố quyết định mà Marvel hiện đang "nằm lòng" để khiến phim của họ bán đắt như tôm tươi tại rạp. Vũ trụ điện ảnh Marvel, nhờ đó mà phát triển rực rỡ như ngày hôm nay. Đứng trước thành công này, các vũ trụ khác nên làm gì?
Sau thành công vang dội của Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực), Marvel đang ngày càng khẳng định vị thế "anh cả" trong làng phim theo kiểu vũ trụ tổng hợp này, mặc dù ngay từ đầu cuộc chiến họ đã phải chơi dưới cơ DC với bộ ba phần Batman lọt top 200 IMDB. Như vậy, điều tạo nên thương hiệu của Marvel không phải là tên tuổi của siêu anh hùng trong truyện tranh, cũng không hoàn toàn là do những phần phim ấy quá xuất sắc; tất cả nằm ở cách họ dựng nên vũ trụ điện ảnh thành công như ngày nay.
Infinity War đã cán mốc doanh thu 2 tỷ USD.
1. Mô hình kinh doanh "bách chiến bách thắng" của Marvel
Đường lối phát triển của MCU là cực kì nhất quán: đầu tiên Marvel làm phim lẻ để khán giả có được hình dung về xuất thân (background story) của các siêu anh hùng. Sau đó studio gợi mở tới các siêu anh hùng rằng họ sắp tham gia vào một sự kiện có qui mô thế giới hoặc vũ trụ. Với tiềm lực mạnh mẽ, Marvel đầu tư kịch bản cho sự kiện ấy để qua đó các siêu anh hùng liên hệ chặt chẽ với nhau hơn. Và cứ thế họ tiếp tục tung ra nhân vật mới và tiếp tục phát triển. Trong quá trình này, hãng đã sáng tạo ra những qui luật chung cho cả vũ trụ điện ảnh Marvel (sự hình thành vũ trụ và ngọc vô cực, mâu thuẫn và mối liên kết của các siêu anh hùng... ).
Thanos đã có mặt từ "The Avengers" 2012
Marvel sẽ tiếp tục kiếm bộn tiền từ tầm nhìn chiến lược này, trừ khi họ đi lệch hướng. Khởi đầu từ Iron Man, Marvel dần dần hé lộ cho khán giả về Captain America qua Nick Fury, sau đó lại khiến họ tò mò về Thor và cuối cùng, bùm, biệt đội Avengers được hình thành. Đó mới chỉ là giai đoạn một tức Phase 1, Phase 2 lại tiếp tục với hàng loạt nhân vật mới để cuối cùng tụ họp về Infinity War.
Mô típ này không hề nhàm chán, khán giả luôn luôn nắm được mạch phát triển và cách vận hành của MCU, chẳng hạn như từ sau Avenger 2012 tất cả đều lờ mờ đoán được về hành trình tìm kiếm và bảo vệ đá vô cực của cả hai phe. Cùng với đó là sự xuất hiện của Thanos song người xem lại không thể đoán được mọi chuyện sẽ diễn ra cụ thể thế nào, thay vào đó phải chịu khó ra rạp và nắm bắt từng phần phim. Đó là còn chưa kể đến yếu tố kĩ xảo, những pha hành động gay cấn và dàn sao hạng A như được đi "thẩm mỹ viện" sau khi tham gia phim Marvel.
Hầu hết các diễn viên của Marvel đều là những cái tên tiềm năng đã được studio "khai quật" và đánh bóng
Với việc bám sát và cùng lúc sáng tạo trên nguyên tác mà MCU có mối liên hệ rất chặt chẽ với truyện tranh. Hãng này luôn cố gắng để khiến cho sau tất cả phim siêu anh hùng là một câu chuyện lớn hơn, với những quy luật chung được áp dụng xuyên suốt. Họ thường thuê các đạo diễn là fan cuồng truyện tranh từ bé, chẳng hạn như anh em nhà Russo và yêu cầu họ có một tầm nhìn nhất quán cho nhân vật. Điều này cũng khá đúng với X-Men khi mà nguồn gốc của "con gà đẻ trứng vàng" của hãng Fox cũng từ Marvel mà ra.
Marvel không dùng sao để làm phim. Phim của họ sản sinh ra các ngôi sao.
2. X-Men: Một vũ trụ Marvel thu nhỏ
X-Men, một người anh em dị biệt của MCU cũng đang dần chập chững bước đi theo người anh của mình. Bỏ lại đống lùm xùm thiếu liên kết từ thời X-Men: First Class, Fox đã xóa sạch dòng thời gian từ đó trở đi bằng X-Men: Days Of Future Past. Trong tương lai, dị nhân bị loài người đàn áp toàn lực bằng những con rô bốt mạnh mẽ và đông như kiến cỏ được nghiên cứu từ Mystique, tất cả đều xảy ra vì sai lầm của Erik. Không còn cách nào khác, Logan buộc phải quay về quá khứ năm 1973 nhằm ngăn chặn điều đó xảy ra; may mắn thay, anh ấy thành công và mọi chuyện tốt đẹp trở lại.
"X-Men: Days Of Future Past" được đánh giá là một trong những phần phim X-Men hay nhất
Sau cú chuyển mình thành công, nhà làm phim X-Men bắt đầu quá trình gây dựng vũ trụ điện ảnh của mình bằng cách ra mắt những phim lẻ riêng về các siêu anh hùng. Khởi đầu là Logan, tuy đây là dấu chấm hết cho sự nghiệp dị nhân của Hugh Jackman song nó lại mở ra thời kì của một thế hệ dị nhân mới: những đứa trẻ trốn ra từ trại tập trung của tay bác sĩ điên. Deadpool cũng tương tự như vậy: nhóm X-Force. Cả ba bộ phim đều thành công vang dội, vì người ta vẫn yêu quí Logan còn Deadpool thì quá là bá đạo.
Gã bựa đã quay lại cùng với đó là sự xuất hiện của nhóm X-Force
Có thể nói bây giờ vũ trụ X-Men là một phiên bản thu nhỏ của MCU, Fox đang làm phim lẻ từ những sự kiện không thực sự liên quan lắm đến dòng chảy thời gian của X-Men (Deadpool là minh chứng cho điều này), một sự lộn xộn có chủ ý của họ. Những sự kiện ấy đều xuất phát từ truyện tranh, và chúng đều ngụ ý về một thế hệ dị nhân mới sắp xuất hiện và một tương lai xung đột gay gắt giữa dị nhân và con người (trại Essex trong Deadpool 2 và những đứa trẻ trốn chạy trong Logan).
Dù không chia Phase rõ ràng như Marvel nhưng X-Men cũng đang bước vào một giai đoạn mới và từng mảnh ghép đang được lắp ghép cho giai đoạn ấy. Đấy là đang nói nếu như Fox có thể yên ổn mà xây dựng vũ trụ của mình nếu không được/bị Disney nhúng tay vào. Dầu vậy, người ta vẫn khá lo lắng cho tương lai của vũ trụ non trẻ này vì trước mắt Deadpool coi như đã hoàn thành phim lẻ của mình, Logan đã khép lại loạt phim Người Sói còn X-Men: Dark Phoenix thì nghe nói tăm tối không để đâu cho hết. Điều này có thể dẫn tới sai lầm của vũ trụ điện ảnh ngay tiếp sau đây.
3. Một vũ trụ siêu anh hùng thiếu liên kết và hành trình bắt đầu lại của DC
Trái ngược với Marvel, Warner Bros lại chọn một hướng đi hoàn toàn khác. Họ bắt đầu bằng những siêu anh hùng bom tấn như Batman và Superman, trong khi đó Iron Man và Captain America không hẳn là con át chủ bài của Marvel. Cả người dơi lẫn người Kripton đều nổi đến mức có khi trẻ con còn thuộc mặt họ trước cả thuộc mặt ông bà. Hai nhân vật ấy đã được khai thác triệt để: ai mà chả muốn biết thêm về hai người hùng thời trẻ của mình chứ.
Batman và Superman là những nhân vật quá quen thuộc với tuổi thơ nhiều người
Cái mà WB muốn đó là những siêu anh hùng tên tuổi mà chỉ cần nhắc đến tên họ thôi là khán giả ùn ùn kéo đến, và họ đã rất thành công với bộ ba phim về Batman. Song việc tạo dựng thương hiệu cho siêu anh hùng như thế lại trái ngược hoàn toàn với việc tạo nên một vũ trụ điện ảnh, thành ra nhiều khi fan thậm chí chẳng nhận ra người hùng của họ khi lên phim. Vũ trụ DC thực sự rất đa dạng, phim lẻ DC cũng không đến nỗi nào nhưng tiếc thay lại thiếu đi sự gắn kết.
Watchman là phần phim kinh điển nhưng không liên quan gì mấy đến DCEU.
Zack Snyder không nghĩ như vậy. WB thuê ông ấy làm Man Of Steel (phim làm về Superman), và ngay lập tức ông ấy đã nghĩ đến một vũ trụ điện ảnh với Man Of Steel 2. Tuy nhiên Warner Bros lại thích Batman V Superman hơn, một cuộc đại chiến giữa hai siêu anh hùng top đầu có vẻ là một ý tưởng không chê vào đâu được nhưng kết cục như thế nào thì ai cũng rõ. Ngay sau đó, xưởng phim của anh em nhà Warner lại tung ra một cuộc tụ họp chả liên quan là Suicide Squad (Biệt Đội Cảm Tử) cũng với toàn những phản diện hàng đầu như Joker và Harley Quinn. Trừ Wonder Woman (sẽ giải thích sau), các dự án này đều mang lại doanh thu tương đối nhưng dường như lại không hề đóng góp gì cho một vũ trụ tổng hợp cả.
Zack Snyder và Justice Leage
Chính vì những kẽ hở trong mạch truyện như vậy mà Justice Leage, cuộc tụ họp đầu tiên của DC lại không được thành công như mong đợi. Khán giả thở dài ngán ngẩm với một bom tấn với quá nhiều sự thất vọng. Đã thế, Zack Snyder, kiến trúc sư của DC còn bị sa thải khi đang làm Justice Leage và thay thế ông là một đạo diễn Marvel kì cựu, Joss Whedon. Tinh thần về một vũ trụ "đen tối" theo kiểu Zack bị chắp vá bởi Joss, khiến bộ phim như là hai mảnh ghép lại vậy. Mặc dầu sau Justice Leage, WB đang lên kế hoạch cho phim lẻ về Aquaman và Shazam song có lẽ mọi chuyện đã đi chệch hướng mất rồi: không ai thực sự quan tâm đến Liên Minh Công Lý cả. Mọi nỗ lực khiến họ liên hệ với nhau chỉ càng khiến tình hình tệ đi.
Wonder Woman sẽ có phần hậu truyện ra mắt vào năm sau
Một trong những điểm sáng gần đây của DC có lẽ là Wonder Woman - nữ siêu nhân không chỉ cuốn hút mà còn có chút gì đó là liên hệ đến truyện tranh (lòng tốt luôn muốn giúp đỡ mọi người), nền tảng của tất cả các phim siêu anh hùng. Sự thành công của Wonder Woman cũng đang mở ra một hình mẫu mới cho WB: họ sẽ thuê một đạo diễn và yêu cầu ông ta phải có tầm nhìn cụ thể cho nhân vật. WB đang triển khai hàng loạt dự án, bao gồm hai phim lẻ mới về Joker và Batman. Tất cả đều chỉ ra rằng hãng phim của anh em nhà Warner đang dần quay nhịp trở lại để khỏi phụ lòng mong mỏi của fan. Tuy nhiên, với tiến độ hiện tại, có lẽ WB sẽ còn phải tốn thêm rất nhiều công sức để có thể đuổi kịp Marvel, vốn đã bước vào Phase 3 và sở hữu một ác nhân thành công như Thanos.
4. Đã đến lúc Disney nên ngưng "vắt sữa" và đầu tư vào vũ trụ Star Wars thì hơn
Một meme chế giễu nỗ lực vắt kiệt Star Wars của Disney.
Star Wars của Lucasfilm đã từng làm mưa làm gió một thời tại các phòng vé trên toàn thế giới suốt ba thập kỉ. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, khán giả phải đợi ba năm mới được xem một phần phim. Thực sự thì tư liệu về Star Wars là chưa bao giờ đủ, khán giả chưa bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn.
Sau khi Lucasfilm về tay Disney, ngôi nhà Mickey đã lên kế hoạch để thành lập một vũ trụ Star Wars mới kế thừa từ ngày xưa. Hệ thống nhân vật vẫn được giữ nguyên, và để cho khán giả hiểu rõ hơn về sự thay đổi này thì họ thay tên "Vũ trụ mở rộng" (Expanded Universe) bằng "Huyền thoại Star Wars" (Star Wars Legends). Disney bắt đầu học theo Marvel, họ cho ra mắt một ngoại truyện của Star Wars hồi năm 2016 để tạo dựng nền móng, hai phần phim chính và mấy ngày vừa qua là một phim ngoại truyện tiếp theo của Han Solo.
Ngoại truyện của Han Solo "sấp mặt" tại phòng vé cũng như bị giới phê bình chê tơi tả
Tuy nhiên, Disney đang đi sai hướng. Vấn đề của họ là ở chỗ người ta không thực sự quan tâm đến mấy sự kiện bên lề kiểu như ngoại truyện hay cuộc đời của Han Solo, cái mà người xem muốn là những cuộc chiến tranh ngân hà. "Người ta không thực sự yêu quí Han Solo; họ yêu quí Harrison Ford", Matt Singer của tờ Screenrush cho hay, "Ngoại truyện về Solo chẳng liên quan gì đến vũ trụ mở rộng cả". Disney thực sự cần cố gắng hơn rất nhiều để có thể tiếp tục lôi kéo người xem, thay vì chỉ tìm cách nhét cho họ những sản phẩm có gán mác "Star Wars".
Để khán giả "mặn nồng" trở lại với Chiến tranh giữa các vì sao, Disney cần nghiêm túc xem lại các chiến dịch "vắt sữa" của mình để tránh lặp lại sai lầm của Solo.
Như vậy, để có thể thành công được như Marvel, một vũ trụ cần phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: nguồn tư liệu phong phú (vấn đề của Star Wars), tuyến nhân vật liên kết chặt chẽ (vấn đề của DC) và tầm nhìn xuyên suốt cho họ (mới có Marvel làm được, DC đang chập chững làm theo). Marvel còn rất nhiều nhân vật chưa khai thác, cùng với đó là một kế hoạch phát triển hoàn hảo. Vì vậy dù MCU xứng đáng là tượng đài trong dòng phim vũ trụ tổng hợp cho bất cứ ai muốn dấn thân vào thể loại phim hấp dẫn và béo bở này thì những vũ trụ điện ảnh khác vẫn có rất nhiều cơ hội để toả sáng cho riêng mình.
Theo Trí Thức Trẻ
Đã đến lúc Marvel nên thừa nhận khái niệm "chết" chỉ mang tính tương đối Nếu không muốn bị chỉ trích là "chơi đùa với cảm xúc của khán giả" và rộng đường quảng cáo cho các phim sau này, có lẽ Marvel nên thừa nhận những cái chết trong "Infinity War" là tạm thời chăng? Marvel nên thừa nhận rằng bấy lâu nay họ cứ giả vờ rằng những cái chết trong Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc...