Mập mờ tiền đền bù GPMB quốc lộ 1A, nhiều hộ dân kêu cứu
Mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế về đất đai, song nhiều hộ dân tại thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn không thể nhận tiền đền bù.
Điều trớ trêu hơn, nếu muốn nhận tiền đền bù thì những hộ dân nói trên phải trích lại từ 20% đến 50% giá trị đền bù cho người trước đây đã bán đất cho họ. Câu chuyện trớ trêu này lại đang xảy ra tại với nhiều hộ dân ở tổ dân phố 9, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Nam tuyến tránh TP. Hà Tĩnh – Kỳ Anh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại quyết số 224/QĐ-BGTVT ngày 30/01/2011 do Sở GTVT làm chủ đầu tư được khởi công từ cuối tháng 7/2013. Thế nhưng, trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng hiện vẫn còn có nhiều khuất tất, mập mờ.
Cụ thể là đất của nhiều hộ gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về đất đai nhưng họ vẫn không được nhận tiền đền bù. Nếu muốn nhận tiền đền bù thì những hộ dân nói trên phải trích lại từ 20% đến 50% giá trị đền bù cho người trước đây đã bán đất dù những hộ này không hề có bất cứ giấy tờ và cũng không chứng minh được quyền lợi trên những mảnh đất ấy.
Điển hình là trường hợp của ông Đặng Văn Hóa ở tổ dân phố 9, thị trấn Cẩm Xuyên. Năm 1990, ông Hóa đã mua lại một diện tích đất của ông Đặng Văn Cương. Đây là diện tích đất tuyến một đã được làm giấy tờ đầy đủ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Hóa băn khoăn tại sao phải trích 20% cho người bán đất hay có sự thông đồng, móc nối nào đó?
Từ khi mua đất đến nay ông Hóa và nhiều hộ dân nơi đây vẫn sinh sống ổn định trên mảnh đất của mình, không có tranh chấp và thực hiện nộp thuế đất tuyến một hằng năm đầy đủ. Ngoài ra, ông Hóa cũng đã được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A lần 1 năm 1999.
Video đang HOT
Năm 2013 tiếp tục tiến hành đền bù, GPMB giai đoạn 2, căn cứ vào những hồ sơ, chứng cứ trên, tiểu ban GPMB thị trấn Cẩm Xuyên đã xem xét lập hồ sơ đền bù đưa lên Hội đồng GPMB huyện, tỉnh và đã được UBND tỉnh xét duyệt và niêm yết công khai tại UBND thị trấn và hội quán tổ dân phố. Tuy nhiên, đến ngày nhận tiền, ông Hóa mới ngớ người khi được thông báo là không được nhận tiền đền bù.
Ông Hóa cho biết: “Ngày đến nhận tiền thì Hội đồng GPMB huyện đưa ra là phải xem xét lại hồ sơ và việc xác định quyền sử dụng đất của các hộ trong phạm vi GPMB còn thiếu cơ sở. Tuy nhiên, đến nay đã nửa năm trôi qua gia đình tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng tiền đền bù nào cũng như câu trả lời từ huyện”.
Đó cũng là tình cảnh của anh Nam, bà Minh, bà Thanh… ở cùng tổ dân phố 9.
Trích lại 20%, người dân mới được nhận tiền đền bù
Quá bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu, những hộ dân này đã trực tiếp lên gặp Hội đồng GPMB để tìm câu trả lời thì nhận được câu trả lời là phải trích lại 20% giá trị tiền đền bù cho người bán đất trước đây thì mới nhận được tiền đền bù.
“Họ nói phải về thỏa thuận lại với người bán đất trước (tức là ông Cường) xong thì huyện mới trả lại tiền” ông Hóa nói.
Nghĩa là ông Hóa và anh Nam sẽ phải trích lại 20% giá trị tiền đền bù cho ông Cường, người đã bán đất cho họ trước đó (!).
Và cũng tương tự nhiều hộ dân khác, sau khi trích 20% số tiền đền bù cho người bán đất thì đã được Hội đồng GPMB huyện Cẩm Xuyên trả tiền.
Lý giải về vấn đề tại sao đến giây phút chót người dân mới biết là không nhận được tiền thì ông Bùi Quang Mai, Phó chủ tịch UBND – Chủ tịch HĐBT GPMB QL1A huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đó là do tiểu ban GPMB thị trấn làm trật”.
Tuy nhiên khi được dẫn giải Tiểu ban GPMB thị trấn là đơn vị lập hồ sơ kiểm kê nhưng chính ông là người đặt bút ký?. thì vị này phân trần: “Mỗi ngày có hàng trăm hồ sơ thì tôi làm sao kiểm tra hết được?”.
Đồng thời, một lý do mà vị Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB QL1A huyện Cẩm Xuyên đưa ra sở dĩ một số hộ nêu trên không nhận được tiền đền bù đó là vì giữa người bán đất (không có bất kỳ giấy tở nào) và người mua đất (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bìa xanh) chưa thỏa thuận được với nhau. Tức là chưa thống nhất được phương án phân chia tiền đền bù.
“Khi bán đất thì không có văn bản thỏa thuận bán phần đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông nên những người nêu trên muốn được đền bù thì phải có văn bản thỏa thuận với người bán”, ông Mai cho biết.
Và một thông tin PV đã điều tra được thì nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã đưa lại cho Hội đồng GPMB huyện 20% giá trị tiền đền bù. Và để hợp thức hóa, Hội đồng GPMB đã yêu cầu người dân ghi là nhờ huyện giữ?
Xuân Sinh – Anh Tấn
Theo Dantri
Đường sắt giảm giá cước vận chuyển hàng hóa từ 11/7
Từ ngày 11/7 - 30/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) thực hiện giảm giá cước phổ thông nguyên toa. Đây được xem là tín hiệu mới của ngành đường sắt trong việc thu hút vận chuyển hàng hóa khi đường bộ đang quá tải.
Cước vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ giảm từ 11/7 (Ảnh minh họa)
Theo đó, đối với hàng hóa xếp ở các ga trên khu đoạn Sài Gòn - Kim Liên theo chiều Bắc đi quá ga Kim Liên và hàng hóa xếp ở các ga phía Bắc vận chuyển vào phía Nam đến các ga trong khu đoạn từ ga Kim Liên đến ga Sài Gòn. Các đoàn tàu hàng chuyên tuyến chạy suốt (không phân biệt thành phần), khuyến mãi giảm 5% giá cước vận chuyển đoàn tàu. Không áp dụng giảm giá khuyến mãi đối với tàu chuyên tuyến cắt móc và tàu chuyên luồng.
ĐSVN cho biết, các hợp đồng vận tải hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến có thời hạn đến hết ngày 30/6/2014 được gia hạn đến hết 10/7. Việc ký hợp đồng từ ngày 11/7 sẽ ưu tiên đối với khách hàng trực tiếp (đơn vị trực tiếp sản xuất hoặc được nhà sản xuất ủy quyền) và các khách hàng truyền thống, có uy tín, đã hợp tác lâu năm với ngành đường sắt.
ĐSVN cũng giao các công ty vận tải thống nhất xây dựng phương án khai thác và chỉ đạo các ga Giáp Bát, Sóng Thần triển khai thí điểm việc vận chuyển từ kho đến kho, được áp dụng cơ chế như đối với tàu chuyên tuyến.
Ngoài ra, ĐSVN cũng điều chỉnh quy định về khấu trừ tiền cước vận chuyển, trong trường hợp do lỗi của khách hàng, khách hàng cố tình không làm hóa đơn gửi hàng để cho tàu chạy được coi là khách hàng tự ý bỏ tàu, ngoài số tiền cước vận chuyển, khách hàng còn phải chịu phạt 50% số tiền cước vận chuyển đoàn tàu đó. Trường hợp tàu về đến ga cuối chậm giờ so với biểu đồ chạy tàu do lỗi của đường sắt thì ở chiều ngược lại, cho phép lùi giờ tàu chạy ở ga xuất phát với khoảng thời gian đúng bằng thời gian tàu đến ga cuối chậm, đồng thời không phạt khách hàng gây chậm tàu. Nếu đủ điều kiện chạy tàu, cho phép tàu xuất phát tại ga lập tàu sớm giờ so với quy định để giảm thời gian đỗ đọng toa xe.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Phớt lệnh cấm, xe quá tải vẫn 'đông như trẩy hội' Mặc cho những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ GTVT để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ quá tải, xe tự cơi nới thùng, ở Hà Tĩnh, vấn nạn này vẫn diễn ra và những đoàn xe vẫn "chạy như chỗ không người". Sáng 29/6, lượng xe tải chở quá tải trọng trên QL 12C (huyện Kỳ Anh) có "ngớt"...