Mạo hiểm nghề ‘buôn tiền’ nơi cửa khẩu
Với chiếc túi da nhỏ gọn nhưng “chứa” tiền tỷ bên trong, những phụ nữ làm nghề đổi tiền ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai đang đánh bạc với trời khi cho vay nóng, thế chấp bằng miệng.
Sắp đến giờ đóng cửa khẩu, những người sống bằng nghề đổi tiền nhấp nhổm chờ đợi, lo sợ khi trót liều cho các chủ hàng vay nóng…
Thót ruột chờ tiền…
Không biết có phải do đặc thù công việc cần sự cẩn trọng, tỉ mẩn và thử lòng nhẫn nại mà những người làm nghề đổi tiền ở chợ cửa khẩu quốc tế Lào Cai toàn là nữ giới. Họ có thể là những người được cấp giấy phép hành nghề, ngồi trong khu vực được định sẵn tại nơi làm thủ tục xuất – nhập cảnh, hoặc tự bắc ghế ngồi dọc đường Nguyễn Huệ, đoạn gần cửa khẩu.
Theo quan sát của chúng tôi, hành trang của “chủ nợ” này rất giống nhau: từ bộ quần áo chống nắng, mũ mềm rộng vành, chiếc túi vải khoác vai ôm khư khư trước ngực, một cái hòm sắt nhỏ và chiếc ghế tựa,… Theo lời cô bán nước giải khát vỉa hè phố Nguyễn Huệ, trông họ đơn giản thế thôi chứ lúc nào trong người cũng có khoảng vài trăm triệu đến tỷ đồng.
Video đang HOT
Những phụ nữ làm nghề đổi tiền ngồi thành hàng dài trên phố Nguyễn Huệ.
Để kiểm chứng lời cô gái, chúng tôi tiến lại chỗ một chị dáng người đẫy đà xin đổi tiền nhân dân tệ (NDT) để sang Hà Khẩu mua hàng và được thông báo tỷ giá giao dịch trong ngày là 2.770 NDT (tương đương 1 triệu đồng). Lấy lý do đổi nhiều phải được giảm giá, chúng tôi nì nèo giá 2.700, nếu được sẽ đổi 100 vạn NDT (tương đương một tỷ đồng) nhưng người phụ nữ này không chấp nhận bởi chỉ bớt được cho mỗi triệu là 2 nghìn. Lướt nhanh cặp mắt sắc sảo lên người chúng tôi như để đánh giá “thượng đế”, chị ta hạ giọng “sẽ đổi với giá 2.768, không thấp hơn”. Rồi như không muốn mất khách, chị ta dụ chúng tôi cứ tạm vay một khoản tiền khoảng 5 vạn NDT, khi sang bên kia thiếu tiền thì liên lạc về, sẽ có người mang tiền đến đổi tận nơi.
Chị Nguyễn Thị Yến, người có “thâm niên” ở chợ tiền này, cho rằng muốn tồn tại được với nghề này phải biết mặt hết các loại tiền VND, NDT, USD và phải tinh mắt để tránh “mua” phải tiền giả. Là người Lào Cai lại có “thâm niên” trong nghề nên khách hàng của chị phần lớn là những bạn hàng quen biết, việc mua, đổi tiền phụ thuộc chủ yếu vào chữ tín.
Ngoài những chủ hàng lớn, chị Yến cũng đổi lẻ cho khách du lịch kiếm lời, thu tiền ngay trong ngày nhưng số tiền kiếm được “ngoài mối” không đều. Tuy nhiên, theo chị, không phải lúc nào sự tính toán cũng theo ý muốn mà nhiều khi phụ thuộc vào sự may mắn. Những đồng tiền chị bỏ ra phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ hàng và người vay tiền. Họ làm ăn có lãi thì chị cũng kiếm được chút đỉnh, nếu không thì tiền của chị lại bị “chốt sổ” dài ngày.
Cũng theo chị Yến, biết kinh doanh tiền là nghề may rủi nhưng do không có nghề nghiệp nên chấp nhận đánh bạc với số phận. Cũng chính vì đánh bạc với nghề mà sáng ra trông những người làm nghề đổi tiền thư thái bao nhiêu thì chiều đến, họ bồn chồn bấy nhiêu bởi đấy mới là lúc họ chốt hiệu quả làm ăn trong ngày. Chị Yến nói: “Làm nghề nào ăn nghề đó, sáng ra thì cố mà ăn uống chứ từ trưa đến chiều thì chỉ có uống nước rồi thót tim chờ xe hàng về. Hàng hóa về ít, con nợ không thấy đâu thì cầm chắc bị ghi nợ, bụng dạ nào mà ăn uống được. Nếu xe hàng của một doanh nghiệp bị ách lại kiểm tra, trong khi chủ hàng mặt méo xệch vì cầm chắc thua lỗ thì chúng tôi cũng khóc tu tu vì thêm một con nợ khó đòi”.
Được nghe và chứng kiến nhiều “pha” được – mất của người buôn tiền nhưng khi biết chúng tôi bày tỏ ý định muốn ra nhập đội quân này song vẫn e ngại vì sợ “ma cũ, ma mới”, cô hàng nước cười bảo cứ việc xách ghế ra ngồi vì “mối ai người đó giữ, đã thành luật rồi”. Bản thân cô gái này cũng dành dụm được vài trăm triệu gửi tiết kiệm, dự định hết kỳ hạn sẽ rút ra làm nghề đổi tiền, vừa nhàn vừa nhanh giàu.
Theo lời cô gái này, nếu chỉ đơn thuần làm người thu đổi tiền thì với mức chênh lệch khoảng vài nghìn đồng trên một triệu đồng thì thu nhập hàng ngày chỉ vài trăm ngàn, muốn giàu phải bạo tay cho vay nóng, vay nợ lãi và phải tinh để không bị lừa, không “dính” tiền giả. Không thế chấp, không giấy biên nhận, đưa tiền cho nhau vay dựa trên lòng tin và giao dịch lâu năm nên lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lừa, tuy nhiên tất cả những phụ nữ làm nghề này khi được hỏi đều không có ý định chuyển nghề bởi dù thế nào, cũng là “mỡ nó rán nó”.
… Nguy hiểm rình rập
Nếu chỉ đổi tiền một cách đơn thuần, không cho vay, nợ lãi thì với khoản thu nhập khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi ngày là niềm mơ ước của nhiều người nhưng với dân buôn tiền ở các cửa khẩu, mà điển hình là Lào Cai thì trông chờ vào khách du lịch thì chỉ đủ tiền “chè nước”. Muốn giữ được chân khách, có khách “ruột”, phải cho ký sổ nợ, phải cho vay nóng và để “nuôi” được vốn cho vay, phải huy động vốn. Dân buôn tiền ai cũng là con nợ, vay tiền của nhiều người để cho một vài kẻ vay và giàu lên hay phá sản đều phụ thuộc vào số ít người này.
Đã có nhiều trường hợp vì khách hàng phá sản mà tay trắng như bà Trần Thị H. ở thành phố Lào Cai. Bà H. từng được biết đến như một “cộm cán” trong giới đổi tiền, lượng tiền mặt lúc nào cũng có tới hàng tỷ đồng cho các doanh nghiệp cần vốn làm ăn. Thế nhưng, khi bà H vỡ nợ với tổng số lên tới hơn 5 tỷ đồng và cơ quan điều tra vào cuộc mới hay số tiền này được huy động từ nhiều hộ dân với lãi xuất 2%/tháng, cho vay lại 3%/ tháng để hưởng chênh lệch.
Một số người còn liều mạng sang cả chợ Hà Khẩu để đổi tiền cho khách du lịch.
Nhiều trường hợp khi doanh nghiệp phá sản, không có khả năng trả nợ, người đổi tiền đã tìm đến cái chết, coi đó như là cứu cánh cuối cùng để thoát những khoản nợ thường xuyên thúc ép. Chính vì cái nghề kiếm sống phụ thuộc vào sự may rủi của người khác đặt những phụ nữ này lúc nào cũng trong tình trạng bị các nguy cơ như phá sản, không có khả năng trả nợ…của các chủ doanh nghiệp làm cho tay trắng. Nói như những người làm nghề buôn tiền ở biên giới thì nghề đổi tiền chẳng khác nào “đánh bạc với trời”.
Ngoài việc chuyển tiền trực tiếp, hiện nay, những người làm nghề kinh doanh tiền ở chợ cửa khẩu Lào Cai còn thực hiện việc chuyển tiền qua hệ thống tài khoản, thậm chí sang cả thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) để hành nghề. Sự liều lĩnh đã khiến không ít người bị lừa những cú đậm, thậm chí trở thành mục tiêu cho bọn cướp nhòm ngó. Điển hình như bà V. ở Lào Cai, khi được khách hàng ở Trung Quốc đặt vấn đề đã liều chuyển tiền qua biên giới, rồi trong chốt lát, trở thành tay trắng chỉ vì uống cốc nước do vị khách đổi tiền đưa cho.
Nguy hiểm rình rập nhưng có lẽ do sức hấp dẫn của đồng tiền, tính được lợi nhuận ngay trong ngày mà không phải nghề nào cũng làm được nên số người gia nhập đội quân đổi tiền không hề giảm mà có chiều hướng tăng lên với phạm vi hoạt động không chỉ khu vực cửa khẩu mà chạy dài trên phố Nguyễn Huệ và sang cả bên kia biên giới.
Theo Đất Việt