Mạo danh tù nhân, 3 phụ nữ chiếm đoạt 1,2 triệu USD tiền cứu trợ Covid-19
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 3 phụ nữ tại California lừa đảo để nhiều lần nhận trợ cấp thất nghiệp từ gói cứu trợ trong đại dịch Covid-19.
Sở Phát triển nhân dụng (EDD) bang California bị 3 phụ nữ lừa chi 1,2 triệu USD ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FOX NEWS
Đài Fox News ngày 11.4 đưa tin 3 phụ nữ tại bang California (Mỹ) đã bị bắt và bị truy tố về cáo buộc lừa đảo để nhận tổng cộng 1,2 triệu USD tiền cứu trợ trong đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Tư pháp, thủ đoạn của 3 đối tượng tại khu Inland Empire đã gây thiệt hại ít nhất 345.000 USD từ ngân sách liên bang cấp cho California, với phần còn lại là từ ngân sách bang.
Nhóm phụ nữ bị truy tố gồm Sequoia Edwards (35 tuổi), Mireya Ramos (42 tuổi) và Paris Thomas (33) với cáo buộc lừa dối Sở Phát triển nhân dụng (EDD) bang California.
Riêng bà Edwards nhận 455.000 USD, sau khi nộp 27 đơn thất nghiệp trong 2 tháng vào năm ngoái. Trong số đó có 6 thông tin danh tính của những tù nhân mà bà nhận được thông qua một người họ hàng hiện đang thụ án tù giam.
Khám xét nhà bà Edwards, các đặc vụ FBI còn tìm thấy nhiều thẻ ghi nợ do EDD cấp và 45.000 USD tiền mặt.
Tương tự, bà Ramos nhận 353.532 USD tiền trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch Covid-19, sau khi nộp đơn 37 lần. Bộ Tư pháp lưu ý rằng phần lớn các đơn sử dụng danh tính những tù nhân được cung cấp bởi bạn trai bà hiện đang thụ án chung thân.
Còn trường hợp bà Thomas đã nộp đơn 49 lần và được nhận hơn 440.000 USD từ tháng 6-12.2020. Các đối tượng này hiện đối diện án tù giam lên đến 30 năm vì lừa đảo liên quan đến cứu trợ khẩn cấp trong đại dịch Covid-19, bên cạnh mức tối đa 20 năm vì lừa đảo qua hình thức điện tử.
Đến nay, bang California nhận được hơn 150.000 tỉ USD từ ngân sách liên bang nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và tình trạng thất nghiệp cao. Giới chức bang này cho biết bang đã chi trợ cấp thất nghiệp sai đối tượng với số tiền lên đến 31 tỉ USD.
Video đang HOT
Mạo danh Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo thi chứng chỉ bao đậu
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, ai quảng cáo thi chứng chỉ Anh văn cam kết đậu là mạo danh nhà trường.
Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của người dân chuyển tới cho biết rằng, họ tham gia tổ chức ôn và thi chứng chỉ Anh văn 6 bậc (VSTEP) theo chuẩn mới được giới thiệu là do trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (BUH). Theo phản ánh của bạn đọc thì có rất nhiều sai phạm.
Một khóa ôn và lệ phí thi lên đến 15 triệu đồng
Theo đó, bạn đọc phản ánh, nhà trường phối hợp với rất nhiều công ty, tổ chức ở bên ngoài tổ chức các lớp ôn không đạt chuẩn, dạy online cho học viên. Các khóa học ôn và lệ phí thi lên đến từ 15 đến 20 triệu đồng.
Nếu học viên bận quá thì không cần đi học ôn. Công ty môi giới sẽ gửi hồ sơ qua hội đồng, để nơi này ghi chú lại. Khi đi thi thì chỉ cần chép lại một số mẫu có sẵn, không cần quan tâm đề thi là gì để đánh dấu là học viên của trung tâm thì đều được chấm qua.
Mỗi khóa thi có hàng trăm học viên, nên số tiền thu được là rất lớn. Thí sinh của Trung tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngân hàng luôn được chấm thi ưu ái hơn thí sinh tự do.
Sinh viên của BUH thành phố Hồ Chí Minh, nếu muốn tốt nghiệp thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ do trường cấp, không được thi các chứng chỉ của trường khác.
Trong khi đó, việc thi chứng chỉ Anh văn 6 bậc do Bộ Giáo dục cấp rất nghiêm túc. Tất cả việc thi này đều thực hiện trên máy tính, có phần mềm chấm điểm.
Một mẩu quảng cáo về thi chứng chỉ ngoại ngữ cam kết đầu ra (ảnh chụp màn hình)
Vào vai người cần chứng chỉ Anh văn B1, phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua số 09818xxxxx, gặp thầy Phương, người tự xưng là đối tác liên kết với Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Phương nói mình đến từ một Trung tâm Ngoại ngữ có 2 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 cơ sở tại thành phố Cần Thơ.
Theo thầy Phương, hiện chứng chỉ Anh văn B1 đang ôn của 4 trường đại học tại thành phố, trong đó có trường Đại học Ngân hàng.
Lịch ôn là 1 tuần 2 buổi học trực tiếp, 2 buổi học online (thường là vào buổi tối). Muốn thi thì cần đi ôn từ 4 đến 6 buổi.
Học phí ôn là 9,8 triệu đồng (bao gồm cả lệ phí thi) của 3 trường đại học, còn học phí ôn của BUH là 15 triệu đồng (bao gồm cả lệ phí thi).
Nói về lý do học phí ôn của trường này cao hơn những trường còn lại, thầy Phương lý giải: Thường tỷ lệ đậu của trường này cao hơn những trường kia, từ 90% trở lên.
Học viên sẽ được học ôn cho tới khi nào đậu thì thôi, cứ có đi ôn là sẽ đậu, đi ôn vài buổi thôi. Riêng của Trường Đại học Ngân hàng là sẽ học ôn tại trường, còn những trường kia thì sẽ học ở trung tâm.
BUH sẽ có lịch ôn riêng (giáo viên trường dạy), còn trung tâm nhận học viên và liên kết với các trường để tổ chức thi.
Nhà trưởng khẳng định đây là hành vi mạo danh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà trường hoàn toàn không có liên kết với bất kỳ trung tâm nào trong việc ôn thi, cấp các loại chứng chỉ Anh văn.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung chia sẻ: Những điều thầy Phương nói như ở trên hoàn toàn là sai sư thật. Chỉ đi ôn 4, 5 ngày không thể nào đậu được.
Trung tâm của trường tổ chức ôn thi trong 4 tuần, mỗi tuần học 4 đến 6 buổi, trong đó có cả học onine khoảng 2 buổi.
Học phí ôn của trường là 4,5 triệu đồng/lớp, còn học 2 lớp là 9 triệu. Lệ phí thi là 1,8 triệu đồng (thí sinh tự do) còn sinh viên trường được giảm thêm 300 ngàn đồng/em.
Lãnh đạo trường nhấn mạnh: Chắc chắn là không thể nào cam kết đầu ra như lời quảng cáo được.
Thông báo mới nhất nói BUH không liên kết với bất kỳ đơn vị nào ngoài trường (ảnh: P.L)
Tuy nhiên, thầy Trung chia sẻ rằng: Trường có một chính sách cho học viên là chỉ cần đóng học phí ôn 1 lần. Nếu thi rớt thì sẽ không cần phải đóng tiền ôn nữa, mà được chọn thầy để tiếp tục ôn lại, còn lệ phí thi thì phải đóng tiếp.
Thầy Nguyễn Đức Trung nói: Tỷ lệ đậu của trường thường vào khoảng từ 60 đến 72%, cao nhất trong tất cả các trường đại học có tổ chức. Nguyên nhân là do phần lớn đối tượng thi là sinh viên của trường, đã có nền tảng kiến thức Anh văn sẵn có.
Đại diện cho BUH nói tiếp: Việc thi này đề là do Bộ Giáo dục ra, phần mềm cũng của Bộ, thi cũng có cán bộ của Bộ vào giám sát. Thi thì trên máy tính, một số kỹ năng có kết quả ngay, một số giáo viên chấm kết quả sau, nên chắc chắn không ai dám bao đậu.
Nói về việc sinh viên của trường phải có chứng chỉ Anh văn do BUH cấp, thầy Nguyễn Đức Trung lý giải: Sinh viên của trường phải có một trong số những chứng chỉ sau thì mới được tốt nghiệp như IELTS, TOEFL iBT hay VSTEP (chứng chỉ ngoại ngữ do trường cấp) hoặc có thể là TOEIC.
Về việc không được sử dụng chứng chỉ do trường khác cấp, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung nói rằng, mỗi trường có một chuẩn đầu ra, có một quy định về học thuật hay quan điểm cũng khác nhau.
Ngày 18/2, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng của BUH cũng đã ký thông báo 140/ĐHNH, trong đó có phần nội dung đã khẳng định: Nhà trường không có liên kết với bất cứ đơn vị nào ngoài trường trong việc tổ chức các lớp ôn tập kiến thức, ghi danh và đăng ký thi tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (VSTEP) dùng cho Việt Nam.
Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo ngân sách mở đường cho gói cứu trợ COVID-19 Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, Hạ viện nước này ngày 5/2 đã thông qua một dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa. Quang cảnh một...