Manh mối vụ mất tích MiG-21 bí ẩn
Trước Tết Nguyên đán, vụ chiếc MiG-21 mang theo hai phi công mất tích bí ẩn từ nửa thế kỷ trước bỗng được xới lại với những manh mối ban đầu khá xác thực…
Sự kiện chiếc MiG-21 mất tích năm 1971 không chỉ gây bàng hoàng cho lớp phi công trẻ Trung đoàn Không quân 921 đang háo hức đợi trở lại bầu trời, nó còn làm sụp đổ niềm hạnh phúc của gia đình Công Phương Thảo khi anh vừa tốt nghiệp lớp phi công tiêm kích ở Liên Xô trở về.
Cuộc điện thoại bất ngờ
Ông Công Văn Mão, anh con bác và là người đảm đương việc thờ cúng liệt sĩ Công Phương Thảo, cha của Thảo (cũng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp) và cả mẹ của Thảo, sau này được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy.
“Đấy là một ngày tháng 5.1971. Tôi đang ở nhà thì có người bên không quân đến. Họ báo tin chú Thảo hy sinh, máy bay mất tích, không tìm được thi thể. Mẹ tôi khóc nấc lên. Buồn lắm, chú ấy đang là niềm vinh dự của cả gia đình…”.
Biết là trong hoàn cảnh chiến tranh, máy bay Mỹ leo thang đánh phá khắp miền Bắc, việc tìm kiếm hài cốt người thân là không thể nên gia đình cũng chấp nhận. Về sau này, khi đất nước thống nhất, một lần gia đình ông Mão liên hệ Quân chủng Phòng không-Không quân hỏi thì được trả lời là vẫn đang tìm, chưa ra.
“Chúng tôi cũng không ý kiến gì đâu. Chiến tranh mà, bao nhiêu gia đình mất chồng, mất con, liệt sĩ mộ gió chứ đâu phải chỉ nhà mình. Với lại chế độ chăm sóc, thăm hỏi gia đình liệt sĩ của bên không quân thì có lẽ không binh chủng nào hơn” – ông Mão, người sau này cũng vào bộ đội, đóng quân ở biên giới phía Bắc những năm còn căng thẳng, tâm sự với PV tối 4.3.
Mọi việc dường như chỉ còn trong ký ức thì khoảng hai tháng trước Tết Nguyên đán 2018 vừa rồi, gia đình ông Mão nhận được mấy cuộc điện thoại, của cả người trong nước và một người Nga, thông qua phiên dịch, hỏi thăm. Họ chủ yếu tìm hiểu có phải đây là gia đình phi công Công Phương Thảo không. Hoàn cảnh hy sinh thế nào. Gia đình có được thông báo gì không và có tìm được hài cốt liệt sĩ không. “Tuần trước, mấy người trong xóm nói lại là trên mạng, Facebook gì đó bảo tìm thấy mảnh xác máy bay chú Thảo rồi. Vậy là gia đình tôi lại hy vọng…”.
TS toán học Nguyễn Lê Anh cho biết anh có gọi điện thoại tới nhà ông Mão. “Lúc đó mình cảm xúc với câu chuyện người cháu gái tìm kiếm thông tin người ông Poyarkov, chuyên gia hướng dẫn bay Liên Xô cho không quân ta thời chống Mỹ. Qua các manh mối các bác phi công thời ấy, mình alô cho gia đình anh Thảo, cốt để xác định chắc chắn hơn là có việc mất tích không. Vậy thôi”.
Nhưng càng có thêm thông tin về vụ mất tích bí ẩn này, Nguyễn Lê Anh cùng các bạn đồng học thời Liên Xô cũ càng thêm tò mò. Các cuộc trao đổi, thảo luận trên Facebook, kết nối thông tin từ nhóm người Nga có chung mối quan tâm có nhiều ý kiến kêu gọi một cuộc tìm kiếm.
Ông Nguyễn Lê Anh (cầm điện thoại) cùng những người bạn mang mảnh vỡ máy bay bàn giao cho Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tính toán của TS Nguyễn Lê Anh về hướng bay đi, bay về của chiếc MiG-21, cắt chéo dãy Tam Đảo. Va chạm có thể đã xảy ra ở mỏm núi cao nào đó trên dãy núi kéo dài này. Ảnh: TS Nguyễn Lê Anh cung cấp
Video đang HOT
Mảnh vỡ máy bay nghi của chiếc MiG-21 do nhóm TS Nguyễn Lê Anh tìm được. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tấm bản đồ bay ngả màu xưa cũ
Một địa chỉ được tìm đến là Đại tá Nguyễn Khánh Duy, giờ nghỉ hưu, ở gần Bảo tàng Không quân Bạch Mai, Hà Nội. Ông là bạn cùng lớp bên Liên Xô với Công Phương Thảo, rồi cùng về huấn luyện để trở thành phi công chiến đấu thực thụ tại Trung đoàn Không quân 921.
“3/4 thời gian phục vụ quân đội của tôi là ở 921. Từ phi công mới tốt nghiệp bay cơ bản ở Liên Xô, về đây huấn luyện trở thành phi công chuyên bay đêm, đánh đêm, trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ… cho đến sau này là trung đoàn phó, rồi lên quân chủng thì tôi gắn bó 18 năm với 921. Có lẽ vì vậy mà cậu Nguyễn Lê Anh tìm đến” – ông Duy phán đoán.
Những cuộc điện thoại dài, những cuộc gặp trực tiếp với phi công Phạm Tuân, người cũng được học chuyển loại từ MiG-17 lên MiG-21 ở Trung đoàn 921 trước đợt Công Phương Thảo, rồi với cựu phi công Khánh Duy và nhiều đầu mối thông tin khác từ các lính bay ngày trước đã cung cấp cho Nguyễn Lê Anh khá nhiều thông tin quan trọng, gợi mở hướng tìm hiểu sự việc.
“Tôi được tiếp cận những bản đồ bay đã ngả màu, rất cũ. Nếu so với Google Map giờ thì đồ cổ ấy thua xa. Nhưng các anh ấy giảng giải về quy trình bay huấn luyện, bay kèm ở sân bay Đa Phúc thì mình dần hiểu hoàn cảnh của chuyến bay ngày 30.4.1971 của anh Thảo và chuyên gia hướng dẫn bay Poyarkov” – ông Nguyễn Lê Anh, cựu giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, kể.
Từ những mảnh ghép thông tin rời rạc, vị tiến sĩ toán học đưa ra các suy luận logic, xác định hành trình bay của chiếc MiG-21 gần nửa thế kỷ trước. Khu vực thực hiện bài bay làm quen, từ chuyên môn của phi công, mà liệt sĩ Thảo và người thầy Poyarkov thực hiện hôm ấy có bán kính chừng 10 km, tâm là xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Khu vực bay này nằm phía Đông Bắc dãy núi Tam Đảo và như thế khi hoàn thành bài tập, quay trở về sân bay Đa Phúc nằm phía Nam, chiếc máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi phải xuyên cắt qua khu vực đồi núi trùng điệp, hoang vắng, kéo dài 80km này.
Một số thông tin hữu ích giúp Nguyễn Lê Anh tiếp tục định hướng tính toán. Chẳng hạn, lượng xăng cho bài tập ở khu vực này chỉ vừa đủ bay khoảng 30 phút, thông tin cuối cùng đài chỉ huy nhận được là Công Phương Thảo xin phép bay về, tức là đã hoàn thành bài tập…
Ngoài chuyên môn toán học, Nguyễn Lê Anh, trong phom người đậm, chắc từ lâu còn có đam mê leo núi mà rất ngẫu nhiên Tam Đảo là địa hình khá quen thuộc. Kết hợp tất cả, anh xác lập được hai giả thiết, tương ứng là vị trí hai triền núi thuộc dãy núi này.
Câu chuyện ngày mùng 1 Tết
Nếu chỉ có những mẩu thông tin sơ sài ấy, với các giả thiết khoa học đến mấy thì cũng chưa thể tiến hành một cuộc tìm kiếm trên thực địa. Mọi việc đang lúc tắc tị thì trên Facebook, Nguyễn Lê Anh nhận được tin nhắn từ nick Đặng Tuấn.
Đó là anh Đặng Minh Tuấn, trú xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên, ngay dưới chân Tam Đảo. Kể lại với Pháp Luật TP.HCM, Tuấn cho biết đúng ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất vừa rồi, bên chén rượu đầu năm mới, anh vô tình nghe các bậc cha, chú trong làng kể chuyện từng “xẻ thịt” một máy bay rơi trên một điểm cao của dãy Tam Đảo mấy chục năm trước.
“Nghe thoang thoáng vậy thôi nhưng tôi tò mò nên vào Internet tìm kiếm. Vậy là tìm thấy cuộc thảo luận của nick Nguyen Leanh (tức Nguyễn Lê Anh). Coi mấy giả thiết, lập luận mà bác ấy đưa ra, thấy có thể liên quan đến chuyện mình nghe các cụ trong làng kể lại nên tôi chia sẻ với bác ấy” – Tuấn thuật lại: “Có lẽ do duyên số!”.
Về phía Nguyễn Lê Anh, thông tin tìm hiểu được sau đó từ những người dân xã Mỹ Yên mà Tuấn giới thiệu quý như vàng. Nó rất gần, rất khớp với giả thiết mà anh đặt ra dựa trên những tính toán của mình.
Vậy là một cuộc tìm kiếm trên thực địa được gấp rút chuẩn bị. Ngày khởi hành được ấn định 23.2, tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch…
(Còn tiếp)
Theo Nghĩa Nhân – Tuyến Phan (PLO)
Phi công Công Phương Thảo và chuyến bay định mệnh
Chuyến bay đầu tiên của phi công tài hoa Công Phương Thảo với chuyên gia Liên Xô Poyarkov trên chiếc UMiG-21 mang theo nhiều kỳ vọng cho bạn cùng trang lứa, nhưng...
Tối 2.3, qua các đồng đội cũ ở Trung đoàn không quân 921, PV đã lần tìm đến gia đình liệt sĩ, phi công Công Phương Thảo. Trong một ngõ nhỏ gần đình Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội là mảnh đất của họ Công Phương - một chi họ Công lớn của vùng này.
Người con của liệt sĩ chống Pháp
Tiếp chúng tôi bên bàn trà, ngay trong gian thờ gia đình, ông Công Văn Mão, người thờ cúng liệt sĩ Công Phương Thảo, chậm rãi kể về cậu em trai con chú. "Bố chú Thảo là em ruột cha tôi. Chú ấy sinh năm 1948 thì chưa đầy hai năm sau bố hy sinh, giờ phần mộ nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch. Rồi hơn năm sau bà mẹ cũng đi theo... Bố mẹ tôi nhận chú Thảo về nuôi như con đẻ trong nhà".
Là con út trong gia đình năm người con, hình ảnh sau gần nửa thế kỷ của ông Mão về em họ hơn mình 14 tuổi là một người cao lớn, đẹp trai. Nhà đông con, lại khó khăn nên vừa học xong lớp 10/10, năm 1966, Công Phương Thảo đi làm công nhân nhà máy bóng đèn. Được mấy tháng thì quân đội về khám tuyển sức khỏe đi học phi công ở Liên Xô.
"Hồi ấy cả xã có hai người trúng phi công thì Thảo là phi công tiêm kích, anh kia lái trực thăng. Thế nên cha mẹ và cả bọn trẻ như tôi vinh dự lắm, oách lắm".
Giới thiệu tấm ảnh lớn, dưới có dòng chữ "Đoàn bay tại Liên Xô 1967-1970", ông Mão kể cuối năm 1970, Công Phương Thảo về nước. Đóng quân trên căn cứ Đa Phúc, nay là sân bay Nội Bài, lâu lâu được về thăm nhà. Năm ấy anh phi công trẻ có một Tết đầm ấm với gia đình...
Học viên xuất sắc
Trong tấm ảnh tập thể ấy, hàng ngồi có một học viên tên Nguyễn Khánh Duy. Trò chuyện với PV trong căn nhà cách Bảo tàng Không quân mấy bước chân, cựu phi công 72 tuổi vẫn ấn tượng với cậu bạn đồng học Công Phương Thảo: "Cậu ấy bay giỏi lắm!".
Ông Duy ở huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), cùng trúng tuyển một đợt học phi công với Công Phương Thảo. Cùng chung chuyến tàu liên vận qua Trung Quốc, sang Liên Xô học phi công hơn 100 học viên, đến cuối khóa chỉ có 25 anh em tốt nghiệp phi công phản lực (trong tấm ảnh tập thể là 27, bao gồm cả một trưởng đoàn học viên và một giáo viên Liên Xô).
Sau những đợt sàng lọc gắt gao, đoàn học viên Việt Nam, phiên hiệu đoàn bay 358, được đưa về chung một phi đội, cùng ăn ở, sinh hoạt, học tập dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, vô tư, đúng tinh thần quốc tế vô sản của những người thầy - chuyên gia Liên Xô.
Trong trí nhớ ông Duy, cậu bạn Công Phương Thảo là một học viên xuất sắc: "Bọn mình đầu tiên học lái L-29, máy bay phản lực huấn luyện, tốc độ cận âm, gần bằng MiG-17. Sau khi vững rồi thì được chuyển thẳng lên học bay MiG-21. Đây là lớp thứ hai của ta được học thẳng lên loại máy bay hiện đại này, còn trước đó chỉ được học MiG-17 hoặc qua MiG-17 mới tiếp tục lên MiG-21. Hồi đấy Liên Xô có MiG-23 rồi nhưng bọn tôi chưa bao giờ thấy cả. Họ vẫn giữ bí mật lắm...
Người thân của phi công Công Phương Thảo - ông Công Văn Mão (trái) chia sẻ nhiều câu chuyện với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ảnh kỷ niệm đoàn bay tại Liên Xô (Đoàn 358, khóa 1967-1970). Liệt sĩ Công Phương Thảo hàng đứng, thứ sáu từ trái sang; hàng ngồi, thứ hai trái sang là đồng đội Nguyễn Khánh Duy. (Ảnh do gia đình liệt sĩ Công Phương Thảo cung cấp)
Niềm hy vọng của lớp phi công trẻ
Nhưng đấy mới chỉ là tấm bằng phi công cơ bản. Về nước tháng 10.1970, công việc đầu tiên của những phi công trẻ đang háo hức ra trận là phải huấn luyện mặt đất. Đấy là những tháng ngày học chính trị, tập luyện thể lực, làm quen với môi trường khí hậu quê nhà khác xa với nước bạn. Rồi các phi công trẻ làm quen với các cơ sở vật chất dưới đất như đường băng, sân đỗ, khu hậu cần kỹ thuật. Vừa ôn luyện lại lý thuyết vừa nghiên cứu địa hình, khí hậu các khu vực bay lân cận.
Trong điều kiện thời chiến, lớp phi công đàn anh vừa phải trực chiến, vừa tranh thủ thời gian kèm cặp, hướng dẫn lớp đàn em. Máy bay huấn luyện là loại hai chỗ ngồi, một cho thầy, một cho trò, ký hiệu UMiG-21 (MiG-21 là tiêm kích chiến đấu, một chỗ ngồi) lại không nhiều nên mọi người cứ phải đợi, xếp hàng chờ bay.
Trong hoàn cảnh ấy, các nguyên tắc ưu tiên như hồi ở Liên Xô cũng được áp dụng. Công Phương Thảo với thành tích huấn luyện giỏi, được chọn làm người đầu tiên trở lại bầu trời dưới sự kèm cặp của chuyên gia Poyarkov Yuri Nikolaevich.
"Đấy là chuyến bay đầu tiên của Thảo sau khi về nước, cũng là bài tập bay thực tế đầu tiên của chúng tôi trong quá trình huấn luyện để từ phi công cơ bản thành phi công chiến đấu. Trong nghề gọi là bài tập bay làm quen: Quen địa hình, quen khí hậu, cũng là làm quen trở lại với máy bay mà sau một thời gian dài huấn luyện mặt đất, anh em phi công bị dãn cách bay phải làm quen trở lại" - cựu phi công Nguyễn Khánh Duy kể.
Vậy nên chuyến bay đầu tiên của Thảo với chuyên gia Poyarkov mang theo nhiều kỳ vọng cho bạn cùng trang lứa.
Khoảng 10h sáng 30.4.1971, chiếc UMiG-21 cùng Thảo và người chuyên gia Liên Xô mang theo kỳ vọng ấy lên bầu trời. Nhưng hơn 30 phút sau, quá thời gian kế hoạch, không thấy trở về...
"Tàu bay của Thảo mất tích. Tin dữ loang ra. Cả Trung đoàn 921 hoang mang, nhất là lớp phi công trẻ chúng tôi, đang háo hức tập luyện để sớm bảo vệ vùng trời Tổ quốc" - giọng ông Duy chùng xuống...
Người thầy của anh hùng Phạm TuânTrên số báo hôm qua, chúng tôi đã giới thiệu về vụ mất tích của máy bay UMiG-21 từ năm 1971 cùng hành trình tìm kiếm thông tin liên quan trong thời gian vừa qua. Trên chuyến bay ấy có hai phi công là anh Công Phương Thảo và chuyên gia Liên Xô, Đại úy Poyarkov Yuri Nikolaevich.Ông Poyarkov là một trong nhiều phi công giỏi được chính phủ Liên Xô cử sang hỗ trợ không quân Việt Nam. Ông là thầy bay kèm trực tiếp cho cả thế hệ phi công đàn anh của Công Phương Thảo. Trong số đó có anh hùng Phạm Tuân, một phi công xuất sắc của MiG-17 được chọn để chuyển loại lên MiG-21 hiện đại hơn.
(Còn tiếp)
Theo Nghĩa Nhân - Tuyến Phan (PLO)
Israel dùng mỹ nhân bắt tiêm kích MiG-21 bay từ Iraq sang "nộp mạng" Vụ việc thành công của Israel được cho là giúp Không quân Mỹ tìm ra cách đối phó với tiêm kích MiG-21 trong những cuộc không chiến sau này. Siêu mẫu Bar Refaeli đóng vai nữ đặc vụ Mossad trong chiến dịch ám sát cựu thủ lĩnh Hamas Mahmoud al-Mabhouh. Cách đây hơn 51 năm, tình báo Israel khởi động chiến dịch Kim...