Mạng xã hội và tương lai không còn ‘like’
Cho phép người dùng bấm “like” (thích) nội dung lẫn nhau và thu hút người theo dõi, người đăng ký (follower, subscriber) là những tính năng mạng xã hội nào cũng có.
Ảnh: blog.journey.cloud
Nhưng liệu người dùng có hạnh phúc hơn trong một thế giới mạng xã hội không còn các thước đo như lượt thích, số lượng người hâm mộ?
Những hiện tượng chỉ có trong thời mạng xã hội như câu like bất chấp, giành giật lượt người theo dõi, hay so đo lượt like của nhau, vốn không còn là chuyện vô hại, mà ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của người dùng, đã đặt ra vấn đề làm sao để người dùng thôi ám ảnh bởi like.
Nút like nhiều tội
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Sức khỏe công cộng Hoàng gia Vương quốc Anh (RSHP), nút like được xem là tính năng độc hại thứ hai trên mạng xã hội, chỉ xếp sau “nội dung gây khó chịu”.
Nguyên nhân là vì like đã tạo ra nếp nghĩ ai có nhiều like tức là người được yêu thích; và ngược lại, những người không được like nhiều sẽ có cảm tưởng không ai yêu mến mình. Từ đó dẫn đến hiện tượng câu like bất chấp, khi người ta sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả những điều điên rồ nhất, chỉ để có nhiều like.
Một vấn đề khác của thời smartphone là các thông báo (notification) liên tục từ mạng xã hội, buộc người dùng cứ phải chăm chăm vào điện thoại, không dứt ra được dòng chảy thông tin cập nhật liên tục trên thế giới ảo.
Thế nhưng, theo thăm dò của RSHP (thực hiện trên 2.000 người dùng mạng xã hội, gồm cả người trưởng thành và vị thành niên), thông báo đỡ “độc hại” hơn like vì ai cũng có thể chọn không hiển thị thông báo nữa, trong khi like là tính năng mặc định của mọi mạng xã hội.
Cứ vào mạng là thấy tràn ngập các con số – lượt like, bình luận, chia sẻ – và điều không may là tâm lý con người thường để các con số ám ảnh. “Khi nhìn vào các con số phản ánh mức độ tương tác xã hội của mình, chúng ta khó có thể không mong muốn rằng các con số đó càng cao càng tốt” – Ben Grosser, giáo sư Đại học Illinois, nói với báo Anh The Telegraph.
Là chuyên gia nghiên cứu tác động văn hóa của các sản phẩm công nghệ, Grosser cho rằng con người vốn luôn mong muốn bản thân có giá trị trong mắt người khác, và mạng xã hội với nút like khiến giá trị đó có thể lượng hóa rõ ràng hơn bao giờ hết.
Theo Grosser, chúng ta bị chính các con số chi phối và lúc nào cũng mong muốn chúng lớn hơn. Nếu bức ảnh ta đăng lên Facebook được 10 like, ta sẽ chờ nó tăng lên 11 like. Ta có 100 người theo dõi trên Instagram, nhưng nếu con số là 200 người thì chẳng phải rất tuyệt hay sao?
Đồng quan điểm, Mark Griffiths, chuyên gia tâm lý Đại học Nottingham Trent, cho rằng số like ta có được trên mạng xã hội cũng giống số điểm ta đạt được trong trò chơi điện tử, dù thấp hay cao thì ta vẫn cứ tiêu tốn thời gian cho nó.
Nếu ta vốn có nhiều like, ta sẽ luôn muốn lặp lại thành tích đó, hoặc hơn nữa. Nếu ta đăng gì lên Facebook cũng “ế” like, ta lại phải nghĩ cách làm gì đó để “cải thiện thành tích”.
Theo nghiên cứu của Griffiths, người dùng mạng xã hội trẻ tuổi luôn ganh đua với bạn bè cùng lứa qua số like. “Nếu bạn đăng một tấm ảnh selfie và được 300 like, tự nhiên bạn sẽ thấy bản thân mình thật oách, song nếu bức ảnh đó chỉ được 3 người bấm like, bạn sẽ cảm thấy buồn phiền và suy sụp” – Griffiths nói với The Telegraph.
Tương lai không còn like
Xem ra số lượt like thật lắm tội tình. Vậy một mạng xã hội không còn đầy rẫy các con số đo độ yêu thích – vốn dĩ không hề chính xác – sẽ như thế nào? Không còn việc vừa đăng gì xong lên mạng thì cứ liên tục dòm điện thoại để xem “được bao nhiêu like rồi”, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn hay thấy… thiếu thiếu thứ gì đó quen thuộc?
Công bằng mà nói, các thước đo như số like và lượng người theo dõi có vai trò rất quan trọng với các mạng xã hội: chúng giúp định lượng nội dung do người dùng đưa lên để phục vụ các thuật toán như nên ưu tiên hiển thị nội dung nào cho người dùng, biết được đâu là nội dung đang “bắt trend”…
Video đang HOT
Vì like là tính năng cốt lõi, các mạng xã hội không thể loại bỏ nó một sớm một chiều. Thay vào đó là một giải pháp trung dung: ẩn số lượt like, muốn xem thì phải vào đúng chỗ, thay vì để các con số “đập” thẳng vào mắt người dùng.
a vẫn biết được ai đã thích và tương tác với các nội dung của mình (hiện tên và ảnh đại diện), nhưng con số sẽ được giấu đi. Chẳng hạn, “A và những người khác đã thích nội dung này”, thay vì “A và 201 người khác…”.
Hồi tháng 3 năm nay, Twitter công bố phiên bản mẫu của ứng dụng di động mới, Twttr, mà ở đó, các chỉ số như lượt like, đăng lại (retweet) và chia sẻ (share) của mỗi tin nhắn (tweet) được giấu đi.
Khi lướt trên trang chủ, người dùng sẽ chỉ thấy nội dung tweet, tên và ảnh đại diện người gửi, và ngày đăng. Chỉ khi nào bấm vào xem từng tweet thì các chỉ số lượt like, retweet, bình luận và chia sẻ mới hiện ra.
Trong khi đó, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video Instagram từ tháng 8-2019 cũng thử giấu lượt like và bình luận. Người dùng vẫn thấy các thước đo này trên nội dung do chính họ đăng tải, song sẽ không biết được số like và bình luận với hình ảnh và video của người khác.
Mục đích của sự thay đổi là giảm bớt sự ganh tị giữa người dùng với nhau, khi họ sẽ không phải so sánh hình ảnh của mình với người khác, xem cái nào được yêu thích hơn.
Hồi đầu tháng 9, chính mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook, chủ sở hữu Instagram, cũng thử nghiệm ẩn số like các nội dung hiển thị trên trang chính (news feed).
“Chúng tôi muốn người dùng bớt quan tâm đến việc mỗi bài viết họ đăng được bao nhiêu like và tập trung vào việc kết nối với người khác hơn” – giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nhấn mạnh.
Liệu có thành công?
Không còn bị ám ảnh bởi các con số, người dùng mạng xã hội sẽ nhẹ đầu hơn, bớt tốn thời gian ngồi chờ like đếm like, hay tìm cách câu like; thay vào đó sẽ có nhiều thời gian tương tác, kết nối với nhau hơn.
Đó là viễn cảnh tươi đẹp của “một thế giới không còn like”. Nhưng tương lai đó khả thi đến mức nào? Tác giả Laurence Dodds của The Telegraph cho rằng các thử nghiệm nói trên của Facebook, Instagram và Twitter là một cách để các ông lớn này chứng tỏ mình có lắng nghe công chúng và chịu thay đổi.
Với Griffiths và Grosser, hai giáo sư được The Telegraph phỏng vấn, những việc như giấu số like chẳng thể mang lại thay đổi lớn lao nào. Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng “có còn hơn không”, và thay đổi có ích được mức nào thì hay mức đó.
“Tôi cho đó là điều tích cực khi người dùng sẽ bớt phụ thuộc vào các thước đo đó và yếu tố ganh đua bị loại bỏ (khi số lượt like bị ẩn đi)” – Griffith nói.
Điều quan trọng là các gã khổng lồ mạng xã hội rõ ràng sẽ không nghiêm túc giải quyết vấn đề, bởi các nền tảng này đều hưởng lợi từ các thước đo nói trên. Thật khó tưởng tượng các nội dung trên Facebook, Instagram hay YouTube không còn hiển thị lượt like.
Tuy nhiên, Grosser tin rằng thế giới không còn like sẽ “tạo ra không gian giao tiếp xã hội đúng nghĩa hơn”, khi người ta có thể đánh giá nội dung của người khác bằng cảm nhận của chính họ thay vì bị các con số chi phối.
Mạng xã hội hiện giờ đang xoay quanh “virality” – mức độ lan tỏa và gây hiệu ứng của các nội dung đưa lên mạng, đo đếm bằng lượt like và chia sẻ, còn “thế giới không còn like” sẽ tập trung vào “authenticity” – tức độ chân thật của chính các nội dung đó, bất chấp chúng có “viral” hay không.
Mạng xã hội đã sinh ra một “nghề” mới – influencer hay KOL, những người có sức ảnh hưởng trên mạng với lượng người theo dõi và lượng like khổng lồ cho các nội dung mà họ đăng tải. Khi không còn like, các KOL chuyên kiếm tiền từ việc đăng quảng cáo trên mạng xã hội sẽ phải tìm một sinh kế khác.
Kate Weiland, một người nổi tiếng trên mạng xã hội với các bí quyết phối quần áo mặc trong gia đình, cho rằng với các KOL, mạng xã hội không còn like sẽ giống như biểu diễn trước khán phòng đầy khán giả nhưng không ai vỗ tay. Lượng like là cách để các KOL đo độ phản hồi của khán giả, và để nhà quảng cáo quyết định thù lao cho họ.
Tương tự, truyền thông xã hội cũng sẽ thay đổi hoàn toàn khi không còn đo được mức đón nhận của người dùng, khán giả với các sản phẩm mới, từ hàng hóa cho đến văn hóa phẩm.
Các chiến dịch cần lan tỏa thông điệp hay đấu tranh cũng mất đi bảo chứng cho mức độ thành công. Sẽ không còn những câu kiểu “thông điệp kêu gọi này đã được hàng chục ngàn like chỉ vài giờ sau khi đăng lên Facebook”.
Nếu muốn trải nghiệm cảm giác Facebook, Instagram và Twitter hoàn toàn vắng bóng các con số về lượt like hay chia sẻ, bạn có thể cài add-on (phần mở rộng) “Facebook/Instagram/YouTube demetricator” cho trình duyệt Chrome và Firefox. Các add-on này do Ben Grosser, giáo sư Đại học Illinois, phát triển (https://bengrosser.com/projects/), khi cài đặt, trình duyệt sẽ tự ẩn toàn bộ số like trên các mạng xã hội nói trên, người dùng có thể ung dung lướt mạng mà không lo bị các con số ám ảnh.
Theo tuoitre
Vợ Minh Nhựa, hot boy Quang Đại đều bị tố sống ảo câu like
Nga Phạm bị tố ghép ảnh mình vào hình người nổi tiếng, Quang Đại liên tục bị bóc phốt ăn cắp chất xám, biến nội dung của người khác thành của mình nhưng không ghi nguồn.
Mạng xã hội lên ngôi giúp nhiều người dễ dàng nổi tiếng, nhưng cũng vì thế mà không ít người bị tố sống ảo, tìm mọi cách để câu like.
Điển hình như đăng ảnh lên mạng chỉnh sửa kỹ càng khác xa ngoài đời, biến caption của người khác thành của mình nhưng không ghi nguồn, cắt ghép ảnh ở nhiều địa điểm nổi tiếng rồi ghép mặt mình làm nhân vật chính...
Nhắc đến những người nổi tiếng bị tố sống ảo trong khoảng thời gian gần đây, dân mạng nghĩ ngay tới Nga Phạm - vợ hai đại gia Minh Nhựa, người mẫu, hot boy Quang Đại...
Nga Phạm ghép ảnh mình vào hình của travel blogger nổi tiếng Australia
Nga Phạm (Mina Phạm) khiến nhiều người chú ý nhờ cuộc sống giàu có, thường xuyên đập hộp hàng hiệu tiền tỷ, check-in ở những địa điểm sang chảnh thế giới.
Ngày 10/9, trong một group kín, cô bị dân mạng bóc phốt sống ảo, câu like. Cụ thể, bài viết này chỉ ra nhiều điểm tương đồng bất thường giữa loạt ảnh trên trang cá nhân của Nga Phạm và tài khoản Instagram @taramilktea - một travel blogger ở Sydney (Australia) có 1,3 triệu người theo dõi.
Nga Phạm - vợ hai Minh Nhựa - bị tố ghép hình của mình vào ảnh người nổi tiếng.
Theo đó, nhiều người cho rằng loạt ảnh với back ground là khách sạn Burj Al Arab Jumeirah, khách sạn Park Hyatt Sydney, sân bay Changi, hồ Tekapo (New Zealand)... của Nga Phạm đều trùng góc chụp, ánh sáng, màu chỉnh với @taramilktea.
Không chỉ vậy, một vài chi tiết trong ảnh như chân tường, ghế salon... cũng bị bóp méo khiến số đông tỏ ra khó hiểu.
Từ đây, nhiều người cho rằng Nga Phạm đã lấy ảnh của travel blogger người Australia, xóa ảnh nhân vật chính và chèn mình vào bức hình.
Ngoài hình ảnh, loạt caption trên trang cá nhân của vợ hai Minh Nhựa cũng bị cho là "quen quen". Trong hầu hết tấm ảnh, Nga Phạm đều đính kèm dòng trạng thái khá dài, chủ yếu xoay quanh tình yêu, hôn nhân, quan điểm sống...
Tuy vậy, nhiều người tinh ý nhận ra những câu văn này được trích từ cuốn Chúng ta rồi sẽ ổn thôi (Gào - Minh Nhật) nhưng không để nguồn.
Giữa tâm bão chỉ trích của dân mạng, Nga Phạm đã khóa hết tài khoản cá nhân.
Chia sẻ với Zing.vn, cô cho biết không quan tâm đến việc dân mạng so sánh hay bình luận gì về mình.
Quang Đại lấy nội dung của người khác rồi đăng tải nhưng không ghi nguồn
Trần Quang Đại (sinh năm 1992) là người mẫu nổi tiếng từ cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2013.
Ngoài chiều cao nổi bật 1,88 m, Quang Đại còn chiếm được thiện cảm của nhiều người nhờ tính cách sâu sắc, thường xuyên có các bài đăng chia sẻ tâm tư, tình cảm với dân mạng.
Ngày 6/9, Quang Đại lại bị tố đạo văn, ăn cắp ý tưởng tác phẩm Trung Quốc. Ảnh: Như Ngọc Nguyễn.
Tuy vậy, thời gian gần đây, anh thường xuyên vướng vào các lùm xùm ăn cắp chất xám của người khác rồi biến thành của mình.
Cụ thể, mới nhất, ngày 6/9, dân mạng cho rằng trong bài viết "4 loại chị em bạn rởm cần phát hiện sớm để tránh hậu họa về sau" trên fanpage của chàng hot boy có một đoạn giống hệt với nội dung trong cuốn Bạn mới là chủ nhân của cuộc đời mình (tác giả Lý Ái Linh, người dịch Tố Hinh).
Sau khi bị tố, phía Quang Đại đã bổ sung 2 chữ "sưu tầm" vào cuối bài.
Đến khi bị dân mạng "ném đá", chỉ trích quá nhiều, bài viết này đã bị gỡ bỏ.
Nhiều người cho rằng Quang Đại đang lợi dụng lòng tin, thiếu tôn trọng người hâm mộ anh bấy lâu.
Trước đó, ngày 10/8, Quang Đại bị chủ nhân blog Gác nhỏ của Mạch tố tự ý lấy quotes của mình đăng lên trang cá nhân và page Instagram do nam người mẫu quản lý mà chỉ để nguồn "sưu tầm".
Một ngày sau, hot boy sinh năm 1993 lên tiếng giải thích. Anh cho biết thông tin "quá nhiều", "quá nhiễu" nên dẫn đến sai sót.
Không chỉ vậy, Quang Đại còn bị tố nói dối khi giải thích rằng @anothersolution.co - trang Instagram chuyên đăng những câu nói ngôn tình, triết lý cuộc sống do anh quản lý - được lập ra với mục đích chia sẻ cảm xúc, chứ không phải kinh doanh.
Tuy nhiên, trong nhiều bài đăng, hashtag #anotherbrandingagency đều được đánh dấu ở cuối bài. Dân mạng cho rằng đây là những bước marketing đầu tiên cho mô hình kinh doanh của nam người mẫu.
Theo Zing
Hí hửng mua quả sầu riêng "không hạt", cô nàng bổ ra đúng như lời quảng cáo nhưng vẫn méo mặt vì thế này Mặc dù quả sầu riêng không có hạt nhưng cô gái vẫn không thể vui nổi. Dân mạng nhìn xong cũng dở khóc dở cười theo khổ chủ. Với rất nhiều người, sầu riêng là một loại quả vô cùng hấp dẫn. Thậm chí, mùa hè nóng nực cũng trở nên đáng mong chờ chỉ vì là mùa của thứ quả "nặng mùi"...