Mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng chuyện người phụ nữ bị xích trong nhà kho
Một đoạn video quay cảnh người phụ nữ, nghi mắc bệnh tâm thần, bị xích trong nhà kho tại một ngôi làng ở miền đông Trung Quốc đã gây tranh cãi khắp mạng xã hội nước này trong dịp Tết Nguyên đán.
Hình ảnh người phụ nữ trong đoạn video (Ảnh chụp màn hình).
Người phụ nữ được nhà chức trách huyện Feng, tỉnh Giang Tô xác định tên là Yang, là một bà mẹ có 8 con, đã kết hôn với một người đàn ông địa phương họ Dong.
Ban đầu, ông bố Dong đã thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội Trung Quốc thông qua các video trước đó, mô tả anh là một người cha chăm chỉ, tận tụy chăm sóc 8 đứa con và người vợ bị bệnh tâm thần. Theo chính quyền huyện Feng, các video đó, do những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đăng tải, đã thu hút sự chú ý và du khách đến thăm làng và quyên góp cho gia đình Dong.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của video gần đây hơn cho thấy cảnh mẹ của những đứa trẻ bị nhốt trong một nhà kho không có cửa đã thay đổi sự chú ý trên mạng xã hội.
Theo báo Wall Street Journal, trong đoạn video, một người phụ nữ mặc áo len mỏng bị xích quanh cổ ngồi ở góc nhà kho và còn có móc khóa ở dưới cằm. Một người đàn ông hỏi cô có cần áo ấm hay không. Cô gật đầu. Nhiệt độ bên ngoài là 0 độ C. Khi người đàn ông mang áo khoác cho cô, cô đứng yên, hai tay khoanh lại. Cô nói được một vài từ, nhưng rất khó để hiểu đang nói gì.
Nhiều người phản đối kịch liệt việc xích người phụ nữ và thậm chí suy đoán về việc liệu đó có phải là kiểu “mua vợ” hoặc cô có phải là một nạn nhân của nạn buôn người hay không.
Các quan chức huyện Feng đã nhanh chóng vào cuộc, cho biết cô Yang sống tách biệt với chồng và con vì bị bệnh tâm thần và đôi khi rất bạo lực.
Theo thông báo của chính quyền huyện này, cô Yang đã kết hôn với Dong từ năm 1998 và không có vụ buôn người nào liên quan đến cuộc hôn nhân này. Các nỗ lực liên hệ với Dong hiện đều không thành công.
Tuy nhiên, thông báo trên gây ra làn sóng phản đối rộng khắp. Chính quyền huyện Feng hôm 1/1 phải ra tuyên bố nói rằng, cô Yang được chẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt và đang được điều trị tại bệnh viện. Cảnh sát địa phương cho biết đang điều tra người chồng.
Nhà chức trách không biết tên thật của cô hoặc bất kỳ chi tiết nhận dạng nào khác. Tuyên bố cho biết cảnh sát địa phương đã đưa thông tin ADN của cô Yang vào cơ sở dữ liệu quốc gia vào năm 2020 nhưng không tìm thấy thông tin trùng khớp.
Các bài đăng thảo luận về phản ứng ban đầu của chính quyền huyện đã thu hút hơn 140 triệu lượt xem trên Weibo, nền tảng tương tự như Twitter, vào hôm 30/1. “Đâu là bằng chứng cho thấy cô không phải là nạn nhân của nạn buôn người? Đâu là bằng chứng cho thấy cô bị bệnh tâm thần? Tên thật của cô là gì?”, một người dùng Weibo đặt câu hỏi. “Ngay cả khi cô Yang bị bệnh tâm thần, tại sao cô lại sinh nhiều con như vậy và sống trong điều kiện khủng khiếp như vậy?”, một người khác viết.
Jiang Shengnan, một tiểu thuyết gia nổi tiếng sống ở tỉnh Chiết Giang lân cận, đồng thời là đại biểu Quốc hội, cho biết trên tài khoản mạng xã hội hôm 31/1 rằng, bà đã kêu gọi điều tra kỹ càng vụ việc.
Nhà nghiên cứu cấp cao Yaqiu Wang cho biết, đoạn video làm nổi bật những gì bà mô tả là “sự ngược đãi mà phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là những người mắc bệnh tâm thần ở các vùng nông thôn, phải trải qua”.
“Mặc dù không rõ người phụ nữ đã đến làng như thế nào và bản chất của cuộc hôn nhân ra sao, nhưng điều rõ ràng là các nhà chức trách đã không can thiệp vào một vụ lạm dụng khủng khiếp…”, bà Wang nói.
Dữ liệu điều tra dân số cho thấy tình trạng dư thừa nam giới chưa lập gia đình đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Đây là một mối lo ngại lớn đối với chính quyền trung ương. Trong một chuyến thăm đến tỉnh Tây Nam Quảng Tây vào tháng 9/2021, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hỏi một nông dân trồng mía về những thách thức lớn nhất của địa phương. Theo một đoạn video về cuộc trò chuyện được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, người nông dân trả lời: “Ở làng quê khó lấy vợ quá”.
Một địa phương Trung Quốc kêu gọi 'gái lỡ thì' lấy trai thất nghiệp
Chính sách với mục đích tăng tỷ lệ sinh bằng cách khuyến khích phụ nữ lỡ thì lấy chồng thất nghiệp tại một địa phương ở Trung Quốc đang gây tranh cãi.
Một đám cưới tập thể tại Giang Tây, Trung QUốc. Ảnh REUTERS
Tờ South China Morning Post ngày 29.1 đưa tin một địa phương ở Trung Quốc gây bức xúc khi khuyến khích những phụ nữ lỡ thì kết hôn, kể cả với những người đàn ông thất nghiệp, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tỷ lệ sinh thấp.
Huyện Nghi Hoàng thuộc tỉnh Giang Tây đang đưa ra nhiều ưu đãi về nhà cửa và việc làm cũng như trợ cấp sinh sản cho phụ nữ không còn trẻ nhưng chưa kết hôn, bị nhiều nơi gọi là "thặng nữ", để khuyến khích sinh đẻ.
"Hiện tại, hiện tượng "những phụ nữ trẻ lớn tuổi hơn và lao động" còn độc thân trong huyện đã trở thành một vấn đề đáng chú ý, cần khẩn cấp có sự chăm sóc, giúp đỡ và hỗ trợ của toàn xã hội", theo một văn bản của chính quyền huyện, đề cập đến những phụ nữ trên 26 tuổi.
Điều gây tranh cãi là việc huyện khuyến khích phụ nữ kết hôn với đàn ông thất nghiệp khi hứa hẹn sẽ giúp chồng họ về đào tạo nghề, vay vốn kinh doanh và ưu tiên các vị trí việc làm.
Bị "mắc kẹt" với nhau vì phong tỏa Covid-19 mà thành đôi
Đề xuất trên đã bị chỉ trích trên mạng xã hội, khi nhiều phụ nữ thắc mắc vì sao việc họ lựa chọn không kết hôn lại là vấn đề.
"Tôi nghĩ rằng tôi biết vì sao tỷ lệ kết hôn và sinh sản cứ giảm, nếu họ không tôn trọng phụ nữ và không xem phụ nữ là con người thì sự tuyệt chủng của nhân loại sẽ không xa", một cư dân mạng bình luận trên Weibo.
Một người khác thắc mắc vì sao một phụ nữ 26 tuổi bị xem là "già" và phải có con với một người thất nghiệp.
Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm ngoái, dù đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các cặp đôi có đến 3 con vào năm ngoái. Những bà mẹ ở Trung Quốc sinh tổng cộng 10,62 triệu em bé trong năm ngoái, giảm 11,5% so với con số 12 triệu vào năm 2020.
Tỷ suất sinh tại Trung Quốc giảm xuống còn 7,52 trẻ/1.000 người, so với mức 8,52 vào năm 2020.
Trung Quốc chi mạnh tay để người nổi tiếng tại Mỹ quảng bá Olympic mùa Đông Chính phủ Trung Quốc đã chi mạnh tay cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Mỹ "đánh bóng" hình ảnh Olympic mùa Đông tổ chức vào tháng 2 tới tại Bắc Kinh. Bắc Kinh có lịch trình tổ chức Olympic mùa Đông vào tháng 2/2022. Ảnh: Getty Images Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết công ty Vippi Media tại...