Mạng xã hội gây hại cho trí nhớ như thế nào?
Mỗi ngày, có hàng trăm triệu người ghi lại và chia sẻ các trải nghiệm của mình trên mạng xã hội, từ những bữa tiệc hoành tráng đến những khoảnh khắc ngọt ngào nhất trong gia đình. Mạng xã hội cho phép chúng ta giữ liên lạc với bạn bè và thắt chặt những mối quan hệ mới hơn bao giờ hết. Nhưng sự gia tăng về giao tiếp và kết nối xã hội cũng có cái giá của nó.
Ảnh minh họa
Trong một bài báo mới được công bố trên tờ Experimental Social Psychology, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ghi lại và chia sẻ các trải nghiệm của mình trên mạng xã hội đã tạo ra những ký ức kém chính xác hơn về các sự kiện đó.
Trong một loạt ba nghiên cứu của Diana Tamir, Đại học Princeton, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem việc chụp ảnh và quay video để đăng lên mạng đã ảnh hưởng đến sự tận hưởng, sự tham gia và ký ức về những trải nghiệm đó như thế nào.
Những người tham gia đã theo dõi việc tham gia các buổi diễn thuyết hoặc tự đi tham quan một nhà thờ trong khuôn viên trường Đại học Stanford. Họ được yêu cầu ghi lại những trải nghiệm của mình theo nhiều cách khác nhau: chụp ảnh hoặc ghi chép về sự kiện, ghi hình sự kiện nhưng không lưu, chia sẻ sự kiện trên mạng xã hội hoặc tự mình ngẫm nghĩ về sự kiện. Sau đó, họ được hỏi về mức độ tận hưởng trải nghiệm, mức độ duy trì sự tập trung hoặc tâm trí có bị phân tán không, và sau đó làm một bài trắc nghiệm để kiểm tra trí nhớ.
Tamir và nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc chia sẻ về trải nghiệm trên mạng xã hội có vẻ không ảnh hưởng đến mức độ cảm giác tận hưởng hoặc tham gia. Tuy nhiên, những người viết ra, ghi hình hoặc chia sẻ về trải nghiệm của mình thực hiện bài kiểm tra trí nhớ kém hơn khoảng 10% ở tất cả các thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thủ phạm của sự “thiếu hụt” trí nhớ không thuần túy là mạng xã hội, vì thậm chí việc chụp ảnh hoặc ghi chép mà không đăng tải chúng cũng cho thấy những hiệu ứng tương tự. Chỉ làm gián đoạn trải nghiệm dường như không có hại, vì những người được hướng dẫn ngẫm nghĩ về bài diễn thuyết mà không cần viết ra vẫn lưu giữ được nhiều thông tin như những người xem bình thường. Thay vào đó, chính hành động “khoe” trải nghiệm của mình – nghĩa là tái tạo lại nó dưới bất kỳ hình thức nào – có vẻ khiến họ mất đi điều gì đó của trải nghiệm ban đầu.
Những phát hiện này bắt nguồn từ nghiên cứu về bộ nhớ”giao dịch”, hay cách chúng ta phân chia thông tin giữa bộ nhớ trong – những điều chúng ta quyết định ghi nhớ – và bộ nhớ ngoài, là những gì chúng ta sẽ lưu giữ ở nơi khác.
Trước Internet, thông tin được phân bố theo trực giác giữa trí óc của một người và bộ nhớ ngoài dưới dạng các chuyên gia và sổ sách. Phân chia thông tin theo cách này được cho là tối đa hóa kiến thức sẵn có của nhóm xã hội đồng thời cho phép các chuyên gia hình thành sự hiểu biết sâu hơn về lĩnh vực của họ. Trên quy mô nhỏ hơn, các nghiên cứu cho thấy rằng các cặp tình nhân tự động phân bổ ký ức giữa hai bộ nhớ này. Mỗi người chịu trách nhiệm về phần thông tin cần ghi nhớ, làm tăng những gì mà các cặp đôi có thể nhớ lại.
Thông tin bên ngoài được sử dụng khi phải cố gắng tìm lại, nhưng với sự xuất hiện của Internet di động, hầu như mọi sự kiện đều có thể truy cập trong vòng vài giây. Sự dễ dàng này đã tạo ra cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “hiệu ứng Google”, trong đó nhu cầu lưu trữ thông tin bên trong ít đi khi có thể dễ dàng truy cập nó ở nơi khác.
Video đang HOT
Tính sẵn có của thông tin bên ngoài khiến chúng ta thờ ơ với chính thông tin, mà thay vào đó lại nhớ nơi để tìm thấy nó. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng nếu người chơi trò chơi giải đố tin rằng có một máy tính nào đó đang lưu giữ từng câu đố để họ nghiên cứu sau, thì họ không hình thành trí nhớ về thông tin mà họ muốn. Thay vào đó, họ hình thành trí nhớ về cách lấy thông tin đó trên máy tính.
Quá trình tương tự cũng có thể xảy ra đối với những ký ức trải nghiệm, mà trong quá khứ không thể dễ dàng bắt giữ và lưu lại ở bộ nhớ ngoài. Với sự ra đời của điện thoại thông minh và mạng xã hội, chúng ta có thể lưu ra ngoài không chỉ kiến thức, mà cả ký ức về những trải nghiệm vui vẻ nhất. Mặc dù những trải nghiệm này có thể được bảo tồn trên các thiết bị, nhưng những gì đọng lại trong ký ức của chúng ta có thể bị giảm đi.
Hơn nữa, những nghiên cứu này không cho phép mọi người thoải mái sử dụng mạng xã hội như họ có thể làm trong hoàn cảnh tự nhiên, có thể kết hợp những hiệu ứng này với sự phân tâm khi phải làm nhiều việc một lúc, di chuyển qua các bài đăng của bạn bè hoặc đưa lên những thông báo.
Hiệu ứng này liên quan đến một mối lo ngại khác về mạng xã hội, đó là FOMO, hay nỗi sợ bỏ lỡ. Với sự gia tăng các nội dung được chia sẻ, các hoạt động thú vị mà bạn có thể thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào đang rõ ràng hơn bao giờ hết, điều này có thể dẫn đến cảm giác lo sợ rằng những người khác đang có những trải nghiệm bổ ích mà bắng mặt bạn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi FOMO có liên quan với sự ít hài lòng về cuộc sống, trong một tâm trạng tồi tệ hơn và không hài lòng về mặt cảm xúc. Nhưng như nghiên cứu cho thấy, việc trở thành một trong những nội dung được chia sẻ cũng có thể làm cho bạn bỏ lỡ theo một cách khác.
Mặc dù mọi người trong nghiên cứu cho biết họ cũng hài lòng và tham gia vào từng hoạt động, nhưng người đã lưu nó ra điện thoại hoặc ra giấy có vẻ bị khuyết mất điều gì dó của trải nghiệm ban đầu – một khía cạnh không thể bắt giữ trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Nên nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi học 10 phút
Hầu hết chúng ta đều biết rằng nếu không ngủ, chúng ta không thể tạo ra những ký ức mới. Nhưng liệu việc nghỉ ngơi đơn thuần - mà không rơi vào trạng thái lơ mơ ngủ - chỉ trong 10 phút sau khi học điều gì đó có đủ để chúng ta ghi nhớ nó một cách chi tiết hay không? Nghiên cứu gần đây gợi ý câu trả lời là có.
Bạn đang phải vất vả để ghi nhớ các chi tiết? Hãy thử nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi học, một nghiên cứu mới cho thấy.
Giấc ngủ và trí nhớ rất "yêu mến" chiếc giường. Giấc ngủ "ngăn chặn" cơ chế quên của bộ não, làm giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamin, và do đó tạo điều kiện cho trí nhớ hình thành.
Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng giấc ngủ là chìa khóa để củng cố những ký ức mà chúng ta có được trong khi thức, cũng như để bảo tồn khả năng bộ não học hỏi những điều mới trong tương lai.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy trong giấc ngủ, các synap thần kinh của chúng ta thư giãn, gìn giữ sự dẻo dai và linh hoạt, duy trì độ "mềm dẻo" của thần kinh và khả năng học hỏi của não bộ.
Mặt khác, giấc ngủ kém khiến các synap thần kinh bị cứng và làm giảm khả năng học hỏi những điều mới về lâu dài.
Có lẽ thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn, các nhà nghiên cứu gần đây đã có thể can thiệp vào quá trình củng cố trí nhớ diễn ra trong khi ngủ bằng cách chụp bộ não, chọn lọc những ký ức nhất định, và củng cố chúng.
Nhưng liệu một trạng thái nghỉ ngơi tỉnh táo đơn thuần có thể mang lại lợi ích cho sự hình thành trí nhớ mới hay không? Nghiên cứu mới đây của Michael Craig, nghiên cứu sinh tại Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh, Anh, và Michaela Dewar, một nhà nghiên cứu và là giảng viên cũng tại đại học này - cho thấy rằng điều này là có thể.
"Nghiên cứu gần đây", Craig nói, "gợi ý rằng hệ thống trí nhớ củng cố những ký ức mới yếu ớt bằng cách "tái hoạt hóa" chúng, trong đó hoạt động của bộ não lần đầu tiên được quan sát trong quá trình học tự động xuất hiện lại trong những phút tiếp theo".
Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học nói rằng "Điều này đặc biệt đúng trong khi ngủ và nghỉ ngơi yên tĩnh, khi chúng ta không bận rộn tiếp nhận bất kỳ thông tin giác quan mới nào."
Hơn nữa, nghiên cứu mới gợi ý một khoảng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh không chỉ giúp chúng ta nhớ những điều mới mẻ, mà nó còn rất quan trọng để lưu giữ những chi tiết nhỏ.
Các phát hiện mới được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports.
Nghiên cứu trí nhớ "tinh"
Craig và Dewar đã thiết kế một bài kiểm tra trí nhớ để đánh giá khả năng lưu giữ thông tin chi tiết. Họ đề nghị 60 người trẻ tuổi, cả nam và nữ - trung bình 21 tuổi - xem một bộ ảnh.
Những người tham gia được yêu cầu phân biệt giữa những bức ảnh "cũ" và những bức ảnh "tương tự". Nếu khả năng lưu giữ những sắc thái "tinh tế" của người tham gia là tốt, họ sẽ nói các bức ảnh là "tương tự".
"Tuy nhiên," Craig giải thích, "nếu trí nhớ không quá chi tiết được lưu giữ, mọi người sẽ bỏ qua những khác biệt tinh tế trong các bức ảnh tương tự, và nhầm chúng là những bức ảnh "cũ".
Ông tiếp tục tóm tắt những phát hiện "thú vị" này, nói rằng, "Những người trẻ hơn được nghỉ ngơi yên tĩnh trong vài phút sau khi xem ảnh đã để ý tốt hơn về những khác biệt tinh tế trong các bức ảnh tương tự."
Điều này cho thấy "mọi người lưu giữ những ký ức chi tiết hơn, so với những người không nghỉ ngơi".
"Phát hiện mới này cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi yên tĩnh có thể giúp chúng ta lưu giữ những ký ức chi tiết hơn", Michael Craig kết luận.
Ông nói thêm, "Chúng tôi nghĩ rằng nghỉ ngơi yên tĩnh là có lợi vì nó củng cố những ký ức mới trong não, có thể bằng cách hỗ trợ sự tái hoạt hóa tự động của họ".
Tuy nhiên, Craig thừa nhận rằng cơ chế đằng sau hiện tượng đáng ngạc nhiên này vẫn là một bí ẩn.
"Chúng tôi chưa biết chính xác", ông tiếp tục "là ký ức liên quan đến nghỉ ngơi này tăng cường hoạt động công việc như thế nào. Cụ thể, vẫn chưa biết liệu nghỉ ngơi yên tĩnh chỉ cho phép chúng ta lưu giữ thêm thông tin, hay liệu nó giúp lưu giữ những ký ức chi tiết hơn".
Cẩm Tú
Theo Dân trí
11 cách đơn giản giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, tập trung và thúc đẩy trí não Hormone serotonin có ảnh hưởng tiêu cực đến mọi thứ, từ sự thèm ăn, chu kỳ giấc ngủ, trí nhớ, tình dục và cả tâm trạng thường ngày của bạn. Mức serotonin thấp khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Hãy tham khảo 11 cách đơn giản giúp bạn tăng cường sức khỏe tinh thần, tập trung và thúc đẩy trí não...