Mang thai hộ khó lường, hôn nhân đồng giới khó cấm
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đồng tình cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng lại lo ngại vấn đề phát sinh dẫn đến tranh chấp con sau này. Về hôn nhân đồng giới, đại biểu đánh giá cho cũng không được, cấm cũng không xong.
Mang thai vì mục đích nhân đạo dễ bị lợi dụng
Phát biểu tại tổ về Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đại biểu Phạm Huy Hùng đồng ý nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lo ngại nhiều trường hợp phát sinh như người mang thai hộ không muốn trao lại con cho người nhờ, vì vậy dễ dẫn đến tranh chấp.
Nguyễn Phạm Ý Nhi lo ngại nhiều phát sinh khi mang thai hộ
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, có con là mong muốn chính đáng của con người. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nhiều bà vợ không thể mang thai, một số chị em nhiều lần đi thụ tinh nhân tạo nhưng thất bại. Ủng hộ cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng đại biểu Thanh cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó lường hết, do vậy cần có những tiêu chuẩn cụ thể bảo đảm nghĩa vụ giữa hai bên.
Đại biểu Đào Văn Bình cũng cảm thông quyền làm mẹ là quyền thiêng liêng của người phụ nữ. Để tránh những việc khó lường trước như các đại biểu đã nêu, ông Bình cho rằng, trong luật cần quy định rõ những tranh chấp có thể xảy ra như trường hợp sinh con dị tật người nhờ không nhận; hoặc tình cảm phát sinh giữa người mang thai hộ dẫn đến không trả con cho người nhờ.
Là Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nhìn nhận ở góc độ giới và xã hội thì mang thai hộ và đẻ thuê đều có ý nghĩa nhân văn. Nhưng bà cũng cho rằng việc mang thai hộ rất phức tạp, hơn nữa để tránh tình trạng bị lạm dụng và thương mại hóa, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn.
“Thực tế đứa trẻ sinh ra dị tật người nhờ không muốn nhận hoặc trường hợp sinh hai, sinh ba, người nhờ chỉ nhận một. Còn trường hợp người mang thai hộ không muốn giao lại con cho người nhờ giải quyết thế nào”, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi băn khoăn.
Hôn nhân đồng giới cấm hay không, nó vẫn diễn ra
Video đang HOT
Về vấn đề hôn nhân đồng giới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay. Cần nhìn nhận dưới góc độ quyền tự nhiên là con người, do vậy đại biểu Thanh cho rằng, bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng hoan nghênh việc sửa luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay. Bởi thực tiễn đã diễn ra, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, vì đó là nhu cầu của con người.
“Bởi vậy đưa những vấn đề này vào sửa luật là rất văn minh, tiến bộ. Nhưng nếu đưa vào luật vấn đề hôn nhân đồng giới mà nói là không cấm nhưng cũng không thừa nhận là rất khó hiểu”, ông Kiêm đặt vấn đề.
Đồng tình với nhìn nhận trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, quy định như dự thảo luật là chấp nhận được, vì ngay bây giờ mà thừa nhận thì chưa phù hợp, nhưng cấm thì cũng không nên.
Trong khi đó, đại biểu Khúc Thị Duyền đồng tình quan điểm không thừa nhận hôn nhân đồng giới vì cho rằng, một trong những chức năng của kết hôn là duy trì nòi giống. Hiện nay, thế giới cũng chỉ có 16 nước thừa nhận hôn nhân đồng giới, trong đó khu vực châu Á chưa có nước nào thừa nhận.
“Tất nhiên, thực tiễn đang có tình trạng người cùng giới chung sống với nhau, nhưng đề nghị có văn bản quy phạm khác quy định về thực tế này, không nên đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình”, đại biểu Duyền nói.
Là cơ quan chủ trì việc thẩm tra luật này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – giải thích, quốc gia nào cũng đi 3 bước: từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận.
“Chúng ta bước nhanh hơn một bước để bảo vệ những người bị đồng tính, tránh sự kỳ thị và cũng phù hợp với nhân văn của Việt Nam. Đây đều là những vấn đề rất mới, Quốc hội sẽ còn bàn thảo nhiều”, bà Mai cho biết.
P. Thảo – Quang Phong
Theo Dantri
Công chứng sai phải bồi thường
Nếu công chứng viên có dấu hiệu móc nối, thông đồng để cùng "ăn chia" với kẻ phạm tội thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu cẩu thả yếu kém nghiệp vụ thì phải bồi thường thiệt hại dân sự.
Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (Sửa đổi). Nhân sự kiện này, PV báo Dân trí có buổi trao đổi với bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Đại biểu Quốc hội 13 Đoàn Hà Nội hiện là Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phạm Ý Nhi
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, bà đánh giá thế nào về hoạt động công chứng trong thời gian vừa qua?
Luật công chứng được Quốc hội 12 thông qua ngày 29/11/2006 đến nay chưa đầy 8 năm song đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là bước đầu đã thực hiện xã hội hóa công tác công chứng, xây dựng được mạng lưới công chứng rộng khắp trong cả nước với trên 700 tổ chức hành nghề, 1.327công chứngviên.
Người dân được tạo điều kiện thuận khi đi công chứng, không còn cảnh xếp hàng, chen chúc như các năm trước. Hoạt động công chứng đã và đang có bóng dáng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, từng bước hòa nhập với các tổ chức công chứng quốc tế.
Mặc dù vậy, lĩnh vực công chứng cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định. Theo tôi chủ yếu là do hạn chế về chất lượng đội ngũ công chứng viên về đạo đức, nghiệp vụ; về vai trò quản lý nhà nước; thiếu hoặc chưa có đủ cơ sở vật chất.
Chẳng hạn như thiếu những thiết bị cần thiết để phục vụ việc kiểm tra các dữ liệu về nhân thân người yêu cầu công chứng đặc biệt là các dữ liệu về nhà đất... nên đã gây ra không ít sai sót như một mảnh đất, một ngôi nhà chuyển nhựơng mua bán 2 lần mà công chứng viên vẫn vô tư xác nhận công chứng gây nên sự mất lòng tin trong xã hội, thậm trí đã có vụ việc phải đưa ra tòa án.
Chính vì vậy, chúng ta cần sớm sửa đổi bổ sung một cách cơ bản và toàn diện Luật Công chứng năm 2006 theo tinh thần nghị quyết số 48/NQ-TƯ và nghị quyết số 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị theo hướng cùng với mở rộng phạm vi công chứng phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng công chứng viên , đề cao vai trò quản lý của nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp .
Thưa bà, ở thành phố Hà Nội năm 2011 đã có một công chứng viên có học vị tiến sỹ luật song đã công chứng xác nhận cho một người bán mảnh đất 2 lần ,cơ quan cảnh sát hình sự đã vào cuộc , dư luận rất bất bình. Tháng 7/2013 vừa qua, chính vị công chứng viên này lại xác nhận công chứng cho một hộ khác chuyển nhượng một căn hộ chung cư trong khi căn hộ này đã được bán hợp pháp cho người khác từ năm trước. Bị báo chí phát hiện vị công chứng này lại biện bạch là đã làm hết sức mình và luật không bắt buộc công chứng viên phải kiểm tra các dữ liệu nhà đất trên mạng nên "phủi " trách nhiệm . Đặc biệt vị này còn gửi đơn đòi truy tố các nhà báo đã dám thông tin sự thật ... Bà nghĩ sao về việc này?
Theo Luật công chứng năm 2006, công chứng viên dù ở Văn phòng công chứng mô hình như doanh nghiệp tư nhân nhưng do được Bộ trưởng tư pháp bổ nhiệm nên chữ ký công chứng của họ có giá trị pháp lý cao là văn bản không cần chứng minh trừ bị tòa án tuyên là vô hiệu. Khi xảy ra sai sót, dù biện bạch nói trời nói đất gì vẫn thuộc trách nhiệm của công chứng viên đã thiếu kiểm tra trước khi hạ bút ký.
Điều 3, Luật công chứng năm 2006 đã quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên là Phải khách quan trung thực; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng ; còn dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) ngoài việc ghi như trên (Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng ) còn bổ sung nhấn mạnh thêm là : " Trong trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Vận dụng vào trường hợp trên, nếu công chứng sai, công chứng viên không thể đổ tại khách quan mà phải nghiêm túc thấy trách nhiệm của mình, ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn khắc phục hậu quả.
Nếu công chứng viên có dấu hiệu móc nối, thông đồng để cùng "ăn chia" với kẻ phạm tội thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu do cẩu thả yếu kém nghiệp vụ thì phải bồi thường thiệt hại dân sự. Đồng thời, cơ quan quản lý (cụ thể là Bộ trưởng Bộ Tư pháp - người bổ nhiệm công chứng viên) cũng cần phải xem xét lại tư cách đạo đức trình độ của vị công chứng viên này.
Chính vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) chúng tôi nhấn mạnh về tiêu chuẩn công chứng viên và cần đề cao vai trò quản lý giám sát của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp, đồng thời phải có chế tài mạnh xử lý các công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả cho xã hội.
Ngoài ra có ý kiến đề xuất để nâng cao giá trị pháp lý của hợp đồng dân sự thương mại đã qua công chứng trong những giao dịch đơn giản, 2 bên ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận về quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng khi một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện hợp đồng đó.Theo bà, đề xuất trên đã phù hợp với thực tế ở nước ta chưa ?
Tôi cho rằng đây là đề xuất thể hiện quan điểm tiến bộ giúp cho việc giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong tranh chấp dân sự, giảm tải công tác xét xử ở tòa án phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế trí thức và thông lệ quốc tế về công chứng. Song do thực tế hiện nay, các điều kiện chưa thực chín muồi nên theo tôi chỉ là hướng để các nhà khoa học pháp lý nghiên cứu, khi có đủ điều kiện sớm bổ sung đưa vào luật.
Xin cảm ơn bà !
Theo Dantri
Quy định rõ về thu hồi đất để tránh gây bất bình xã hội Thảo luận tại nghị trường sáng qua về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi đại diện cho dân quản lý quyền sở hữu đất đai. ĐB Trần Ngọc Vinh phát biểu thảo...