Mạng sống mong manh của bệnh nhân ung thư ở Italy giữa dịch Covid-19
Bệnh nhân ung thư ở Italy vốn đã rất khó khăn khi chiến đấu với bệnh tật và giờ Covid-19 khiến tính mạng của họ càng thêm mong manh.
“Chỉ mành treo chuông”
Khi đại dịch Covid-19 càn quét Italy, bà Francesca Masi cảm thấy cuộc sống của mình hoàn toàn đảo lộn. Mắc căn bệnh Tăng sinh tủy mạn ác tính – một loại ung thư hiếm gặp – vào năm 2016 và đang chờ được cấy ghép tủy, giờ bà đang phải sống trong sợ hãi vì việc cấy ghép này có thể bị hoãn bất kỳ lúc nào do quốc gia Nam Âu này đang phải vật vã lo chống dịch.
Dịch Covid-19 đang khiến cơ hội được sống của các bệnh nhân ung thư ở Italy trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ảnh: AP
Bà Masi chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhân ung thư đang ngày càng khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho căn bệnh quái ác của họ như hóa trị liệu, cấy ghép và phẫu thuật.
Ở một số khu vực, điều này thậm chí giờ đã hoàn toàn bất khả thi do nhiều trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư và bệnh viện đã được cải hoán thành nơi điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Chính vì thế, ngay cả những giường bệnh dành cho việc điều trị tích cực cho các bệnh nhân mắc ung thư cũng rất khan hiếm.
“Khi mới vừa phát hiện mắc ung thư, tôi đã được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau và cho kết quả tốt. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh tật xấu đi, việc cấy ghép tủy là giải pháp duy nhất. Chính vì thế, việc bị kẹt trong tình trạng hiện nay khiến tôi luôn phấp phỏng, âu lo”, bà Masi chia sẻ.
“Tôi đang đối mặt với nguy cơ có thể tử vong. Điều này thật không công bằng bởi các bác sỹ đã tìm được cho tôi 2 người cho tủy ở nước ngoài có độ tương thích 100% với cơ thể của tôi. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra vì Italy đã dừng nhận các chuyến bay từ nước ngoài”, bệnh nhân này nói thêm.
Một nghiên cứu do Codice Viola – tổ chức từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân ung thư tụy – cho thấy, trong 500 bệnh nhân ung thư vú và ung thư tụy, có rất nhiều người cần được hóa trị và vật lý trị liệu nhưng 24% trong số này bị lùi lịch hẹn (trong đó 11% không có ngày hẹn hóa trị và vật lý trị liệu cụ thể lần tiếp theo). Đáng lo ngại hơn, khi có tới 64% các ca mổ cho các bệnh nhân này cũng đã bị hoãn vô thời hạn.
Những người bị quên lãng
Bà Francesca Pesce, phiên dịch viên cho Codice Viola và cũng đã phải sống cùng căn bệnh ung thư tụy được gần 3 năm, cho biết, trong tuần này bà sẽ rời Rome đến khám bệnh ở Milan, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Bà Francesca Pesce. Ảnh: Guardian
“Ít nhất tôi cũng có được sự lựa chọn mà nhiều người không có. Một mặt, các bệnh nhân bị ung thư rất lo mắc thêm Covid-19 ở bệnh viện, vì thế họ thường bỏ qua lịch hẹn của mình. Mặt khác, các bệnh viện cũng phải hủy các lịch khám bệnh cho bệnh nhân bởi các y, bác sỹ đã được chuyển sang hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19″, bà Francesca Pesce nói.
Chuyên gia ung thư học tại Bệnh viện Pascale ở Naples Paolo Ascierto cảnh báo, việc chuyển các trung tâm điều trị ung thư sang điều trị Covid-19 là một quyết định đầy mạo hiểm. “Tôi hiểu rõ tính nghiêm trọng của vấn đề nhưng xin đừng quên rằng, bệnh nhân ung thư cần được điều trị đặc biệt, nhất là những người cần phải được trị liệu thường xuyên. Việc lùi lịch khám của họ đồng nghĩa với việc buộc họ phải đối mặt gần hơn với cái chết”.
Trong khi đó, tại các bệnh viện còn điều trị ung thư, rất nhiều quy trình xét nghiệm đã bị hạn chế. Ngoài ra, số lượng máu được hiến cũng đã giảm đi rất nhiều. “Cho đến thời điểm này, chỉ những ca cấp cứu mới được ưu tiên”, bà Francesca Pesce cho biết.
Bà Alessandra Capone. Ảnh: Guardian
Hơn thế nữa, việc đóng cửa các chuyến bay đi và đến Italy đã khiến hàng nghìn bệnh nhân ung thư ở Italy không thể tiếp cận với việc điều trị bệnh tại nhiều bệnh viện khác ở châu Âu. Bà Alessandra Capone, một nhà hoạt động nhân quyền, đã sống với căn bệnh ung thư được 10 năm. Năm 2015, ung thư di căn lên gan của bà và năm ngoái, bà đã được điều trị tại Bệnh viện Đại học ở Frankfurt, Đức với chỉ 5% lá gan không bị ung thư xâm nhập. Hiện việc sang Đức điều trị của bà đang bị hoãn lại.
“Tôi gọi điện đến Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế nhưng đường dây luôn bận và tôi không thể gặp ai. Sau đó tôi liên hệ với Lãnh sự quán Italy ở Frankfurt. Họ yêu cầu tôi phải có giấy phép đi lại đến một nước khác dù là vì lý do sức khỏe. Đó là chưa kể rất ít khách sạn của Đức chịu cho người Italy đặt phòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, bà Alessandra Capone chia sẻ.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Chính phủ Italy đã ra lệnh cho quân đội tiến hành một chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận tế bào gốc tạo máu của một người hiến tặng cho một cháu bé 2 tuổi đang nguy kịch. Trong khi đó, các bệnh nhân ung thư đang điều trị trong nước cũng gặp nhiều khó khăn khi bị hạn chế đi lại từ Sicily, Puglia và Calabria tới những vùng có điều kiện điều trị tốt hơn như ở Veneto và Lombardy do dịch Covid-19 đang hoành hành ở cả 2 địa phương nói trên.
Bà Grazia De Michele, blogger và nhà nghiên cứu lịch sử y học, sinh sống tại Foggia, Puglia, cho biết, vài tháng trước mẹ của bà bị chẩn đoán ung thư tụy: “Lẽ ra mẹ tôi sẽ được chụp chiếu CT vào tháng 3 để xem liệu các loại hóa chất điều trị có tác dụng tốt đối với cơ thể của bà hay không nhưng việc này đã bị dừng lại. Bản thân tôi cũng đang phải điều trị ung thư vú, có thể phải mổ nhưng lịch hẹn mổ của tôi cũng bị hoãn lại”.
“Bạn phải hình dung được điều gì đang xảy ra với những bệnh nhân ung thư”, bà Alessandra Capone nói: “Rất nhiều người triền miên sống trong sợ hãi. Tính chất nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã khiến tâm sinh lý của họ thường xuyên phải chịu sức ép ghê gớm. Mọi người có thể phòng tránh Covid-19 bằng cách ở yên trong nhà nhưng những người mắc ung thư lại không thể vậy. Ung thư không “phục tùng” các sắc lệnh cách ly hay giãn cách xã hội. Nó liên tục tấn công người bệnh trong bất kỳ thời điểm nào”./.
Trần Khánh
Covid-19: Số người chết ở Pháp vượt 10.000, Paris cấm các hoạt động ngoài trời
Số người chết do Covid-19 lên tới 10.328, Pháp trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới vượt ngưỡng 10.000 ca thiệt mạng sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ.
Tổng số người chết do Covid-19 tại Pháp tăng lên 10.328, trong đó có 7.091 trường hợp thiệt mạng tại các bệnh viện và hơn 3.237 nạn nhân tại các viện dưỡng lão.
" Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, cần hạn chế việc đi ra ngoài không cần thiết", Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói và khẳng định rằng đây là nỗ lực nhằm làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19.
Chính quyền Paris ban bố lệnh cấm các hoạt động ngoài trời. (Ảnh: Reuters)
Số người chết hàng ngày tại Pháp được tính tổng từ thông tin tại các bệnh viện và viện dưỡng lão. Trước đây, Pháp chỉ đưa ra số người chết tại các bệnh viện.
Người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Pháp Jerome Salomon cho biết, 30.000 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước, trong đó có 7.131 người được chăm sóc đặc biệt.
Ông Jerome Salomon cảnh báo "dịch bệnh đang tiếp tục tiến triển", đồng thời nhấn mạnh con số thực tế cao hơn nhiều khi một số viện dưỡng lão chưa cập nhật hết số ca thiệt mạng.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn gia tăng nhanh của dịch bệnh, ngay cả khi nó đang chậm lại một chút. Chúng tôi chưa đạt đến ngưỡng đỉnh dịch", ông Jerome Salomon cảnh báo.
Giới chức Paris thông báo, thành phố cấm các hoạt động thể thao cá nhân ngoài trời vào ban ngày. Theo đó, các hoạt động ngoài trời này sẽ bị cấm từ 10h - 19h hàng ngày.
Video: Đường phố nước Pháp vắng vẻ sau lệnh phong tỏa vì Covid-19
Theo quy định phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 17/3, người dân chỉ có thể ra khỏi nhà vì các mục đích thiết yếu, trong đó có việc đi bộ hoặc tập thể dục một mình trong phạm vi 1 km từ nhà.
Paris và các thành phố khác đóng cửa công viên và khu vực công cộng theo yêu cầu lệnh phong tỏa toàn quốc.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng việc dỡ bảo lệnh phong tỏa sẽ diễn ra sau ngày 15/4.
"Việc phong tỏa rất khó khăn đối với nhiều người Pháp, tôi hoàn toàn nhận thức được điều này. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết. Không ai muốn chứng kiến một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn tình trạng chúng ta đang gặp phải bây giờ", Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh.
Hiện tổng số ca nhiễm bệnh tại Pháp là 109.069 trường hợp.
KÔNG ANH
Việt Nam tặng hơn nửa triệu khẩu trang cho châu Âu Việt Nam tặng 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn tự sản xuất cho 5 nước châu Âu trong bối cảnh khu vực này là "điểm nóng" Covid-19 của thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chiều nay trao tượng trưng số hàng gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất tặng Pháp, Đức, Italy,...