Mãn nhãn những mảng đá phiến 400 triệu năm tại Quảng Nam
Mảng đá phiến amphibol 400 triệu năm, thuộc Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Mới đây, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia “Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa”, ở xã đảo Tam Hải.
Nơi đây có các ghềnh đá phiến sẫm màu ấn tượng; các bãi biển rộng, dài, sạch, nước biển xanh trong; các rặng dừa xanh mát; con người hiền hòa, sản vật biển phong phú. Giá trị cốt lõi của cả khu vực là lớp lớp các vỉa đá phiến nhô cao ra phía biển.
Đá phiến phân bố ở dải đồi cao phía bắc xã đảo Tam Hải, phía bắc mũi nhô xã Tam Quang; ở dải các bãi đá, đảo đá trong vũng An Hòa, tiêu biểu là Bàn Than, Hòn Mang và Hòn Dứa.
Dải núi Bàn Than thuộc đảo Hòn Mang, Hòn Dứa. Ở đây lộ đá phiến amphibol là chủ yếu, đôi chỗ có ít đá phiến thạch anh – biotit xen kẹp.
Trong ảnh, rêu bám trên các mảng đá tạo nên các hình hài độc đáo, gây ấn tượng với du khách khi đến đây tham quan.
Các đá phiến ở đây tuy có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng các nhà khoa học, chuyên gia địa chất đầu ngành cho rằng, đá ở Bàn Than và các đảo Hòn Mang, Hòn Dứa là đá gốc có độ tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt nước biển qua một đợt kiến tạo địa chất.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, khẳng định: “Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ xung quanh đã làm cho các ghềnh đá ở đây trở thành ghềnh đá phiến đặc sắc ở Việt Nam và thuộc vào loại đẹp trên thế giới”.
Video đang HOT
Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa được ví như bảo tàng tự nhiên, phản ánh quá trình phát triển địa chất. Vì vậy, đây là địa điểm lý thú để tham quan, học tập, nghiên cứu về lịch sử phát triển địa chất.
Để bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn di sản quý giá này, hơn 20 năm qua, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tham gia hoạt động tìm hiểu giá trị của rạn san hô, làm sạch bãi biển; thành lập các tổ hạt nhân tuần tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại địa phương.
Di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường nơi đây còn giữ được vẻ hoang sơ, với những ghềnh đá phiến bằng phẳng có màu đen tuyền lấp lánh rất ấn tượng.
Đá phiến ở đây không chỉ bộc lộ trên diện rộng mà còn được sóng biển và gió mài mòn rất sắc nét. Trên bề mặt các ghềnh đá, thềm đá có những đường nét lạ mắt, hấp dẫn giống như các ký tự cổ, các đường gân đá. Quá trình phân hóa đã làm màu sắc các tệp phiến lóng lánh, tựa như một khối ngân phiếu…
Đây là địa điểm thu hút du khách đến chụp ảnh check-in. Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là di tích cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, khẳng định: “Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia “Danh lam thắng cảnh Bàn Than- Hòn Mang – Hòn Dứa” là dịp để tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa; đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tiếp theo”.
Quảng Nam: Hoang sơ danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa
Những bậc đá đen óng phủ lớp lớp rêu xanh, sóng vỗ chân đá trắng xóa... khiến danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa càng thêm hấp dẫn những đôi chân mê khám phá.
Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa nằm phía đông bắc xã đảo Tam Hải, Quảng Nam. (Nguồn: Báo Quảng Nam)
Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa cùng hệ động thực vật quanh đảo phong phú, đa dạng. Đây là lợi thế để chính quyền và người dân xã đảo phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.
Men theo vách đá quanh eo núi Bàn Than về phía những mỏm đá đen nhô cao lên giữa biển (người dân địa phương gọi là Ông Đụn - Bà Che), cảm giác như đang hòa với thiên nhiên, đất trời. Đá ở đây là nghệ thuật sắp đặt, hòa với sóng gió, biển cả và nắng vàng tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.
Từ phía Ông Đụn - Bà Che, chừng như mọi "đặc sản" nơi đây có thể thu vào tầm mắt. Đó là những mỏm đá trùng điệp sóng vỗ, Hòn Mang - Hòn Dứa xanh mát phía xa, rạn san hô nhiều màu sắc kéo dài quanh đảo, hay hình ảnh lao động nhộn nhịp trên biển của người dân xã đảo...
Bàn Than là thềm biển cổ, nằm phía đông bắc xã Tam Hải. Hòn Mang rộng khoảng 2ha, chỉ cách Bàn Than khoảng 400m; còn Hòn Dứa rộng hơn 11ha, cách Bàn Than 700m.
Người dân khai thác rong mứt trên bãi đá. (Nguồn: Báo Quảng Nam)
Bao quanh danh thắng này là hơn 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài. Đây là khu vực có nhiều loài rong biển và hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Thuận An cho biết: "Để gìn giữ cảnh sắc thiên nhiên ở Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, người dân địa phương thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải bờ biển, bãi đá.
Đồng thời xây dựng thói quen đánh bắt gắn với bảo vệ sinh thái, không tận diệt, không phá hoại san hô... Nhờ đó, danh thắng này vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thu hút du khách tham quan ngày càng nhiều hơn".
Cảnh sắc yên bình ở xã đảo.(Nguồn: Báo Quảng Nam)
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói, việc danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa trở thành di tích quốc gia sẽ là cú hích hơn trong định hướng phát triển du lịch của huyện.
Tương lai gần sẽ có những tour tuyến được hình thành, kết nối nhiều địa danh, thắng cảnh ở Núi Thành với hạt nhân là Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Kỳ vọng đây là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Danh thắng địa chất độc nhất vô nhị: Bàn Than Hòn Mang Hòn Dứa Có niên đại khoảng 400 triệu năm, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa được các nhà khoa học đánh giá là danh thắng địa chất độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước. Danh thắng địa chất này nằm phía đông bắc Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam. Hình dạng, màu sắc các bậc đá...