Mặn mòi mắm tép quê nhà
Chiều chạng vạng buông, màn sương mờ ảo giăng khắp cánh đồng đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Trên đường đi công tác, ngang qua một làng nhỏ yên bình, thoảng trong khói bếp thơm hương rơm mới là vị mặn mòi của mắm tép chưng.
Nhớ những ngày cuối hè đầu thu nắng vàng rực rỡ, sáng sớm, mẹ tôi đã ra bờ sông, đón những người đi đánh giậm về, mua vài cân tép tươi rói còn nhảy lao xao trong chiếc rổ phủ mấy cành lá tre.
Cả nhà xúm vào giúp mẹ nhặt rong rêu, cấn rác và cả những con ốc vặn, gọng vó, đòng đong, niềng niễng lẫn trong mớ tép.
Mẹ rửa nhiều lần cho tép thật sạch, để ráo nước, trộn muối thật đều rồi bỏ vào cối đá giã cho tới khi nhấc chày lên thấy nặng tay là tép đã nhuyễn và quánh dẻo.
Video đang HOT
Tiếp đó, mẹ lấy gạo, rang chín vàng, tỏa mùi thơm phức, đem giã thành thính, cho vào tép đã giã nhuyễn.
Hũ mắm tép được nút lá chuối khô, đậy kín bên ngoài bằng một chiếc bát con, phơi ngoài nắng mấy ngày rồi để vào trong bếp, tận dụng hơi nóng của lửa cho mau ngấu.
Nghe thì có vẻ đơn giản vậy, nhưng để có hũ mắm tép ngon, đỏ au dùng cả năm cũng phải “có tay” làm, chứ không mắm bị ngả màu thâm xỉn là coi như hỏng. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.
Mới khoảng năm rưỡi chiều, trời đã nhá nhem. Đang vào vụ gặt lúa mùa nên bố mẹ vẫn còn mải miết ngoài cánh đồng, tranh thủ gặt cho xong thửa ruộng. Mấy bà cháu ở nhà đảm nhiệm bữa cơm chiều.
Bình thường, mắm tép chỉ dùng để chấm cà muối xổi, các loại rau luộc, hôm nào “sang” lắm thì được chưng lên với hành phi và tóp mỡ, ăn đã thấy ngon lắm.
Nhưng ngày mùa, để bồi dưỡng những người đi gặt vất vả, bà tôi mua mấy lạng thịt ba chỉ về chưng cùng mắm tép, cho thêm chút riềng giã nhỏ vào.
Mùi thơm ngậy béo của thịt quyện trong hương mắm tép mặn mòi thật hấp dẫn. Bố mẹ, các dì tôi từ cánh đồng trở về, vừa quẳng bó lúa xuống sân đã nghe tiếng bà tôi giục giã mau rửa chân tay ăn cơm kẻo mệt.
Mâm cơm được bê ra, đặt trên chiếc chiếu trải giữa nhà, có rau cải luộc, dưa chua và mắm tép chưng thịt. Chỉ một loáng, nồi cơm đã hết veo mà vẫn còn bốc khói.
Cả nhà quây quần bên nhau trong không khí gia đình đầm ấm, yêu thương, mặc gió lạnh đầu mùa đang len lỏi vào từng ô cửa.
Xa quê bao năm, nhiều món ngon đã từng thưởng thức, vậy mà hương vị thơm nồng của mắm tép, món ăn dân dã của quê nghèo vẫn luôn thoảng bay trong nỗi nhớ./.
Mắm tép Gia Viễn Món ăn dân dã níu lòng du khách
Mảnh đất Ninh Bình xinh đẹp không chỉ nổi tiếng với những giá trị lịch sử lâu đời cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp đã được ghi nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới mà Ninh Bình còn được biết đến với những món ăn đặc sản ngon nức tiếng và là sự lựa chọn trong mỗi hành trình du lịch của du khách gần xa.
Ngoài những đặc sản nổi tiếng như cơm cháy, thịt dê... mắm tép Gia Viễn cũng là món ăn mang đậm nét dân dã Bắc Bộ được nhiều du khách lựa chọn thưởng thức khi đến với Ninh Bình.
Mắm tép Gia Viễn được làm từ loại tép riu còn tươi, thân tròn nhỏ, có màu đỏ, sống ở nước ngọt, ngon nhất vẫn là tép ở sông Hoàng Long. Đem tép rửa sạch, để ráo nước, sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở lên mới mang ra ăn. Mắm tép càng để lâu ăn càng ngon và đượm mùi. Mắm tép thường được chế biến thành các món ăn như: Thịt chưng mắm tép, thịt luộc chấm mắm tép chưng, rau luộc chấm mắm tép...
Mắm tép Gia Viễn thành phẩm có màu đỏ tươi đẹp mắt, mùi vị thơm và mặm ngọt đặc trưng, hấp dẫn. Dùng mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt mà mắm vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà rất quyến rũ vị giác.
Mắm tép có thể được làm quanh năm nhưng ngon nhất vẫn là mùa đông vì tép mùa này béo, nhiệt độ cũng không cao nên ủ được mắm với hương vị thơm ngon nhất.
Nếu có cơ hội đến với vùng đất Cố đô - Ninh Bình bạn đừng quên thưởng thức món mắm tép Gia Viễn - một trong những món ăn mang đậm hương vị quê hương Bắc Bộ nhé!
'Cà dầm tương- Đậm đà hương vị quê nhà' Món cà dầm tương là một món ăn dân giã, truyền thống gắn bó quen thuộc trong mỗi bữa ăn của người dân Việt Nam. Để lưu giữ hương vị đậm đà bản sắc ấy, thời gian qua huyện Phúc Thọ đã xây dựng thương hiệu cà dầm tương để giới thiệu, quảng bá đến du khách mọi miền. Đồng thời tạo điều...