Mãn kinh và những điều cần biết
Chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng giúp người phụ nữ ổn định về cơ thể, giúp làn da hồng hào, nếu ngưng kinh thì cơ thể sẽ nhanh chóng “xuống cấp”. Vì vậy nhiều người muốn kéo dài thời gian này bằng việc nhờ can thiệp bằng y học, không cho cơ thể thay đổi theo tự nhiên.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc thay đổi về thể chất là quy luật, đặc biệt đối với phụ nữ. Ai cũng phải trải qua hai giai đoạn quan trọng là tuổi dậy thì- bắt đầu có kinh nguyệt và tuổi mãn kinh (gồm tiền mãn kinh và mãn kinh), đây là hai thời điểm có sự thay đổi về tâm sinh lý nhiều nhất.
Nguyên nhân
Thời kỳ mãn kinh được diễn biến qua ba giai đoạn, thời kỳ tiền mãn kinh, thời kỳ tắt kinh và thời kỳ hậu mãn kinh.
Trong thời kỳ tiền mãn kinh do nang noãn trong buồng trứng không còn nhạy cảm với nội tiết tố, cho nên nang noãn bị giảm hẳn ít đi và phát dục không đầy đủ, thậm chí không chín được để rụng thành trứng, vì thế chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, kỳ kinh và lượng kinh cũng biến đổi khác nhau, sau đó chức năng của buồng trứng ngày càng yếu đi, lượng estrogene tiết ra giảm đi đến mức không đủ để làm cho nội mạc tử cung bong ra và dẫn đến tình trạng tắt kinh.
Tuổi mãn kinh thường ở tuổi khoảng 45 đến 50, trung bình là 47, tuy nhiên có người tắt kinh sớm ở độ tuổi 40, cá biệt sớm nhất là 35, cũng có người kéo dài đến tận 55-56, vào cuối thời kỳ tắt kinh, buồng trứng người phụ nữ bị xơ hóa, teo nhỏ và mất hẳn chức năng nội tiết.
Video đang HOT
Tuổi mãn kinh nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhằm tăng lượng serotonin giúp giảm stress – Ảnh minh họa
Triệu chứng
Thời kỳ mãn kinh chỉ ghi nhận qua hồi cứu sau 12 tháng liên tục không hành kinh, chịu những xáo trộn của thời kỳ này như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, hay quên, tê các đầu chi, nôn mửa, giảm thị lực, ù tai hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, bốc hỏa, có khi trầm uất diễn đạt tư duy trầm lặng, cảm thấy mình bị suy sụp, bị oan, thất vọng, chán nản, đa nghi phiền muộn, lo lắng…
Niêm mạc sinh dục teo mỏng dần, khô âm đạo, ngứa, rát, giao hợp đau, dễ bị xây xước và nhiễm trùng, dễ sa sinh dục do cơ, dây chằng vùng chậu bị nhão hơn, tiết niệu có thể đi tiểu nhiều lần, đôi khi không đi tự chủ, da, tóc thì kém mềm mại, khô và nhăn, trổ đồi mồi, tóc khô, rụng, dễ gãy, tăng trọng lượng dễ dẫn đến thừa cân hay béo phì, mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng và đùi, dễ bị loãng xương do thiếu nội tiết, mất dần canxi và chất khoáng.
Sống vui khỏe ở tuổi mãn kinh
Để khắc phục tình trạng trên, với những biểu hiện của một số triệu chứng bất lợi cho cơ thể, trước hết người phụ nữ cần trang bị cho mình kiến thức khoa học nhất định và xem đây là tiến trình diễn tiến bình thường.
Về tâm sinh lý, cần tạo cho mình có một cuộc sống với môi trường vui tươi – thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn, xây dựng một kế hoạch làm việc thật khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi để không ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe. Để tránh những cơn bốc hỏa là triệu chứng thường gặp ở tuổi mãn kinh, ta cần uống nhiều nước, đủ lượng nước trong ngày từ 1 đến 2 lít, tránh ăn nhiều chất béo như sôcôla, phô mai, đồ uống có cồn hay cà phê vì chúng làm tăng mức độ khó chịu của cơn bốc hỏa, mặc quần áo thoáng mát.
Về rối loạn kinh nguyệt, có những biểu hiện như vòng kinh ngắn hay dài, đôi khi xuất huyết một cách bất thường, chỉ xử trí khi nào ra huyết nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cần cân bằng chế độ dinh dưỡng: ăn uống đầy đủ các chất, nên ăn cơm gạo trắng thường ngày có xen lẫn gạo lức để bổ sung nhiều vitamin nhóm B, bổ sung lượng calcium có trong bơ sữa, yaourt giúp làm giảm thay đổi tính khí, đau đầu, tăng lượng magnesium có trong trái cây, rau quả, đồng thời qua đó tăng lượng serotonin giúp giảm stress. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt cơ thể cần một lượng nước cho cơ thể. Tránh các thức ăn có nhiều muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Đậu nành cũng giúp cơ thể điều chỉnh lượng oestrogen khi lượng hormon này giảm dần hay những thay đổi bất thường gây ra nhiều triệu chứng của thời kỳ mãn kinh – Ảnh minh họa
Cần tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan…
Thể dục đều đặn rất tốt cho tuổi mãn kinh – Ảnh minh họa.
Trong đời sống vợ chồng: có thể dùng các chất bôi trơn như KY để tăng độ cảm giác, tránh được tổn thương niêm mạc gây đau do khô teo ở âm hộ – âm đạo. Hai vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn và chân tình về sức khỏe và tâm lý trong giai đoạn này, trên cơ sở đó chồng sẽ có trách nhiệm, cảm thông để cùng chia sẻ về những trạng thái sinh lý nói trên.
Phụ nữ mãn kinh cần tạo cuộc sống vui tươi, thoải mái, tránh lo âu phiền muộn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để không ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe – Ảnh minh họa.
Cần khám phụ khoa định kỳ (6 tháng một lần): để phát hiện và xử trí kịp thời khi có các bệnh phụ khoa.
Tóm lại: Hội chứng tiền mãn kinh là một phần trong đời sống sinh lý bình thường của người phụ nữ, vì vậy mỗi người phụ nữ cần trang bị những kiến thức cơ bản để tự chăm sóc mình để sống vui, sống khỏe, cuộc sống đầy ý nghĩa.
Theo VNE