Màn kịch “dã man” của mẹ chồng tốt
Màn kịch mẹ chồng đã dày công đóng suốt mấy năm khiến tôi sốc đến mức phải nhập viện. Thà rằng bà cứ đối xử tồi tệ để tôi hận bà, ghét bà. Đằng này, bà cứ ngọt nhạt khiến tôi khó xử quá.
ảnh minh họa
Tôi từng nghĩ mình là con dâu may mắn vì mẹ chồng rất tâm lý. Ai dè, tất cả chỉ là giả tạo.
Suốt thời phổ thông trung học, trái tim tôi chưa từng “rung rinh” với bất cứ chàng trai nào. Điều đó đã thay đổi vào năm cuối đại học. Tôi đã gặp và yêu anh – người bạn cùng khóa. Anh luôn xác định mối quan hệ nghiêm túc với tôi. Do vậy, tôi đã được anh đưa đến nhà chơi nhiều lần. Tôi rất thích nói chuyện với mẹ anh.
Mẹ anh là người khéo léo và tâm lý. Tôi cảm thấy yên bình và được che chở mỗi khi ở gần bà. Thế nên mọi định kiến không tốt về mẹ chồng – nàng dâu khi ấy trong tôi thật phù phiếm.
Sau ba năm yêu đương, chúng tôi đã quyết định gắn bó trọn đời với nhau. Tôi vui mừng bước theo chân anh về làm dâu. Mẹ chồng tôi là người tốt nhất trên đời. Niềm hạnh phúc nhất đã thổi bùng ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình tôi. Sau cưới một tháng, tôi có bầu. Nhưng niềm hạnh phúc của tôi chưa “to” bằng mẹ chồng. Bởi bố mẹ chồng tôi đã ly hôn nhiều năm, một mình mẹ chồng vất vả nuôi con nên bà dành mọi tình cảm cho đứa cháu sắp chào đời này.
Mẹ chồng đề nghị tôi không phải mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Bà e con dâu vất vả sẽ ảnh hưởng tới cháu nội. Bà tự nguyện làm mọi việc nhà với niềm vui khó tả.
Mẹ chồng đã đưa tôi tới phòng siêu âm thai. Mắt bà đã chùng xuống khi nhận tin kết quả siêu âm em bé trong bụng là bé gái. Nhưng một lát sau, chính bà lại động viên tôi: “Con nào cháu nào cũng quý cả con ạ”. Lúc con gái tôi chào đời, bà đã chăm bẵm cháu nội từng ly từng tí. Gần như tôi chỉ bế ẵm lúc cho con bú. Còn mẹ chồng tôi tranh phần trông cháu. Bà còn là “nhà tài trợ kim cương” sữa bột cho cháu nội.
Video đang HOT
Tôi rất quý trọng mẹ chồng mình. Dạo này các khoản thưởng của tôi tăng hơn trước. Tôi gửi cho mẹ chồng thêm 2 triệu đồng mỗi tháng để mẹ rủng rỉnh chi tiêu. Ngờ đâu, bà đã từ chối. Bà ngọt ngào nói: “Con cầm tiền chịu khó mua mỹ phẩm và quần áo mặc cho đẹp đi. Sinh con xong, trông con xuống sắc đi đấy”. Tôi rớm nước mắt trước mẹ chồng tâm lý.
Cuộc sống ở nhà chồng của tôi trôi qua rất yên bình và tình cảm. Tôi đâu ngờ mẹ chồng đã che đậy màn kịch đen tối. Một hôm, tôi đi làm về sớm và tình cờ nghe lỏm được câu chuyện của bà với người họ hàng. Mẹ chồng tôi tỏ ra rất mãn nguyện vì có cháu trai ở ngoài. Bà còn bảo đã “bảo trợ” toàn bộ cho cháu rơi. Tôi không còn tin vào tai mình nữa.
Tôi đã thuê thám tử đi điều tra tin đồn. Mẹ chồng tôi đã xúi con trai kiếm thằng đích tôn nối dõi tông đường. Bà bảo với con trai: “Chắc gì vợ anh sẽ sinh được con trai, nên cứ phòng bị trước cho lành”. Bà đã mai mối một cô gái nghèo cho chồng tôi. Mẹ chồng tôi còn thuê nhà cho cô gái đó ở để có địa điểm “gây giống”. Bà cũng không quên cho cô gái nhiều tiền để dưỡng thai.
Sau khi cháu trai chào đời, cứ hai, ba ngày, mẹ chồng tôi lại mang đồ ngon thức uống bổ dưỡng tới thăm cháu. Việc này đã diễn ra 2 năm. Thế mà tôi vẫn bị màn diễn mẹ chồng tốt của bà làm cho mờ mắt. Tôi bị sốc tới mức phải nhập viện. Mẹ chồng đã chạy tới chăm sóc cho tôi còn hơn cả mẹ đẻ. Thà rằng bà cứ đối xử tồi tệ với tôi để tôi hận bà, ghét bà. Đằng này, bà cứ ngọt nhạt khiến tôi khó xử quá.
Vợ chồng tôi còn rất yêu nhau. Nhưng tình cảm của chúng tôi cứ gượng gạo sau màn can thiệp quá trớn của mẹ chồng. Tôi thực sự chẳng biết làm gì trong hoàn cảnh này nữa. Xin hãy giúp tôi!
Theo VNE
Tôi chẳng khác gì một người giúp việc
Tôi là người đàn bà thứ 8 của Khương. Trước tôi, 7 người đàn bà đã lần lượt bỏ ông hoặc bị ông bỏ.
"Chị phải đưa anh ấy vô bệnh viện, tôi năn nỉ chị đó. Dù sao thì ảnh cũng là cha của con chị mà..."-Liên Hương lại gọi điện giục giã. Tôi nhìn người đàn ông đang nằm trên giường. Toàn thân ông trắng toát như tấm dra trải giường. Đôi mắt ông ta nhắm nghiền, trong khi cái miệng lại há hốc thổi ra từng hơi thở mệt nhọc, đứt quãng.
Tôi nhìn kỹ khuôn mặt ông, khuôn mặt xám xịt như mặt người chết. Mà có lẽ ông đã chết rồi vì tôi không thấy lồng ngực ông đập phập phồng...Nhưng không, nhìn kỹ, tôi biết mình đã lầm. Ông ta còn sống.
Người đàn ông nằm đó là Khương, chồng tôi. Cách đây 2 tuần lễ, ông bảo đi thăm một người bạn ở Cần Giờ, tôi hỏi thăm ai thì ông không nói. Sau đó khi Liên Hương gọi điện cho tôi biết là Khương bị sốt cao, khó thở; tôi mới biết chính xác là ông đi thăm cô ta.
Mà chẳng phải thăm viếng gì. Họ bồ bịch với nhau trong khi bên ngoài cứ giả làm anh em. Tôi biết hết nhưng không thèm nói bởi từ lâu tôi cũng chán cái cảnh vợ chồng với người đàn ông đáng tuổi ông nội mình. Tôi là người đàn bà thứ 8 của Khương. Trước tôi, 7 người đàn bà đã lần lượt bỏ ông hoặc bị ông bỏ.
Tôi không cần tìm hiểu lý do đích xác của những cuộc chia tay bởi thời gian 6 năm sống với Khương, đã quá đủ để tôi biết vì sao họ không thể chung sống với ông ta, một gã đàn ông hám gái nhưng bủn xỉn. Khi về sống với Khương, ông bảo tôi: "Anh sẽ bảo đảm cho em một cuộc sống đầy đủ, chẳng cần phải làm lụng vất vả như bây giờ".
Lúc đó tôi đang là nhân viên phục vụ ở một khách sạn mà mỗi lần lên TP HCM là ông ta lại đến đăng ký phòng để nghỉ qua đêm hoặc đôi khi chỉ nghỉ trưa. Ông khoe là chủ trang trại mấy chục hecta ở Bình Dương, có mấy căn nhà mặt tiền cho thuê, chỉ riêng tiền cho thuê nhà mỗi tháng đã hơn trăm triệu; tiền bán trái cây, gia súc, gia cầm ở trang trại mỗi tháng cũng ngần ấy nữa.
Ông năn nỉ mãi nhưng tôi không đồng ý. Cho đến lần ông nghỉ qua đêm ở khách sạn và đột ngột ngã bệnh, tôi phát hiện nhờ người đưa ông đi cấp cứu, còn mình thì ở lại chăm sóc. Khi khỏi bệnh, ông cho tôi 20 triệu gọi là tạ ơn tôi đã cứu mạng. Dần dà tôi cũng xiêu lòng.
Tôi nghĩ đồng tiền mình nhận là xứng đáng chứ chẳng phải là tiền bố thí của người chồng giàu có (Ảnh minh họa)
Tôi về sống với Khương, sinh cho ông ta 2 đứa con nhưng chúng tôi vẫn chưa làm hôn thú. Lý do mà Khương đưa ra để không đăng ký kết hôn là có chút vướng mắc về thủ tục ly hôn với bà vợ đầu tiên hiện đang sống ở nước ngoài. Tuy vậy, tôi lại nghe bạn bè ông nói lại là vì tôi còn quá trẻ, ông ta sợ tôi dòm ngó tài sản của mình nên không muốn ràng buộc.
Tôi mặc kệ ông ta nghĩ sao cũng được, miễn mỗi tháng tôi có một khoản tiền kha khá để gửi về cho ba mẹ tôi ở quê. Tuy vậy, cuộc sống của tôi cũng chẳng êm đẹp như tôi vẫn tưởng. Khi tôi mang thai lần đầu tiên, ông bảo có việc lên TP HCM vài hôm. Lần đó về, tôi phát hiện mấy cái bao cao su trong túi xách của ông. Tôi hỏi thì ông tỉnh bơ: "Giải quyết tạm thời khi em bầu bì thôi mà". Tôi chết lặng người. Phải rất lâu sau tôi mới lấy lại bình tĩnh. Sau lần đó, mấy tháng tiếp theo thay vì cho tôi 3 triệu thì ông cho tôi 5 triệu như để đền bù "tổn thất tinh thần" cho tôi.
Đôi khi ngồi suy nghĩ một mình, tôi thấy thân phận mình cũng chẳng khác gì một người giúp việc. Tiếng là giàu có nhưng trong nhà mọi việc lớn nhỏ tôi phải làm; ông chỉ thuê nhân công cho công việc ở trang trại. Nhưng thậm chí cả những công việc xịt sâu, tưới nước, lượm trứng; cho gà, chim ăn... tôi cũng phải cùng làm với thợ.
Chính vì vậy, tôi nghĩ đồng tiền mình nhận là xứng đáng chứ chẳng phải là tiền bố thí của người chồng giàu có. Giả dụ ông ta thương tôi thật lòng, sống đàng hoàng, đừng bồ bịch lung tung thì có lẽ tôi cũng sẽ thương yêu ông ta dù cái chuyện đũa lệch nhiều khi cũng khiến tôi nản lòng. Thế mà ông không như vậy. Vừa tính toán nhỏ mọn, lại vừa chơi bời vô độ, coi vợ con như "con sen"- đây là từ ngữ mà ông hay nói với tôi để chỉ người giúp việc.
Bây giờ thì ông ngã bệnh nằm đó. Liên Hương bảo tôi đưa ông vô bệnh viện nhưng tôi lưỡng lự. Vô đó là tôi phải đi theo chăm sóc ông, bỏ bê hai đứa nhỏ và công việc nhà vì ông sẽ chẳng chịu để người lạ chăm sóc mình. Còn để ông ở nhà, dù tôi đã mời bác sĩ đến khám nhưng tình hình mấy hôm rồi không có chuyển biến. "Chị đưa bác vô bệnh viện sớm thì còn có hi vọng; nếu không e rằng sẽ khó qua khỏi vì đợt viêm phổi này rất nặng"- vị bác sĩ khuyên.
Tôi nhìn cái mặt xám xịt của ông. Những hơi thở nhẹ như không... Trong đầu tôi mọi thứ rất mơ hồ. Tôi nửa muốn ông khỏe lại để xem ông có để lại gì cho mẹ con tôi hay không; nhưng nửa lại muốn ông ta cứ đi luôn vì tôi đã tìm kiếm khắp nhà vẫn chẳng thấy giấy tờ, tiền bạc ở đâu.
Nghe nói mấy ngôi nhà mà ngày xưa ông "nổ" trước khi lấy tôi thật ra là của con trai ông. Chúng đứng tên sở hữu và lấy tiền cho thuê chứ ông chẳng có gì. Còn cái trang trại "bé bằng cái lỗ mũi" chứ không phải rộng mấy chục hecta như ông ta khoe hồi trước hình như cũng đứng tên một trong những bà vợ đã mất của ông. Con của bà này vừa rồi đã nộp đơn kiện cha để đòi lại đất. Bây giờ nghĩ kỹ lại hình như chẳng có gì cho tôi ngoài mấy món nữ trang mà ông tặng tôi nhân những dịp này nọ như sinh nhật, ngày chung sống, lễ phụ nữ...
Vậy thì tôi cứu ông ta làm gì? Để ông sống thêm ngày nào, tôi cực thân ngày ấy... Thế nhưng có một tiếng nói khác lại bảo rằng, dù sao thì ông ta cũng đã cưu mang mẹ con tôi suốt 6 năm qua, có lẽ tôi nên đưa ông đến bệnh viện chăng? Mà chắc gì vô đó ông có thể qua khỏi?
Càng nhìn ông, tôi càng thấm thía. Nếu ai đó có sức khỏe, có trí tuệ thì tự mình kiếm sống, đừng bao giờ dựa dẫm vào những kẻ hay khoe mẽ giàu sang bởi cái thùng rỗng thì luôn kêu to...
Theo VNE
Nỗi đau người vợ bị chồng truyền HIV Niềm vui sắp được làm mẹ của Triệu Thị Viên bỗng chốc tan thành mây khói khi chị biết mình đã nhiễm HIV. Đau đớn hơn, khi Viên biết rằng, người chồng bị bệnh đã không hề cho chị biết sự thật đó. Hận chồng vì biết bệnh vẫn giấu Triệu Minh Hải "hơi ân hận" vì giấu bệnh và lây cho vợ....