Màn hình smartphone tương lai có thể tự liền lại khi bị nứt vỡ
Các nhà khoa học ở Ấn Độ gần đây đã phát triển một loại vật liệu tự phục hồi cứng nhất thế giới và có thể được sử dụng cho màn hình điện thoại trong tương lai.
Các nhà khoa học đã tổng hợp một loại vật liệu tinh thể hữu cơ có cấu trúc phân tử bên trong độc đáo, có khả năng tự phục hồi khi bị hư hỏng. Để chứng minh khả năng tự phục hồi này, các nhà khoa học đã sử dụng một kim nhọn để kích hoạt các vết nứt từ nhẹ đến nặng trên vật liệu này. Sau khi áp lực kim được rút ra, vật liệu bắt đầu tự động phục hồi vết nứt trong khoảng thời gian chưa đầy một giây.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra loại vật liệu tự phục hồi cứng nhất thế giới thuộc Viện Khoa học giáo dục và Nghiên cứu Ấn Độ
Vật liệu tự phục hồi đã được nghiên cứu trên toàn thế giới trong hơn ba thập kỷ qua và đã được đưa vào trong các ứng dụng kỹ thuật, chủ yếu để chống mài mòn trong ngành xây dựng, ô tô và hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, hầu hết tất cả các vật liệu tự phục hồi được biết đến đều mềm, vô định hình và cần một số yếu tố kích thích bên ngoài như nhiệt độ, ánh sáng hoặc một tác nhân hóa học để tự phục hồi.
Liên quan đến vật liệu mới này, Chilla Malla Reddy, Giáo sư hóa học tại Viện Khoa học giáo dục và Nghiên cứu Ấn Độ (ISSER), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Vật liệu tự phục hồi của chúng tôi cứng hơn 10 lần so với những vật liệu khác. Và nó có cấu trúc dạng tinh thể, được sắp xếp trật tự, đây là loại cấu trúc được ưa chuộng trong hầu hết các ứng dụng điện tử và quang học”.
Sự sắp xếp phân tử của các tinh thể sao cho khi xảy ra sự đứt gãy, một lực hút mạnh giữa hai bề mặt làm cho các mảnh ghép lại với nhau.
Video đang HOT
Hình ảnh mô phỏng vật liệu tự phục hồi cứng nhất thế giới
Các nhà khoa học đã công bố kết quả thí nghiệm của mình trên Tạp chí Nghiên cứu khoa học của Mỹ.
Vật liệu hữu cơ mà họ đã tổng hợp được thuộc về một nhóm chất được gọi là tinh thể áp điện có thể biến cơ năng thành năng lượng điện hoặc năng lượng điện thành cơ năng.
Nirmalya Ghosh, Giáo sư khoa học vật lý tại IISER, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Vật liệu áp điện có mặt khắp nơi trong lĩnh vực công nghiệp và ứng dụng khoa học”.
Hiện vật liệu áp điện cũng đã được sử dụng rộng rãi trong các loại robot, trên tàu vũ trụ, trong kính hiển vi hiện đại và các loại thiết bị khác.
Bhanu Bhushan Khatua, một trong những nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Ấn Độ cho biết: “Những vật liệu tự phục hồi như vậy có thể được sử dụng cho màn hình điện thoại di động trong tương lai, loại màn hình này sẽ tự sửa chữa nếu chúng bị rơi với các vết nứt”.
Ứng dụng AI trong bảo hiểm rơi vỡ màn hình điện thoại tại Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo được áp dụng để xét duyệt các trường hợp rơi vỡ thay cho con người, giúp quá trình bồi hoàn diễn ra nhanh hơn và diễn ra hoàn toàn trên mạng.
Các công ty công nghệ bảo hiểm (insurtech) đang ứng dụng công nghệ triệt để nhằm hiện đại hoá ngành bảo hiểm. Việc này giúp các khâu trong quá trình thực hiện hợp đồng nhanh gọn, tiện lợi. Đồng thời giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các gói bảo hiểm thông qua nền tảng Internet.
Theo ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam, mảng bảo hiểm dành cho điện thoại di động - máy tính bảng và bảo vệ hàng hoá logistics hiện đang có nhu cầu cao tại Việt Nam. Do đó, công ty đang hợp tác cùng đối tác theo hình thức B2B2C để cung cấp dịch vụ cho hai mảng này.
Ví dụ, hãng này kết hợp với một ví điện tử, khi khách hàng của ví này thực hiện một khoản thanh toán nhất định, ví điện tử có thể nêu một đề nghị xem khách hàng có muốn mua bảo hiểm rơi vỡ màn hình điện thoại hay không. Nếu khách hàng đồng ý, khâu kiểm duyệt sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động.
Để xác minh màn hình điện thoại còn nguyên vẹn trước khi mua bảo hiểm, khách hàng chỉ cần mở ứng dụng lên, đưa điện thoại ra trước gương để chụp một tấm ảnh thấy rõ màn hình phía trước. Hệ thống sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để nhận dạng màn hình. Nếu màn hình điện thoại còn nguyên vẹn, nhà cung cấp sẽ thực hiện hợp đồng bảo hiểm đề đền bù cho trường hợp bị rơi vỡ về sau.
AI sẽ so sánh để phát hiện các điểm nứt vỡ trên màn hình điện thoại trong quá trình xét duyệt bồi hoàn bảo hiểm.
"Việc tự động hoá hoàn toàn khâu duyệt hồ sơ bằng một ứng dụng tự chụp điện thoại sẽ giúp khách hàng không cần phải đến công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cũng tiết kiệm nhân sự. Ít nhất, người dùng không cần phải dùng chiếc điện thoại thứ hai để chụp điện thoại cần bảo hiểm", ông Trí phân tích.
Igloo, một công ty công nghệ bảo hiểm khởi nghiệp tại Singapore, gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2021. Để cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong kỷ nguyên Internet, công ty dựa hoàn toàn vào công nghệ. Họ phát triển dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo để xây dựng nên hệ thống tự động hoá hoàn toàn trong tất cả các khâu của quá trình bảo hiểm.
Bên cạnh gói bảo hiểm rơi vỡ màn hình điện thoại đang tăng trưởng tốt, mảng bảo hiểm hàng hoá cũng được đón nhận tại Việt Nam. Phía Igloo cho biết hầu như mọi khách hàng lớn của Ahamove đều mua gói bảo hiểm này để được đền bù khi hàng hoá gặp vấn đề khi vận chuyển.
"Khi nào sản phẩm vận chuyển có dấu hiệu móp méo, hư hỏng, chúng tôi đều hầu như đền 100% giá trị sản phẩm", ông Trí thông tin.
Trả lời ICTnews, ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho hay gần như 100% việc xét duyệt đền bù hiện nay đối với hàng hoá vận chuyển qua Ahamove đều thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo. Khách hàng chỉ việc chụp ảnh sản phẩm có dấu hiệu bị hư hại, hệ thống sẽ tự kiểm duyệt và cung cấp khoản bồi hoàn trong vòng vài tiếng đồng hồ đến khoảng 1-2 ngày.
Cũng như hệ thống AI dựa trên dữ liệu lớn của nhiều nền tảng khác, máy tính của Igloo sẽ phân tích hình ảnh do khách hàng cung cấp để xác định hư hỏng, sau đó bồi thường theo quy định.
"Chúng tôi có khoảng 3 triệu hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam trong năm 2021, nếu không dùng hệ thống công nghệ mà dựa vào con người thì chắc chắn sẽ bị quá tải", đại diện công ty cho hay.
Theo ông Trí, nhu cầu bảo hiểm tại Việt Nam đang tăng lên trong bối cảnh thu nhập người dân ngày càng lên, ý thức bảo vệ sức khoẻ và giữ gìn tài sản vì thế cũng tăng theo. Để tạo khác biệt, Igloo nhắm vào những gói bảo hiểm nhỏ, thị trường ngách, như: Bảo hiểm chậm chuyến bay, bảo hiểm an toàn trên mạng... Ngoài ra, công ty cũng dựa trên thế mạnh công nghệ để xây dựng nền tảng giúp nhà môi giới, đại lý bảo hiểm truy cập trực tuyến nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau để cung cấp đến khách hàng.
Ví dụ gói bảo hiểm an toàn trên mạng được bán với giá khoảng 90-100 ngàn đồng/năm, có thể bồi thường khoản tiền tối đa 25.000 USD cho một trường hợp. Khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến, chỉ cần gọi điện lên tổng đài khi muốn yêu cầu bồi hoàn.
"Gói bảo hiểm an toàn trên mạng không chỉ đền cho những vụ chiếm đoạt tài khoản, làm mất dữ liệu, mà còn phủ cả những trường hợp bị bắt nạt trên mạng", ông Trí giải thích với ICTnews.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đang phát triển ước tính đạt 29.565 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) vào tháng 6/2021, tăng 9,21% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại vỏ nhẹ như nhựa trong tương lai cứng hơn cả thép? Các kỹ sư của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một loại vật liệu mới cứng hơn thép và nhẹ như nhựa. Được phát triển với sự trợ giúp của một quy trình polyme hóa mới, các kỹ sư hóa học của MIT đã phát triển một loại polyme hai chiều (2D) có thể tự lắp ráp thành các tấm, không...