Mâm cơm của mẹ
Mỗi lần nghe tin con cái về là mẹ lại lọ mọ, khấp khởi. Chắc sợ chúng bị đói, mẹ loay hoay chuẩn bị cả buổi, sáng đi chợ từ sớm cho mát mẻ. Mẹ lúc nào cũng bảo “Lâu lâu mới được bữa đông đủ cả nhà”.
Ảnh minh họa
Mỗi khi quây quần, mẹ lại là đầu bếp chính chuyên nhiệm vụ tẩm ướp, rồi nêm nếm thức ăn, mấy đứa con đứng xung quanh làm chân băm chặt, vặt rau. Mâm cơm của mẹ hệt như có đũa thần, đưa lũ con trở về với những ngày còn được ở bên mẹ “vừa ngồi vừa ăn”, mỗi bữa chỉ có một trong số những món này thôi, nhưng nhoắng cái là “thủng nồi trôi rế”.
Giờ vừa làm phụ bếp vừa nghe mẹ thuyết minh, món gà ta luộc cổ truyền này, món chả cuốn này, đây vốn là món mà bà nội dạy khi mẹ về làm dâu, chỉ vùng này mới có. Đôi khi mẹ có biến tấu nho nhỏ, như cho thêm vài cái nấm hương, hoặc ít giá đỗ, vậy là mỗi lúc lại mỗi hương vị mới mẻ, song vẫn in dấu ấn, chẳng lẫn vào đâu được cái tay nghề đầu bếp tuyệt hảo của mẹ.
Cá kho là món tủ mẹ truyền con nối. Bà ngoại từng dạy mẹ kho cá hai lửa làm sao để miếng cá rắn sắt lại, quện chặt từng vị gia giảm… Rồi mẹ chỉ vào món mực xào xả ớt: “Mẹ học được của con dâu, mang hương vị biển đảo quê hương”.
Chẳng hiểu mẹ có ý nhắc nhở hay không, mà mâm cơm gia đình mỗi khi con cái đi xa về, bao giờ cũng có bát canh chua, có quả cà dầm hoặc dưa cải.
Video đang HOT
Bữa ấy cả nhà đang ngồi ăn hoa quả, nhìn lên nóc tủ lạnh, mẹ mới thừ người nghĩ ra, là đã quên cái túi phồng tôm, tối qua mẹ tỉ mẩn rán sẵn.
Mẹ lẩm bẩm tự trách mình lẩn thẩn, không gian như trầm lắng xuống. Mẹ có tuổi rồi không còn được như xưa. Mỗi năm qua mắt mẹ lại thêm kém, hay quên cái nọ cái kia. Chạy ào vào bếp định lấy cái gì mà sau đó đăm chiêu tuyệt nhiên không nhớ nổi, lại đành quay ra, rồi mới “À, phải rồi, lấy cái…”.
Mấy đứa con cười dẫu trong lòng se lại, biết rằng tuổi già chẳng tha bỏ một ai.
Từ đó dù xa, dù bận mấy, người thì phải trực, kẻ bận làm ca, có đứa lại vướng con nhỏ, mỗi lần về lích kích lắm… nhưng mấy anh em cũng phải hẹn nhau một tháng tụ tập lấy một lần. Có đồ ăn gì mới lạ, hay hay lại mua về biếu bố mẹ, coi như là cách để giải phóng sức lao động cho mẹ. Vậy nhưng lần nào về mẹ cũng phải kỳ công bày vẽ ra không thiếu món nào. Mẹ bảo hạnh phúc của mẹ là được ngắm nhìn các con ngon miệng trong bữa ăn gia đình.
Theo DanTri
Lễ cúng cơm giỗ đầu tại ngôi nhà tuổi thơ Đại tướng
Ngày 23/9, tại ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các con cháu đã tổ chức Lễ cúng cơm theo truyền thống quê hương để tưởng nhớ một năm ngày mất của Người.
Từ sáng sớm, trong căn nhà gỗ 3 gian tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ thủy, Quảng Bình, nhiều người đã về đây thắp những nén hương thơm tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Từ sáng sớm nhiều người đã về ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, thắp nén tâm hương.
Sau khi thắp hương ở đền thờ họ Võ, nhiều người con cháu trong dòng tộc đã tiến hành dâng cúng cơm cho Người.
Trưởng phái dòng họ Võ, ông Võ Hoàng Hữu Luyến, thắp hương và thực hiện các nghi lễ cúng tại bàn thờ Đại tướng.
Ông Võ Đại Hàm (cháu gọi Đại tướng bằng chú, đồng thời là người trong nom ngôi nhà tưởng niệm) cho biết: "Nếu tính theo dương lịch thì ngày mất của Đại tướng là ngày 4/10, nhưng theo phong tục truyền thống thì ngày mất của Đại tướng được tính theo âm lịch là ngày 30/8. Nên nhằm đúng ngày 30/8 âm lịch, gia đình và dòng tộc họ Võ đã tiến hành lễ cúng cơm cho Đại tướng".
Ông Hàm cũng cho biết thêm, cũng ngày này, tại nhà riêng của Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu (TP Hà Nội), vợ và các con của Đại tướng cũng tổ chức Lễ cúng cơm tròn một năm cho Người.
Dâng mâm cơm đạm bạc theo phong tục quê hương.
Một mâm cơm cúng được đặt ngoài trời, trước sân nhà Đại tướng.
Ông Võ Đại Hàm thành kính dâng hương.
Hoàng Phúc - Đặng Tài
Theo Dantri