Mầm bệnh từ căng thẳng trong công việc
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Phần Lan, căng thẳng trong công việc có thể mang đến bệnh tật khi về già. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng cả về thể chất và tinh thần trong công việc đều gắn liền với những vấn đề sức khỏe sau này của bạn.
Căng thẳng tinh thần trong công việc có thể đến do thời hạn, yêu cầu cao và khả năng kiểm soát công việc. Căng thẳng về thể chất bao gồm đổ mồ hôi, khó thở và căng cơ.
Bà Mikaela von Bonsdorff, nghiên cứu Lão khoa tại Đại học Jyvskyl, Phần Lan, cho biết: “Căng thẳng công việc là cảm nhận của mỗi cá nhân. Những người làm công việc giống nhau có thể có mức độ căng thẳng khác nhau. Khi nói về căng thẳng trong công việc, điều quan trọng là hãy nhớ rằng thường xuyên căng thẳng cũng không hẳn là một điều quá tồi tệ, nhưng mức độ căng thẳng cao và dai dẳng lại chính là một mối nguy hiểm sức khỏe”.
Nghiên cứu khảo sát trên 5.000 nhân viên Phần Lan ở độ tuổi trung niên về căng thẳng tại công sở từ năm 1981. Các nhà nghiên cứu kết hợp thông tin đó với dữ liệu từ hồ sơ bệnh viện quốc gia kéo dài 28 năm tiếp theo. Với 1.000 người đàn ông gặp mức độ căng thẳng thấp trong công việc, trung bình, họ phải dành khoảng 8 ngày trong việc chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện mỗi năm, và số ngày sẽ tăng lên 13 đối với nam giới gặp áp lực lớn trong công việc.
Căng thẳng về thể chất trong công việc được giới hạn trong các loại ngành nghề như nghề thủ công hoặc các ngành nghề dịch vụ ở mức độ thấp như là một thợ điện, người chăm sóc, lái xe, xây dựng , lao công, phục vụ bàn, đầu bếp hoặc nhân viên bán hàng.
Nguyên nhân có thể là sự gia tăng của các rối loạn cơ xương do căng thẳng về thể chất gây đau nhức và có thể dẫn đến viêm xương khớp, một nguyên nhân hàng đầu buộc người già phải nhập viện. Ngoài ra, bất động có thể liên quan đến tăng cân, từ đó dẫn đến suy tim, huyết áp cao và tiểu đường. Căng thẳng tinh thần có liên quan đến bệnh tim.Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể chứng minh rằng căng thẳng công việc gây ra những vấn đề về sức khoẻ và nguy cơ nằm viện.
Video đang HOT
Theo VNE
Chích ngừa an toàn cho trẻ
Việc nhiều trẻ bị phản ứng phụ sau khi đi chích ngừa đã khiến không ít phụ huynh lo ngại. Nhiều người cũng băn khoăn và e dè trong việc chích ngừa thêm cho con trẻ những loại vắc-xin phòng bệnh ngoài chương trình tiêm chủng quốc gia. cũng có ý kiến cho rằng, "trẻ vẫn có thể bị bệnh dù đã chích ngừa".
Tỷ lệ trẻ mắc bệnh ít hơn khi chích ngừa
BSCK 1 Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, khẳng định: Chích ngừa không có nghĩa là hoàn toàn tránh được bệnh, vì hiệu quả phòng ngừa còn tùy thuộc vào khả năng đáp ứng miễn dịch của từng trẻ, thời gian hiệu lực của mỗi loại vắc-xin, mức độ và tần suất tiếp xúc mầm bệnh của trẻ. Song một điều chắc chắn rằng, trẻ được chích ngừa sẽ ít mắc bệnh hơn trẻ không chích ngừa. Trẻ được chích ngừa nhiều bệnh sẽ có khả năng phòng ngừa nhiều bệnh hơn, nhất là những bệnh thường gặp trong vùng dịch tễ chúng ta đang sống.
Để việc chích ngừa hiệu quả nhất, cha mẹ nên lựa chọn tùy theo các yếu tố sau:
- Tuổi của trẻ: Bệnh lao nên chích ngừa càng sớm càng tốt; vắc-xin ngừa tiêu chảy nên uống trước sáu tháng tuổi và bắt đầu lúc trẻ sáu tuần tuổi. Chích nhắc Infanrix hexa (mũi 5 trong 1) nên trước 18 tháng, Pentaxim (mũi 6 trong 1) trước 24 tháng... Trẻ trên năm tuổi không cần tiêm ngừa Hib...
- Sức khỏe hiện tại của trẻ: Khi đến tiêm chủng, nếu trẻ có vẻ "không khỏe" nhưng không có bệnh mạn tính, bệnh cấp tính rõ ràng, vẫn có thể chích ngừa, song nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn những loại vắc-xin ít tác dụng phụ.
- Tiền sử phản ứng sau chích các loại vắc-xin trước đó: Nếu trẻ có những phản ứng mạnh ở lần chủng ngừa đầu, không nên tiếp tục cho trẻ chích lần sau vì có thể trẻ bị dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc. Tùy mức độ nguy hiểm trước đó và tính quan trọng của vắc-xin để ngưng hoặc thay thế sản phẩm khác an toàn hơn.
- Tình hình dịch bệnh hiện tại: Khi dịch bệnh xảy ra, một số trẻ nên chích ngay, nhưng cũng có trẻ không cần chích vì đã chích ngừa trước đó mà chưa đến ngày chích, hoặc dời lại ngày khác, nếu có lịch chích những bệnh khác quan trọng hơn... Vào thời điểm trời nắng nóng sẽ dễ phát sinh bệnh tiêu hóa, nên chích ngừa thương hàn cho trẻ nếu trước đó chưa chích. Tương tự, vào mùa lạnh nên chích ngừa cúm...
- Cơ địa của trẻ: Nếu trẻ dị ứng trứng, không nên chích ngừa cúm mùa; trẻ nhẹ cân không chích ngừa lao; trẻ có cơ địa bị chàm, dị ứng nên thận trọng khi chích ngừa; trẻ suy dinh dưỡng nặng cũng cần cân nhắc sự đáp ứng miễn dịch của trẻ.
- Một số bệnh khác của trẻ: Nếu trẻ bị suy thận hay suy gan hoặc sẽ cắt lách, dùng thuốc điều trị đặc biệt sẽ cần chích ngừa thêm một số vắc-xin như Hib, phế cầu, sởi, quai bị, rubella, viêm gan... Nếu trẻ đang dùng một số loại thuốc điều trị đặc biệt thì không nên chích ngừa loại vắc-xin sống giảm độc lực ... Nếu cơ địa của trẻ bị suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh về lách, gan, thận thì cần thiết phải chích ngừa viêm phổi do phế cầu. Cần chích ngừa viêm màng não mô cầu nếu trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hay lên cơn tím tái, thể trạng kém phát triển. Trẻ đã bị thủy đậu rồi thì không cần chích ngừa nữa, nhưng nếu trẻ đã phát ban thì vẫn nên tiêm ngừa.
Đa số các vắc-xin có thể chích cùng một thời điểm khi trẻ hội tụ đủ điều kiện chích ngừa. Song cũng cần lưu ý riêng một vài loại, ví dụ không nên chích ngừa chung thủy đậu (varilrix) với vắc-xin ngừa sởi, quai bị, rubella trừ trường hợp sản phẩm đã được kết hợp; không cùng lúc cho trẻ uống ngừa bại liệt với uống thuốc ngừa tiêu chảy. Riêng với những trẻ có cơ địa dị ứng hay yếu tố nhạy cảm với thành phần thuốc nên tránh tiêm chung nhiều loại vắc-xin cùng lúc vì sẽ khó nhận biết vắc-xin nào gây nên những phản ứng phụ để phòng tránh về sau.
Theo BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trường hợp trẻ đã được chích những vắc-xin riêng biệt hoặc vắc-xin thế hệ cũ nhưng sau đó phụ huynh lại muốn cho trẻ chích những loại vắc-xin kết hợp thế hệ mới phòng chống được nhiều bệnh, đồng thời để trẻ không bị đau do phải chịu nhiều mũi tiêm, thì vẫn có thể chấp nhận được. Chẳng hạn: Trẻ đã được chích ngừa một mũi sởi (lúc 9 -11 tháng tuổi), cha mẹ vẫn nên cho trẻ chích mũi kết hợp cả ba loại vắc-xin sởi - quai bị - rubella khi bé trên 15 tháng; hoặc lần đầu đã chích ngừa mũi 3 trong 1 cho trẻ (bạch hầu, ho gà, uốn ván), mũi viêm gan B, uống vắc-xin bại liệt, ở lần chích sau phụ huynh muốn đổi sang loại kết hợp 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ HiB) hay 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan B)...
Những điều cần nhớ
Cha mẹ cần chuẩn bị tất cả giấy tờ liên quan chủng ngừa để nhân viên y tế tham khảo và tư vấn, tránh việc nhớ sai, nhớ không đầy đủ khiến trẻ bị chích thiếu hay thừa. Vấn đề thể trạng, sức khỏe của trẻ là yếu tố quan trọng để quyết định việc chích ngừa. Vì vậy, cần nhất là trẻ phải khỏe mạnh. Khi trẻ đang mang những bệnh lý cấp tính như sốt, tiêu chảy, ho nhiều; đang điều trị với thuốc kháng sinh hay dùng thuốc ức chế miễn dịch như corticoid; đang bị bệnh ngoài da có mủ, bệnh chàm hoặc trẻ vừa khỏi bệnh, đang trong thời gian hồi sức thì không cho trẻ chích ngừa.
Không nên cho trẻ bú no gần giờ tiêm chủng vì khi chích, trẻ khóc dễ ói sặc, khi uống ngừa trẻ dễ ói ra thuốc. Nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ trước ngày tiêm chủng. Trẻ tiêm chủng đúng lịch thì đảm bảo khả năng phòng ngừa bệnh cao hơn chích ngừa trễ. Tuy nhiên, nếu bị trễ thì không chích lại từ đầu mà vẫn chích tiếp theo vì hiệu quả vẫn đảm bảo sau đó.
Sau chủng ngừa, trẻ có thể có những phản ứng sau: sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế cử động tại điểm chích và sốt, quấy, bỏ bú, co giật. Mức độ phản ứng có thể thoáng qua, tự khỏi hoặc nghiêm trọng như co giật, viêm màng não, sốc phản vệ, thậm chí tử vong... Phản ứng sau tiêm tùy thuộc cơ địa mỗi trẻ, các loại vắc-xin ngừa các bệnh khác nhau, các sản phẩm khác nhau ngừa một loại bệnh.
BS Phạm Mai Đằng lưu ý: Cha mẹ cần theo dõi, phát hiện và chăm sóc đối với các phản ứng không nghiêm trọng trong hai-ba ngày và đưa vào bệnh viện khi có phản ứng nghiêm trọng. Với trường hợp sưng đau chỗ tiêm: không nên chườm ấm, chà chanh, vì sẽ làm viêm đỏ hơn cũng như làm mất nút máu đông chỗ tiêm, vi trùng dễ xâm nhập gây áp-xe. Nếu chích dưới da thì không nên xoa; chích bắp thì xoa nhẹ tránh làm tổn thương mạch máu trong cơ, gây xuất huyết, máu tụ. Không nên hiểu chích ngừa vắc-xin phải có sốt mới tốt, mới có hiệu quả. Sốt là phản ứng phụ của chủng ngừa mà khoa học đang cố giảm tác dụng phụ đến mức thấp nhất.
Theo PNO
Nhiễm bệnh từ thịt heo Các chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn heo có thể tăng trong những ngày cuối năm chỉ vì thói quen ăn tiết canh ngày Tết để lấy may. Chưa đầy một ngày sau khi thưởng thức món "khoái khẩu" tiết canh heo, bệnh nhân N.V.K, 41 tuổi, ở Ninh Bình, đã phải nhập viện. Món "khoái khẩu" tiết...