Malaysia nhờ Việt Nam sang tìm máy bay mất tích
Hôm nay, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích quanh khu vực DK1. Bên cạnh đó, Malaysia cũng nhờ Việt Nam đưa phương tiện sang tìm máy bay mất tích.
Hôm nay là ngày thứ 7 tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích. Trước đó, trong ngày hôm qua (13/3), Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích với quy mô nhỏ hơn.
Phạm vi hoạt động chuyển về hướng Đông của đường bay của máy bay mất tích, thêm cả khu vực rừng U Minh…
Máy bay VN tìm kiếm tại rừng U Minh ngày 13/3 – Ảnh: Quốc Huy
Thông tin từ Sở chỉ huy cứu nạn Hàng không VN cho biết, máy bay tuần thám CASA KA8981 cùng với 2 máy bay AN26 đã tìm kiếm tại khu vực phía đông Nam của Cà Mau (vị trí vệ tinh Trung Quốc tìm thấy vật thể nghi của máy bay Malaysia mất tích), nhưng không thấy dấu vết gì.
Tuy nhiên, trong chiều 13/3, phía Trung Quốc đã cho biết không thể xác nhận các vật trôi nổi trên biển mà vệ tinh nước này phát hiện ra có liên quan đến máy bay Malaysia mất tích.
Trong buổi họp báo chiều tối 13/3, Bộ trưởng GTVT Malaysia cho rằng có thể vật lạ chìm ở sâu dưới biển nên máy bay không thể phát hiện được và họ cho biết sẽ điều tàu ra khu vực này để tìm kiếm.
Theo thông báo từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 13/3, Việt Nam đã sử dụng 5 máy bay, 7 tàu các loại tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Lực lượng nước ngoài vào vùng biển Việt Nam tham gia tìm kiếm trong ngày hôm 13/3 gồm 3 tàu và 3 máy bay.
Ngoài ra, Cục Hàng không VN đã nhận được trả lời chính thức về công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích Beoing 777 từ nhà chức trách Malaysia.
Tuy nhiên, theo đại diện của Cục hàng không VN cho biết, phía Malaysia vẫn trả lời rất chung chung, mặc dù có xin lỗi vì trả lời muộn.
Liên quan đến vụ việc, ngày 14/3 Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 13-3, đại tá Vũ Thế Chiến – phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) – cho biết trao đổi qua điện thoại, phía Malaysia đặt vấn đề nhờ VN hỗ trợ phương tiện sang tìm kiếm ở vùng biển Malaysia.
Video đang HOT
Dự kiến, ngày 14/3, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng 3 máy bay tìm kiếm khu vực phía Nam nhà giàn DK1 đến Bắc vùng chồng lấn Việt Nam – Malaysia. Ngoài ra, có 7 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm về khu vực nam DK1.
Liên quan đến phương hướng tìm kiếm của Việt Nam, trong chiều 13/3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chủ trì cuộc họp, nghe các lực lượng, cơ quan chức năng báo cáo và cho ý kiến về phương án tìm kiếm máy bay Malaysia trong những ngày tới.
Vũ Điệp – Hoàng Sang
Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích bí ẩn
Theo_VietNamNet
Ai đã tắt thiết bị thu phát trên máy bay MH370?
Điều tra viên Mỹ tin rằng đã có người cố tình tắt thiết bị thu phát trên MH370.
Ngày 14/3, gần một tuần sau khi máy bay MH370 biến mất một cách bí ẩn, các điều tra viên của Mỹ đang ngày càng tin rằng hệ thống liên lạc trên chiếc máy bay này đã bị ai đó cố tình tắt đi, và dữ liệu vệ tinh mà họ thu nhận được cho thấy máy bay vẫn tiếp tục bay trong thời gian dài sau khi "biến mất".
Các nguồn tin này cũng cho biết hai hệ thống liên lạc trên MH370 đã bị tắt lần lượt cách nhau 10 phút. Hệ thống báo cáo dữ liệu bị tắt vào lúc 1:07, trong khi thiết bị thu phát chịu trách nhiệm liên tục truyền tải những thông tin quan trọng của máy bay bị tắt vào lúc 1:21.
Thiết bị thu phát trên máy bay đã bị cố tình tắt đi? (Ảnh minh họa)
Điều này chỉ ra rằng chiếc máy bay chở theo 239 người này không hề bị một sự cố hay một tai nạn nghiêm trọng nào khiến toàn bộ thiết bị thông tin liên lạc bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động cùng một lúc.
Mặc dù hôm qua các quan chức Malaysia đã bác bỏ thông tin chiếc Boeing 777 này tiếp tục "bay mù" khoảng 4-5 giờ đồng hồ sau khi mất liên lạc với mặt đất, song các quan chức Mỹ giấu tên khẳng định rằng nó vẫn tiếp tục gửi tín hiệu qua vệ tinh trong nhiều giờ sau khi biến mất trên màn hình radar.
Nếu chiếc máy bay tiếp tục bay thêm nhiều giờ sau khi mất liên lạc trên Vịnh Thái Lan, nó có thể đã tiếp tục bay ra tới Ấn Độ Dương, cách xa đường bay định sẵn của nó hàng trăm km.
Trực thăng Malaysia chuẩn bị cất cánh tìm kiếm MH370
Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với ABC News: "Chúng tôi có cơ sở để nhận định chiếc máy bay đã rơi trên Ấn Độ Dương." Một tàu chiến của Mỹ cũng đã được lệnh chuyển hướng từ Vịnh Thái Lan tới Ấn Độ Dương để tham gia nỗ lực mở rộng khu vực tìm kiếm.
Chiếc máy bay đã đi đâu?
Hiện nhiều điều tra viên tin rằng chiếc máy bay đã quay đầu hình chữ U trên Vịnh Thái Lan và đã bay qua eo biển Malacca, ngay trên điểm cực tây của Indonesia.
Các quan chức Mỹ tuyên bố với CNN rằng một số "tín hiệu ping" đã được động cơ của máy bay tự động gửi qua vệ tinh trong nhiều giờ sau khi máy bay mất liên lạc, chứng tỏ MH370 có thể đã bay xa tới tận Ấn Độ Dương.
Một quan chức khác nói với hãng tin AP rằng chiếc Boeing này thực chất không phải truyền dữ liệu qua vệ tinh mà chỉ gửi đi một tín hiệu để thiết lập liên lạc. Hãng Boeing có một dịch vụ vệ tinh có thể tiếp nhận luồng dữ liệu trong suốt chuyến bay về các chức năng hoạt động của máy bay.
Quan chức giấu tên này cho biết hãng Malaysia Airlines không đăng ký sử dụng dịch vụ này, song hệ thống vẫn tự động gửi tín hiệu "ping" đến vệ tinh.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines
Điều đó có nghĩa là MH370 có thể vẫn tiếp tục bay trong nhiều giờ với quãng đường hơn 1.600 km theo hướng ngược lại với hướng bay đã định của nó.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố: "Chúng tôi đang xem xét các thông tin, theo đuổi các đầu mối tiềm năng, phối hợp điều tra với chính phủ Malaysia, và chúng tôi có căn cứ để mở một khu vực tìm kiếm mới."
Ai đã tắt thiết bị thu phát?
Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết các điều tra viên Mỹ tin rằng "đã có sự can thiệp thủ công" nhằm tắt 2 hệ thống liên lạc trên chiếc máy bay MH370.
Chuyên gia hàng không John Nance cho rằng việc hệ thống thông báo dữ liệu bị tắt trước thiết bị thu phát sóng 14 phút chứng tỏ đây là một hành động cố tình.
Nhận định này đã vẽ ra một khả năng đáng sợ là đã có hành động thù địch nào đó trên chiếc MH370, và đó có thể là căn cứ để các điều tra viên xem xét kỹ hơn về nhân thân của các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay.
Đáng chú ý là trong số 227 hành khách có mặt trên chuyến bay này có 20 người là nhân viên của một công ty công nghệ chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn và thông tin liên lạc, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về vai trò của những người này trong việc các hệ thống liên lạc của máy bay bị vô hiệu hóa.
Tàu chiến USS Kidd của Mỹ được điều tới Ấn Độ Dương để tìm kiếm MH370
Nhà chức trách Malaysia ngày hôm qua đã thừa nhận rằng việc họ không thể tìm thấy dấu vết của MH370 sau nhiều ngày tìm kiếm là một "cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ" và cam kết sẽ dốc toàn lực để khám phá điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay.
Trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết nhận định hợp lý nhất của họ lúc này là chiếc máy bay đã quay đầu và có ai đó đã tắt các thiết bị liên lạc của máy bay gần như cùng thời điểm.
Ông Hussein cũng cho biết quân đội Malaysia hiện đang chia sẻ các dữ liệu radar quân sự vô cùng nhạy cảm với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm phát hiện những dấu vết cuối cùng của chiếc máy bay.
Máy bay MH370 mất liên lạc với radar dân sự lúc 1:30 sáng sớm ngày thứ Bảy (8/3) trên Biển Đông, ngay trước khi vào khu vực kiểm soát không lưu của Việt Nam. Sau đó, lúc 2:15, radar quân sự của Malaysia đã phát hiện dấu vết một chiếc máy bay lạ bay ở độ cao hơn 9.000 mét và hướng ra eo biển Malacca, cách đảo Penang 322 km.
Cảnh sát cũng đã lấy lời khai của nhiều người dân ở khu vực Kelantan và Terengganu cho biết họ nhìn thấy một chiếc máy bay bay thấp trong thời điểm từ 1:30 đến 1:45 khi nó bay qua hai khu vực này. Một số ngư dân cũng đã nhìn thấy đèn hiệu của một chiếc máy bay bay rất sát mặt biển.
Tuy nhiên, cho đến nay, mọi nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa đem lại bất cứ manh mối nào về vị trí của chiếc máy bay hiện nay. Mặc dù rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra, song MH370 vẫn đang là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.
Theo Khampha.vn
VN chuyển trạng thái tìm kiếm máy bay MH370 Việt Nam chuyển nhiệm vụ tìm kiếm từ trạng thái "khẩn cấp" sang "thường xuyên", đồng thời giảm từ 9 máy bay xuống 3 máy bay một ngày. 10h15 sáng nay (14/3), Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khẳng định Việt Nam chưa nhận được đề nghị của Malaysia đưa phương tiện sang tìm kiếm ở vùng biển nước họ. Trung...