Malaysia: 3 năm và 2 bí ẩn lớn chưa lời giải
Hôm nay 8/3 đánh dấu tròn 3 năm kể từ vụ máy bay MH370 mất tích. Đến nay, Malaysia vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn này, trong khi tiếp tục đương đầu với một bí ẩn khác – vụ công dân Triều Tiên nghi bị sát hại tại Kuala Lumpur.
Theo bình luận của New Straits Times, hai trong số những bí ẩn gây tranh cãi nhất thế giới đang đặt lên vai các nhà điều tra Malaysia. Một trong hai bí ẩn đó là vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. Vụ việc xảy ra gần 3 năm kể từ sau vụ máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn.
Dù là vụ việc nào, thì có thể nói giới điều tra Malaysia đều đang phải đối mặt với không ít thách thức để tìm ra câu trả lời.
Bí ẩn MH370
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn hôm 8/3/2014. (Ảnh minh họa: AFP)
Hy vọng bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới sẽ sớm tìm được câu trả lời đã nhạt dần khi hồi tháng 1 năm nay giới chức liên quan tuyên bố ngừng chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH370 sau 3 năm ròng dò tìm dưới đáy biển.
Chiến dịch tìm kiếm suốt gần 3 năm tiêu tốn khoảng 160 triệu USD song không tìm ra bất cứ dấu vết khả quan nào của MH370, chiếc máy bay mất tích hôm 8/3/2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh chở theo 239 người. Mặc dù chiến dịch tìm kiếm dưới đáy biển bị tạm ngừng, nhưng giới chức năng tiếp tục mở rộng điều tra. Tại Australia, một nhóm chuyên gia đang nghiên cứu liệu xác máy bay có thể nằm ở phía bắc khu vực đã tìm kiếm trước đó ở Ấn Độ Dương hay không.
Video đang HOT
Hôm 4/3, Bộ trưởng giao thông Malaysia Liow Tiong Lai nói rằng, 85% khả năng chiếc máy bay nằm đâu đó ở khu vực đáy biển rộng 25.000km2 này. Tuy nhiên, điều đáng nói là, các nhà điều tra trước kia cũng từng tin tưởng rằng chiếc máy bay nằm ở vị trí này, nhưng cuối cùng không phải như vậy.
Việc tiếp tục tìm kiếm ở khu vực mới đòi hỏi phải có thêm ngân sách, trong khi đó, Australia, Malaysia, Trung Quốc – những nước chi trả cho đợt tìm kiếm trước – tuyên bố rằng họ không có ý định bỏ tiền cho một chiến dịch tìm kiếm nữa nếu không có bằng chứng về vị trí chính xác của chiếc máy bay.
Do vậy, ngay cả khi đã tìm thấy hàng chục mảnh vỡ nghi là của MH370 song công cuộc tìm kiếm lời giải đáp cho bí ẩn này sẽ vẫn là một thách thức không nhỏ với Malaysia.
Vụ công dân Triều Tiên bị sát hại
Cảnh sát Malaysia gác bên ngoài đại sứ quán Triều Tiên hôm 7/3. (Ảnh: Star)
Một người đàn ông Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol bị cho là đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. Cảnh sát Malaysia đã bắt giữ một số nghi can bị nghi có liên quan đến cái chết này, tuy nhiên sau gần 1 tháng, Malaysia vẫn chưa tìm ra lời giải đáp trong khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Triều Tiên.
Giới điều tra Malaysia tin rằng người đàn ông bị sát hại là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuy nhiên chưa thể đưa ra bằng chứng khẳng định hay ít nhất cũng gặp khó khăn trong việc xác minh khi người nhà nạn nhân chưa trình diện.
Thách thức điều tra chưa dừng lại ở đó, khi Malaysia cho rằng ít nhất 2 trong số 8 nghi phạm có thể đang lẩn trốn trong đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur, mà việc đột kích để bắt giữ nghi phạm tại đây là không thể. Cảnh sát Malaysia tuyên bố họ sẵn sàng chờ 5 năm cho đến khi nghi phạm chịu xuất đầu lộ diện. Hai nghi phạm này được cho là bí thư thứ hai của đại sứ quán Triều Tiên – người được quyền miễn trừ ngoại giao – và một nhân viên hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo.
Trong khi đó, giới luật sư cho rằng, Malaysia khó lòng bắt giữ 4 nghi phạm Triều Tiên khác được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng ngay sau vụ việc ở sân bay Kuala Lumpur. Malaysia có thể sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ của Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), ông Nair nói.
Không bắt giữ được những nghi phạm này, việc xét xử hai nữ nghi phạm mà Malaysia buộc tội mưu sát công dân Triều Tiên sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bằng chứng mà cảnh sát nước này thu thập được.
“Nếu thiếu bằng chứng, hướng giải quyết vụ việc sẽ trở nên mong manh. Trong khi hai nữ nghi phạm nói rằng họ bị lừa, thì Malaysia phải tìm ra được động cơ thực sự trong vụ án này là gì”, luật sư Nair nói. Luật sư cũng nhấn mạnh thêm nếu phía Malaysia không chứng minh được động cơ thực sự, các nghi phạm có thể chỉ bị khép tội ngộ sát với án phạt 2 năm tù hoặc có thể chỉ cần nộp tiền bảo lãnh.
Minh Phương
Theo Star
Malaysia siết chặt biên giới, kiểm soát công dân Triều Tiên
Malaysia đang tiến hành các biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ tại các khu vực biên giới giữa nước này với Thái Lan và Singapore nhằm đảm bảo không có bất kỳ công dân Triều Tiên nào có thể lọt ra ngoài.
Cảnh sát Malaysia đứng gác tại chốt an ninh trên tuyến đường ở bang Perlis gần biên giới với Thái Lan (Ảnh: CTV News)
CNA dẫn lời ông Mohd Amir Othman, người đứng đầu Văn phòng Quản lý nhập cư của bang Perlis - nơi tiếp giáp giữa Malaysia và Thái Lan, cho biết các biện pháp thắt chặt an ninh ở khu vực biên giới nhằm kiểm soát các công dân Triều Tiên được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ Malaysia. Đường biên giới ở khu vực Padang Besar, lối ra vào duy nhất giữa Thái Lan và Malaysia tại bang Perlis, thường mở cửa trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Tại thành phố Alor Setar thuộc bang Kedah, Malaysia, Văn phòng Quản lý nhập cư của bang này cũng đang tiến hành các biện pháp thắt chặt an ninh tương tự tại khu vực giáp với Thái Lan. Người đứng đầu Văn phòng Quản lý nhập cư của bang Kedah, ông Zuhair Jamaludin, cho biết việc thắt chặt an ninh biên giới là theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Trong khi đó, Văn phòng Quản lý nhập cư của bang Johor cho biết cơ quan này sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để đảm bảo rằng không công dân Triều Tiên nào có thể rời Malaysia qua khu vực biên giới giữa Malaysia và Singapore. Rohaizi Bahari, người đứng đầu cơ quan này, cho biết các biện pháp siết chặt an ninh biên giới sẽ được duy trì cho tới khi chính phủ Malaysia có chỉ đạo mới.
Triều Tiên hôm nay 7/3 tuyên bố tạm thời cấm tất cả người mang quốc tịch Malaysia rời khỏi nước này vì muốn đảm bảo cho sự an toàn của các nhà ngoại giao cũng như công dân Malaysia trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tục leo thang sau vụ sát hại công dân Triều Tiên tại sân bay Malaysia hồi tháng trước. Chính phủ Malaysia sau đó đã có hành động đáp trả ngay lập tức, tuyên bố cấm các quan chức và nhân viên đại sứ quán Triều Tiên rời khỏi Malaysia.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Malaysia, Triều Tiên đang gặp nhiều "sóng gió" do cuộc điều tra liên quan đến cái chết của công dân Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol hôm 13/2 tại sân bay Kuala Lumpur. Malaysia cho rằng người đàn ông này là Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và có thể đã bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX.
Thành Đạt
Theo CNA
Liên Hợp Quốc kêu gọi Triều Tiên, Malaysia bình tĩnh Liên Hợp Quốc kêu gọi hai nước bình tĩnh sau khi Bình Nhưỡng cấm công dân Malaysia rời khỏi biên giới Triều Tiên. Mohd Nor Azrin Md Zain, tham tán đại sứ quán Malaysia tại Triều Tiên chụp ảnh cùng vợ và con ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Star "Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi khác biệt thông qua giao thiệp...