“Maidan 2″ ở Ukraine: Cuộc chiến của giới tài phiệt chính trị
Trong năm qua, chính phủ Ukraine đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các giới tài phiệt chính trị đầy quyền lực trong cuộc chiến chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền đông. Nhưng tuần trước, một cuộc chiến mới đã nổ ra, khiến chính phủ Ukraine rơi vào thế đối đầu với giới tài phiệt hàng đầu của nước này.
Cụ thể, ngày 25/3, lực lượng cảnh sát Ukraine đã tiến hành bắt giữ 2 quan chức cấp cao thuộc cơ quan tình trạng khẩn cấp ngay tại một cuộc họp chính phủ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình do tình nghi dính líu tới hoạt động tham nhũng cấp cao. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cách chức Tỉnh trưởng tỉnh Dnipropetrovsk ở miền Đông nước này, ông Ihor Kolomoysky – một ông trùm kinh doanh – sau một cuộc tranh cãi gay gắt giữa nhà tỷ phú với chính phủ.
Ông Kolomoisky đã tài trợ cho các tiểu đoàn tiễu phạt của Kiev và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự mở rộng của lực lượng đòi ly khai ở miền đông. Tuy nhiên, sau khi ông Kolomoisky triển khai lực lượng quân sự riêng của mình ở Kiev nhằm ngăn chặn việc chính phủ điều tiết lợi ích kinh doanh của mình, Tổng thống Ukraine đã không có sự lựa chọn, buộc phải sa thải ông.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và ông Ihor Kolomoysky (Ảnh: AFP)
Sự kiện trên là một cuộc xung đột lớn chưa từng có giữa chính phủ và các tập đoàn đầu sỏ chính trị tại Ukraine. Nó có thể là mặt trận quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh cho tương lai của Ukraine. Sergii Leshchenko, một cựu nhà báo điều tra và hiện là một thành viên theo chủ nghĩa cải cách của Quốc hội nước này, gọi đó là giai đoạn hai của phong trào Maidan: “Maidan đã loại bỏ [cựu tổng thống Viktor] Yanukovych, nhưng chưa loại bỏ được hệ thống đầu sỏ chính trị”. Điều này có thể đồng nghĩa với việc cuộc chiến với giới đầu sỏ chính trị diễn ra tại một thời điểm khi Ukraine khó có thể xảy ra tình trạng bất ổn.
Giới đầu sỏ chính trị của Ukraine đã tích lũy được khối tài sản của họ thông qua các hợp đồng tư nhân “mờ ám” trong những năm 1990. Ông Kolomoisky nắm giữ lĩnh vực dầu khí, hàng không, ngân hàng, và các phương tiện truyền thông. Năm ngoái, ông này bắt đầu tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện viên để bổ sung cho đội quân vốn đang rệu rã của Ukraine. Nhờ đó, ông Kolomoisky tiếp tục duy trì được đế chế kinh doanh của mình. Ngân hàng PrivatBank của ông ta đã treo thưởng 10.000 USD nếu bắt được tay súng ly khai và trang bị một số xe thiết giáp cho quân đội Ukraine sử dụng. Vào tháng 3 năm ngoái, ông này được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Dnipropetrovsk.
Những tỷ phú khác về mặt chính thức có vai trò ít hơn ông Kolomoisky trong chính phủ Ukraine, nhưng họ vẫn có ảnh hưởng lớn đối với giới lãnh đạo của đất nước. Việc sở hữu phương tiện truyền thông cho phép họ có vai trò chi phối trong việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng. Một hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ theo danh sách đảng khép kín cho phép người của họ có thể lọt vào quốc hội mà không bị thách thức. Kết quả là, doanh nghiệp và chính phủ không chỉ đơn thuần là cùng tồn tại, họ thường liên kết rất chặt chẽ với nhau.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một thách thức trong mối quan hệ cộng sinh này đã xuất hiện, dẫn đến sự giận dữ từ ông Kolomoisky, liên quan đến cổ phần của ông này trong công ty dầu khí nhà nước UkrNafta. Mọi việc bắt đầu khi Hội đồng Ban Giám sát của công ty dầu khí Ukrtransnafta bãi miễn “tay chân” của ông Koloimoisy là Alexander Lazorenko khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị trong khi Quốc hội Ukraine thông qua dự thảo luật về các công ty cổ phần ngày 19/3, từ đó hạn chế dần quyền kiểm soát của tài phiệt này đối với công ty xăng dầu lớn nhất Ukraine là Ukrnafta. Vài ngày sau một nhóm người có vũ trang, dường như là những người trung thành với ông Kolomoisky, trên một chiếc xe quân sự không biển số, đến và thiết lập rào chắn kim loại xung quanh trụ sở của UkrNafta.
Danh sách một số nhà tài phiệt lớn tại Ukraine (Ảnh: Economist)
Các nhà cải cách của Ukraine đã muốn loại bỏ giới tài phiệt chính trị kể từ khi phong trào Maidan nổ ra, nhưng thành công rất hạn chế. Các nhà hoạt động chống tham nhũng cho biết mức độ hối lộ trong đấu thầu của chính phủ đã giảm từ khoảng 40% xuống 10%. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài của các chương trình cải cách, tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra. Mức độ tham nhũng chỉ giảm đi ở những lĩnh vực mà phương Tây gây áp lực. Ví dụ, năm ngoái, Mỹ đã gửi một tín hiệu bằng cách cáo buộc ông Dmitry Firtash, một nhà tài phiệt người Ukraine nhận hối lộ.
Bà Viktoriya Voytsitska, một thành viên mới trong Quốc hội Ukraine ủng hộ dự luật về các công ty cổ phần cho rằng thay đổi thực sự chỉ diễn ra khi có một “sự cài đặt lại hệ thống, nếu không chúng tôi sẽ chỉ nuôi dưỡng cuộc chiến của những nhà tài phiệt”. Giới tài phiệt đầu sỏ chính trị tại Ukraine không ngừng cạnh tranh với nhau để giành cổ phần trong “chiếc bánh” kinh tế. Ông Pinchuk và ông Kolomoisky hiện đang tranh tụng nhau tại một tòa án ở London (Anh). Tổng thống Poroshenko, cũng là một nhà tài phiệt, đã bổ nhiệm những đối tác kinh doanh và bạn bè của mình vào các vị trí trong chính phủ. Ông cũng đã không giữ lời hứa trong một chiến dịch vận động tranh cử rằng sẽ bán công ty bánh kẹo Roshen của mình.
Rõ ràng là trường hợp diễn ra tại Ukrtransnafta chỉ là một hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến giữa các nhà tài phiệt chính trị tại Ukraine. Ông Kolomoisky gọi nỗ lực của chính phủ nhằm thay thế người quản lý trung thành của mình tại công ty trên là một “cuộc tấn công đột kích”. Nhà quản lý mới của công ty, một cựu sĩ quan trong lực lượng an ninh Ukraine, được bổ nhiệm thay thế mà không có một cuộc cạnh tranh công khai nào. Ông này có mối quan hệ với một thành viên của quốc hội vốn là một trong những đối thủ cạnh tranh kinh doanh của ông Kolomoisky.
Theo Yulia Mostovaya, biên tập viên của tờ Zerkalo Nedeli, có lẽ ông Kolomoisky đã được bồi thường một cách bí mật và các thỏa thuận ngầm có thể bao gồm một suất tái cấp vốn cho ngân hàng PrivatBank hoặc cam kết có sự quản lý trung lập tại UkrNafta và Ukrtransnafta. Nếu Kolomoisky không nhận bất kỳ lợi ích nào, thỏa thuận hòa bình với tổng thống Poroshenko có thể bị phá vỡ và ông ta sẽ tìm cách “phản công”.
Tuy nhiên, theo ông Volodymyr Fesenko thuộc một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Kiev, quá trình “loại bỏ giới tài phiệt” ở Ukraine sẽ “phức tạp và đau đớn”, nhưng ít nhất nó đã bắt đầu diễn ra.
Theo Công Thuận/Economist/baotintuc.vn
Khu vực Dnipropetrovsk có thể ly khai khỏi Ukraine?
Ngày 24-3, tờ Gazeta của Nga đưa tin, không loại trừ khả năng Dnipropetrovsk sẽ tuyên bố ly khai khỏi Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã ký một nghị định bãi nhiệm Ihor Kolomoisky - Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk, một trong những người giàu nhất Ukraine.
Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk, Ihor Kolomoisky - một trong những người giàu nhất Ukraine
Trên Twitter cá nhân, nhà tài phiệt Kolomoisky đăng tải: "Ông không muốn điều đó ... nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".
Trước đó, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, Alexander Zakharchenko đã lên tiếng khuyến khích ông Kolomoisky thành lập nước Cộng hòa nhân dân Dnipropetrovsk để có thể toàn quyền kiểm soát khu vực này.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk, Gennady Korban khẳng định với truyền thông rằng, khu vực này sẽ không tách khỏi Kiev. Nhưng theo tờ Politrussia, lực lượng ủng hộ tỷ phú Kolomoisky tại Dnipropetrovsk đang chuẩn bị tiến hành hàng loạt các cuộc biểu tình.
Động thái này diễn ra sau khi tuần trước, tại trụ sở chính của công ty dầu khí quốc gia Ukrtransnafta đã xảy ra xung đột. Hội đồng quản trị công ty này đã quyết định cách chức chủ tịch hội đồng quản trị của Alexander Lazorenko - người được nhà tài phiệt Kolomoisky bảo trợ.
Nhà tài phiệt Kolomoisky đã dẫn theo người có vũ trang tới Ukrtransnafta, yêu cầu bổ nhiệm lại ông Lazorenko
Sau vụ việc, Tổng thống Poroshenko đã gửi văn bản trách móc chính trị gia Kolomoisky vì đã vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Ngày 25-3, ông Poroshenko đã chính thức ban bố lệnh bãi nhiệm nhà tỷ phú. Ông nói: "Chúng ta phải đảm bảo hòa bình và ổn định. Khu vực Dnipropetrovsk vẫn phải là một pháo đài bảo vệ sự yên bình và quyền lợi của người dân phía đông".
Ngày 24-3, Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk tuyên bố rằng, Kiev sẽ "làm công việc của mình" và chủ động giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị được hỗ trợ bởi các nhà tài phiệt.
Theo ông Yatsenyuk, tỷ phú Kolomoisky đã tích lũy được khối tài sản ước tính khoảng 6 tỷ USD. Ông được cho là một nhà tài trợ cho nhóm vũ trang tại Ukraine (phe ly khai), những người đã có hành vi vi phạm quyền con người tại đông nam Ukraine.
Do đó, sự xuất hiện của ông Kolomoisky tại trong Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hiện tại của đất nước.
Theo Thu Huyền (tổng hợp)
An ninh Thủ đô
Ukraine bên bờ sụp đổ và sự xuất hiện của Maidan 2.0 Kể từ cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10/2014 trở lại đây, truyền thông Ukraine hướng phần lớn sự chú ý vào Nga, "mối đe dọa bên ngoài". Thế nhưng đến một lúc nào đó, người dân nước này sẽ lại hướng sự bực dọc về chính quyền Kiev, vì những bức bách trong cuộc sống. Nền kinh tế Ukraine hiện đang ở...